Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Thầy dạy vẽ Tôn Thất Sa "hiệp sĩ triều đình"

Thầy dạy vẽ Tôn Thất Sa "hiệp sĩ triều đình"

100
0

Nếu có biết đó là thầy Tôn Thất Sa từng dạy trường Quốc Học đi nữa thì cũng ít có người hiểu cuộc đời và hành trạng của thầy như thế nào và thầy đã sáng tác mẫu cho hai công trình đó trong trường hợp nào và được thẩm định giá trị nghệ thuật của chúng ra sao.

1. Hậu duệ của chúa Nguyễn Phúc Chu đi học mỹ thuật để làm thầy hội họa

Nguyễn Phúc Chu (1675 -1725) là ông chúa Nguyễn thứ 6 của xứ Đàng Trong. Chúa có 38 hoàng tử. Ông hoàng tử thứ 5 là Nguyễn Phúc Hải. Cháu nội của ông Hải là Nguyễn Phúc Du (Tức Tôn Thất Du). Ông Du kết hôn với bà Nguyễn Thị Đăng Bích sinh ra Tôn Thất Đề và Tôn Thất Sa (1882 -1980). Như vậy Tôn Thất Sa là cháu trực hệ bốn đời của chúa Nguyễn Phúc Chu.

Nhà ở Vạn Xuân, Kim Long, lúc nhỏ Tôn Thất Sa được học với linh mục Dangelzer. Ông tỏ ra có khiếu về mỹ thuật, nên được gởi qua học hội họa và nặn tượng với linh mục Renaud – Giám đốc Chủng viện Phú Xuân. Chẳng bao lâu sau, Tôn Thất Sa trở thành một họa viên xuất sắc. Đầu thế kỷ 20, người Pháp mở trường Kỹ nghệ Huế (École Professionnelle), Tôn Thất Sa được mời dạy môn kỹ thuật họa. Đến năm 1906, qua một kỳ thi, ông được bổ nhiệm chính thức làm giáo sư hội họa của ngôi trường kỹ nghệ đầu tiên ở Huế. Thầy dạy ở đó cho đến ngày hưu trí (1941). Trong thời gian làm giáo sư thực thụ của trường Kỹ nghệ Huế, thầy còn được mời dạy hội họa cho học sinh các trường Quốc học (từ năm 1920), Đồng Khánh, Bình Linh và trường Nữ Jeanned’ Arc.

2. "Hiệp sĩ Cung đình"

Đầu thế kỷ 20, nhiếp ảnh và kỹ thuật làm bản kẽm để in sách báo chưa phổ biến ở Đông Dương. Minh họa cho các công trình nghiên cứu văn hóa cổ phần lớn phải dùng tranh khắc. Tôn Thất Sa là người thầy của tranh khắc lúc bấy giờ. Ngày nay, đọc ba mươi năm (1914 -1944) tập san "Những người bạn của Huế xưa" (BAVH) chúng ta bắt gặp hàng trăm tranh khắc với ký hiệu TS chồng lên nhau của Tôn Thất Sa và của các học trò của thầy (như Nguyễn Thứ). Năm 1906, BAVH chưa ra đời, nhà Huế học vĩ đại L.Cadière làm công trình nghiên cứu Le Mur de Dong Hoi (Lũy Đồng Hới), ông đã phải vời Tôn Thất Sa từ Huế ra Đồng Hới giúp vẽ minh họa để đăng công trình lên Tập san của trường Viễn Đông Bác Cổ.

Thầy Tôn Thất Sa xuất thân trong gia đình Hoàng tộc. Thầy hiểu giá trị của di sản nghệ thuật mà nhà Nguyễn đã tạo dựng lên cho đất nước này. Cho nên, hơn ai hết thầy thấy có trách nhiệm phải ghi chép lại những cái đẹp để cho những người ở xa được xem, cứu lấy những thứ quý giá mà đang bị thời gian và con người hủy hoại. Nếu L.Cadière có hàng trăm công trình biên khảo về Cố đô Huế thì thầy Tôn Thất Sa cũng đạt đến con số ấy về những hình họa các công trình kiến trúc cổ. Tranh vẽ của thầy gồm cung điện, lăng tẩm, chùa chiền, các mô-típ trang trí long lân quy phụng, áo mão của vua, của ông hoàng bà chúa đầy rẫy trong BAVH (đặc biệt là cuốn L’Art à Hué rất nổi tiếng). Ngày nay, nhờ những tranh vẽ, họa tiết của thầy Tôn Thất Sa để lại, các nghệ nhân làm công tác trùng tu tôn tạo di tích lịch sử, các chùa chiền, miếu mạo có tài liệu để phục chế, giữ lại cái hồn cho dân tộc. Vì thế mà thầy Tôn Thất Sa trước đây đã được Nam triều tặng cho mỹ danh là Hiệp sĩ triều đình và xếp vào bậc Hồng Lô Tự Thiếu Khanh.

3. Nhà tạo mẫu, nhà điêu khắc xuất sắc

Thầy Tôn Thất Sa vẽ và nặn nhiều tranh tượng. Ngày nay các hậu duệ của thầy ra công sưu tập nhưng không tài nào đạt được. Căn cứ vào hồ sơ những lần thầy được giải và những giấy tờ thầy được khen tặng, ta biết được thầy là người nặn tượng Duy Tân triển lãm tại Paris, tượng nhà bác học Pasteur đặt trước phòng thí nghiệm Bệnh viện Trung ương Huế trước đây, tượng Sư huynh Aglibert – người hiệu trưởng đầu tiên của trường Bình Linh ở Huế. Các tranh họa được giải: tranh Lũ lụt ở Bắc Kỳ (Giải nhất triển lãm Hà Nội, 1916); Tem Bưu điện Trung Kỳ (4 giải nhất); Tem Bưu điện Cam-pu-chia (2 giải nhất), Nghệ thuật trang trí cung đình Huế (2 giải nhất tại triển lãm Paris, 1925), Đài chiến sĩ trận vong Hải Phòng (giải ba, 1921). Đặc biệt nhất là đồ án Đài chiến sĩ trận vong ở Huế dựng bên bờ sông Hương đối diện với trường Quốc Học thực hiện vào năm 1920. Đây là một công trình làm dưới thời vua Khải Định để ghi công những người Việt Nam và người Pháp ở Việt Nam đã hy sinh vì sự nghiệp giúp nước Pháp đánh Đức trong Thế chiến thứ nhất (1914 -1918). Đài chiến sĩ trận vong ở Huế xây dựng trong khu Tây (Quartier Européen) trên bờ nam sông Hương như thể hiện được nét đẹp truyền thống của kiến trúc Huế và hài hòa với cảnh quan của trường Quốc học. Tính đến nay hơn tám mươi năm, trên bờ nam sông Hương trước Kinh thành Huế chưa có một công trình kiến trúc Huế nào đẹp một cách ấn tượng như tác phẩm Đài chiến sĩ trận vong của thầy Tôn Thất Sa.

Ngoài vô số tác phẩm về đời, thầy Tôn Thất Sa còn có nhiều sáng tác phục vụ cho tôn giáo như tượng thánh Giuse đặt ở nhà thờ Đốc Sơ và nhiều huy hiệu cho các vị đức Giám mục.

4. Người vẽ lầu chuông trường Quốc Học thế kỷ 20

Thầy Tôn Thất Sa không học trường Quốc Học. Tuy thế thầy có duyên nợ với trường rất sớm. Thầy được mời dạy vẽ tại trường Quốc Học từ năm 1920, nhưng trước đó 15 năm (1905), thầy đã được ông Nordeman (tên Việt là Ngô Đê Mân) – Quản giáo trường Quốc Học, mời vẽ minh họa cho cuốn Kim Vân Kiều mà ông định xuất bản. Đến năm 1916, người Pháp có kế hoạch triệt hạ ngôi trường Quốc Học lợp tranh có từ năm 1896 để xây dựng lại trường mới theo kiểu Tây phương, thầy giáo Eugène Le Bris sợ mất cái hình ảnh gốc của ngôi trường quốc gia Việt Nam đầu tiên học văn minh văn hóa Tây phương ấy nên đã bỏ công viết bài Le Quốc Học và mời thầy Tôn Thất Sa vẽ cái lầu chuông rất đẹp của ngôi trường cũ để đăng vào Tập san Những người bạn của Huế xưa (1916) như ngày nay ta còn được thưởng lãm. Năm 1956, kỷ niệm 60 năm (1896 – 1956) ngày thành lập trường, thầy giáo và học sinh trường Quốc Học đã dựng lại cái lầu chuông cũ bằng gỗ và vải bạt. Lễ xong, nhà trường yêu cầu thầy Tôn Thất Sa thiết kế cho trường Quốc Học một cửa cổng mới. Thầy Tôn Thất Sa (lúc ấy đã 74 tuổi) nhận lời và thực hiện, đến năm 1958 cổng mới xây dựng xong. Cổng trường Quốc Học là một công trình phát huy kiến trúc truyền thống. Dù cửa cổng mới không còn lầu chuông nhưng thầy và trò trường Quốc Học những năm sáu mươi vẫn gọi cổng là "Lầu chuông trường Quốc Học" cho đến ngày nay.

Kiến trúc trường Quốc Học còn thì tên tuổi thầy Tôn Thất Sa còn. Và, cũng như thầy Lê Văn Miến, tên thầy Tôn Thất Sa luôn sáng chói trong buổi đầu lịch sử mỹ thuật Huế – Việt Nam.

N.Đ.X

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here