Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Tâm Huế 3

Tâm Huế 3

162
0

– Thưa thiền sư, theo lời của ngài, tôi đã học được tiếng gáy của con gà; mở lòng thật rộng và cúi mình thật thấp để gần gũi với lê dân nhưng rốt cuộc tôi vẫn bị tách rời trơ trọi đứng bên lề. Vì vậy, tôi trở lại đây để xin theo thiền sư học hỏi. Lần nầy chưa tìm ra hướng đi tôi quyết sẽ không xuống núi trở về.

Xin thiền sư nhủ lời chỉ bảo.

Sư Trúc Lâm nhìn dịu dàng vào đôi mắt của người viễn khách, môi mĩm nụ cười mát dượi và bao dung như giọng nói ấm áp thật bất ngờ:

– Thiện hữu, mời người ăn trước đã.

Trí Hải thắc mắc:

– Thưa thiền sư, ba ngày qua tôi đã ăn nhiều bữa và ăn no lắm rồi.

Nhà sư trả lời và nhắm mắt vào thiền định:

– Không! Thiện hữu chỉ gắng nhét cho đầy bụng chứ chưa ăn.

Trí Hải lui về nhà trai khi bữa cơm chay buổi chiều đã được người lão bộc dọn sẵn chờ đợi. So với những bữa ăn hàng ngày thịnh soạn của một ông hoàng thì bữa cơm chay đạm bạc tại một ngôi chùa heo hút trong rừng sâu như chùa Từ Vân nầy trông nghèo nàn một cách tội nghiệp. Trí Hải lặng lẽ ngồi xuống cầm đũa, nhìn chén cơm bốc khói trước mặt và còn nghe văng vẳng lời vọng như chuông vang của nhà sư “Thiện hữu chỉ gắng nhét cho đầy bụng chứ chưa ăn!”. Trí Hải cầm đũa, nhắm mắt hít một hơi dài như muốn tập trung tất cả mọi cảm giác vào cái “ăn”.  Mùi cơm dìu dịu nhẹ nhàng len vào khứu giác và lần đầu tiên ông ngạc nhiên hỏi người lão bộc đứng bên cạnh:

– Cơm hôm nay nấu bằng loại gạo gì mà lại thơm ngào ngạt như vậy?

Đến lượt ông lão ngạc nhiên:

– Bẩm tôn ông, chùa nghèo không có gạo de An Cựu hay gạo Nàng Hương như ở dưới phủ nên phải nấu tạm cơm gạo hẩm. Gạo nầy là gạo xấu nhất trong các loại gạo đó ạ.

Trí Hải gật gù và miếng cơm vào miệng, gắp rau rừng chấm với tương. Ông vừa nhai vừa cảm nhận được vị ngọt và bùi của cơm; vị rau rừng vừa ngọt vừa pha chút chua chua chát chát, rau luộc xanh thoang thoảng như mùi lan núi; những hạt tương đậu nành vỡ ra, mặn mà và ngọt lịm trong từng kẽ răng.

Trí Hải khám phá ra một thế giới nhỏ bé nhưng kỳ diệu trong từng miếng ăn. Ông như một đứa trẻ mới được bú giòng sữa Mẹ Thiên Nhiên lần đầu trong đời. Ông quên mùa đông giá lạnh bên ngoài, quên người lão bộc đứng hầu bên cạnh, quên tất cả những chân trời mơ ước cao xa. Ông nghe được cả những cảm giác run run phập phồng trong thân thể mình đang náo nức đón lấy nguồn sống từ hạt đậu, miếng cơm. Nước mắt ông ứa ra vì biết ơn những bàn tay đã làm ra hột gạo, trân trọng những mạch đất đã nuôi lớn cọng rau.

Người lão bộc dọn dẹp mâm cơm với chén dĩa sạch trơn và nghe Trí Hải nói với bóng mình: “Tội nghiệp mình! Bao năm qua ta chỉ nhét thức ăn cho đầy bụng, bây giờ mới được ăn!”

Sáng hôm sau, Trí Hải đến gặp sư Trúc Lâm. Ông đã hơi quen với không khí tĩnh lặng trong ngôi chùa cổ kính này. Ông không còn thấy khó khăn khi nói với nhà sư như nói với một bức tượng:

– Thưa thiền sư, tôi đã ăn và đã hiểu lời dạy của ngài: “Có thì có tự mảy may. Khi không cả thế gian này cũng không.”

Sư Trúc Lâm lại mỉm cười. Nụ cười trong sáng và dễ dãi quá, không ẩn chứa một gợn phê phán, khen chê. Nhà sư hỏi Trí Hải, giọng vô tư nhưng tha thiết như nó với một đứa trẻ lạc đường:

– Thiện hữu có thấy con cọp nằm và con công múa ở đâu không?

Trí Hải trả lời thành thật:

– Từ dưới nhà trai lên núi tôi chẳng thấy gì cả.

Nhà sư nói tiếp trong dáng cười chưa tắt:

– Vì thiện hữu chỉ nhìn mà không xem nên chưa thấy!

Vốn đã quen dần với lối nói của nhà sư. Trí Hải còn hoang mang nhưng biết hỏi thêm cũng vô ích nên rời chùa, trở lại khu nhà trai dưới chân núi. Ông uống tách chè xanh và lững thững bước ra ngoài.

Núi rừng mùa Đông lạnh và trơ vơ nhưng lại mang vẻ đẹp lão tùng chịu đựng tuyết sương. Lá khô trải thảm dày trên đá sỏi. Nắng đã lên nhưng chưa thắng nổi sương rừng và gió núi nên cả không gian và thời gian nơi này còn nhuộm trắng tóc mây. Trí Hải nhìn quanh, chân trời xa bị mây và sương che khuất nên mắt ông đậu trên từng phiến đá, gốc cây. Ông không biết đi đâu, không có một cõi đi về hay đâu đâu cũng là cõi đi về nên chẳng bước vội. Rừng vắng quá nên ông nghe cả tiếng bước chân mình dẫm xào xạc trên lá. Bước chậm quá nên ông thấy bàn chân mình dò dẫm tìm đường trên mặt sỏi. Một cảm giác mát lạnh và bình an đi từ gan bàn chân chuyển dần lên mắt, lên tóc nên ông thấy bình thản lạ lùng trong suy nghĩ và trong vắt trong mắt nhìn.

Xa, rất xa, trong vầng sương nắng ẩn hiện, ngọn núi đá màu xanh thẩm và tím ngắt hiện ra sừng sững trên nền trời trắng đục làm Trí Hải bàng hoàng giật mình. Rõ ràng trước mắt ông là trái núi hổ phục – hình con cọp nằm – mà sư Trúc Lâm nói đến. Chờn vờn phía đuôi “con cọp” là triền núi xẻ ba, cây mùa đông có đám lá rụng trơ xương, đám màu xám, màu đỏ, màu vàng, màu xanh trông giống hình một con công đang múa. Trí Hải chân vẫn cất đi nhè nhẹ, thần trí lâng lâng, mắt không rời “con hổ nằm và con công múa” đẹp lãng đãng và phiêu bồng với mây núi như một kỳ quan. Cái đẹp thiên nhiên cuốn hút con người làm cho Trí Hải ngỡ như mình đã hoà tan với đất, không biết mình đang hóa thành cây cỏ hay cây cỏ là hiện thân của chính mình.

Ông sực tỉnh để nhận ra thằng người nhỏ bé của mình khi chân bước lên tam cấp của chùa. Sư Trúc Lâm đã đứng đó tự bao giờ.  Hai người nhìn nhau không lên tiếng, “đối diện đàm tâm”. Im lặng rất lâu nhưng nhà sư và viễn khách đã nói với nhau hàng ngàn câu chuyện.

Nắng đã lên cao. Trí Hải ngước lên nhìn sư Trúc Lâm mĩm cười và nhà sư gật đầu. Im lặng. Chia tay.

Cũng vẫn là con đường cũ mà khi về lại Trí Hải có cảm tưởng như mới đi lần đầu. Trước đây, con đường chỉ là một phương tiện để tìm đến với sư Trúc Lâm nên chân bước trên đường mà đầu vẩn vơ nghĩ về phương trời khác. Nay cũng trên con đường rừng gập ghềnh ấy, nhưng khi bước lên sỏi đá, Trí Hải biết mình đang bước, đang sống thực và làm chủ lấy bước chân của mình. Lần đầu tiên trong đời, ông vừa đi vừa nhìn cảnh vật và sự sống chung quanh. Ông ngắm những con sáo núi làm tổ trên cây phong và thấy được con đường chập chùng xa lắc nầy tiếp nối bừng lên sự sống. Ông cũng thấy mình đang sống, đang bước đi thanh thản như con kiến đang bò trên đường dài.

Về lại Thái Ấp sau một cuộc hành trình xa, Trí Hải cảm thấy một cái gì vừa đổi khác. Ông tạt qua ruộng lúa, vườn cà, nương khoai… ngỡ ngàng và thú vị như người hành tinh vừa mới đến trái đất lần đầu. Ông ngồi xuống nâng niu từng chồi non, từng đọt bông, từng ngọn lá. Gặp người dân Thái Ấp ông nhoẻn miệng cười dễ dãi và bắt chuyện với họ tự nhiên như những người bạn cũ thân thương. Ông không còn cảm thấy mình cao hơn họ và cũng chẳng thấy mình thấp hơn họ. Ông chỉ thấy mình cũng là một con người có đủ tính chất vui, buồn, hờn, giận… như muôn ngàn người khác, thế thôi.

Chính lúc Trí Hải không bắt chước mà sống thực hồn nhiên như tiếng gáy con gà thì cũng là lúc ông đã quên đi bản thân mình là ông hoàng, là chủ Thái Ấp, là người đã ba năm vây màn đọc sách, là nhà quý tộc muốn cúi xuống thật thấp, “hạ cố” đi vào cuộc đời và bị cuộc đời quay lưng từ khước. Khi ông thôi không còn quay quắt vào đời thì chính cuộc đời tự động mở ra và vây bủa lấy ông. Người dân Thái Ấp đã nhận được tín hiệu từ trái tim nên tự động tìm đến với Trí Hải. Họ vẫn dành trọn vẹn cho ông lễ nghi, cung kính nhưng không còn sợ hãi vì mối giao tình phát khởi từ những tấm lòng chân thành và nhân hậu với nhau, đó là sự tương kính gần gũi và yêu thương.

Tiếng chuông công phu chùa Thiên Mụ đêm đêm rót vào bầu trời xứ Huế đã mấy trăm năm, nhưng chuông vẫn không cạn mà Huế cũng chẳng đầy.

(Còn nữa)

T.K.Đ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here