Trang chủ Phật giáo khắp nơi Tác giả bức ảnh Hoà thương Thích Quảng Đức tự thiêu đã...

Tác giả bức ảnh Hoà thương Thích Quảng Đức tự thiêu đã tạ thế

90
0

Browne là phóng viên quốc tế duy nhất đã ghi lại được bằng hình ảnh cảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu trên đường phố Sài Gòn ngày 11/6/1963. Những bức ảnh này đã góp phần không nhỏ buộc chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống John F.Kennedy phải xem xét lại chính sách của họ đối với chế độ Ngô Đình Diệm, để rồi sau đó ít tháng là cái chết dành cho anh em họ Ngô. Bản thân Tổng thống Kennedy cũng đánh giá rất cao ảnh hưởng của những bức ảnh nói trên: "Lịch sử chưa có bức ảnh thời sự nào gây nhiều cảm xúc trên khắp thế giới đến như vậy".

Browne từng tốt nghiệp chuyên ngành hóa học tại Trường Đại học Swarthmore (Mỹ), nhưng rồi số phận đã đưa đẩy ông đến với nghề phóng viên chiến trường. Năm 1961, Browne được Hãng AP cử đến làm việc tại Sài Gòn. Năm 1965, ông rời AP để làm việc cho tờ The New York Times. Có tới 30 năm Browne gắn bó với tờ báo trên. Hầu như Browne đã có mặt tại hầu hết các "điểm nóng" trên thế giới. Sau đúng 30 năm kể từ lần đầu có mặt tại Việt Nam, năm 1991, một lần nữa Browne lại làm phóng viên chiến trường ở Iraq trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh.  

Nhà báo Malcolm Wilde Browne bên bức ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu mà ông chụp được ngày 11/6/1963.

Theo Browne kể thì trong đời, có tới ba lần ông thoát chết trên máy bay chiến đấu. Ông cũng là người từng bị chính quyền Sài Gòn đưa vào danh sách cần thủ tiêu, ám sát. Đã có tới 5 quốc gia yêu cầu trục xuất ông.

Theo bà vợ người Việt Le Lieu của cố nhà báo Browne thì ông bị mắc bệnh Parkinson cách đây hơn chục năm và những ngày cuối đời của ông chủ yếu trôi qua trên xe lăn. Browne được đưa tới bệnh viện trong một lần rất khó thở. Trước khi qua đời, Browne sống cùng vợ tại Thetford, thuộc bang Vermont ở đông Bắc nước Mỹ.

Nhớ lại bối cảnh ra đời bộ ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, trong một hồi ức của mình, Browne viết: "Đêm trước xảy ra biến cố trọng đại ấy, tôi được một vị hòa thượng gọi điện báo rằng, 7 giờ sáng ngày mai, tức ngày 11/6 hãy có mặt tại địa điểm ấy, có một việc rất quan trọng sẽ diễn ra. Ngoài tôi, vị hòa thượng đó còn bắn tin tới gần một tá phóng viên Mỹ đang tác nghiệp tại Sài Gòn lúc đó. Dường như không mấy người quan tâm. Riêng tôi thì khác. Đó có lẽ là may mắn mà lịch sử đã dành cho một người làm báo chiến trường như tôi. Tôi đã trở thành phóng viên phương Tây duy nhất có mặt tại ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt vào giờ phút ấy. Tôi đã chụp, không phải 6 mà là 8 cuộn phim loại 35mm".

Sau này có người đã hỏi Browne rằng, chứng kiến cảnh tượng ấy ông có sợ không? Được báo trước tin xảy ra, liệu có khi nào ông tính đến khả năng ông có thể ngăn chặn cái chết ấy của vị hòa thượng (mà có người cho là khá rùng rợn)? Browne bảo: "Nỗi sợ trong tôi là có thật, nhưng nó chỉ đến với tôi khi tôi trở về căn phòng làm việc của mình, ngồi trong phòng tráng phim, nhìn lại những gì vừa diễn ra".

Theo như những gì mà Browne thuật lại trong một bài viết thì khi chứng kiến cảnh thịt da vị hòa thượng bốc cháy dữ dội, kèm đó là tiếng khóc rấm rứt của các tăng ni phật tử, ông "quá ngỡ ngàng tới mức không khóc nổi, quá bối rối để nghĩ tới chuyện ghi chú hay phỏng vấn ai, quá bàng hoàng không nghĩ nổi điều gì". 

Được biết, sau vụ chụp và cho công bố những bức ảnh có giá trị tố cáo rất mạnh mẽ, Browne được một số đồng nghiệp người Việt cho hay ông đang nằm trong danh sách đen cần thủ tiêu của chính quyền Ngô Đình Diệm. Trong cuộc phỏng vấn năm 1998, Browne thổ lộ rằng lời đe dọa ấy không làm ông nhụt chí, song khi chính quyền Sài Gòn cho bắt vợ ông vì bà đã bỏ việc tại Bộ Thông tin thì ông thực sự khinh bỉ, phẫn nộ với cách hành xử của họ.

(Theo CAND)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here