Trang chủ Phật học Quan niệm của Phật giáo về nghiệp lực và quả báo của...

Quan niệm của Phật giáo về nghiệp lực và quả báo của việc tự sát

182
0

Tự sát vốn có nguyên nhân của nó, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do trong thức thứ tám (A lại da thức) của đối tượng tự sát đã huân giữ chủng tử tự sát. Đây có thể là tập quán của những kiếp trước của đối tượng tự sát không ngừng tích tập lại, đến kiếp này,  lúc gặp áp lực tinh thần hoặc gặp chuyện không như ý trong đời sống sinh hoạt thì ý niệm tự sát bổng nhiên hiện hành.

Xét từ góc độ khách quan thì người thân của đối tượng tự sát không đủ mẫn cảm để nhìn thấy được đối tượng tự sát trước lúc hành động có mầm mống biểu hiện tự sát. Đối tượng tự sát trước đó dù hữu ý hay vô ý đều thường biểu hiện dấu hiệu muốn quyên sinh. Đáng tiếc người thân hữu xung quanh đã xem nhẹ bỏ qua, không để tâm tìm hiểu, không có sự giúp đỡ kịp thời, quan tâm, từ bi dẫn dắt, vì vậy mà bi kịch diễn ra. Do đó thân hữu của đối tượng tự sát đều phải chịu trách nhiệm này, không được vô cớ chỉ tay sang người khác.

Với người có dấu hiệu tự sát thì sự trợ giúp của người khác có ý nghĩa vô cùng to lớn. Lúc đó tinh thần của đối tượng tự sát rất buồn nản cô độc, tuy họ cũng biết tự sát là điều không tốt, sẽ mang lại khổ đau và phiền toái cho người thân, nhưng họ không hiểu được rằng con người và sự vật tự tạo ra áp lực cho chính mình, hoàn toàn do sự suy nghĩ của mình tạo ra, đúng là “suy nghĩ thúc đẩy hành vi của một cá nhân, hành vi quyết định thế giới của cá nhân ấy, tạo thành vận mệnh của một cá nhân”. Hết thảy tốt xấu đều do mình suy nghĩ mà ra.

Người có khuynh hướng tự sát nên hướng dẫn họ tiếp xúc nhiều với thiên nhiên, giao hữu với nhiều bạn bè có nhiều công việc và cuộc sống khác nhau, cần học hỏi và biết thêm nhiều bài học mới. Tốt nhất là có cơ hội tiếp xúc với người xuất gia, có phương pháp hành trì thì sẽ có nhiều cơ hội hiểu được chính mình.

Mối quan hệ của tự sát và nghiệp lực:

Có rất nhiều người khi gặp chuyện không như ý thì quy cho là nghiệp lực, thực ra không hoàn toàn thụ động như vậy. Nghiệp lực là hành vi, lời nói và suy nghĩ của mình trong quá khứ đã tạo ra, nay biến thành một loại hành động (action), đã có hành động thì tất nhiên phải có phản ứng (reaction).

Hành động là cái thành thục chín muồi đã tạo ra trong quá khứ, nó bao gồm cả ba nghiệp thân khẩu ý; phản ứng là kết quả của hiện tại. Do quá khứ tạo nghiệp, nên sinh ra quả hiện tại. Đây là lý tất nhiên, nhưng nghiệp lực hoàn toàn có thể chuyển.

Tuy nhân quá khứ không chuyển được, nhưng nhờ duyên hiện tại thông qua việc kết giao với thiện hữu tri thức, tiếp xúc nhiều với thiên nhiên, biết tu hành, hòa đồng với mọi người, cởi mở tâm mình…để đúc kết thiên duyên. Một khi duyên được chuyển thì quả của nhân đó sẽ theo đó mà nhẹ bớt đi. Nếu có thể hiểu được kết quả của nghiệp lực là kết quả của nghiệp quá khứ, nay chỉ cần thư thản, không chấp trước thì nghiệp chướng tự nhiên nhẹ nhàng và tiêu trừ.

Trước đó đối tường tự sát thường phát ra tín hiệu cầu cứu, chẳng hạn như: buồn chán, bất an, uất ức không biểu lộ được bằng lời nói, không có cảm giác an toàn, có người đang tìm cách hại họ… Các tín hiệu như thế đó là tín hiệu cầu cứu, phương pháp giúp đỡ họ tốt nhất lúc này là làm bạn.

Người làm bạn với họ rất quan trọng, cần phải có lòng nhẫn nại, cần phải có tâm từ bi, vì đối tượng tự sát bộc lộ ra nhiều biểu hiện vô minh của thân khẩu ý làm cho người xung quanh khó chịu. Vì vậy người làm bạn phải biết tu từ bi quán, hành động như một vị Bồ tát, xem nỗi khổ đau của họ cũng giống như nỗi khổ đau của mình. Đồng thời phải hiểu biết tâm lý, có kiến thức và hiểu biết về Phật pháp, cần phải có trí huệ để hướng dẫn và làm một người bạn tốt nhất và cần thiết đối với họ.

Tiếp theo là giúp họ tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời, ca hát, vận động thể dục, niệm Phật, tĩnh tọa, trì chú, lễ lạy sám hối… Thông qua phương pháp lễ Phật thì cở thể của người đó được vận động, sự tuần hoàn máu trong cơ thể được đều hoà và thần kinh được thư giản. Tất cả những hoạt động trên đều là những việc làm bổ ích cho người có khuynh hương tự sát.

Tự sát là một việc làm vô minh mê muội và oan uổng vì thân người khó được, sau khi tự sát thì kiếp sau có làm được thân người được nữa hay không đó là điều hoàn toàn không biết được. Cho dù may mắn dược làm thân người thì càng gia tăng tập khí tự sát, đời này sang đời khác luân chuyển trong tập khí tự sát, đồng thời cũng mất đi cơ hội tụng kinh nghe pháp, gặp được Tam bảo.

Quả báo của việc tự sát:

Nếu sự việc tự sát đã nhở xảy ra thì người thân hữu của đối tượng tự sát giúp họ tốt nhất là bằng con đường tâm linh đó là trợ niệm. Mỗi niệm mỗi niệm đều hộ niệm hồi hướng giúp người tự sát vãng sanh. Sự giúp đỡ bằng con đường tâm linh nghĩa là giúp người tự sát tụng kinh, niệm Phật, khai thị, hồi hướng, giúp thần thức người tự sát nghe kinh, hiểu được ý nghĩa Phật pháp.

Đối tượng tự sát lúc ở giai đoạn thân Trung ấm thì cũng vậy, vẫn còn giận hờn, bất bình, không an ổn, vẫn chấp chặt sự tình thế gian, đồng thời cũng thấy có lỗi với người thân, đau đớn, tâm tự trách rất nặng nề. Vì vậy giai đoạn thọ thân Trung ấm của đối tượng tự sát sẽ kéo rất dài, do chướng ngại đó mà rất khó chuyển kiếp.
Chắc chắn quả báo của việc tự sát đều không thể tốt đẹp được, do tâm lý của đối tượng tự sát bị đè nén, tâm oán hận nặng nề và không muốn đi chuyển kiếp. Vì thế dễ đọa lạc vào ba ác đạo (địa ngục , ngạ quỷ, súc sanh). Cho dù có được làm người lại thì tập khí tự sát vẫn theo đuổi hoài.

Chỗ xảy ra tự sát cũng khiến người sống cảm giác rờn rợn, đây là nguyên nhân do thân Trung ấm của đối tượng tự sát không chịu đi chuyển kiếp, làm nhiễu loạn từ trường khu vực quanh đó. Nếu gặp người thân tâm mỏi mệt suy nhược, mẫn cảm, định lực không mạnh, bị bệnh trầm uất, trong hoàn cảnh như vậy rất dễ bị ảnh hưởng, đây cũng là một hiện tượng tự nhiên.

Cũng giống như chúng ta có cảm giác nhẹ nhàng thư thái khi vào điện Phật, còn khi chúng ta đi đến nghĩa địa hay chỗ quàng người chết thì chúng ta sẽ có cảm giác ớn lạnh, đây chính là do từ trường xung quanh đó bị nhiễu loạn. Nếu thân Trung ấm của người tự sát bất hạnh không được siêu thoát hay chuyển thân thì họ vẫn còn luyến tiếc chấp trước khiến từ trường xung quanh bị nhiễu loạn.

Hiểu được Phật pháp thì chúng ta biết được con người và sự vật trên thế gian này vốn không khổ cũng không vui, tất cả khổ vui đều do tâm biến hiện. Với người làm điều xấu thì mới sinh ra tâm lý khổ đau. Nếu có thể nhìn thấu triệt và vắng lặng mọi trần lao trên thế gian này thì sẽ tránh được mê muội nhất thời dẫn đến bi kịch tự sát.

Thiện Chánh dịch từ Pumen magazine

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here