Trang chủ Thiền môn xứ Huế Danh Tăng-Ni, Nhân sĩ Sư Tuệ Tâm: làm việc thiện là một niềm an lạc

Sư Tuệ Tâm: làm việc thiện là một niềm an lạc

175
0

(LQ) Huế có một vị sư mà có lẽ bây giờ không ai không biết, một vị sư đã quá nửa đời người chỉ biết lo cho dân nghèo. Đó là sư, lương y Thích Tuệ Tâm (hệ phái Tiếu thừa-Nam Tông). Giám đốc điều hành Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa với những mẫu chuyện “kham nhẫn” cứu người mà người Huế quen gọi với cái tên rất thân mật và gần gũi “Sư Tuệ Tâm”…

Sư Tuệ Tâm…
 
Cũng như nhiều người Huế, tôi biết sư từ thời kỳ đất nước trong giai đoạn “quá độ” còn nhiều khó khăn, đời sống nhà chùa lúc ấy cực khổ trăm bề. Việc người dân cũng như Tăng, Ni Phật tử bịnh tật không có điều kiện đến bịnh viện là rất phổ biến. Những người lớn tuổi và có thâm niên với thiền môn xứ Huế thuở ấy mỗi khi lâm bịnh thường có một vị sư tuổi đời còn khá trẻ khoác y vàng đến bắt mạch, kê đơn bốc thuốc rất ân cần và hiền từ. Thực tình thuở ấy chúng tôi chỉ mới nghe tên mà chưa một lần biết mặt sư, một vị sư Tiểu thừa khoác áo lương y hiền từ mà người dân Huế gọi với cái tên rất gần gũi “sư Tuệ Tâm”. 
 
Tôi biết sư Tuệ Tâm khoác áo lương y cứu người từ rất lâu, nhưng để hiểu nhiều về sư thì cũng chỉ mới vài năm trở lại đây. Lúc mà tôi bắt đầu tham gia công tác xã hội, chúng tôi được duyên lành cộng tác với sư và thường xuyên tiếp xúc. Thầy, trò cũng từ đó thân mật hơn, gần gũi hơn và tôi cũng may mắn được sư khám và chữa bịnh cho một vài lần. Nhưng tôi đúng là một người thật vô tâm, tôi chưa một lần chuyện trò với sư về hạnh nguyện “lương y cứu người” của sư được khởi nguyên từ đâu và từ lúc nào cũng như những khó khăn mà sư đã trải qua để đem tâm từ bi cứu giúp mọi người. Vừa qua, vì bịnh duyên mà tôi được một Phật tử giới thiệu về nhờ sư Tuệ Tâm, thế là mỗi tuần tôi được gặp sư Tuệ Tâm một lần.
 
Ngồi đợi sư, tôi thấy có hàng chục người cũng đang ngồi chờ, hỏi ra mới biết mọi người chỉ muốn chờ để được sư bắt mạch, chẩn đoán. Mặc dù trong phòng khám luôn có từ 4 đến 5 vị lương y được sư đào tạo rất giỏi, và có nhiều kinh nghiệm, nhưng rất nhiều bịnh nhân đến đây đều trong tâm niệm chỉ cần sư Tuệ Tâm cầm tay bắt mạch là bịnh đã thuyên giảm phân nửa rồi. Với rất nhiều người Huế, uy tín và đức độ của sư là một thang thuốc thần dược mỗi khi họ có bịnh đến gặp sư.
 
Nói chuyện với chúng tôi, sư kể “sư được cụ thân sinh truyền dạy nghề này từ nhỏ, sau nầy xuất gia, sư còn tìm học với một vị sư phụ khác với có nhiều kinh nghiệm để tích góp thêm kỹ năng khám chữa bịnh”. Sư tâm sự, tuy rằng thân là một vị sư theo hệ phái Tiểu thừa-Nam Tồng nhưng với sư hạnh nguyện đem tinh thần từ bi để cứu người đã được nẩy mầm từ thuở nhỏ. Nhưng để hiện thực được hạnh nguyện đó là vào năm 1982, khi sư rời chùa Huyền Không để về chùa Diệu Đế để cùng HT. Thích Hải Ấn lập ra Tuệ Tĩnh đường Diệu Đế với vốn liếng ban đầu rất khiêm tốn mà theo sư chỉ có 2.500 đồng (lúc đó tương đương 1cây vàng) và 26 thúng lúa. Bước đầu thành lập mọi thứ đều tạm bợ và gặp nhiều khó khăn, có những lúc tưởng chừng như “lực bất tồng tâm”, tưởng chừng như hạnh nguyện cứu người sẽ “nửa đường đứt gánh”, nhưng cũng nhờ Phật gia hộ, nhiều Phật tử phát tâm ủng hộ nên cũng chèo chóng qua được những năm tháng khó khăn. Và hình ảnh đóa hoa sen cũng được ươm mầm từ đó để sau nầy khi đến năm 2005 Tuệ Tĩnh đường Diệu Đế phải di dời đi nơi khác để trả lại đất cho quy hoạch ngôi Quốc tự Diệu Đế thì mầm sen mới nở rạng ngời thành Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa ở đường Lê Quý Đôn cho đến bây giờ. 
 
Bài pháp giản dị

“một người khi đau cần chữa bệnh, bốc thuốc hơn là nghe thuyết giảng Phật pháp”

 
Lấy một loài hoa gắn liền với Phật giáo mà cũng là với truyền thống văn hóa dân tộc; cách làm từ thiện của sư Tuệ Tâm tại Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa cũng tỏa hương thơm rất nhuần nhị. Sư kể, mỗi năm các Phật tử trong và ngoài nước gởi về ủng hộ cho sư khoảng 500 triệu. Số tiền này sư đều dùng hết cho việc khám và cấp thuốc miễn phí cho người nghèo ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Sư bảo, số bịnh nhân còn lại hoặc nghèo, hoặc không nghèo thì tùy theo đó mà linh động, giảm nhẹ từ 50% trở lui hoặc thu phí để mọi người cùng chung tay làm việc thiện như những đóa hoa sen trong đầm lầy mỗi đóa hoa dẫu to hay nhỏ cũng tỏa hương sắc cho đời. Bởi vậy, với sư bây giờ, việc khám bịnh, cứu nhân độ thế cũng không còn quá bức bách nữa mà thu đã bù chi, mỗi tháng có khoảng 30 nhân viên làm việc được nhận trợ cấp từ 1,8 đến 2 triệu đồng một người. Với giá cả thời buổi ngày nay, số trợ cấp ấy cũng không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, tuy nhiên mỗi người đều cũng như sư, tự ý thức được mỗi ngày được đeo hình tượng bong sen lên ngực và đem lại niềm an lạc cho mọi người cũng là một niềm hạnh phúc.
 
Tiếp chuyện với sư, với vị sư làm giám đốc điều hành thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông. Nhưng, sư Tuệ Tâm lại nhập thế, với hạnh nguyện hành nghề y cứu nhân độ thế, làm việc thiện giúp người nghèo. Chúng tôi được biết, với sư, hạnh nguyện từ bi cứu độ đã vượt thắng tất cả. Với sư, đem niềm an lạc đến cho mọi người chính là an lạc cho chính mình. Sư kể, vào thời kỳ cực khổ, thấy nhiều người nghèo khổ bịnh tật mà không có tiền đi bác sĩ mà thương. Sư đã đối trước đức Phật mà phát nguyện từ nay về sau sẽ sống vì chúng sinh. Sư quyết tâm học Đông Y và chọn cách nhập thế để cứu nhân độ thế: Với sư, bài pháp giản dị nhất là “một người khi đau cần chữa bệnh, bốc thuốc hơn là nghe thuyết giảng Phật pháp”. Với hạnh nguyện vì chúng sanh, cũng chẳng phải nhập thế hay xuất thế, sư chỉ biết làm sao cho người bịnh bớt khổ nên dần dần cũng được các huynh đệ trong hệ phái ủng hộ, hoan hỷ… 
 
Chính vì hạnh nguyện cứu nhân độ thế, nên suốt 30 năm nay, với sư đây không phải là nghề, mà chỉ là phương tiện để giúp đỡ người nghèo, là hạnh nguyện để hoàn thiện đường tu. Chính vì thế mà ở Huế bây giờ, sư Tuệ Tâm không những là một vị sư hiền từ, đạo hạnh mà con là một trong những lương y giỏi, uy tín. Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa do sư làm giám đốc điều hành mỗi năm có khoảng 70.000 bịnh nhân đến khám và chữa bịnh. Với sư, bịnh nhân đến với sư đều là chúng sanh có thiện duyên và sư đều hoan hỷ khám như nhau bất kể là Phật tử hay không Phật tử. Với sư, không có sự phân biệt mà tất cả đều vì một hạng nguyện duy nhất là “phụng sự chúng sanh”, “làm việc thiện là một niềm an lạc” như đóa hoa sen khoe sắc nhã hương cho đời…
 
N.H

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here