Từ bao giờ Thầy là thầy của tôi? Lúc nhỏ, tôi đâu dám bước chân vào chùa Từ Đàm to lớn thế? Chùa của tôi lúc đó là Kim Tiên, nơi tôi thường theo mẹ tôi đến thắp hương trên mộ những người thân. Lên Kim Tiên phải đi qua Từ Đàm, nhưng đó là thế giới của “các bác”, của “giảng đường”, của “ban trị sự”, không phải thế giới của tôi, đứa bé đi chùa chỉ cốt làm vừa lòng mẹ.
Bỗng nhiên tôi nhảy vọt một bước từ bờ bên này qua bờ bên kia. Chưa là “bác”, tôi bỗng thấy mình được ngồi hầu trà các bậc Thầy lớn ở Từ Đàm, lại còn được ngồi cùng bàn trai tăng, ăn ké dĩa hột Bùi mà sau này tôi mới biết đó là món ăn quý của các thầy ở Huế, dù chỉ là trái cây ướp muối. Buổi tối, trời nóng, tôi được ngồi góp chuyện với các bậc trưởng thượng ngoài sân, ngồi khá gần để “dạ” và “thưa” nhưng khá xa để không dám hưởng làn gió mát cực lạc từ cánh quạt của chú tiểu đứng hầu sau lưng.
Như vậy Thầy là thầy của tôi từ Thuở Từ Đàm là trái tim của Phật giáo hồi sinh? Chắc cũng đưa phải, bởi vì Thầy tôi hiền hòa, ít nói, mà thời thế lúc đó đòi hỏi một cặp mày quắc thước, một giọng nói sang sảng. Thành phố lúc đó ào ào tiếng quân đi, ngựa hý; Thầy tôi như người ngồi vót tre giữa đường: có ai từng thấy người ngồi chẻ lạt mở miệng nói chuyện phiếm bao giờ đâu? Người chẻ lạt rành nghề nhắm mắt vuốt tre cũng được, nhưng bao giờ cũng chăm chú như để hết tâm can vào đường dao. Lúc đó, tôi thích nghe tiếng ngựa hý hơn là ngồi nhìn đường dao của Thầy tôi chứ! Vậy từ bao giờ Thầy là thầy của tôi?
Ngự lãnh thanh phong, phất diện vấn thùy năng tác Phật
Bình tiền khô mộc, đãi nhân tri ngộ vị khai hoa.
(Gió lành đỉnh Ngự, phơ phất trên mặt hỏi ai hay làm Phật;
Cây khô non Bình, chờ người tri ngộ để nở hoa).
Câu đối đó đâu phải dành riêng cho tôi! Thầy tôi nở hoa cho bao nhiều người tri ngộ, riêng gì mình tôi! Vả chăng, đêm qua cây hãy cò khô trước Ngự Bình, mới ngủ qua đêm hoa đã trắng đầu núi. Hoa trắng lúc nào vậy? Lúc nào Thầy là thầy của tôi? Nửa đêm hay đầu sáng?
Thầy tôi viết rất nhiều, chữ nghĩa đầy bụng, nhưng ít nói chữ. Lần nào về nước tôi cũng ước mong được học thêm vài chữ, nhưng chưa bao giờ được đọc chung một trang sách với Thầy tôi. Thầy ít nói, trò cũng lây tánh thầy. Nhưng hễ Thầy tôi nói chữ nào là tôi ghim chữ nấy kỹ lắm. Có lần ngồi ăn bên cạnh Thầy, tự nhiên Thày nhắc đến một ông tác giả nào đó bên Mỹ viết cả trăm trang sách để chỉ trích Phật giáo chủ trương diệt ngã. Tôi có đọc loáng thoáng đâu đấy rồi chẳng để ý làm gì mất công. Nghe Thầy nhắc, tôi chợt lúng túng, chưa biết trả lời thế nào, ngồi chờ Thầy nhai xong miếng cơm. Xong, Thầy gác đũa, nói: “Có ngã đâu mà diệt?” Tôi vỡ lẽ, thấy mình sao mà dốt thế, loay hoay làm gì cho mệt! Tôi thường học với Thầy tôi những chuyện như thế. Nhưng có gì là chữ nghĩa bác học đâu!
Huống hồ Thầy tôi ăn nói rất bình dân. Sự thực, Thầy không nói “có ngã đâu mà diệt?”. Thầy nói: “Ngã mô mà diệt?” Chuyện triết lý mà cứ nghe nhe chuyện trái bí trái bầu. Chữ “mô”, tuy vậy vẫn còn văn minh, Thầy tôi còn dùng nhiều chữ đặc sệt nhà quê hơn nữa. Có lần tôi hỏi: thì giờ đâu mà Thầy dịch cả bộ luận Đại Trí Độ mấy ngàn trang như vậy? Thầy nói: “rảnh khi mô mần khi nấy”. Rảnh lúc nào làm lúc đó. Chữ làm, nghe đã diễu rồi, giống như khi có ai đến nhà chơi giữa bữa cơm, chủ nhà mời: ăn chưa, làm một chén nhé! Từ làm đến mần, không những quê mà còn nghịch. Dịch mấy ngàn trang chữ Hán mà giỡn như vịt lội dưới ao.
Những chữ địa phương bình dân, quê mùa như vậy, Thầy tôi đưa luôn vào văn chương. Giữa chùa Từ Đàm văn học, khách vào giảng đường gặp ngay câu đối:
Một chút giận, hai chút tham, lận đận cả đời ri cũng khổ
Trăm điều lành, ngàn điều nhịn, thong dong tấc dạ rứa mà vui
Đưa tôi vào đạo Phật như thế với nụ cười tủm tỉm, Thầy tôi đâu cần mở trang sách nào dạy tôi? Vậy từ bao giờ Thầy là thầy của tôi? Từ khi tôi bước chân vào giảng đường chùa Từ Đàm?
Có hai lần trong đời tôi được đứng sau lưng Thầy tôi để hướng về Phật. Lần thứ nhất là khi Thầy đến nhà thắp hương cho thân phụ tôi. Thầy quỳ xuống niệm hương rất lâu, lâu như một tiếng chuông ngân, ngân mãi, ngân xa, xa mãi, không bao giờ dứt. Tôi thương Thầy tôi nên cùng đi theo Thầy trong tiếng chuông, đi mãi, đi xa, xa mãi, như không dừng. Lần thứ hai, tôi đứng sau lưng Thầy niệm Phật trước khi bắt đầu giảng bài ở Học viện. Tôi thương Thầy tôi nên cùng đi theo Thầy trong tiếng nam mô, theo mãi, theo xa, xa mãi, chỉ còn nghe gió thoảng trên mái hiên trống.
Tục đoạn khởi thần chung thức đắc triêm trần bất trước nhãn.
Vinh khô thành mộng huyễn giác lai thế giới tổng duy tâm
(Dứt nối tiếng chuông ngân, một mảy bụi trần không dính mắt.
Tươi khô thành mộng huyễn, rõ ràng thế giới chỉ do tâm).
Đố ai thấy một hạt bụi nào vướng trong tiếng chuông ngân. Tôi nói thấy, chứ không nói nghe, bởi vì lắng nghe theo chuông ngân, rõ ràng ta thấy tiếng chuông đi xa. Đó là cái thấy mà tôi không dùng với mắt, và tôi biết chắc rằng ai cũng có thể thấy như vậy, chỉ cần đi theo tiếng chuông và đừng nghĩ gì khác. Và cũng vậy, ai cũng có thể đi theo hình ảnh một canh cây vơi lá giữa mùa đông, một cành cây đầy lá giữa mùa xuân, đi theo mãi, đi xa nữa, đi tận cùng vào bên trong từng thớ vỏ, đường gân. Trong cành khô đó, bao nhiêu xao động, bao nhiêu giọt sữa, giọt nhựa, gọt mầm, ai bảo nó khô? Trong vài ngày, trong vài tuần, màu xanh sẽ nhú ra trên cành khô: nó khô bao giờ? Trong vài đêm, trong vài sáng, cành tươi kia sẽ không còn chiếc lá, vẫn nó đấy nhưng đâu là tươi? Với con mắt bên ngoài, ai cũng nói tươi khô. Đúng sau lưng Thầy tôi, đi theo tiếng chuông với con mắt bên trong, tươi khô chỗ nào? Đang tươi là khô, đang khô là tươi, Thầy tôi bảo tươi khô chỉ là một, không khác. Giá thử có ai cho mình viên thuốc thần chui vào chăn ấm đánh một giấc chẵn một mùa đông, khi chui ra khỏi chăn, chắc chắn nhánh hoa lê vẫn điểm ba cánh trắng bên cửa sổ trong hây hẩy gió xuân. Có bao giờ hoa khô, có bao giờ hoa tươi?
Thầy tôi triết lý viễn vông chăng? Đâu có! Khi tôi đi theo được tiếng chuông, tiếng nam mô, đi theo cái tươi đang khô, cái khô đang tươi, tôi không còn thấy tôi. Không phải lúc nào tôi cũng thành công đâu nhé! Nhưng đứng sau lưng Thầy tôi thì tôi không thấy tôi. Những lúc như thế, tôi nhẹ nhàng lắm, có chuyện gì bực cũng quên. Thầy tôi bảo: ai quên được mình trong một phút, phút đó là niết bàn, vô ngã là niết bàn. Thầy tôi nói thêm: mình là người thường, cho nên trong một ngày mình chỉ được một phút, vài phút niết bàn, còn đức Phật, Ngài không thấy có ngài nên ngài niết bàn không cùng không tận. Triết lý gì đâu, an vui đấy thôi! Có lẽ cành cây tươi kia cũng biết thế chăng? Có lẽ nó biết nó là mặt trời, nó là nhựa đất, nó là hơi sương, nó là tia nắng, nó là giọt mưa, nó là tất cả những yếu tố đó họp lại chứ nó chẳng có cái gì là nó cả, cho nên nó mới óng ả mùa xuân như thế. Nó niết bàn đấy! Mai mốt, lá rụng, hoa rơi, cây trụi, cành khô. Để làm gì? Để quên mình, để cho mình, để mất mình, để cành khô mới có chỗ đón tuyết tặng áo bông. Nó lại biết bàn! Từ bao giờ Thầy là thầy của tôi? Từ bao giờ Thầy là thầy của tôi? Từ khi tôi học được niết bàn trong vụn vặt đời sống thường ngày chăng?
Nhưng con người không phải là đóa hoa nên tôi lại phải triết lý vặt với Thầy tôi. Đóa hoa nó chỉ nở, chỉ phô sắc thắm. Nó không nói tôi nở, tôi phô sắc thắm. Chuyện của nó làm là nở. Chuyện của giọt sương là long lanh. Chuyện của gió là thổi. Thở thì nói là tôi thở. Nghe thì nói là tôi nghe. Tôi thấy, tôi nhìn đóa hoa. Cái “tôi” nào nhìn đóa hoa vậy? Cái “tôi” nào mà khi vui thì thấy hoa dường như biết cười, khi buồn thì thấy hoa như môi ai héo? Một “tôi’ hay hai “tôi”? Tôi bây giờ phất phơ đầu bạc với tôi mấy chục năm trước tóc bềnh bồng vãng lai trước trường Đồng Khánh là hai “tôi” hay một? Một làm sao được, vì ôi thôi dâu biển quá chừng. Nhưng ai phán đoán vậy? Cái “tôi” nào phán đoán rằng “tôi” này khác với “tôi” kia?
Xuân Diệu có một câu thơ mà tôi thích từ trẻ:
Bâng khuâng chiều ngẩn ngơ chiều
Lòng không sao cả hiu hiu sẽ buồn
Có lẽ ý của câu thơ chỉ muốn diễn tả nỗi buồn man mác, nhẹ nhàng, vô cớ, thứ buồn lãng mạn mélancolique đặc biệt trong thơ văn Pháp thế kỷ 19 mà Xuân Diệu chịu ảnh hưởng đậm đà. Có lẽ chỉ thế thôi, nhưng câu thơ quá đẹp về ngôn ngữ và âm điệu nên tôi muốn lồng trong đó một ý nghĩa rất chủ quan. Ai “bâng khuâng” ai “ngẩn ngơ”? Thi sĩ ưa nhân cách hóa sự vật nên có thể giải thích chính buổi chiều bâng khuâng, buổi chiều ngẩn ngơ: Buổi chiều ngẩn ngơ chính buổi chiều. Giải thích như vậy thì buổi chiều có tâm hồn, buổi chiều nhìn chính mình, nhìn tâm hồn mình. Nhưng giải thích như vậy e thi vị hóa câu thơ nhiều quá. Kẻ “bâng khuâng” và “ngẩn ngơ” là người, là con người nhìn buổi chiều. “Bâng khuâng” và “ngẩn ngơ” như thế sao lại nói “lòng không sao cả”? Tôi cũng biết câu thơ có thể chỉ nói lên một tâm trạng thường tình thôi: lòng không có chuyện gì buồn, nhưng buổi chiều bâng khuâng khiến buồn buồn. Nhưng tôi vẫn muốn tra khảo câu thơ: lòng ai không sao cả? Ai hiu hiu sẽ buồn? Hai “tôi” hay một? Một “tôi” phơn phớt bên ngoài, một “tôi” dễ lay động bên trong?
Tôi ưa ca hát nên muốn mượn một câu hát để nói thêm về câu thơ. Câu hát của Trịnh Công Sơn mà tôi thường nghêu ngao khi nhớ đến thơ Xuân Diệu:
Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
Giật mình nhìn tôi ngồi hát bao giờ
Câu hát đầu gợi ý thơ thứ hai: lòng thật bình yên mà buồn. Nhưng câu hát thứ hai thì làm rõ ý tôi muốn nói. Ai giật mình? Ai nhìn? Ai nhìn chính tôi? Nói rằng tôi giật mình nhìn tôi thì cũng được thôi. Nhưng tôi nghĩ câu hát có ý nghĩa cao hơn thế. Có hai “tôi” trong đó. Một “tôi” kia bất chợt nhìn. Cái “tôi” ngồi hát đã ngồi đó hát từ bao giờ, có mặt ở đó như từ muôn kiếp trước. Cái “tôi” kia, trong chớp nhoáng, giật mình khám phá ra.
Có lẽ tôi phải mượn chuyện thiền để Xuân Diệu ở đâu đó đừng trách tôi chẻ sợi tóc làm tư. Thiền sư Thoại Nham có thói quen nói chuyện với mình. Ông gọi ông như ta gọi vợ con: “Thoại Nham ơi!". Rồi ông tự trả lời: “Ơi!”. Thỉnh thoảng lại gọi: “Thoại Nham đấy hả?”. Lại tự trả lời: “Ừ!”. Mái chùa của ông bé như vỏ nghêu, vậy mà thỉnh thoảng ông cứ sợ lạc. Mỗi lần cảm thấy lạc như thế, ông lại gọi: “Thoại Nham!” và lại ơi: “Ừ, đây rồi!”. Hai người trả lời nhau chăng, hay là một? Một phơn phớt bên ngoài, một thăm thẳm bên trong?
Kim địa tòng lâm cô nguyệt quang hàm không tức sắc
Sơn đầu bảo sát quần loan thúy tỏa cổ do kim.
(Đất báu nâng chùa, trăng rọi ánh vàng không tức sắc
Non cao ngưỡng Phật, núi phơi màu biếng nay giống xưa)
Trăng soi bóng mình trong nước, vầng trăng trong nước có hay không có? Hai vầng trăng hay một vầng trăng? Màu lục của núi nay giống xưa, vậy màu lục đó là một hay hai? Những câu đối của Thầy tôi là những bài thơ thiền xinh như con bướm vùi chui ra khỏi kén. “Nay giống xưa” là một hứng lớn trong văn học thiền. “Giống xưa” là giống cái gì? Có cái gì cứ ở đấy mãi hoài vậy? Mãi hoài như từ thuở mới sinh ra, từ khi núi là núi? Núi màu lục kia cũng có cái “tôi” thăm thẳm của nó chăng? Nếu nó biết nói, chắc thỉnh thoảng trong ngày nó cũng gọi nó đôi lần. “Núi ơi!” Ai thử gọi đi, nó “ơi” cho mà xem. Không chừng nó biết hơn ai hết cái “tôi” thăm thẳm trong tiếng “ơi” mà chúng ta gọi là “khuôn mặt muôn thuở”, là “bản lai diện mục”, là “Phật tính”, là “chân như”, là “không”. Thoại Nham gọi như thế để đừng lạc mất chính mình. Mỗi lần Thoại Nham thấy mình là hai với Phật tính thì Thoại Nham khổ lắm, mà hễ thấy mình là một với Phật tính thì nhẹ nhàng, vui vẻ, thong dong, bình yên, niết bàn. Nhưng làm sao Thoại Nham trở thành một với cái núi màu lục nay giống xưa của ông? Chỉ thế thôi: quên đi, mất đi, bớt đi, vơi đi cái “tôi”, cái danh gọi Thoại Nham hão huyền, bèo bọt, để nghe tiếng “ơi” vọng ra từ chốn rỗng không của muôn đời.
Từ chôn rỗng không…. Thầy tôi viết mấy ngàn trang sách chắc cũng chỉ muốn dẫn tôi đến chỗ đó mà thôi, cái chỗ có ông tiều phu thất học nghe một câu kinh mà ngộ đạo: “ưng vô sở trụ…”. Đừng để tâm đậu vào một chỗ nào cả. Dù một ý nghĩ không có chữ “tôi”, cái “tôi” vẫn nằm ở trung tâm điểm. “Hôm qua, cô Hồng Nhung hát hay quá” là “tôi” nghe, “tôi” thích, “tôi” thấy hay. Đừng để tâm đậu vào chữ “tôi”, lòng đã bớt xao động rồi, nhưng ông tiều phu Huệ Năng hiểu sâu hơn thế ngay khi nghe câu kinh. Ông hiểu: đừng để tâm đậu vào một ý niệm nào cả. Thường ta nói: đừng bận tâm thì an vui. Nhưng làm thế nào để đừng “bận tâm”? Đừng suy nghĩ? Có giây phút nào ta ngừng suy nghĩ đâu? Cắt đứt tư tưởng? Thử cắt đứt đi? Ý này dứt thì ý kía nối, mãi mãi không ngừng, dẫn tâm đi lang thang. Cách hay nhất là cứ để cho nó đi, nhưng đừng vương vào nó, nhìn nó đi, biết nó đi, nó đi đâu mình theo dõi nó, đừng để nó lừa. Thế là mình làm chủ nó. Tôi đau mắt phải, mỗi ngày phải điểm thuốc hai ba lần, mỗi lần cách nhau mười lăm phút. Rồi thỉnh thoảng con mắt trái cũng đau, lại phải điểm thuốc khác, ba bốn thứ thuốc không được lẫn lộn. Ban đầu, sợ nhầm mắt, tôi phải bịt mắt trái. Nhưng sau tôi nghĩ: tại sao không nhân dịp này dỡn với tâm mình chơi. Thế là tôi bắt chước Thoại Nham. Tay cầm bình thuốc, mặt ngửa lên trời, tôi gọi: “Mắt phải ơi!” Tôi “ơi!”. Giọt thuốc rơi đúng bóc vào mắt phải. Mỗi ngày tôi vui chơi với Thoại Nham như thế. Nhưng hễ tôi bận rộn một việc gì đấy, soạn bài, xem đá bóng, giận vợ con, là cái giận, cái lo, cái hồi hộp, cái suy tư nó dẫn tôi đi và tôi quên tuốt Thoại Nham thân mến của tôi cho đến khi giật mình nghe giọt thuốc rơi phóc vào mắt trái.
Thầy tôi nghe tôi giảng giải: “ưng vô sở trú…” như thế này chắc sẽ lắc đầu ngao ngán. Nhưng riêng tôi, mỗi ngày tôi sống hai ba lần cái giây phút đó, lúc tôi cầm bình thuốc, ngửa mặt lên trời, hai ngón tay sẵn sàng ấn vào bình. Lúc đó, tôi biết tôi đang giận, đang hồi hộp, đang lo, đang nghĩ đến đứa con đi chơi khuya chưa về, đang bực mình vì ấm nước vừa sôi tràn lan trên bếp, tôi biết hết, nhưng mặt tôi đã ngửa, tôi nhìn chúng như nhìn mây trôi qua và tôi gọi: “Thoại Nham!”. Rõ ràng tôi nghe tiếng “ơi!” từ trong thăm thẳm của giọt nước rơi vào mắt. Tiếng “ơi!” từ trong rỗng không.
Chắc tôi lại phải mượn chuyện thiền để thưa với Thầy tôi rằng tôi càng ngày càng tin chắc, tin rõ, tin như thấy trước mắt cái chỗ rỗng không đó. Chuyện như thế này: ông sư già Câu Chi có cái thói quen lạ lùng là một khi ai hỏi ông về Phật, ông giơ ngón tay trỏ lên trời, không nói gì cả. “Bạch sự cụ, chân lý cao nhất mà Phật dạy là gì ạ?” Giơ ngón tay, “Bạch sư cụ, Phật với chúng sinh có khác gì nhau không ạ?” Giơ ngón tay. Chẳng ai hiểu gì cả, nhưng ai cũng làm bộ hiểu, vì một ông thiền sư tăm tiếng như thế chắc chắn nhất cử nhất động ắt phải có ý nghĩa sâu xa. Ông sư già đi đâu, ngồi đâu, cũng có một chú tiểu theo hầu đàng sau. Chú tiểu thấy thầy chỉ cần đưa ngón tay lên trời mà thiên hạ phục sát đất, nên học thầy nhanh lắm, ai hỏi chuyện đạo đức cứ việc đưa ngón tay lên trời. “Chú tiểu ơi, nam mô là gì vậy chú?” Giơ ngón tay. Chú giơ ngón tay một hồi như thế thành quen, bây giờ đi đưng sau lưng thầy, có ai hỏi thầy chuyện đạo chú cứ việc đưa ngón tay lên trời. Thế thì một hôm, thầy vô tình xoay lưng bỗng thấy trò giơ ngón tay, bèn hỏi trò: “Chú hiểu đạo thật hả?” Trò thưa: “Dạ thật”. Thầy hỏi: “Phật là gì?” Trò giơ ngón tay. Thầy chụp ngón tay, sẵn cây dao bên cạnh chặt trọn. Trò đau quá, vừa chạy vừa ré. Thầy bắt lại, hỏi dồn: “Phật là gì? “Quen thói mất rồi, trò giơ ngón tay. Nhưng ngón tay không có đó nữa. Chú tiểu ngộ.
Khi chú tiểu giơ ngón tay, chú ý thức rằng ngón tay của chú có thật trong thế giới hiện tượng. Mà đúng là chú có thật! Khi chú tiểu giơ ngón tay đã bị đứt rồi, ngón tay không có trong thế giới đó nữa, nhưng trong tâm chú tiểu, chú thấy rõ ràng ngón tay rỗng không mà chú đang giơ. Trong khoảnh khắc, chú học chữ không, chú học chữ có, và chú dạy cho tôi cái biết từ trong rỗng không. Tôi có thể tưởng tượng ra một rỗng không như thế trong tâm một người ngồi thiền đắc đạo khi vị đó đạt đến mức không để tâm đậu vào một ý niệm gì cả. Chắc tôi sợ ngồi thiền trong kiếp trước nên kiếp này tôi phải mang cái nghiệp đau mắt. Nhưng biết đâu có ngày tôi điểm mắt mà ngộ đạo như ai, có ngày tôi thấy trong giọt thuốc kia mông mênh một cõi không trong đó vầng trăng hiện ra trong vắt?
Cái trống rỗng đó, và niềm an vui trong đó, đố ai nói được nên lời. Cho nên Thầy tôi phải mượn đến thơ:
Tánh lặng đất trời chung một cõi
Tâm không trăng gió trải muôn phương.
Có lần tôi đưa hai câu đối đó cho vợ tôi đọc. Vợ tôi đùa: Thầy biết rõ anh hơn ai hết. Rồi giải thích: Thầy nói: nếu tâm anh không trăng gió nguyệt hoa thì tha hồ hạnh phúc. Hay quá! Thầy tôi thấy rõ ruột gan của tôi từ bao giờ vậy? Từ bao giờ vậy Thầy là thầy của tôi? Bao nhiêu lần tôi nghe Thầy tôi than: Dịch kinh chữ hán thiệt mệt với chữ “không” và chữ “vô”. Giá như Thầy viết: “vô tâm trăng gió trải muôn phương” thì học trò của Thầy thoát khỏi cái oan Thị Kính rồi! Nhưng “vô tâm” làm sao hay bằng “tâm không” để nói cái tâm trong vắt, trên đó không có gì vướng mắc. Trong triết lý thiền, cái tâm trong vắt đó, cái “tâm không” đó, biết hết thảy mọi sự mọi vật, biết đúng đắn sự vật như là sự vật, giống như tấm gương trong đó hiện ra trung thực mọi hình ảnh bởi vì sự vật tự mình là rỗng không.
Vậy thì, Thoại Nham ơi, từ đâu nữa, từ trong rỗng không đấy chứ đâu, Thầy tôi đã là Thầy tôi tự bao giờ.
C.H.T