Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Cư sĩ Phật tử là ai?

Cư sĩ Phật tử là ai?

92
0

Theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, cư sĩ là: – Người không ra khỏi nhà – Người học theo đạo Phật – Người ở ẩn. Theo Wikipedia tiếng Việt, cư sĩ cũng được gọi là trưởng giả, và có hai nghĩa: – Người dòng họ giàu sang – Người tại gia mộ đạo (Phật). Phần lớn, từ Cư sĩ được hiểu theo nghĩa thứ hai và đồng nghĩa với Cận sự nam (近事男, upāsaka) (ưu bà tắc), Cận sự nữ (近事女, upāsikā) (ưu bà di). Cư sĩ là một danh từ chỉ người theo đạo Phật nhưng vẫn giữ đời sống thế gian, đã quy y Tam bảo và giữ năm giới.

Theo Hòa thượng Thích Trí Quang trong bài “Người Phật tử tại gia”:

“Trong giáo lý Tiểu thừa, người tại gia chỉ được Dự lưu quả. Từ Thánh quả Nhất Lai lên đến Bất Lai và Vô Sanh thì phải xuất gia mới tu chứng được. Tuy vậy, địa vị người tại gia cũng không phải không quan trọng, vì dầu ở trong dục lạc mà cũng có thể “thấy được dấu vết của giáo lý”. Cũng trong giáo lý Tiểu thừa, người tại gia giúp đỡ cho người xuất gia đủ điều kiện để truyền bá chánh pháp. Pháp bảo và Tăng bảo tồn tại được là nhờ người tại gia hộ trì. Như vậy, hiển nhiên, địa vị người tại gia là địa vị cần thiết và quan trọng đối với giáo lý Tiểu thừa.

Ðối với giáo lý Ðại thừa, sự quan trọng ấy lại càng rõ rệt, vì nếu một người tại gia như giáo lý Tiểu thừa trên mà có phát bồ đề tâm thì tức gọi là tại gia bồ tát. Chỗ khác nhau sâu sắc nhất giữa Tiểu thừa và Ðại thừa, là Tiểu thừa quan niệm sự xuất gia tự nó là một cứu cánh rồi, nó thoát ly hẳn những tâm niệm và những hành vi liên hệ với thế gian, nên kết quả, được địa vị La Hán là đã thấy hoàn toàn. Ðại thừa khác, giáo lý Ðại thừa quan niệm rằng Phật Đà mới là giai đoạn tuyệt đích của sự giác ngộ, nên đạt đến đó, tại gia hay xuất gia là những phương tiện đều quan trọng trong mỗi trường hợp của nó. Cho nên xuất gia hướng thượng, tại gia thiệp thế, tuy bên trọng bên khinh hiển nhiên như thế, nhưng cái tâm chí mong cầu Ðại Bồ Ðề và cái trách nhiệm giữ gìn chánh pháp vẫn như nhau. Vì vậy, nếu người tại gia mà phát Bồ đề tâm, xác nhận và phục vụ trách nhiệm “Hộ pháp” của mình thì cũng được gọi là tu tập Bồ tát hạnh và sẽ trở thành quả vị Phật Đà. Trong trường hợp nầy, địa vị của người tại gia mới thật quan trọng với tất cả cái nghĩa của chữ ấy đúng như ý muốn của đức Phật.”

Theo Wikipedia tiếng Việt, nhiều Bồ Tát trong Đại thừa ẩn dưới đời sống của một cư sĩ tại gia thông thường. Ví dụ tiêu biểu có lẽ là cư sĩ Duy-ma-cật trong bộ kinh Duy-ma-cật sở thuyết.”

Từ  những nguồn trên, kết hợp với hiểu biết thực tế  từ lâu nay, tôi xin tạm hiểu đơn giản: Cư sĩ Phật tử là người theo đạo Phật mà vẫn giữ đời sống thế gian, và đã thể hiện nếp sống tu tập ngay ở vị trí tại gia, chứng tỏ ít nhất cũng đã quy y Tam Bảo và hành trì năm giới.

Vào thời Đức Phật, những đệ tử của Đức Phật gồm đầy đủ tứ chúng: tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di; như thế hai thành phần sau, gộp chung là cư sĩ, đã có từ buổi ban đầu của đạo Phật, và tứ chúng tồn tại và phát triển cho đến ngày nay, như là tổng thể không thể tách rời của những người con của Phật.

Tuy nhiên, về mặt tu tập, đã sống cuộc sống thế gian, thì phần đông cư sĩ chấp nhận hành trì một cách tương đối, thời gian tu tập lại hạn chế, cho nên cư sĩ là thành phần đông đảo, lại là những người dễ dãi nhất về việc giữ giới – dầu cho giới không nhiều lắm -, cũng như việc học tập Phật pháp.

Lấy một hình ảnh đơn giản: tôi xin tượng trưng khối những người theo Phật giáo là một hình tròn lớn, trong đó hạt nhân là hình tròn nhỏ đồng tâm màu vàng (màu của Phật), tượng trưng cho hai chúng là tỳ  kheo tăng và tỳ kheo ni, phần còn lại của hình tròn lớn tượng trưng cho hai chúng còn lại, trong đó, gần với hình tròn hạt nhân là thành phần cư sĩ màu vàng nhạt hơn, và càng xa vòng tròn hạt nhân thì màu vàng càng nhạt hơn nữa, tượng trưng cho khối những người theo đạo Phật bình thường, mà ta thường quen gọi là Phật tử.

Vậy thì, cư sĩ là ai? Phật tử là ai?

Từ  cư sĩ, trong dân gian, ít người biết đến, trong khi từ Phật tử thì quá phổ biến, với ý nghĩa là người theo đạo Phật bình thường, không kể người xuất gia. Phật tử có thể là vị tu tại gia thuộc kinh nhật tụng, ăn trường trai, làm nhiều Phật sự; Phật tử có thể là bác gia trưởng Gia đình Phật tử, Phật tử có thể là người chú tâm tu Bát quan trai, Phật tử có thể là nghiên cứu Phật học với tâm chí thành theo Phật; mà Phật tử vẫn có thể là người tự nhận là Phật tử cho dầu chưa quy y, hoặc là người chẳng ăn chay, hoặc là người có thiện tâm, chỉ nghĩ đơn giản là ở hiền gặp lành…

 Dân gian thì nhìn nhận Phật tử như tôi nói  ở trên, chứ nếu chính danh một chút, nhiều người vẫn cho rằng: đã là Phật tử thì phải vững vàng niềm tin của người con Phật bằng cách trước hết tự nguyện quy y Tam bảo và giữ năm giới. Như thế, cư sĩ Phật tử là một Phật tử chính chắn, và cảm nhận về đạo Phật đi xa hơn chuyện ở hiền gặp lành, không ba phải như: đạo nào cũng tốt vì đạo nào cũng khuyên làm lành tránh dữ, và không rơi vào kiểu lập luận mọi sự quy về Thượng Đế vì “Thượng Đế sáng tạo ra muôn loài!”…

Người cư sĩ Phật tử thể hiện trong cuộc sống, như lời dạy của cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa (http://www.buddhismtoday.com/viet/batdau/gioi-13-bonphanPhattu.htm):

“Phật tử luôn luôn cố gắng trau dồi đức hạnh, tu tâm dưỡng tánh, để cho thân tâm được an lạc, thanh tịnh, hầu hưởng được hạnh phúc trong hiện tại và bước lên đường giải thoát trong tương lai.”  “Phương pháp tu hành mà một Phật tử tại gia quyết tâm thực hiện là: giữ Ngũ giới, tu Thập thiện, sám trừ các phiền não, chuyên tâm niệm Phật, phát tâm từ bi tế độ. Có như thế thì mới có thể vượt ra khỏi kiếp người, bước thêm một bước dài trên con đường giải thoát.”

Ngoài bổn phận đối với tự thân, cố Hòa thượng còn dẫn kinh Thiện Sanh để khuyên bảo Phật tử những bổn phận đối với gia đình quyến thuộc (con đối với cha mẹ, cha mẹ đối với con, vợ đối với chồng, chồng đối với vợ, bà con thân thuộc,…), bổn phận đối với người ngoài gia đình (trò đối với thầy, thầy đối với trò, tín đồ đối với chư tăng và thân hữu). Riêng đối với chư tăng và thân hữu, tôi xin trích dẫn:

   a) Phải hết lòng thành thật đối với chư Tăng và thiện hữu tri thức.

    b) Phải cung kính và vâng lời dạy bảo của quí vị  minh sư và các thiện hữu.

    c) Phải chăm chỉ nghe lời giảng dạy của các vị Tăng già đức độ, thẩm xét cho kỹ lưỡng rồi như  pháp mà tu hành.

    d) Phải cầu học với chư Tăng và thiện hữu những chỗ bí yếu về đạo lý  mình chưa hiểu.

    e) Phải cầu thỉnh các vị minh sư chỉ dạy cho mình những pháp môn cần yếu, như "tham thiền", "niệm Phật" để ngày đêm chuyên tâm tu trì, không gián đoạn.

Ngày nay, xã hội đã thay đổi nhiều vì đã chuyển qua thời đại công nghiệp hóa, tiến lên hiện đại hóa, nhịp sống nhanh, con người kiếm sống vất vả, mọi người trong gia đình ít có thời gian sum họp và rảnh rỗi để chuyên tâm tụng niệm, đi chùa nhiều như trước; tuy thế, chính lối sống nhanh và đời sống công nghiệp khô khan làm cho con người có khuynh hướng tìm nơi chốn thư giãn, dầu là ngắn ngủi, cho bớt stress và cho đời thêm ý nghĩa. Trong khi ở phương Tây, thiên hạ tìm đến các trung tâm thiền, các khóa tĩnh tâm, thì ở ta, chùa ở rất gần, chùa trong tình tự dân tộc, chùa trong tàng thức mỗi người, phải chăng chùa là môi trường tâm linh cân bằng với cuộc sống hối hả, vô vị ngoài xã hội?

Trong bối cảnh đó, được làm một người con Phật để an lạc và tự chủ là một hạnh phúc vô  cùng lớn lao. Từ đó, tôi nghĩ đến vai trò của người cư sĩ Phật tử, mà phần chính là nhiệm vụ hộ pháp, và xin nêu một số ý kiến:

Tất nhiên, thời nào cũng vậy, cư sĩ Phật tử càng ngày càng tinh tấn tu tập, theo cách chọn của mình, và cùng học hỏi với đồng đạo, với thiện tri thức, và nhất là gần với bậc tu hành để học tập và trau dồi chánh pháp. Hoạt động hoằng pháp của giáo hội đã rất hiệu quả với nhiều lớp tu học, các khóa tu Bát quan trai, các buổi giảng pháp cho đại chúng. Trong cuộc sống bận rộn và phức tạp hiện nay, nhiều cư sĩ rất khó học các khóa này, mong sao họ đến chùa, được đàm đạo, được nghe thầy cô giảng pháp một cách tự nhiên và được thầy cô giải đáp về giáo pháp và tu tập, thì tâm đạo của họ được khai thị và cuộc sống thêm an lạc. Như vậy, phải chăng mỗi chùa đều tích cực làm nhiệm vụ hoằng pháp? Chúng ta đừng quên nhiều sinh viên là những cư sĩ mới, mầm đạo mới hé tươi nguyên, rất dễ tiếp nhận chánh pháp theo cách này.

Mỗi người cư sĩ Phật tử ở bất cứ cương vị nào, đều thể hiện nếp sống đạo, đem đạo vào đời: hòa đồng với mọi người, làm việc tốt vì sự nghiệp chung; giữ gìn thân, khẩu, ý, giữ năm giới, tâm từ bi, biết vừa đủ, không làm láo báo cáo hay, không chuộng hư danh, không bè phái, không tranh chấp địa vị…

Mỗi người cư sĩ Phật tử làm Phật sự theo hoàn cảnh của mình. Từ việc bố thí, cúng dường, tụng kinh, đến việc góp phần xây chùa, đúc tượng, in kinh sách, rồi việc từ thiện, nhân đạo, góp phần vào tổ chức nhân sự trong đạo, làm công quả cho chùa… cho đến dạy con chắp tay vái đảnh lễ các vị xuất gia… không biết bao nhiêu Phật sự, cho nên ai ai cũng làm được Phật sự, như lời dạy của Hòa thượng Thích Trí Quang, trong sách “Tâm ảnh lục”: “Việc đạo tuy có việc rất to, có việc rất nhỏ, nhưng không phải vì cái lượng to, nhỏ bề ngoài, mà cốt cái phẩm bên trong. Vì đạo mà làm, cái phẩm chất của việc Phật sự là ở đó. Cái phẩm chất ấy có thì, như Đức Phật đã dạy, việc làm của ta lớn nhỏ gì cũng là việc Phật sự cả” Nếu vì đạo mà làm, thì “xây chùa, tô tượng, đúc chuông” là những Phật sự, đem lại phước đức lớn thì việc phổ biến văn hóa Phật giáo, xây dựng và phát huy các trung tâm văn hóa Phật giáo, tổ chức các hoạt động văn hóa Phật giáo cũng là những việc Phật sự, đem lại pháp lạc cho nhiều người trong thời đại tri thức ngày nay; mà đây là những Phật sự chưa được nhiều người quan tâm lắm. Vì vậy, thiết nghĩ việc cúng dường về hoạt động văn hóa Phật giáo, giáo dục Phật giáo, cụ thể trước mắt là giáo dục mầm non, từ tham gia nhân sự, đến công sức trí tuệ lẫn ủng hộ tịnh tài đều là những Phật sự rất nhiều ý nghĩa, song song với những hoạt động đa dạng khác.

Toàn bộ những hoạt động Phật giáo đều do tứ chúng chung sức, chung lòng làm nên; không đặt thành vấn đề chúng nào quan trọng hơn chúng nào. Lâu nay, những công tác của giáo hội như xã hội, từ thiện, văn hóa, giáo dục, kinh tế… cư sĩ Phật tử đều đã góp phần chung lo, ngay cả phương diện hoằng pháp, vai trò của cư sĩ là cần thiết và đều khắp. Nếu việc hoằng dương giáo pháp của đức Phật là công việc chính của các bậc xuất gia, thì ơn mưa pháp mà cư sĩ hưởng được, cần san sẻ mọi nơi từ trong gia đình, đến quyến thuộc, bạn bè, đồng sự… vì cư sĩ là người tại gia, sống với mọi người, buồn vui có nhau, nhất là cư sĩ vốn có tâm Phật lại có tầm trí tuệ, sẵn sàng chia sẻ niềm vui tri thức với nhiều người, phổ biến sách báo Phật giáo đến bạn hữu. Ngày nay, giáo hội đang rất quan tâm đưa ánh sáng Phật pháp đến những địa bàn khó khăn, vùng xa, vùng núi, và chúng ta rất vui mừng với những kết quả đạt được với nhiều ngàn người dân tộc quy y, những chùa, khuôn hội đã đứng chân ở những nơi đó, thành tựu này chắc chắn có sự góp phần lớn lao của cư sĩ, bên cạnh các vị xuất gia.

Để có được như ngày hôm nay, cư sĩ Phật tử thấm nhuần ơn sâu: ơn Phật và các vị Bồ Tát, ơn thầy, ơn Tổ, ơn đất nước, dân tộc. Ngẫm lại, Phật giáo Việt Nam đã bắt nguồn từ đã hai ngàn năm, đã vô cùng hưng thịnh suốt hai triều đại Lý Trần với quốc sư Vạn Hạnh lỗi lạc, với vua anh minh Trần Nhân Tông cũng là vị xuất gia Hương Vân Hạnh Đầu Đà, sơ tổ của Thiền phái Trúc Lâm, với những vị đại cư sĩ như vua Lý Thái Tổ, vua Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ… chúng ta luôn luôn tâm niệm sống đúng chánh pháp, xiển dương đạo Phật, rõ hơn là đạo Phật của con người Việt Nam với truyền thống, bản sắc và tự hào chính đáng. Đạo không thể tách rời đời, đạo làm cho đời thăng hoa những giá trị tinh thần và tâm linh, như hoa sen vươn lên khỏi bùn và tỏa hương. Để giữ đúng chánh pháp, xin mọi người đừng đem những biến tướng trong những hoạt động gọi là “tâm linh”, những mê tín dị đoan, những thứ dựa hơi Phật giáo vào nơi chốn tôn nghiêm, ngay cả ở gia đình. Ngược lại, sao chúng ta là những cư sĩ Phật tử mà không tự nhận trước mọi người, sao chúng ta không dâng niềm vui cùng với mọi người trong đại lễ Phật đản bằng hình thức giản dị như treo đèn, ảnh Phật, kết hoa?

    o0o

Có  thể có nhiều ý kiến về vai trò  của cư sĩ trong tổ chức giáo hội các cấp: phải chăng cư sĩ chưa có vị trí tương xứng, và chưa được quan tâm đúng mức? Đó có thể là một tồn tại trong một giai đoạn nào đó, tuy nhiên, nếu một cư sĩ có đạo tâm, có tài năng, thì cơ duyên sẽ có đất dụng võ. Điều tối cần thiết, theo thiển ý, là vai trò lãnh đạo, là uy tín, sức sáng tạo và tầm ảnh hưởng của các cấp giáo hôi, là năng lực dùng người phù hợp với yêu cầu của thời đại hội nhập và phát triển, mà vẫn luôn luôn tỏa sáng chánh pháp.

      C.H.H

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here