Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Sân khấu mùa Phật đản

Sân khấu mùa Phật đản

141
0

Những năm gần đây, đến mùa Phật đản giới nghệ sĩ lại bận tíu tít với hàng loạt sô diễn ca cổ, cải lương trong chùa.

Đoàn Thanh Nga – do ông Hoàng Ngọc Ẩn làm trưởng đoàn – dàn dựng hẳn một vở cải lương mới toanh để diễn riêng cho mùa Phật đản. Đó là vở Công chúa Nhật Quang đang trên sàn tập gấp rút vì ngày 6.4 âm lịch là đã lên đường, diễn cho tới hết rằm tháng 4 rồi tiếp tục diễn lai rai quanh năm. Bên cạnh đó, hai vở cũ từ nhiều năm trước của đoàn là Thái tử A Xà Thế và Công chúa Diệu Thiện vẫn còn tái diễn và thu hút khán giả. Hiện đoàn đã hợp đồng với mười mấy chùa, coi như kín lịch.

Trong nội thành TP.HCM, đoàn thường biểu diễn tại các tự viện lớn như Vĩnh Nghiêm, Xá Lợi, Phổ Quang, Ấn Quang; ngoài ra còn diễn xa tận Bình Dương, Đồng Nai, Đà Lạt… Có khi một ngày các nghệ sĩ phải chạy hai điểm, ngày một suất, đêm một suất. Đặc biệt tại chùa Viên Giác (Đồng Nai), còn gọi là “chùa đèn cầy”, thì diễn từ 23 giờ 30 đến 3 giờ sáng hôm sau, tưng bừng như lễ hội. Bởi chùa có tục lệ đến nửa đêm mới tổ chức cúng đèn, hàng mấy ngàn người ra đó “cắm trại” chờ đợi, đến đúng giờ là mấy ngàn ngọn nến cùng thắp lên cầu nguyện, đẹp rực rỡ. Và họ sẽ xem cải lương sáng đêm như thế. Có một Việt kiều còn đề nghị đoàn sang Canada biểu diễn và đang triển khai làm thủ tục xuất cảnh cho các nghệ sĩ, bởi nhiều khán giả ở hải ngoại cũng rất mong thưởng thức cải lương Phật giáo từ quê nhà. 

Nhóm Hoa sen trắng của NSƯT Thanh Kim Huệ và nghệ sĩ Châu Thanh năm nay cũng có tuồng mới để diễn sô chùa. Vở Mênh mông tình mẹ vừa ra mắt tại rạp Hưng Đạo, sắp tới sẽ lên đường lưu diễn các tỉnh. Thanh Kim Huệ còn chạy sô lẻ với những bài vọng cổ quen thuộc, và nổi tiếng vì hàng loạt  VCD phát hành rộng rãi với nhiều vở cải lương do chị viết kịch bản, chuyển thể từ kinh Phật hoặc truyện cổ Phật giáo như: Tham tiền niệm Phật, Liên Hoa Sắc, Truyền thuyết Quan Âm xây cầu… 

NSƯT Út Bạch Lan có lẽ là một “cao thủ” trong việc chạy sô chùa với thâm niên hơn 20 năm. Bà đã 75 tuổi nhưng thừa sức chạy hai suất mỗi ngày, có khi sáng hát ở TP.HCM, chiều hát Vũng Tàu, rồi ra tận Nha Trang, Phú Yên, Cà Mau, Đồng Tháp… Bà cười: “Hễ ở nhà thì bệnh, mà đi hát chùa thì khỏe!”. Bà còn dẫn theo một lô “đệ tử” như Tô Châu, Linh Cảnh, rồi nhạc công, kỹ thuật viên ánh sáng…, có khi “mẹ con” cùng đi đầy một xe rất vui. 

Nhưng chạy nhiều sô chùa không có nghĩa là giàu, bởi tiền cát-sê chỉ tượng trưng, có khi 100.000 – 200.000 đồng chỉ đủ tiền đổ xăng mà thôi. Chẳng hạn nhóm của nghệ sĩ Út Bạch Lan ra tận Phú Yên, mất mấy ngày đi về, song mỗi người chỉ nhận thù lao 500.000 đồng. Riêng nghệ sĩ Út Bạch Lan thường xuyên hát miễn phí. Đoàn Thanh Nga thì xin chùa đem xe đến chở cảnh trí, dàn nhạc, còn cát-sê nghệ sĩ thì nhà chùa muốn trả bao nhiêu cũng được, mà thông thường cũng chỉ 200.000 – 300.000 đồng. Thanh Kim Huệ cũng hay “hát chùa”, còn tặng không tiền tác quyền kịch bản. Những nghệ sĩ khác như Bích Phượng, Thanh Thanh Tâm, Minh Béo, Anh Vũ, Quế Trân, Kim Tiểu Long… cũng là những gương mặt tích cực đi hát trong mùa Phật đản. 

Hoàng Kim (theo Thanh Niên)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here