Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Quốc chúa NGUYỄN PHƯỚC CHU (1675-1725) một vị Bồ tát tại gia

Quốc chúa NGUYỄN PHƯỚC CHU (1675-1725) một vị Bồ tát tại gia

120
0

Nguyễn Phước Chu (NPC) được triều thần tôn lên kế nghiệp phụ vương vào năm Tân Mùi (1691) làm chúa thứ sáu ở Nam Hà (Đàng trong) lúc mới 17 tuổi. Tuy tuổi trẻ nhưng NPC rất chăm lo việc trị nước an dân, biết trọng dụng hiền tài như Trần Đình Ân giữ việc nội chính, Nguyễn Hữu Cảnh mở mang biên cương. Quốc chúa  rất sùng mộ Phật giáo, quy y với Hòa Thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán(2), phát tâm thọ giới Bồ tát tại gia vào ngày lễ Phật Đản năm Ất Hợi (1695) tại Giác vương nội viện ( Chùa thờ Phật trong vương phủ). Ông được Hòa Thượng Bổn sư đặt pháp danh Hưng Long, hiệu Thiên Túng đạo nhân và khai thị: “Đạo nhà vua ở nơi việc trị nước an dân. Đạo chỉ có một nhưng  địa vị mỗi người khác nhau. Nếu kẻ cai trị quốc gia hủy bỏ tất cả pháp lệnh, kỷ cương để cưỡng cầu thanh tịnh, ấy là chẳng biết thanh tịnh vậy”.

Bàn về trai giới, Hòa Thượng khuyến cáo: “ Việc trai giới của người làm vua cần phải đem việc nước nhà trên dưới giải quyết ổn thỏa. Không một người dân nào chưa được yên ổn, không một việc nào chưa được thỏa đáng, như vậy mới gọi trọn vẹn. Nay trước hết phải lo làm sạch chuyện oan ức tù tội để thả bớt người bị giam cầm, cứu trợ kẻ nghèo đói. Cử dùng người tài bị chèn ép, trù dập. Bãi bỏ những điều cấm đoán khắc nghiệt, vô lý, thông cảm khuyến khích người buôn bán, nâng đỡ đời sống của thợ thuyền. Nói tóm lại nên đem tất cả công việc giúp người, lợi vật châm chước thi hành đó chính là trai giới của người nắm quyền trị nước vậy”.

Tâm đắc lời chỉ dạy của Bổn sư, Quốc chúa phát huy truyền thống của tổ tiên chủ trương “ Cư Nho Mộ Thích” kết hợp với lý tưởng Bồ tát tại gia, cư trần lạc đạo. Suốt 34 năm cầm quyền lãnh đạo ông làm tròn nhiệm vụ đối với nhân dân, đất nước. Tận lực hộ trì Tam bảo, hoằng dương Phật pháp. Nhờ đó Nam Hà được sống trong cảnh thanh bình, phát triển nhanh chóng, văn trị võ công rực rỡ:

– Năm Mậu Dần (1698) thành lập phủ Gia Định, Chúa cử thống suất Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược đất Đông Phố, chọn đất Đồng Nai lập huyện Phước Long dựng dinh Trấn Biên (Biên Hòa). Lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (Gia Định). Chiêu mộ dân nghèo vùng Ngũ Quảng vào khai phá đất đai thành lập thôn xã trù phú ở miền nam.

Riêng người Hoa ở Trấn Biên cho lập xã Thanh Hà, ở Phiên Trấn quy tụ thành xã Minh Hương để dễ quản lý.

Chúa ra lệnh: Phàm dân ly tán mới trở về thì chia cấp ruộng đất cho cày cấy, tha các thứ binh dao tô thuế trong 3 năm. Nhờ đó nhân dân an cư lạc nghiệp, mở rộng đất đai về phương nam hàng ngàn dặm, sinh sống trên 4 vạn hộ dân.

– Đối với các lực lượng chống phá trong nước do bọn Hoa thương A Ban, Chân lạp Nặc Thu cầm đầu Quốc chúa cương quyết trấn áp nhằm ổn định chính quyền phát triển  kinh tế, xã hội.

– Năm Nhâm Ngọ (1702) bọn phiêu lưu người Anh gồm 200 người trên 8 chiến thuyền  do Allen Catchpole chỉ huy đến cướp phá chiếm cứ đảo Côn Lôn, xây dựng pháo đài kiên cố. Chúa sai Chưởng dinh Trấn Biên Trương Phước Phan đem quân đốt tan sào huyệt giặc, tịch thu rất nhiều chiến lợi phẩm.

– Sau biến cố trên Quốc chúa nhìn thấy tầm quan trọng đặc biệt của quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong việc quốc phòng lâu dài. Do đó năm Tân Mão (1711) chúa ra lệnh cai đội Thuyên Đức Hầu đem lính ra đo đạc Trường Sa rộng, dài bao nhiêu, để xác lập chủ quyền, khai thác hải sản. Như vậy trong lịch sử nhà nước Việt Nam chính NPC là vị lãnh đạo đầu tiên có quyết định sáng suốt này từ 300 năm trước. 

– Về mặt văn hóa, mỹ thuật, NPC là một tác gia lớn của văn học Việt Nam, tác phẩm thơ văn của ông còn tồn tại khá nhiều. Chính ông chỉ đạo công trình kiến trúc chùa Thiên Mụ nổi tiếng đẹp nhất ở Nam Hà. Một số văn vật như đại hồng chung, vân khánh đá, bia đá, hoành phi, câu đối… của thời này minh chứng cho đỉnh cao của kỷ thuật, nghệ thuật chạm khắc tạo hình và thư pháp của người Việt thế kỷ XVII- XVIII.

 Một loạt họa và thơ đề vịnh phong cảnh vùng Thuận Quảng của Thiên Túng đạo nhân (NPC) hiện còn bảo lưu trên đồ sứ kí kiểu hiệu “Thanh Ngoạn” mà chúng tôi đã sưu tầm, công bố tiêu biểu như: 

THIÊN MỤ HIỂU CHUNG

Ký bạch đông phương túy tích trùng ,
Thự quynh tiệm dữ bách hoa nùng .
Tà khan vân ảnh giang can nguyệt ,
Bất thính triều thanh sơn tự chung .
Độc ngã nhàn tình y phiếu miễu ,
Kỷ nhân trần mộng đắc thung dung .
Du du dư vận chư thiên lý ,
Phạn ngữ dao ưng đáp hiểu chung .

Đạo nhân thư

– Dịch thơ : 

CHUÔNG SỚM THIÊN MỤ .

Biêng biếc phương trời buổi rạng đông ,
Trăm hoa ửng nắng sắc hương nồng .
Vẳng nghe , sóng dậy chuông chùa điểm ,
Ghé mắt , mây phô nguyệt bến lồng .
Riêng tớ , tình suông về thăm thẳm ,
Mấy ai , cảnh mộng tới thong dong ,
Mang mang dư vận từng không tỏa ,
Kinh Phạn hồi chuông sớm quyện lòng .

HÀ TRUNG YÊN VŨ

Tô Hà Trung Yên Vũ

Bài thơ Hà Trung Yên Vũ

Hải khí sơn phong táp táp kinh
Tiệm khan yên thấp tán thiên thanh
Ngư đăng kỷ điểm tri giang ngạn
Lữ khách lạc tiêu thính vũ thanh
Thiền tụng bất văn u khánh vận
Hương tư nan xích cố nhân tình
Việt Nam diệc hữu Tiêu Tương cảnh
Dục thiến đan thanh tả vị thành.

Đạo nhân thư
 

–  Dịch thơ:

MÙ TỎA HÀ TRUNG

Sóng trào gió rít nghĩ mà kinh
Mù tỏa dần tan mây trắng xanh
Bến cũ đèn chài thấp thoáng điểm
Mưa buồn lữ khách lắng thâu canh
Phật kinh không vẳng dư âm khánh
Quê cũ ai hay nổi nhớ mình
Việt Nam cũng có Tiêu Tương cảnh
Muốn vẽ mà sao vẽ chẳng thành.

ẢI LĨNH XUÂN VÂN

Tô Ải Lĩnh Xuân Vân

Bài thơ Ải Lĩnh Xuân Vân

Việt Nam xung yếu thử sơn điên
Tuyệt lĩnh hoàn như Thục đạo thiên
Đản kiến vân hoành tam tuấn lĩnh
Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên
Lãnh triêm tu phát phi đồng tuyết
Thấp tiễn y thường khởi thị tuyền
Duy nguyện hải phong xuy tác vũ
Chính nghi thiên lý nhuận tang điền

Đạo nhân thư

– Dịch thơ :

Mây xuân đỉnh ải
Việt Nam hiểm trở có non này ,
Thục đạo nghìn trùng chót vót thay !
Chỉ thấy mây che ba đỉnh lớn ,
Nào hay người ở mấy từng đây ?
Không khe suối , cũng dầm xiêm áo .
Chẳng tuyết băng sao buốt tóc mày .
Gió biển nguyện xin thành mưa móc ,
Ruộng dâu ngàn dặm tốt tươi bày .

 TAM THAI THÍNH TRIỀU .

Tô Tam Thai Thính Triều

Bài thơ Tam Thai Thính Triều

Kỳ tú Tam Thai tủng bích phong
Trung hư ngoại hữu bạch vân phong
Tự lai Việt hải văn xuân lãng
Như tại Bà dương thính thạch chung
Bất đoạn phong thanh bôn bạch mã
Hoàn nghi vũ sắc khởi thương long
Dục tầm thanh mộng hà tằng khán
Hưởng triệt nham tiền kỷ thụ tùng

Đạo nhân thư

– Dịch thơ :

Ở NÚI TAM THAI NGHE SÓNG

Tam thai chất ngất đỉnh non xanh .
Động vắng mênh mông mây phủ quanh .
Dào dạt sóng Xuân trào Việt hải
Ngân vang chuông đá vọng Dương thành ,
Gió reo ngựa trắng liên hồi trẩy
Mưa cuốn rồng xanh thấp thoáng đoanh .
Mộng đẹp mong tìm sao chửa thấy ,
Rì rào vách núi cụm tùng xinh .

THUẬN HÓA VÃN THỊ

Noãn yên tịch chiếu luyến giang tân
Tế thính oanh đề xứ xứ xuân
Vãn thị chỉ khan hồng phấn nữ
Thông cù bất đoạn ỷ la trần
Thời cô bạch tửu năng diên khách
Nhật dụng thanh tiền khước tiện dân
Giao dịch khởi vô hành dữ đấu
Hoàn dư phong tục Cát – Thiên thuần 

Đạo nhân thư

– Dịch thơ :

CHỢ CHIỀU THUẬN HÓA

Khói ấm hoàng hôn quyện bến sông
Lắng nghe oanh hót bạt ngàn xuân
Chợ chiều tha thướt đàn con gái
Suối lụa tung hê nẻo bụi hồng
Rượu trắng vui vầy mua đãi khách
Tiền đồng trao đổi tiện cho dân
Bán buôn lọ phải cần
cân đấu
Nếp Cát – Thiên xưa vẫn thấm nhuần .

Ngoài những bài thơ đề vịnh phong cảnh chan chứa tình cảm , niềm tự hào về non sông đất nước ở vùng đất phương Nam , ông còn có những tác phẩm văn xuôi như bài tựa sách “ Hải ngoại kỷ sự “ của hòa thượng Thạch Liêm , bài văn bia “ Ngự kiến Thiên Mụ tự “ , bài ký , tán khắc trên khánh đá chùa Thiên Mụ , bài văn thơ ban cho Đông Triều Hầu Trần Đình Ân , bốn bài thơ thương tiếc kính phi Nguyễn Thị Lan .v.v…  , và rất nhiều hoành phi câu đối hiện còn bảo tồn tại các chùa chiền cổ . Chính Nguyễn Phước Chu là người đã khởi xướng để Nguyễn Cư Trinh sáng tác 12 bài thơ đề vịnh phong cảnh ở Quảng Nghĩa và Mạc Thiên Tích sáng tác 10 bài đề vịnh thắng cảnh Hà Tiên về sau . Rất tiếc trong bộ sách đồ sộ “ Tinh tuyển Văn học Việt Nam “ do Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn Quốc Gia xuất bản năm 2004 không có một dòng nào viết về tác gia văn học Nguyễn Phước Chu . Phải chăng đó là một thiếu sót của hậu thế đối với tiền nhân . . .

T.Đ.S

 Tham khảo:
– Đại nam thực lục tiền biên.(Quốc sử quán triều Nguyễn)
– Hải ngoại kỷ sự (Thích Đại Sán)
– Phủ biên tạp lục (Lê Qúy Đôn)
 
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here