Trang chủ Phật giáo khắp nơi Quảng Bình: Trung ương Giáo hội phối hợp với UBND tỉnh tổ...

Quảng Bình: Trung ương Giáo hội phối hợp với UBND tỉnh tổ chức tưởng niệm Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh

92
0

Đại lễ tưởng niệm cầu siêu là dịp để ôn lại công lao to lớn của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700). Ông sinh năm 1650, trong một gia đình danh tướng cha là Nguyễn Hữu Dật, anh cả Nguyễn Hữu Hào, tại xã Chương Tín huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình (nay là xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh tỉnh Quảng Bình). Một gia đình danh tướng uy vang được các Chúa Nguyễn và vua Nguyễn phong cả ba cha con là bậc khai quốc công thần, và được thờ ở Võ Miếu.

Riêng Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh là vị tướng tài ba, một nhà quản lý hành chính xuất sắc trong quá trình mở nước về phương Nam thời chúa Nguyễn và là người có công xây dựng nền móng cho Sài Gòn, Gia Định (nay là TP.HCM), An Giang, Đồng Nai, các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ ngày nay. Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh cũng chính là người kết nối dòng chảy văn hóa giữa Thăng Long – Hà Nội với vùng đất phương Nam.

Vì vậy ông được người dân từ Quảng Bình vào đến Cà Mau xem là đức thánh, nhiều nơi lập đền thờ, miếu trọng không chỉ vì ông có tài cầm quân, mà trong quá trình mang gươm đi mở cõi, ông đã lấy đức an dân, vỗ về người Hoa, người Chăm cùng xây dựng mảnh đất phương Nam trù phú, giảm thiểu hoạ binh đao. Tên của ông, công thần duy nhất của các Chúa Nguyễn được đặt tên một con đường lớn ở TP. Hồ Chí Minh để ghi nhớ công trạng thánh đức của ông.

Đặc biệt cùng cha là Nguyễn Hữu Dật, anh là Nguyễn Hữu Hào, ông đã có nhiều đóng góp cho Phật giáo Đại Việt trong nhiều Phật sự như xây dựng, trùng tu chùa chiền và chú tạo đại hồng chung cho các chùa khắp 3 miền Bắc Trung Nam.

Tại buổi lễ, Chư tôn đức Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt nam và các Tăng Ni Phật tử đã tiến hành nghi lễ niêm hương cầu nguyện, lễ rước linh và lư hương về đền thờ của Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại xã Vạn Ninh.

Trước đó, hơn 90 Chư Tăng Ni Phật tử Chùa Vĩnh Nghiêm, TP HCM đã tiến hành lễ cầu siêu cho Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh theo nghi thức Phật giáo.

Nhật Học tổng hợp

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here