Tổ THIỆT DIỆU – Liễu Quán: (1667 – 1742):
Tổ Liễu Quán theo tấm bia đá gắn vào bên trong thành phía đông của tháp Ngài ở núi Thiên Thai do một nhà sư xưng là cháu trong đạo (Pháp điệt) tên là Thiện Kế ở chùa Tang Liên Ôn Lăng, tỉnh Phúc Kiến soạn và khắc vào tháng 8 năm Cảnh Hưng thứ 9 (1748) có đôi nét về Ngài.
Ngài là họ Lê, ở làng Bạc Mã, huyện Đồng Xuân, phủ Phú Yên. Ngài sinh vào giờ Thìn ngày 18 tháng 11 năm Đinh mùi, Tây lịch là năm 1667, nhằm niên hiệu Cảnh Trị thứ 5 đời vua Lê Huyền Tôn. Ở Thuận Hóa lúc này là vào đời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687).
Năm Ngài lên sáu tuổi (1672) thì mẹ mất, năm 1673, thân phụ Ngài chấp nhận lời xin của Ngài và đã đưa Ngài đến chùa Hội Tôn cầu học với Thiền sư Tế Viên, đang hoằng hóa tại chùa này (*). Với tư chất thông minh, tâm đạo vững, Ngài thờ Thiền sư Tế Viên làm thầy, và như thế Ngài đã ở hàng “đồng chơn xuất gia”.
Trải qua 7 năm thì Bổn sư Ngài viên tịch (1680). Lúc này Ngài được 14 tuổi và Ngài đã xin phép phụ thân ra Thuận đô “tìm thầy học đạo”. Ngài đã vượt mọi chướng ngại ra Xuân Kinh, một mình theo thuyền buôn đổ bộ vào Tư Dung, rồi lại đi mãi về tận núi Hàm Long, vào lễ Tổ Giác Phong ở thảo am Hàm Long Thiên Thọ, cầu Tổ nhận cho tu học; không hề chấp trước việc ăn ở kham khổ, đạm bạc, chỉ một niềm xả thân cầu đạo.
Ngài được Tổ Giác Phong nhận vào tu học trong một thời gian trên dưới mười năm (2).
Năm Tân Mùi (1691), đã xuống tóc mới được hai năm, Ngài phải trở lại quê hương để nuôi dưỡng cha già bị bệnh.
Gần bốn năm sau, có lẽ vào đầu năm Ất Hợi (1695) phụ thân Ngài tạ thế.
Sau khi lo ma chay cho thân phụ xong thì Ngài trở lại Phú Xuân, để tiếp tục tu học. Ngài đi trong khoảng tháng 3 năm Ất Hợi này. Vì ngày mồng một tháng tư năm đó, chúa Nguyễn Phúc Chu thỉnh Thiền sư Thạch Liêm làm Đường đầu Hòa thượng tại giới đàn Thiền Lâm, thì lúc đó Tổ Liễu Quán đã có mặt để thọ Sa-di giới.
Tính theo năm sinh ghi ở văn bia, lúc thọ Sa di này Ngài đã được 28 tuổi. Sau khi giới đàn viên mãn, Ngài đi tìm một nơi gần các thảo am của chư Tổ thời đó, để ở và tự tu học. Có thể lúc này, Ngài đã vào chân núi Hòn Mô – tức núi Ngự Bình hiện nay, và gặp cái am tranh tại đó. Không phải Ngài dựng am tranh, mà cái am này vốn đã có từ xưa ở chân núi Ngự Bình. Dấu tích am tranh ấy hiện nay là “Linh Tiêu Điện” ở cạnh chùa Viên Thông nguyên. Theo truyền thuyết dân gian vùng Ngự Bình thì am ấy thờ thần núi. Ngài đến và bảo: “Am thờ ai không biết, cho bần đạo mượn để ở tu hành đã”, nói xong, Ngài để bát nhang qua một bên và tôn trí tượng Phật để biến thành “thảo am” của một nhà tu. Đêm đó, toàn dân vùng chân núi Hòn Mô được thần báo mộng là thần phải đi nơi khác, vì có vị Bồ-tát nhục thân quá lớn đã đến mượn nơi thần ở để tu Thiền.
Hai năm sau, tức là năm Đinh Sửu (1697) Ngài trở ra Từ Lâm an trú thiền thất của Tổ Từ Lâm, cầu thọ Cụ túc giới với Tổ.
Năm Kỷ Mão (1699), Tổ Liễu Quán đã rời thảo am Từ Lâm để đi cầu tìm thầy học đạo.
Vẫn theo văn bia này thì Ngài đã đi khắp đó đây trong vùng Ngũ Bình sơn, Lâm Lộc, quyết xả thân cầu Pháp.
Năm Nhâm Ngọ (1702) Ngài “gặp” được Tổ Tử Dung trao công án. Tổ Liễu Quán phải mất đến 5 năm đi tìm tòi, nghe ngóng khắp rừng Thiền Thuận Hóa để “gặp” được vị Thiền Tổ truyền dạy “Pháp tối vi đệ nhất” mới khó khăn đến thế !
Sau khi nhận công án, có lẽ Ngài lập ra một thảo am khác gần chùa Ấn Tôn (Từ Đàm) để về sau trở thành chùa Cát Tường hoặc còn gọi là chùa Viên Giác phía sau Báo Quốc ở vùng Lịch Đợi hiện nay. Nhưng sau đó, tham công án chưa được, Ngài lại trở về Phú Yên.
Nếu Ngài không trở về Phú Yên, thì sao có cảnh “hải cách sơn diêu” tức là “bị biển cách núi ngăn” được? Cho nên, mãi đến mùa xuân năm Mậu Tý (1708), Ngài mới trở ra lại Long Sơn để cầu Hòa thượng ấn chứng. Nhưng lần này, Ngài chưa được ấn khả; nên Ngài lại đi vào một dãy núi xa hơn và cao hơn để lập một thảo am mới; đó là thảo am ở núi Thiên Thai, một hòn núi nổi tiếng nhiều cọp vào các thế kỷ thứ XVII, XVIII tl. ở Thuận Hóa, để tham thiền nhập định. Thảo am đó về sau trở thành chùa Thiên Thai Thuyền Tôn Tự.
Ở thảo am này, Ngài đã xuống vớt rong dưới con suối gần đó để ăn hàng ngày. Cho đến mùa hạ năm Nhâm Thìn (1712), trong kỳ an cư kiết hạ của chư Tăng hai xứ Thuận Quảng tại Thiền Lâm Viện do Tổ Minh Hoằng Tử Dung làm Thiền chủ, thì Ngài mới được ấn khả mà theo thuyết truyền là khi trình Kệ “Dục Phật” lên Tổ sư. Tổ sư hỏi :
– Tổ tổ tương truyền, Phật Phật thọ thọ, vị thẩm truyền thọ cá thậm ma? (Chư tổ truyền cho nhau, chư Phật trao và nhận, chẳng biết truyền, nhận cái gì?)
Sư đáp:
– Thạch duẩn trừu điều trường nhất trượng, quy mao phất tử trọng tam cân (Cành chồi măng đá dài một trượng, Cây chổi lông rùa nặng ba cân).
Tổ liền đọc: – Cao cao sơn thượng hành thuyền, thâm thâm hải để tẩu mã, hựu tác ma sinh? (Đi thuyền trên núi cao, cưỡi ngựa đáy biển sâu, thì thế nào?)
Sư đáp : – Chiếc giác nê ngưu triệt dạ hống, một huyền cầm tử tận nhật đàn. (Trâu bùn sừng gãy thâu đêm rống, Đàn cầm không dây suốt ngày vang).
Chính giờ phút này mà Tổ Liễu Quán đắc ngộ và được truyền tâm ấn; chứ không phải là được truyền tâm ấn vì bài kệ “Dục Phật” vậy.
Ngài Liễu Quán được Tổ Minh Hoằng Tử Dung “truyền tâm ấn” và cho Pháp húy là Thiệt Diệu hiệu Liễu Quán để thành Tổ thứ 35 của dòng thiền Lâm Tế chánh tông, và gọi là Tổ Thiệt Diệu Liễu Quán.
Từ đây một phái Thiền mới thuộc dòng Thiền Lâm Tế đã được khai sáng ở Thuận Hóa gọi là Thiền Tử Dung – Liễu Quán. Phái Thiền này đã được Tổ Thiệt Diệu Liễu Quán biệt xuất một dòng kệ 48 chữ:
實 際 大 道 性 海 清 澄
心 原 廣 閏 德 本 慈 風
戒 定 福 慧 體 用 圓 通
永 超 智 果 密 契 成 功
傳 持 妙 理 演 暢 正 宗
行 解 將 應 達 悟 真 空
Phiên âm:
Thiệt Tế Đại Đạo, Tánh Hải Thanh Trừng,
Tâm Nguyên Quảng Nhuận, Đức Bổn Từ Phong.
Giới Định Phước Huệ, Thể Dụng Viên Thông,
Vĩnh Siêu Trí Quả, Mật Khế Thành Công
Truyền Trì Diệu Lý, Diễn Sướng Chánh Tông,
Hạnh Giải Tương Ưng, Đạt Ngộ Chân Không.
Tạm dịch:
Đường lớn chơn thật, Biển tánh lắng trong
Nguồn tâm rộng thoáng, Gốc đức gió lành
Giới định phước tuệ, Thể dụng dung thông
Trí quả vượt qua Khế hợp thành công
Truyền trao chơn lý Phát triển chính tông
Hành giải tương ưng Ngộ thấu nguồn chân.
Sau đó Ngài đã đi hoằng truyền rộng rãi khắp miền Trung hiện nay và vào cả nhiều tỉnh trong Nam.
Văn bia cũng cho biết Ngài đã thuyết pháp 34 năm “Tứ thập tam truyền y, thuyết Pháp lợi sanh; tam thập tứ tải, tự Pháp tứ thập cửu nhân.” (bốn mươi ba năm truyền y, thuyết pháp lợi sanh, ba mươi bốn năm truyền pháp được bốn mươi chín người.)
Như vậy, là Ngài đã thuyết Pháp lợi sanh và nhận đồ đệ trong ba mươi bốn (34) năm kể từ năm 1708 đến năm Nhâm Thìn (1712), Ngài được Tổ Minh Hoằng Tử Dung trao tâm ấn, thì chùa Thuyền Tôn trở thành một đạo tràng lớn, có hàng vạn đồ đệ tới lui cầu Pháp. Trong đó có hạng tể quan ở phủ chúa Nguyễn, có hạng môn nhân xuất thân từ các đẳng cấp trong xã hội, có hạng nhà Nho cư sĩ, tuy ở nhà, nhưng vẫn thường lui tới đạo tràng Thuyền Tôn để nghe Tổ thuyết Pháp. Thời hừng đông của Pháp phái Thiền Tử Dung – Liễu Quán khởi sự nảy mầm và phát triển rực rỡ mau chóng tại cõi Thuận Hóa Quảng Nam và lan rộng về phía Nam sau này nữa.
Sau khi được “truyền tâm ấn”, Tổ Liễu Quán cứ đi đi về về giữa Phú Yên và Thuận Hóa, mở địa vực hóa duyên rất rộng.
Năm Nhâm Tuất (1742), sáng ngày 12 tháng 11 Ngài thị tịch sau khi di chúc bài kệ thị tịch:
“Hơn bảy mươi năm trong thế giới,
Không không sắc sắc thảy dung thông,
Ngày nay nguyện mãn về nhà cũ,
Nào phải bôn ba hổi tổ tông”.
Tuổi đời thọ được 76. Chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) ban thụy hiệu là Chánh Giác Viên Ngộ Hòa thượng.
Tháp Tổ xây tại núi An cựu ở phía Nam núi Thiên Thai, thuộc huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong thời chúa Nguyễn. Nay, thuộc huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên.