Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Thời mạt pháp, pháp có mạt ?

Thời mạt pháp, pháp có mạt ?

127
0

Hay nói cách khác, các thức giả thời thượng (trong đó có tôi) sẽ và đã dùng lý trí để phân tích, thậm chí thẩm định lời Phật, nên có sự hiểu lệch, hiểu sai và hiểu cạn. Phật Pháp vốn đại quang minh tạng, lại có thể ví như ngọn đèn mờ dần bởi chính tay con người vặn nhỏ bấc chứ không phải cạn dầu. Đức Phật từng chia mốc thời gian của Pháp như sau: thời Chính Pháp (1.000 năm) – Tượng Pháp (1.000 năm) – Mạt Pháp (10.000 năm)… Theo lịch Đông phương, Thời Mạt Pháp đã qua một ngàn năm đầu tiên.

Như  vậy, thời đại chúng ta đang sống, đang ngồi tại đây bàn về “Bước đi lên của Phật giáo trong thời hội nhập”, chính là Thời Mạt Pháp. 

Thực chất Pháp mạt

Tôi từng viết một truyện ngắn lấy tên Thời Mạt Pháp. 98% số tờ báo tôi gửi đều từ chối  đăng. Một vài tờ có ý đăng thì đề nghị thay tên truyện. Tôi không đồng ý nên giờ nó vẫn là bản thảo. Thực ra, họ đã hiểu sai Thời Mạt Pháp. Trong truyện ngắn này tôi cũng lý giải Pháp mạt chính là do Con Người. Sự vô minh thông qua thân nghiệp, ý nghiệp và khẩu nghiệp đã khiến Pháp mà Đức Thích Ca truyền giảng bị “sử dụng”, vận dụng lệch chuẩn. Kỳ thực dưới ánh hào quang tỏa rạng của Phật, vô lượng chúng sinh vẫn miệt mài trực chỉ nhân tâm, tin vào chính mình tự thắp đuốc, chân trần vững bước trên biển mê.

Trước nhất xin cắt nghĩa vì sao Pháp vẫn viên mãn trường tồn (phần “Mạt Pháp” trong ngoặc kép xin được thưa sau).

Nếu  ánh hào quang của Thích Ca qua gần 3 ngàn năm nay đã mờ, sao vẫn sản sinh ra rất nhiều những vị Sư đắc đạo. Thời Lý – Trần được xem là hưng thịnh nhất của Phật Giáo Việt Nam. Dưới triều Lý, chúng ta có Thiền sư Từ Đạo Hạnh (1072 – 1116); với minh chứng rõ ràng cho thấy vua Lý Thần Tông chính là hóa thân của ông. Thời Trần chúng ta có Phật hoàng Trần Nhân Tông, con người thứ 2 sau Phật đưa ra một thông điệp ngàn đời: ngay cả vua, người ngồi trên đống vàng, ngồi trên thiên hạ, ngồi trên mọi sự hưởng lạc, tức là người ấy tiêu xài không thiếu thứ gì song khó thể… tiêu nghiệp. Chưa nói đến chuyện, vua, cũng là người có nguy cơ lớn nhất tạo nhiều nghiệp lực nhất. Thời hiện đại, chúng ta cũng có vị khiến nhân loại “quỳ gối” trước trái tim vĩ đại ấy. Đó là Thích Quảng Đức. Nhìn ra thế giới, Giáo sư Alexander Berzin (người từng là thông dịch viên cho Đức Đạt Lai Lạt Ma) cho biết, có khoảng một nghìn dòng lạt ma hóa thân đã được xác định. Những vị hóa thân, theo tôi phần lớn đã ra được ngoài tam giới, tức họ đã đắc đạo, đã nhập Niết Bàn và nay nguyện trở lại hướng đạo, cứu vớt chúng sinh. Hay nói cách khác, họ là những đệ tử chân truyền xuất sắc của Phật, nối thêm vào danh sách một vạn hai ngàn vị đắc quả La hán thời Phật còn tại thế (theo Kinh Vô lượng thọ). Chính họ là những minh chứng xương thịt cho thấy: Phật Pháp vẫn nguyên xưa. 

“Mạt Pháp” nên hiểu…?

Phật Pháp thấm nhuần khắp vạn vật cỏ cây, không gì không bao hàm. Bất cứ con người làm gì, nghĩ gì đều nằm trong sự “kiểm soát” của Pháp; nếu không nằm trong sự “kiểm soát” đó, chính đang bị mê lầm dẫn lối. Con người đó dẫu tốt đến mấy, sâu sắc đến mấy, bất quá cũng chỉ là một công dân hạng bét trong quá trình “tiến hóa” thành Phật. Một người Tu luôn khác hoàn toàn với người không tu. Tiền tài danh vọng, tham dục là quả bóng vàng luôn bày sẵn trước nhục nhãn mỗi người. Với người tu họ sẽ quán cho đến khi quả bóng ấy thành quả bóng bay, trương phình và nổ. Cái không. Bình lặng trở lại với chân Tâm. Với người không tu, họ sẽ kiễng chân tìm cách với tay nắm bằng được. Ngay sau đó, sẽ xuất hiện thêm quả bóng vàng khác to hơn nặng hơn, đặt cao hơn, tiếp tục mê dụ người đời. Đây là một trong cụm rễ của gốc Đời khiến “Pháp Mạt”.

Hãy xem: có một người tốt chuyên giúp đỡ kẻ khác. Kẻ được giúp đỡ thoát nghèo, rồi kha khá, rồi giàu, trong suốt giai đoạn phát đạt tịnh tiến ấy hầu như tuần nào cũng đến xin xỏ, người tốt có bực mình không? Đương nhiên. Người tốt sẽ, một là đuổi kẻ lợi dụng lòng tốt đó, hai là tự dời đi chỗ khác.

Dõi  vô chùa chiền. Không phải tất cả song phần lớn người cúng dường đều muốn xin một cái gì đó lớn hơn số vật chất họ cúng, xin thứ mà tiền không mua được (ví như nghiệp nạn họ phải gánh chịu do tự thân tạo tác). Hoặc giả người trắng tay, đến chùa chỉ để quỳ trước tượng Phật xin thoát cảnh bần hàn, xin được trúng số, vân vân. Thiết nghĩ, nếu khoa học chế tạo ra bộ máy điện toán đặt phía sau tượng Phật để thâu âm những lời nguyện; số người xin có được mái nhà khỏi dột để ngồi thiền, để đọc và học Phật, xin được khỏe mạnh để giúp người khác, nguyện cho kẻ thù bớt hại người, thuần tâm dưỡng tính, xin cho không có chiến tranh… sẽ chiếm tỉ lệ quá khiêm tốn so với người xin hàng trăm nghìn thứ liên quan đến thụ hưởng – cái mà Phật không đời nào đáp ứng.

Vậy, xin đưa ra một câu hỏi:

– Có mấy ông Phật an vị trong các bức tượng đặt tại một số điểm tâm linh để “giải hạn” cho con dân?

Bởi chúng ta biết, ngay đến đệ tử giỏi thần thông bậc nhất của Phật, ngài Mục Kiền Liên khi thấy mẹ đội chậu máu đứng trên bàn chông, ông cũng không thể phạm luật nhân quả mang mẹ mình ra khỏi địa ngục. Mà ông phải quay về dương gian – theo lời Phật dạy: nương nhờ thánh lực của 10 phương tăng cộng trú vào ngày lễ tự tứ đồng lòng cầu nguyện, mẹ ông mới được sanh lên cõi trời Đao Lợi.

Tôi không phủ nhận đại lễ cầu siêu, nhỏ hơn là việc thi hành một số nghi lễ trước lúc người quá cố về chín suối. Người có Phật lực cao, họ có thể hướng dẫn linh hồn vững tin đi vào con đường sáng sủa hơn ở kiếp sau. Số người này (nếu có công khai xuất hiện cũng chỉ đếm bằng đốt ngón tay). Việc tụng kinh sẽ động viên cố phật tử thêm phần chánh niệm. Nhưng, nếu như tôi chẳng hạn, chưa hề soi thấu kiếp mình, thì việc tôi tụng kinh sám hối nhiều lúc lại khiến cho linh hồn thêm phần hoang mang lầm lạc. Suốt đời tâm hiểm, lúc chết đâu dễ “nhờ ai” có thể giải nghiệp! Có chăng ở phút hấp hối, nếu họ nhận diện lỗi lầm, hồi hướng nương theo Hương bát nhã, may ra… Ở Tây tạng, nơi được xem là miền Phật tịnh, hiện vẫn tồn tại tục điểu táng, có khi họ chặt khúc người chết cho chim ăn; ở sông Hằng có tục thủy táng (để người tu thấy được sự vô thường của xác thân). Hợp vệ sinh môi trường và nhân văn hơn, Bác Hồ trong Di chúc cũng mong muốn nước ta có nhiều lò thiêu thay vì địa táng. Ngay trong nước, cùng sự chết song ở một số nơi thuộc miền Bắc thường đưa đám trong vòng ba ngày kể cả ngày mất, còn ở phía Nam có nơi người chết “bị” để có khi vài tuần, thối, rữa ra… trên mặt đất! Như vậy trước hết do quan niệm tín ngưỡng. Nếu cứ quy định người mất chỉ nên để trong vòng ba ngày, hãy chọn giờ tốt nhất trong ba ngày đó. Tại sao khổ chủ đợi cho kỳ được ngày giờ tốt nhất mới táng người quá cố thân yêu. Trong lúc người dương hoàn toàn có thể giúp bằng cách làm thật nhiều việc thiện rồi nguyện dành cho người âm. Đó là điều duy nhất, có ích nhất mà họ sẽ nhận được từ chúng ta.

Cúng bái là "trò chơi" cuồng tín của đạo Bà la môn trong xã hội phong kiến Ấn độ. Nguyên thủy Phật không đề xướng đi cúng mà chỉ đến giảng pháp, thọ trai tại gia nếu được mời. Phát sinh việc này cũng không hẳn sai, cái sai ở người thực hiện. Để yên lòng người chết (hay yên lòng người sống), nếu là một gia đình nghèo, nay sẽ không đủ kinh phí cúng cấp. Sự đạo mạo quá mức của một số đoàn cúng khiến người đời dễ liên tưởng đến các chính khách phương Tây hoặc các Tăng lữ phương Đông. Việc này chắc chắn góp một điểm trong sự [hiểu là] Mạt pháp.

Bây giờ xin nói đến cư sĩ. Không ít người tu tại gia, khi đến con cháu chơi, mang nào chén bát xoong nồi riêng. Trong lúc nếu thật tâm đoạn cá thịt (vướng nghiệp sát sanh), chỉ cần chén bát rửa sạch là được. Ở phương diện này đòi hỏi người không tu cũng nên có cái nhìn rộng lượng hơn. Một gia đình ăn chay trường, đã bị hàng xóm dè bỉu “giả bộ nói ăn chay để che đậy tính bủn xỉn keo kiệt”; rồi là “chắc chúng gây tội quá nặng nên mới ăn chay trường…”. Có người cứ gì ăn nấy không khen ngon cũng chả chê dở, liền bị rủa “đã ăn chay còn thèm mặn ngọt", kỳ thực người này đạt đến tâm không phân biệt, một trình độ tâm linh không tồi.

Vài thí dụ nhỏ lẻ kể trên cũng khiến cho Đạo Phật “khó gần” với đời sống xã hội. Ngày xưa Đức Gô ta ma nhận đệ tử ở bất cứ đẳng cấp nào trong xã hội Ấn. Bình đẳng tuyệt đối. Ăn bất cứ thứ gì được cúng dường, ngủ bất cứ nơi đâu, kể cả trong rừng hay trên núi; nó thuần túy phương tiện, hầu như không mấy ai xem trọng. Đoàn giáo sĩ lên tới con số hàng ngàn của Buddha xưa hoan hỷ an cư trong khu rừng của hoàng tử Jeta xứ Kosala trao tặng. Nay người ta xây chùa bạc tỉ chỉ là nơi an trú cho khoảng chục người. Việc này đặt lên vai những nhà chuyên tu trong chùa đó gánh nặng nghìn vạn cân, khi không những tu cho chính họ mà còn phải cấp đức cho những thí chủ đã đến cúng dường… 

Vài thiển nghĩ từ một cư sĩ

Phần lớn cư sĩ đều có một gia đình cần lo lắng, một số nợ cần trả, một sự nghiệp (đã lỡ mang vào) cần hoàn thành ở mức tương đối… Làm việc, âu cũng rất cần thiết cho sự khảo nghiệm tâm tính. Đời là trường tu. Có thể rất khập khiễng (như Lê Nin đã nói mọi so sánh đều khập khiễng), song tôi vẫn thường hình dung xã hội như một chiếu bạc (đây chỉ nói chiếu bạc nhỏ lẻ, đánh mang tính giải trí của mấy ông mấy bà nhàn rỗi). Cũng chừng ấy tiền, người này thua, tức tiền vào người kia. Tiền ấy không mất đi. Người ăn nhiều thì sẽ có người thua nhiều, hoặc đa người thua để dồn vào một người. Và lâu lâu lại có người phủi đít đứng dậy, có người khác thế vào – lợi tức ở đây chính từ sự sinh sôi/hao hụt ảo.

Chiếu bạc kia hiểu theo xã hội học, chính là kinh tế. Vậy nên mới ý kiến:

– Nếu ai cũng tu thì kinh tế  xã hội này sao phát triển?

Xin trả lời: Xã hội loài người đang phát phì bởi tích quá nhiều nghiệp; giống như một người ăn quá nhiều thịt, không thể cưỡng. Kiểu như Tần Thủy Hoàng đòi hỏi thuốc nôn, nôn ra những thứ vừa ăn để tiếp tục thưởng thức nhiền món khác. Tôi còn nhúng tay vào việc đời nghĩa là còn làm tổn hại đến nhiều người. Còn, người tu chân chính khác, ít nhất họ sẽ không đụng chạm đến lợi ích của ai, đã là quý lắm rồi. Người ta làm một tháng 3 triệu, họ phải chi cho bản năng hưởng thụ mất 2 triệu. Một người tu tháng chỉ 1 triệu song bản thân chỉ cần năm trăm ngàn đã sống tốt sống khỏe. Xã hội đang phát triển theo hướng “3 triệu” đó. Mà, ít nhất 90% của hưởng thụ là tạo nghiệp.

Tu là để giải thoát khỏi luân hồi sinh tử, để  đạt Niết Bàn. Nhiều người không học Phật cứ cứng nhắc Niết Bàn ở tít tận mây xanh. Xa quá. Niết Bàn – từ tia nhìn gần và thô nhất là đạt đến Tâm Bình Lặng giữa xô bồ trần tục. Vẫn có ý kiến khác:

– Giải thoát để làm gì?

Câu hỏi này có đáng trả lời. Có những việc nguyên gốc đúng, thì nay, do sự “phát triển” của xã hội nên thành sai; cũng giống như 5 người tỉnh trong 100 người điên, thì phần điên được gán cho 5 người kia. Cũng vậy, ăn chay vốn là việc tốt, nay người đời cho là thiếu khoa học, “sai”. Trong Kinh Lăng già, Đức Phật “quan sát thấy tất cả thịt mà chúng sanh ăn đều là thịt người thân của họ”. Thì đó chính là “ăn mạng” (mà nay được gọi trại đi là “ăn mặn”). Khi xã hội đã trượt phanh như hôm nay, hiển nhiên, ăn mặn chưa hẳn là việc xấu. Nhưng để [chặt đứt sợi xiềng] hướng về cõi Phật một cách nhẹ nhàng thanh thoát, người tu sẽ hiểu ăn mặn là sự đại diện của việc xấu (mà giết chóc là việc ác), vậy nên trước hết người tu giải thoát mình khỏi việc ăn mặn. Hiểu thêm một bậc, Tu, đơn thuần là giải thoát dần khỏi những việc xấu.  

Ai sinh ra, hữu ý hay vô tình đều đã nhờ vào ánh sáng mặt trời mà lớn lên như chính niềm ân sủng vô biên của Phật Pháp.

                                                                              N.N 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here