Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Chiêm niệm về đường tu

Chiêm niệm về đường tu

117
0

Ngày còn ở làng, cùng mẹ đi chùa làng mỗi khi nhìn thấy mấy thầy về thăm quê giảng pháp, người lớn trẻ nhỏ trong làng đều cùng nhau đến chắp tay vái chào thăm hỏi thầy rất kính trọng, lễ phép trong lòng mình vừa hâm mộ vừa băn khoăn kho hiểu. Hỏi mẹ, mẹ trả lời “tu là cội phúc, tình là dây oan”, quý thầy đi tu là đi trồng căn lành, un cội phúc nên ai cũng kính trọng, ai cũng hâm mộ. Còn ở đời như mẹ, như ba, như mấy đưa con…cứ đời nầy qua đời khác oán oán kết kết dây dưa mãi là dây oan khó gỡ, khó tháo…tôi càng lơ mơ khó hiểu hơn.

Rồi thì tôi cũng đi, từ biệt “mối dây oan” để vào chùa, ngày nầy qua tháng nọ, năm nầy qua năm khác cứ loanh quanh luẩn quẩn tu tu học học gõ mỏ tụng kinh, lao động nhọc nhằn, thức khuya dậy sơm, công phu miệt mài vẫn không làm sao hiểu nổi tu là gì, cứ biết mình đã “thay hình đổi dạng”, ba, mẹ không dám gọi tên con mà lại gọi bằng chú, bằng điệu, bằng thầy và cũng thưa cũng bạch rất khó hiểu.

Được học hành cùng chúng, cùng bạn, cùng thầy mới hiểu lơ mơ tu là sửa, sửa từ lời ăn tiếng nói, sửa từ cách ăn mặc hoại sắc dản dị đến cách đi đứng nằm ngồi phải nhẹ nhàng từ tốn. Luôn luôn phải hành trì, phải khép mình trong quy củ thiền môn, không ăn to nói nậy (lớn), không sân, hận, si, mê mà phải luôn tỉnh táo, gò tâm, gò tính như thợ rèn gò sắt, gò đồng cho thành kim thành khí.

Ngày đêm học giới học luật Phật chế để phải chăm chú từng ly từng tí, uốn nắn, sửa mình kẻo cái chủng tử “oan nghiệt” còn sót lại nó phát tán ra rồi quên mình, rồi đánh mất mình mà ăn lơ nói láo để bị sư phụ quở trách, phạt đòn, bị chúng bạn đồng môn, đồng liêu, đồng lứa chê cười, bị Phật tử bổn đạo xa lánh thì buồn lắm, tủi lắm, nhục lắm.

Đến trường, lên lớp gặp chúng, gặp bạn chơi với nhau cũng phải để ý có chừng, có mực cũng phải chọn bạn mà chơi, chọn bạn mà tu. Có một câu nói đùa nửa Hán nửa Nôm rất hay của một người bạn bây giờ đang tu ở phương trời Tây cách biệt mà tôi rất tâm đắc và nhớ mãi mỗi khi nghiệm lại chữ TU: “tu hành giả, tu cả hành vi” mỗi lúc mỗi thấy hay quá, tâm đắc quá nên mãi đến bây giờ bạn vẫn tu, tôi vẫn tu. Còn tương lai thì mặc kệ, cứ biết mình đang tồn tại, đang tu từng ngày từng giờ là tốt lắm rồi.

Tu là uốn nắn, là ép mình, uốn nắn và ép mình trong khuôn khổ quy củ chốn thiền môn thì chẳng sao, bởi mỗi ngày mỗi tốt lên, tư cách đạo đức nó sáng ra tinh hoa phát tiết ra ngoài có ảnh hưởng tốt đến quần chúng nhân dân.

Biết rằng tu là sửa, nhưng sửa thì có người sửa đúng, có người sửa sai. Có người thì sửa mình từ chỗ xấu đến chỗ tốt, từ chỗ chưa hoàn thiện đến chỗ hoàn thiện bởi họ chọn con đường tu đúng, chuyên tinh giới luật; luôn luôn thấy Phật ở bên mình, Phật ở trong mình, luôn luôn thấy ánh sáng toàn thiện ở trong ta, luôn lấy lời Phật dạy “gặp thời không có Phật nên lấy giới luật làm thầy” để soi đường dẫn lối. Nhưng cũng có người lại sửa mình từ chỗ tốt đến chỗ xấu; từ chỗ hoàn thiện đến chỗ hư, chỗ tối tăm cũng nhiều. Đó là bởi lầm đường lạc lối, hiểu trật đường rầy mà chọn trật đường tu, cội phúc thì không trồng, không vén không un mà dây oan thì ngày càng nối kết dài ra, oan nghiệt càng chồng chất, quần chúng Phật tử cũng nễ, cũng sợ nhưng ngày càng tránh xa (kính nhi viễn chi).

Nhớ lời mẹ dặn trước lúc đi tu: “con ơi áo rách phải giữ lấy lề, áo rách khéo vá hơn lành vụng may”. Mộc mạc thế nhưng cũng sâu sắc quá, mỗi ngày mỗi giờ tôi rất sợ nhiễm phải cái thói hư tật xấu, nhiễm phải những cái suy tư, cái tư duy, mê theo đường lối lệch lạc rồi đi trật đường tu mà đưa mình, sửa mình, ép mình, uốn mình, gồng mình vào trong nẻo mê đường tà thì thật tai hại, tai hại cho mình, tai hại cho người và tai hại cho cả đạo pháp nữa.  

 Tăng Nguyên

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here