Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Sống thời đại và tinh thần Đức Phật: Kỳ I, Thời đại...

Sống thời đại và tinh thần Đức Phật: Kỳ I, Thời đại con người trơ vơ thân phận làm người

128
0

Trong thời điểm mà những vấn đề văn hóa đang vấn nạn toàn thể loài người, vào chính lúc dân tộc Việt Nam ta bước vào một giai đoạn quyết định cho vận mạng của mình, xét lại những yếu tố căn bản trong truyền thống dân tộc như Phật giáo trước thách thức của thời đại là một việc không thể tránh né được.

Loạt bài gồm 3 kỳ, kỳ I: "Thời đại con người trơ vơ thân phận làm người", phát họa nét trội của cuộc khủng hoảng văn hóa thời đại; Kỳ II: "Con đường Như Lai"  xét vài điểm đặc trưng làm cho giáo lý nhà Phật thích ứng với nhu cầu của ngày nay. Và kỳ III: "Chí khí ngất trời xanh", nêu lên vài điều căn bản để cho Phật giáo khai triển trí tuệ và tri thức đã tích lũy từ hơn hai nghìn năm nay, góp phần mình vào công cuộc xây dựng một nền văn hóa cho hiện đại.

——————————————————–

Kỳ I: "Thời đại con người trơ vơ thân phận làm người"

Một nét thời đại là các hệ tri thức xưa nay vững lòng tin rằng mình nắm phần chân lý, con người đời này truyền lại đời khác, bám vào đấy, an tâm mà sống với mình, với người, với vạn vật, ngày nay bị lung lay đến tận gốc rễ, nếu không là hoàn toàn sụp đổ.

Khởi điểm không phải mới gần đây. Những dấu hiệu đầu tiên xuất hiện từ thời đại Phục hưng, từ thế kỷ thứ XV, XVI, đưa dần tới sự hình thành của khoa học, của tư duy ngày nay.

Ta thường cho rằng phát minh này hay phát minh nọ làm cho khoa học mâu thuẫn với các hệ tôn giáo, tư tưởng cổ truyền. Không hẳn như vậy. Vì lẽ rằng không một phát minh khoa học nào có khả năng giải đáp các câu hỏi căn bản tôn giáo nêu lên, mà ngược lại tín ngưỡng có thể tiếp thu bất cứ phát minh khoa học nào vào hệ tư tưởng của mình không mấy khó khăn lắm.

Sự xung khắc cơ bản thật ra nằm trong tinh thần nghi ngờ có hệ thống, không tin theo một thuyết nào nếu nó chưa trải qua thẩm định của thực nghiệm. Trong tinh thần này không có một giáo lý nào, một hệ tư tưởng nào nắm chân lý vĩnh hằng. Mà chỉ có những giả thuyết luôn luôn phải chuyển biến cho phù hợp theo những dữ kiện do chính nó sản xuất ra. Tính chân thực của giả thuyết không dựa vào những gì nó phát hiện được mà tùy theo vấn đề nó có “vận hành” trong quy trình hay không.

Suốt nhiều thế kỷ, xã hội đã không ngừng chuyển biến đến gốc rễ, các vấn đề thời đại không ngớt nổi lên, vấn nạn tri thức con người. Riêng một cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ thứ 19 cũng đủ thay đổi hoàn toàn bộ mặt toàn cầu và đảo lộn cả nhận thức. Truyền thống bao lâu tin rằng chính là tri thức, đạo lý soi sáng và điều khiển hoạt động của con người, nay bị lung lay trước hiện thực chẳng giản đơn một chiều theo lối nhìn đó: Tư duy và đạo lý hướng dẫn hoạt động của con người thật, nhưng ngược lại hoạt động sản xuất chính là một nhân tố quy định tư duy, đạo lý trong xã hội loài người.

Từ địa vị đứng trên cao siêu mà hướng dẫn, đạo lý rơi xuống ngang tầm với con người, giữa xã hội, các giá trị “chân”, “thiện”, “mỹ” không được con người quy định do uy tín của một Chân lý bên ngoài, một cá nhân vĩ đại nào, mà thực ra là bởi xã hội, như một tổng thể tâm nhu cầu vận động không ngừng chuyển biến của nó.

Dù muốn dù không, con người buộc phải tìm quy tắc hướng dẫn đời sống của mình không đâu ngoài cộng đồng con người, ngoài xã hội.

Nhà tư tưởng lớn thế kỷ thứ 19 Hegel quay lại nhìn lịch sử như một dòng tiến hóa. Ý nghĩa của sự tiến triển, của vận động lịch sử sẽ biểu lộ nơi điểm tận cùng của lịch sử. Marx tin rằng đấu tranh giai cấp là động cơ của dòng lịch sử ấy và đây là một phát hiện căn bản của mình tìm ra. Con người làm ra lịch sử, có khả năng gia tốc lịch sử bằng cách tác động theo chiều hướng của động cơ. Cách nhìn của Marx là một yếu tố gây niềm hy vọng lớn cho một phần nhân loại: Lịch sử có ý nghĩa và sẽ tất nhiên đi đến điểm tận cùng của nó. Hành động trong hướng đi của lịch sử là hành động vô cùng ý nghĩa của những con người ý thức được sự thật lịch sử.

Rồi, trong vòng mấy thập kỷ giữa thế kỷ 20, con người bừng mắt phát hiện ra rằng mình có khả năng phản động những quy trình tác động gần như không giới hạn vào thế giới thiên nhiên: con người làm chủ được nguyên tử lực là trong tay có năng lực thừa sức làm nổ tung quả địa cầu. Và vào thế giới con người: Một thế lực có thể áp đặt những tiền đề giả tạo dối trá vô nhân, miễn là thế lực ấy biết hành động một cách liên tục và gắn bó có hệ thống với những tiền đề đã định, thì rồi cũng tạo thành hiện thực những mẫu xã hội kiểu hệ thống toàn vị nazi thay các hệ ít nhiều toàn trị khác.

Uy lực tác động của con người vào thế giới loài người, vào thế giới thiên nhiên chưa bao giờ đạt mức độ khủng khiếp như hiện nay. Trong khi đó, khoa học càng hiểu thiên nhiên thêm sâu sắc lại càng ý thức rõ rệt rằng giải đáp mình đem lại chỉ là đáp từ cho những câu hỏi của con người đặt ra và tùy thuộc cách đặt câu hỏi. Đi tìm hiểu thiên nhiên – không phải là mình mà cũng chẳng phải do mình tạo ra – rốt cuộc con người gặp lại những cấu trúc, những mô hình do mình tạo nên, nghĩa là gặp lại chính mình. Và cũng bắt đầu thế ra giới hạn của tính tất định trong khoa học. Như đã chứng minh trong khoa dự đoán khí tượng: Bướm vỗ cánh ở Bắc Kinh hôm nay, có thể gây giông tố tại Nữu Ước tháng sau. Sự kiện lịch sử những năm gần đây lại càng cho thấm thía thêm rằng tính tất định lịch sử thật ra chẳng nghiêm ngặt gì hơn chuyện nắng mưa. Tất định lịch sử không còn, tự do của cá nhân bỗng nới rộng ra thêm. Mỗi người có thể tự nhủ rằng cánh bướm mình vỗ lên có khả năng lái lịch sử chệch qua hướng khác. Nhưng khi ấy chợt nổi lên, không giải đáp, câu hỏi nghĩa hướng đi lịch sử là gì?

Dù muốn dù không, một lúc nào đó trong đời sống, con người thời đại cũng bị thực tại xô đẩy, buộc quay về đối diện với thân phận làm người của mình. Và lúc ấy rùng mình nhận ra rằng, về căn bản, cung cách ứng xử của mình chẳng mấy khác người thời trung cổ. Bạo tàn man rợ khác nào khi xưa. Những sự kiện xảy ra như ở Bosnie ngày nay buộc ta phải suy nghĩ.

Chỉ có điều khác là con người thời đại nắm trong tay những phương tiện sinh sát sánh tày thượng đế, đem vào sử dụng lại có phương pháp tổ chức, máy móc lạnh lùng, nhưng vô cùng hữu hiệu của đại công nghiệp. Người thời đại vẫn nhỏ bé chẳng khác con người trung cổ, khi khắc khoải tự vấn trước mênh mang cuộc sống. Nhưng, quay đi quay lại chỉ mình với mình. Không nơi nương tựa, thiếu đuốc soi đường mà người trung cổ sẳn có chỉ việc tuân theo.
 

Kỳ II: "Con đường Như Lai"

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here