Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo trong nước Phát hiện nếp Ca sa Tiểu thừa trên tượng Trần Nhân Tông

Phát hiện nếp Ca sa Tiểu thừa trên tượng Trần Nhân Tông

164
0

700 năm sau ngày mất của đức Trần Nhân Tông, tìm về Yên tử để chiêm bái thêm một lần pho tượng của ngài hiện đặt trong tháp tổ Huệ Quang. Tương truyền pho tượng đó cho chính vua Trần Anh Tông cho tạc ngay sau một năm ngài mất. Pho tượng được tạc bằng đá xanh Ninh Bình, chia ra làm 2 phần, một phần ngai có bốn mặt hổ phù đặt rời phần bệ và tượng.



Bệ và tượng được tạc trên cùng một khối đá, hoa văn bệ tượng đơn giản viền ngoài là hoa cúc đời Trần, lớp trong là hai con rồng chầu hoa sen. Chỉ cần đọc những lớp mã ý nghĩa ở phần bệ tượng thôi cũng là cả một điều thú vị.


Phần ngai bốn chân hổ phù bắt buộc phải rời khỏi phần bệ vì Trần Nhân Tông là vị vua xuất gia đi tu; ở phần bệ gắn liền với tượng có trang trí hoa văn hoa cúc vốn là biểu tượng văn hóa của triều đại nhà Trần; rồng chầu hoa sen (không phải là rồng chầu mặt nguyệt, hay hỏa châu) cho thấy vào đầu triều đại nhà Trần đến đời vua Anh Tông, Phật giáo chính là quốc giáo của Đại Việt, hình tượng con rồng biểu tượng cho quyền lực của nhà vua chầu một đóa hoa sen được cách điệu là biểu tượng của Phật giáo. Sách Thánh đăng ngữ lục còn chép lại: Mùa đông năm Giáp thìn (1304), vua Anh Tông dâng biểu xin thụ Bồ tát giới tại gia.


Nhưng mã văn hóa không chỉ nằm lại ở phần bệ tượng mà dồn cả vào pho tượng vua Trần Nhân Tông. Pho tượng cao khoảng 50cm, vua Nhân Tông trong tư thế của một vị thiền sư ngồi kiết già, hay tay đặt lên đầu gối, tay phải bắt ấn, tay trái đặt buông gần đầu gối, vua ngồi thiền mở mắt, ánh mắt được các nghệ nhân dân gian điểm nhã trông hiền từ, pho tượng đẹp giản dị toát lên một vẻ thoát tục.


Nghệ nhân Nguyễn Tiến Dũng được nhìn tận mắt pho tượng đức Nhân Tông ở trong tháp tổ về chất liệu và kỹ thuật điêu khắc về pho tượng trong tháp Huệ Quang cho biết: “Chỉ riêng cánh tay của pho tượng, với kỹ thuật chế tác đá trên chất liệu như thế và thời bây giờ phải thợ lành nghề phải làm hết ba tháng”. Nghệ nhân Nguyễn Tiến Dũng đã về thử làm một phiên bản như vậy trong sự hỗ trợ rất nhiều của máy móc hiện đại trong vòng một tháng hoàn thành được tác phẩm chỉ đạt được độ chính xác 70% so với mẫu trong tháp.


Trước đó một nhóm họa sĩ của Vụ Mĩ Thuật cũng tiến hành dựng phiên bản bằng thạch cao trong dự án dựng tượng vua Trần Nhân Tông trên đỉnh An Kỳ Sinh sau thời gian tương đương như thế đã nặn một phiên bản khác nhưng không một nét nào mang hình ảnh của Trần Nhân Tông.


Tượng vua Nhân Tông trong tháp tổ Huệ Quang quả là công trình tuyệt mĩ về mặt mĩ thuật, nhưng đặc biệt hơn cả là pho tượng đó tồn tại trong đó những bí ẩn mà mãi cho đến ngày nay chúng ta mới đặt câu hỏi và bắt đầu trên con đường khám phá: Đó chính là nếp áo tiểu thừa mà những người thợ chế tác cùng thời khoác cho bức tượng.



Như chúng ta đã biết rõ ràng thiền phái Trúc Lâm nằm chung trong hệ thống Phật giáo Đại Thừa vậy nếp áo Tiểu Thừa của đệ nhất tổ một dòng thiền Đại thừa mang ý nghĩa gì?


Tìm lại một chút lịch sử các pho tượng cổ vua Nhân Tông, ngoài pho tượng đặt trong tháp Huệ Quang ra còn có một số pho tượng khác vua cũng mặc áo tiểu thừa: hệ thống ba pho Trúc Lâm tam tổ đặt thờ ở Côn Sơn; ba pho Trúc Lâm tam tổ đặt thờ trong chùa Đồng cũ được xây dựng đầu thế kỷ 20… còn lại đa phần các pho tượng khác vua vẫn mặc áo Đại Thừa.


Giở lại một số sách sử chép về cuộc đời bắt đầu khi vua xuất gia tu hành đến đắc đạo thành Phật ta thấy có một số sự kiện sư sau:


Sách Thánh Đăng Ngữ Lục chép: ” Năm Kỷ Hợi Hưng Long thứ 7, tháng 10 bằng cách đi thẳng vào núi Yên Tử, siêng năng tu hành 12 hạnh đầu đà, tự gọi là Hương Vân Đại Đầu Đà”


Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: “Tháng 8 (năm kỷ hợi) Thượng hoàng từ phủ Thiên Trường lại xuất gia, vào núi Yên Tử khổ hạnh”


Sách Thánh Đăng ngữ lục chép lại: Khi mất vua Nhân tông được tôn hiệu Đại thánh Trần triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Huệ Điều Ngự Tổ Phật.


Như vậy có một điều khẳng định là vua Trần Nhân Tông đã tu hành theo pháp giới hạnh đầu đà thuộc Tiểu thừa để rồi sau này đắc đạo thành Phật


Sau khi vua vào Yên Tử tu tập, vẫn theo sách Đại Việt Việt Sử Ký Toàn Thư thì tháng 3 năm Tân Sửu (1301) Thượng hoàng Nhân Tông đi sang Chiêm Thành, và chính chuyến đi này ngài đã làm một nước cờ chính trị vô cùng khôn khéo là dàn xếp cuộc hôn nhân giữa vua Chiêm Chế Mân lấy công chúa Huyền Trân nhà Trần để đổi lấy hai châu Ô, Lý mà không mất một mũi tên hòn đạn. Cuốn sử trên cũng ghi chép khá rõ ràng diễn biến cuộc hôn nhân này:


Rằm tháng giêng năm Quý Mão (1303), sau chuyến đi Chiêm về, Thượng hoàng mở Pháp hội vô lượng bố thí tiền bạc cho dân nghèo tại chùa Phổ Minh; tháng 3 năm Giáp Thìn (1304), Thượng hoàng tiếp một vị sư tu theo lối Du Già ở Chiêm Thành sang nước ta; Tháng 2 năm Ất Tị(1305) nước Chiêm sai Chế Bồ Đài mang phẩm vật bàn chuyện hôn sự; tháng 6 năm Bính Ngọ(1306) tổ chức đám cưới cho công chúa Huyền Trân và vua Chiêm là Chế Mân; tháng 5 năm Đinh Mùi (1307), Chế Mân mất cũng chính ngài là người sai Trần Khắc Chung đem quân lừa đưa được công chúa về tránh cảnh con gái mình phải thiêu cùng vua Chiêm.


Như vậy có thể nói chỉ có thời gian từ tháng 8 năm 1299 đến tháng 3 năm 1301 trong sử không thấy chép gì những chuyện của vua Nhân Tông trong thời gian ở Yên Tử, chứng tỏ trong thời gian này ngài ở Yên Tử và tu tập rốt ráo trong thời gian gần 2 năm. Tuy vậy sau 2 năm tu hành ngộ đạo, tính từ khi ngày xuống núi có buổi thuyết pháp đầu tiên giảng về Khóa Hư Lục tại chùa Vĩnh Nghiêm thì những việc đối ngoại quan trọng của đất nước trong đó có chuyện lấy hai châu Ô, Lý chính là do một mình vua Nhân Tông chỉ đạo.


Sau một thời gian xuất thế để tu đạo, cả một quãng thời gian dài sau thời điểm chứng đắc ngộ đạo Trần Nhân Tông đóng vai trò là một thiền sư nhập thế. Suốt từ năm 1301 cho đến cuối đời thái độ xuất thế và nhập thế của vua Trần Nhân Tông luôn có sự biến đổi. Lúc ngài trong hành trạng của một vị khất sĩ ngay trong kinh thành của nước Chiêm; có lúc ngài như một thiền sư Lâm Tế trong buổi giảng về thiền tại chùa Sùng Nghiêm vào năm 1304 theo lời tả trong sách Thánh Đăng Ngữ Lục; có lúc ngài nhập thế như một nhà Nho khi tính nước cờ chính trị vô cùng sáng suốt để đổi lấy hai châu Ô, Lý… Chính thái đội hành tàng xuất xử của ngài làm cho nhiều người tìm hiểu về cuộc đời của ngày như lạc vào trong một mê cung và có lẽ chính từ đây câu chuyện về Thiền Phái Trúc Lâm mới được bắt đầu giở sang một trang mới.


Cuối tháng 12 vừa rồi, có dịp đi lại trên con đường rất nhiều khả năng đó chính là con đường cổ xích tùng mà vua Trần Nhân Tông đã đi vào Yên Tử để tu khổ hạnh. Cuối con đường chúng tôi vô cùng ngạc nhiên về một rừng tùng cổ thụ mở ra trước mắt, những thân cây lớn độ hai người ôm mọc thành rừng với số lượng khá nhiều, bên cạnh là một rừng trúc, những thân trúc to bằng cổ tay mọc thẳng đứng rắn rỏi, mỗi cơn gió len được vào nơi đây đều làm những lá trúc reo lên trên những tay trúc mảnh dẻ, rồi bất chợt một vài chiếc là vèo rụng như nhắc nhở du khách về kiếp phù sinh của đời người.


Một vị thiền sư chỉ cho tôi mé bên kia của rừng Tùng, rừng Trúc này là một rừng Mai vàng. Rừng mai mọc ở bên đằng thác vàng chạy dọc từ chùa Hoa Yên xuống vị trí ga cáp treo bây giờ, vào những tháng xuân, du khách hành hương rợp ngợp trước một rừng mai vàng trên triền núi Yên Tử, đoạn từ am Thiền Định sang Thác Vàng vốn ít khách qua lại đến ngày tết trong không khí lành lạnh của những ngày đông đang còn vương vấn, ngắm hơi núi phả ra những dải sương và cánh mai vàng rơi lác đác trên con đường đá thật không có gì khoái hoạt bằng.


Bất giác tưởng tượng đến cảnh đó, nghĩ đến ngày cuối năm mà nhớ tới câu thơ của Huyền Quang Lý Đạo Tái: Tuế vãn trung sơn vô lịch nhật/Cúc khai hoa xứ tức trùng dương (Năm gần hết, giữa rừng không có lịch/ Thấy hoa cúc nở, biết là tiết trùng dương đến rồi); đọc hết câu mới giật mình khám phá ra một điều vô cùng thú vị: Hóa ra ở Yên Tử ngay từ sớm đã song hành tồn tại “tứ quý”: Tùng – Cúc – Trúc – Mai là những vẻ đẹp tượng trưng cho đức hạnh của người quân tử theo mĩ học Nho giáo.


Một thánh địa của Phật giáo lại chất chứa trong đó những vẻ đẹp biểu tượng cho đức hạnh của người quân tử theo quan niệm Nho giáo thì quả là đặc biệt. Nếu lạm nghĩ thêm một tí nữa thì trước đó rất lâu tượng đá An Kỳ Sinh đã đứng sừng sững gần hai mươi thế kỷ. Và chỉ nghĩ thêm được chừng đó thôi mọi thứ đã gần thông suốt trên quãng đường đi khám phả chỉ một dải núi men sườn dãy Yên Tử đã tồn tại ba vẻ đẹp của ba thứ tôn giáo hòa chung trong nhịp đập mà trái tim chính là Thiền Phái Trúc Lâm.


Nhớ lại một câu nói nữa cũng của thiền sư Phù Vân với vua Thái Tông cũng được chép lại trong cuốn sách Thiền tông chỉ nam tự: Sơn bản vô Phật/Duy tồn hồ tâm/Tâm tịch nhi tri/Thị danh chân Phật; Để đến sau này trong yếu chỉ của mình mà chính là của Thiền phái Trúc Lâm với bài phú Cư Trần Lạc Đạo đức Điều ngự giác hoàng đã tiếp nhận một lần nữa lời nói của thiền sư Phù Vân trong câu: Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền. Câu của vua Thái Tông chép lại có nghĩa là: Trên núi vốn không có Phật/ Phật chính nằm trong tâm/ Tâm lặng mà biết được/Đấy chính là Phật thật sự.


BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here