Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Sông Hương – Bao giờ tới biển :Kỳ 2: Soi bóng 700...

Sông Hương – Bao giờ tới biển :Kỳ 2: Soi bóng 700 năm Thuận Hóa- Phú Xuân – Huế

124
0

Đoàn khảo sát lâm nghiệp tiếp tục vào sâu vùng biên giới, còn tôi xuống chân núi Kim Phụng, men bờ sông tìm thuyền về xuôi với nỗi buồn vây quanh. Rừng nguyên sinh kỳ vĩ nơi phát tích sông Hương nay chỉ tồn tại trong những trang sách cổ. Bom-pháo-chất độc màu da cam một thời chiến tranh ác liệt cùng với sức tàn phá của đội quân khai thác lâm sản trong vòng 30 năm qua đã biến phần lớn rừng thiêng thành đồi trống núi trọc, phủ xanh một màu xanh rờn rợn của loài cỏ tranh thấp nhỏ mà có sức giành giật đất sống đến đáng sợ. Những khoảnh rừng nguyên sinh còn sót khiến tôi liên tưởng những ốc đảo lẻ loi trên sa mạc.  Từ đỉnh Hòn Gày nhìn về phía tây có thể trông thấy vết thương của những cánh rừng già thuộc tiểu khu 162 xã Dương Hòa bị đốn hạ hàng trăm hecta để các doanh nghiệp tư nhân lập trang trại và trồng rừng… cao su!

Chiếc thuyền nan chở củi cho tôi về nhờ Ngã ba Tuần, điểm hợp lưu của hai nguồn tả, hữu. Đây cũng là nơi đóng quân bảo vệ phía tây kinh thành Huế nên có tên “tuần”, nghĩa là đi canh gác. Son vừa chèo vừa kể chuyện cuộc sống “rưng rưng nước mắt” vì phải “ăn của rừng”. Chao ơi, những người “ăn mót” như cô với mấy bó củi khô thì khổ chứ “ăn bẳm” như đám “trại chủ” kia thì chỉ có rừng mới phải khóc ròng!  Kêu khổ váng mặt sông thế nhưng lại lắc đầu quầy quậy như bị sỉ nhục khi khách quá giang đòi gửi chút tiền công. Son đẩy tôi lên bờ:  “Làm chi dị òm rứa trời!”.

Bến Tuần tấp nập, tôi tiếp cận một du thuyền đưa khách lên thăm lăng Minh Mạng để cùng về xuôi sau một cuộc mặc cả giá cả. Từ Ngã ba Tuần trở xuống Ngã ba Sình, thành cổ Hóa Châu, sông Hương là trục chính của mọi ý tưởng kiến tạo, quy hoạch suốt 700 năm Thuận Hóa-Phú Xuân- Huế. Mở đầu là một vùng rừng núi trùng điệp mà nổi bật là những cánh rừng thông hai lá, được gọi hẳn là “thông Huế” để phân biệt với thông ba lá Đà Lạt. Rừng thông là rừng trồng. Trồng nhiều thông đến thế, từ đời này sang đời khác, và trồng ở những vị trí tôn kính, quan trọng như đàn Nam Giao, đền miếu, lăng tẩm, quốc tự Từ Hiếu, đại chủng viện Thiên An… hẳn người Huế đã thể hiện hoài bão được kiên cường bản lĩnh, được thanh cao cốt cách như thông? Bên bờ phải sông Hương, dưới những tán thông xanh quanh năm vi vu gọi gió là lăng tẩm của các vua triều Nguyễn cùng hàng nghìn khu nghĩa địa gia tộc. Gọi vùng thượng lưu sông Hương là “âm phần”, cõi của người chết, để đối lập với “dương cơ”, là đất của người sống ở vùng hạ lưu thật chính xác. Nhưng tất cả không còn như xưa. Đứng ở cầu Tuần tôi có thể nhìn thấy lăng Khải Định trên một ngọn đồi xa xa. Lúc ấy trông nó khiêm tốn như mô hình trên sa bàn, mất đi vẻ hoành tráng như khi tôi bất chợt bắt gặp kiến trúc này vụt hiện sau quảng đường quanh co và phải ngước nhìn lên hàng trăm bậc cấp rêu phong gần như dựng đứng để thử thách du khách. Tôi cũng không khỏi mủi lòng cho nghìn triệu linh hồn vốn đã an giấc nghìn thu nơi cõi “âm phần” tĩnh lặng bỗng nay bị “dựng dậy” bởi những đoàn xe tải ra bắc vào nam rầm rập suốt ngày đêm. 

Du khách trên thuyền thật “ô hợp”. Ta có, tây có, bắc có, nam có. Nhưng họ giống khi đòi hỏi hướng dẫn viên thăm đồi Vọng Cảnh. Ôi, có lẽ trong 700 năm hình thành vùng đất linh kiệt này chưa bao giờ ngọn đồi nhỏ nhắn đứng chân bên bờ sông Hương kia được biết đến nhiều như vậy. Đấy là nhờ cuộc tranh cãi ầm ĩ, gay gắt diễn ra suốt năm trên các phương tiện thông tin đại chúng: Nên hay không nên cấp phép xây dựng khu khách sạn Hà Lan ở đồi Vọng Cảnh! Chúng tôi sẽ dành hẳn một phần quan trọng trong trường thiên bút ký này để cùng bạn đọc nhìn lại một cách toàn diện về cuộc tranh cãi kỳ thú này. Còn bây giờ, hãy theo chân du khách thăm nhà máy nước Vạn Niên, cách đồi Vọng Cảnh hơn 300 mét và cách lăng Tự Đức chỉ hơn mười phút tản bộ. Hiện nhà máy vẫn cung cấp cho thành phố Huế 75.000m3 nước sinh hoạt mỗi ngày. Có lẽ trên thế giới chỉ duy nhất mỗi nhà máy Vạn Niên có kiến trúc độc đáo như vậy. Năm 1909, khi được giao thiết kế nhà máy ở vị trí mà chung quanh gần đấy là lăng tẩm các vua, kiến trúc sư người Pháp Bosa đã chọn thái độ tôn trọng văn hóa bản địa. Thuyền cặp bến, du khách thích thú chụp ảnh lia lịa cái nhà máy có kiến trúc như cung điện: cũng trụ biểu, nghinh môn, cũng mái ngói âm dương cong vút, cũng lưỡng long chầu nguyệt khảm thủy tinh màu…  Tôi ước chi có pho tượng kiến trúc sư Bosa được dựng trước nhà máy nước Vạn Niên, soi bóng trên mặt nước sông Hương. Ngót 100 năm rồi mà ông vẫn là bậc thầy và tác phẩm của ông luôn nhắc nhở cho những ai được giao trọng trách quy hoạch kiến trúc ở một thành phố cổ kính như thành phố Huế này.

Dấu ấn Thuận Hóa còn lưu ở khu vực Kim Long là của các chúa Nguyễn, nhất là chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, ở ngôi từ  năm 1635 đến năm 1648, và cũng là nhân vật đã quyết định dời thủ phủ từ Phước Yên (thuộc huyện Quảng Điền, TT-Huế) vào Kim Long, xây dựng trung tâm hành chính-quân sự của xứ Đàng Trong sát bên bờ sông Hương.  Giáo sĩ A. de Rhodes trong các văn thư của ông nhiều lần gọi Kim Long là “một thành phố lớn” (une grande ville) và gọi khu vực thủ phủ nhà chúa là “kẻ Huế” (Ke Hue).  Có thể xem địa danh “Huế” xuất hiện từ đây? Quãng sông Hương chảy qua Kim Long đã từng diễn ra những cuộc thao diễn thủy binh dưới thời chúa Thượng. Sử còn ghi tháng 2 năm 1645 chúa đích thân chỉ huy hai mươi chiến thuyền sơn son thếp vàng với trên hai nghìn quan quân thao diễn trên sông suốt ba ngày đêm để 50 sĩ quan hải quân Tây Ban Nha và bốn nữ tu sĩ Thiên chúa giáo, cùng binh lính tháp tùng (bị đắm tàu ở biển Quảng Nam, được chúa Thượng cứu)… hiểu tường tận vì sao hạm đội Hà Lan hùng mạnh đã bị nhà chúa đánh tan tác trên biển Đông năm trước, 1644. 

Bây giờ, từ sông Hương nhìn lên Kim Long đã thấy thoáng hơn nhiều sau khi giải tỏa dãy nhà tạm của hàng trăm hộ dân tản cư mọc lên từ năm 1968. Mặt đường đang được nâng cấp, mở rộng. Nhưng việc mở rộng đường cần phải thận trọng, có ý kiến của nhà quản lý văn hóa. Trên con đường ven sông này, từ Hương Hồ xuống cầu Giả Viên, gần mười cây số, có mật độ dày đặc di tích lịch sử và kiến trúc cổ. Trong chuyến đi này, tôi đã trông thấy hai chiếc cổng cổ rất đẹp gần chợ Kim Long bị đường ăn mất, chủ nhân  đã xây lại cổng mới nhưng chẳng có giá trị thẩm mỹ gì. Nói mật độ di tích dày đặc thật không ngoa.  Chỉ một cung đường ngắn mà du khách có thể ăn bánh nậm, bánh bèo trong khuôn viên một kiến trúc cổ gần như nguyên vẹn:  Nam châu hội quán –nơi dành cho các quan viên triều Nguyễn người Nam bộ đón tiếp thân nhân từ trong quê ra kinh thăm thú –rồi kéo nhau đi uống trà dưới bóng cây xanh trong sân ngôi nhà cổ kính của Tả quân Lê Văn Duyệt. Ở nước ta, duy nhất Huế mới có được một không gian du lịch cao cấp đến thế. Chỉ tiếc là hệ thống dinh thự của các chúa Nguyễn ở xóm Thượng Dinh chủ yếu xây dựng bằng chất liệu gỗ nên bây giờ không còn lại gì ngoài dấu vết những bức tường thành bằng đá chạy dài qua các khu vường lưu niên.

Với hai đời chúa, Nguyễn Phúc Lan và Nguyễn Phúc Tần, Kim Long đóng vai trò thủ phủ Đàng Trong được 51 năm (1635-1687), rồi nhường vị trí này cho một Phú Xuân “địa lợi” hơn, cách Kim Long chừng ba cây số về phía hạ lưu sông Hương, mở đầu một thời kỳ phát triển mới dưới thời các chúa Nguyễn và cuối cùng trở thành “Kinh sư” của các vua triều Nguyễn, kể từ Gia Long. Trung tâm chính trị nhà Nguyễn chủ yếu đóng trên “Vương đảo” thuộc làng Phú Xuân, đảo được tạo thành bởi sự bao bọc của hai sông: sông Hương trước mặt, sông Kim Long sau lưng. Và sông Hương tiếp tục là yếu tố quý giá đáp ứng các tiêu chí dịch lý, phong thủy trong nghệ thuật kiến trúc, quy hoạch truyền thống phương Đông. Từ ngai vàng nhìn ra phía nam là minh đường sông Hương, tiền án núi Ngự, tả thanh long Cồn Hến, hữu bạch hổ Dã Viên chầu phục hai bên. Năm 1776, Lê Quý Đôn vào đất Thuận Hóa, đã dành những trang bút ký đẹp nhất trong Phủ Biên tạp lục để mô tả một đô thành Phú Xuân phồn thịnh, hoa lệ sau công cuộc “đổi mới” của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Trong đó, ông làm nổi bật hình ảnh sông Hương như là linh hồn của mọi hướng phát triển, từ yếu tố thành đến yếu tố thị, từ Kim Long đến cảng Thanh Hà. Tuy nhiên, những gì người đương thời sở hữu, những gì đang trở thành di sản kiến trúc nhân loại, chủ yếu là thành tựu của công cuộc kiến thiết kinh thành Huế mà “kiến trúc sư trưởng” là Gia Long và được hoàn thiện bởi Minh Mạng.

Và tất cả đã được thắp sáng lên, nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, qua những festival Huế. Festival nào tôi cũng trở về Huế, chưa lỡ hẹn lần nào. Có điều tôi chỉ lưu luyến một không gian đại nội về khuya, khi các dàn nhạc đã nhường sân khấu cho giun dế, khi khách dự lễ hội đã rút lui, khi chỉ còn lại ánh sáng li ti của hàng nghìn bát đèn sáp rải rắc lên các lối đi sâu hút… Khi ấy, dòng chảy 700 năm lịch sử có cơ hội thì thầm những câu chuyện dâu bể phong rêu, những giấc mộng kinh sư bi tráng… Và lần nào tôi cũng dành nhiều thời gian cho sông Hương, không chỉ vì lần nào sông Hương cũng là một trong những sân khấu chính của festival Huế. Cả khi không có festival đã vậy rồi. Thời gian về thăm nhà không bằng thời gian ngồi ngắm dòng sông nhớ.

Đêm khai mạc Festival năm nay tôi trống rỗng lạ lùng. Festival đầu tiên không chen lấn chụp ảnh, không phỏng vấn ai, không hớt hải viết bài trước áp lực thời gian của tòa soạn, không chi hết. Thỉnh thoảng cũng nên làm kẻ ốm để được thấy mình khác đi một chút… Và tôi xuống con đò nhỏ đã hẹn, lòng thành thả hoa đăng cầu phúc cho dòng sông. Đò mỗi lúc mỗi xa khu trung tâm rực rỡ pháo hoa. Cồn Hến hiện ra trong sương mỏng. Doi đất này một lúc mang hai danh phận. Khi là cô hến ngậm bùn đáy sông khi là nàng rồng xanh vờn lượn bên hoàng thành. 700 năm từ ngày công chúa Huyền Trân chấp nhận cuộc hôn nhân lịch sử để xứ Thuận Hóa ra đời, sông Hương đã chứng kiến bao cuộc thay đổi danh phận như thế?  Tôi thả xuống sông cánh hoa đăng còn sót.

Vĩnh Quyền (Báo Lao Động)
Kỳ 3: Dòng sông di sản

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here