Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Phật giáo Huế với mùa Xuân lịch sử

Phật giáo Huế với mùa Xuân lịch sử

139
0

Trước năm 1975, Huế là thủ đô Phật giáo ở miền Nam. Từ tín ngưỡng của mình, người Phật tử Huế đã tiến lên hành động cách mạng.


Thật vậy, trong cuộc đấu tranh cách mạng nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Phật giáo Huế đã có những đóng góp hết sức to lớn. Năm 1963, Huế là nơi mở đầu phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 chống chế độ độc tài gia đình trị, giáo trị Ngô Đình Diệm và đã góp phần xứng đáng vào sự cáo chung của chế độ này. Những năm tiếp theo, cùng với nhân dân miền Nam, Tăng Ni và Phật tử Huế tiếp tục cuộc đấu tranh kiên cường chống các chính quyền lệ thuộc ngoại bang, từ Nguyễn Khánh, Trần Văn Hương đến Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ đòi hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.


Khi Mỹ tiến hành cuộc “chiến tranh cục bộ”, đưa quân trực tiếp can thiệp vào miền Nam, Phật giáo Huế xem Mỹ là kẻ xâm lược, là kẻ thù của nhân dân Việt Nam. Giải thích cho lập luận này, Ni sư Diệu Không viết:


“Hiện tại miền Nam xem người Mỹ như kẻ thù vì các lý do sau:


1. Người Mỹ không tôn trọng ý kiến của toàn dân, chỉ theo ý kiến của một vài người mà Mỹ cho là tay sai dễ bảo;


2. Người Mỹ dùng toàn là những người xu phụ danh lợi, là người tiểu nhân, làm cho toàn dân chán ghét, lại xem thường những người dân mến yêu;


3. Ủng hộ những người đàn áp tôn giáo của toàn dân, làm toàn dân oán ghét”(1).


Khi “Sự kiện bàn Phật xuống đường”(2) năm 1966 bùng nổ, Mỹ đã giúp sức cho chính quyền quân phiệt Thiệu – Kỳ đàn áp dã man Tăng Ni và Phật tử, nhất là ở Đà Nẵng và Huế. Do vậy, đối với Phật giáo Huế, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở miền Nam đồng nghĩa với việc “chủ quyền nằm trong bàn tay lông lá của người Mỹ” và đã khẳng định dứt khoát thái độ của mình: “Mọi người Việt Nam kể cả hàng Phật tử chỉ có cách độc nhất để cứu nước, cứu nhà, cứu đạo là đoàn kết đấu tranh một mất một còn để giành lại chủ quyền thiêng liêng đó… Đất nước và Đạo pháp đang bị bọn cướp nước và lũ bán nước dìm sâu vào tình trạng bi đát nhất… Do đó, đã đến lúc người Phật tử yêu quê hương mến Đạo pháp phải giành quyền đấu tranh cho chính mình; đất nước và Đạo pháp là tài sản chung, cứu nước bảo vệ đạo là nhiệm vụ chung”(3).


Một số sử liệu trên đây góp phần giúp chúng ta hiểu tại sao khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 diễn ra, Tăng Ni và Phật tử Huế đã nhập cuộc, tham gia hết sức tích cực.


***


Tháng 10-1967, Hội nghị Khu ủy Trị Thiên họp và đã đi đến thống nhất kế hoạch đánh Huế, thời gian là sau Tết một ít và không có chủ trương giữ Huế dài ngày. Tháng 12-1967, sau khi tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Trung ương, Khu ủy Trị Thiên mới biết kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng Huế, tiến tới lập chính quyền và không rút ra nữa. Kế hoạch đánh Huế và giữ dài ngày với một thời gian chuẩn bị hết sức gấp rút, bao nhiêu vấn đề cấp bách đặt ra, đòi hỏi từ cán bộ lãnh đạo đến chiến sĩ và mọi giới đồng bào phải tập trung giải quyết, trong đó Tăng Ni và Phật tử Huế đã gánh vác một phần quan trọng. Xin dẫn một số sử liệu để làm sáng tỏ lập luận này.


Chuẩn bị cho Tết Mậu Thân 1968, chị Hoàng Thị Trâm, một huynh trưởng Gia đình Phật tử và là một đường dây nội thành đã nhận nhiệm vụ nuôi giấu, che chở và giữ bí mật cho cán bộ ta trước lúc giờ nổ súng. Không may, địch ập vào nhà bắt Hoàng Thị Trâm, tra tấn hết sức dã man hòng khai thác tìm bắt cán bộ ta, nhưng với tinh thần “Bi, Trí Dũng” của giáo lý nhà Phật, chị đã kiên trì chịu đựng, không một lời khai báo. An toàn của cán bộ ta được đảm bảo tuyệt đối. Một cán bộ tham gia chỉ đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trong Tết Mậu Thân 1968 ở Huế kể lại: “Một lần bọn địch ập vào nhà bắt cô và tra tấn hết sức dã man ngay dưới mái nhà của cô, một mặt chúng lục soát khám xét nhà hòng tìm ra cái mà chúng cần tìm. Chúng đổ xà phòng, nước ớt vào mũi miệng của cô, vừa đánh đập vừa tra hỏi, nhưng Trâm một mực không khai báo – một lòng kiên quyết bảo vệ bí mật của Cách mạng, bảo vệ cán bộ đến cùng… Trong giờ phút đó chỗ ở của một số đồng chí ngay trong nhà, … được Trâm và gia đình bảo mật “niêm phong”(4).


Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, nhiều chùa Huế đã trở thành điểm tựa của lực lượng Cách mạng. Chùa Tăng Quang (Theraveda) ở Gia Hội do Đại đức Thích Giới Hỷ làm trú trì, là địa điểm đón cán bộ Quận ủy Quận II tập kết trước giờ xuất quân. “21 giờ, phố phường vẫn rộn rịp náo nức không khí của ngày đầu xuân, tôi (cán bộ tham gia chỉ đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy – TG chú thích) chững chạc trong bộ lễ phục ngày Tết, tay xách một túi đầy ắp bánh trái ung dung bước vào chùa Theraveda (chùa của các tu sĩ áo vàng theo phái Tiểu thừa. Tại đây, các anh Bê, Minh, Cận, Tẩy, Dũng… và Quang cũng đã đến. 23 giờ 30 bắt đầu tỏa ra tìm chỗ tập kết sau cùng, ai nấy đều được trang bị vũ khí, lòng đầy phấn chấn tự hào với một niềm tin tất thắng”(5). Chùa Tường Vân có thời điểm là nơi đóng Sở Chỉ huy cánh Nam, các sư tăng ở đây đã hết lòng với Cách mạng. Nhiều chùa khác đều là trạm chăm nuôi thương binh; các Ni cô, nữ Phật tử đều tự mình chăm sóc nuôi dưỡng, tự lo lấy hết mọi việc hậu cần cho nhiệm vụ này. Nữ Phật tử Tôn Nữ Thị Sắc ở chùa Diệu Đế cũng dành gạo cho quân giải phóng.


Khi quân ta chiếm lĩnh thành phố, cờ Phật giáo được treo rợp ở khắp các phố, các chùa và các tư gia, có cờ đại đuôi nheo thường dùng trong các buổi lễ ở đình chùa. Đó chính là phong trào nổi dậy của Phật tử Huế, nối tiếp từ năm 1963. Đông đảo thanh niên, sinh viên Phật tử đã tham gia “Mặt trận thanh niên Huế” làm nhiệm vụ bảo vệ thành phố hoặc xung phong làm nhiệm thu tin tức, đánh máy, in rô-nê-ô các tài liệu, đưa đi phân phát cho nhân dân, hoặc theo các đội công tác đi dán tài liệu tuyên truyền. Nhiều thơ ca đã biến thành khẩu hiệu chiến đấu, được thanh niên, sinh viên và học sinh viết lên tường của các công sở hoặc trường học:


Tính mạng quý hơn vàng,


Tình yêu là vô giá.


Vì giải phóng miền Nam,


Thà hy sinh tất cả”(6).


Nhiều nhà sư bày tỏ sự phấn chấn và lập trường của mình trước những hoạt động của lực lượng Cách mạng. Khi xem đội Văn công Quân giải phóng biểu diễn, một nhà sư đã tỏ bày tâm sự của mình: “Mấy chục năm tôi không đi xem văn nghệ của chúng nó, toàn là lõa thể, dâm ô, bẩn con mắt. Văn nghệ này mới là văn nghệ của ta, mới là văn hóa dân tộc”(7).


Trong công tác binh vận, rút kinh nghiệm từ “Sự kiện bàn Phật xuống đường” 1966, trong những ngày tháng nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), số thanh niên, sinh viên Phật tử Huế(8) thoát ly ra vùng giải phóng, nay trở về cùng với đại quân tham gia giải phóng Huế, họ đã khá thành công trong việc kêu gọi sĩ quan, binh lính và nhân viên ngụy quyền Sài Gòn trở về với nhân dân, giúp họ thành lập một số tổ chức như “Đoàn nghĩa binh cảnh sát”, “Hội binh sĩ yêu nước ly khai”. Các tổ chức này có mặt ở hầu hết các khu phố, kêu gọi sĩ quan, binh lính Sài Gòn bỏ hàng ngũ địch trở về với Cách mạng; họ làm nhiệm vụ tiếp nhận sĩ quan, binh sĩ đến ghi tên, nộp vũ khí và làm giấy cam đoan không trở lại với địch. Khi địch phản kích, nhiều sĩ quan và binh lính Sài Gòn đã giác ngộ chiến đấu bên cạnh Quân giải phóng.


Tăng Ni và Phật tử Huế cũng có mặt trong bộ máy chính quyền Cách mạng, tiêu biểu như HT.Thích Đôn Hậu (chùa Thiên Mụ) và nữ cư sĩ Nguyễn Đình Chi. HT.Thích Đôn Hậu, lúc đó là Chánh Đại diện miền Vạn Hạnh, khi cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 diễn ra, HT giữ chức vụ Phó Chủ tịch Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình thành phố Huế. Sự tham gia kháng chiến của HT.Thích Đôn Hậu(9) có một ý nghĩa chính trị sâu sắc, tác động đến tâm tư, tình cảm của biết bao Tăng Ni và Phật tử Huế. Theo đồng chí Lê Minh, Chỉ huy trưởng chiến dịch, việc: “HT.Thích Đôn Hậu ra đi thì mang theo kháng chiến tình cảm của hàng vạn Phật tử Huế. Nhờ đó mà sau một thời gian không lâu, ta đã ổn định được tình hình về phía ta trong thành phố. Mỗi tình cảm riêng đó trong hoàn cảnh đất nước chiến đấu đều trở thành một tình cảm Cách mạng”(10).


Nữ cư sĩ Nguyễn Đình Chi, một phụ nữ trí thức tiêu biểu của Huế trong cả hai cuộc kháng chiến(11), dù tuổi đã lớn và trước cảnh hiểm nguy “trên bom, dưới đạn”, song trước yêu cầu của Cách mạng, bà đã băng rừng, lội suối ra chiến khu nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Với bà, được tham gia Cách mạng là một hạnh phúc lớn lao trong cuộc đời của mình. Trên đường ra căn cứ, bà đã nói với đồng chí, đồng đội của mình: “Non sông mình hùng vĩ, cỏ hoa gấm vóc. Được chính mắt trông thấy, tận hưởng vẻ đẹp đã là hạnh phúc rồi, huống chi còn được vinh dự có mặt trong cái giai đoạn oanh liệt nhất của bốn ngàn năm lịch sử nước nhà này. Một đời người không dễ gì có may mắn đó”(12). Nữ cư sĩ Nguyễn Đình Chi vừa giữ chức vụ Phó Chủ tịch Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình thành phố Huế, vừa là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng Thừa Thiên – Huế.


***


Xuân 1968 cả miền Nam bừng lên với khí thế tiến công cách mạng, Huế được xem như là nơi đọ sức quyết liệt nhất giữa ta và địch. Qua 25 ngày đêm của Tết Mậu Thân lịch sử 1968, Tăng Ni và Phật tử Huế bất chấp những khó khăn gian khổ, đã sát cánh cùng nhân dân thành phố, tự nguyện gánh vác mọi nhiệm vụ do cách mạng phân công, với một ước mơ cao nhất là “Đạo pháp trường tồn, đất nước thống nhất”. Phật giáo Huế trong Tết Mậu Thân 1968 đã xứng đáng truyền thống Phật giáo Việt Nam thời Lý – Trần, tiếp nối được khí thế hào hùng của phong trào Phật giáo 1963, 1966, … Hơn thế nữa, từ thực tế đó giúp chúng ta khẳng định: “Hai ngàn năm Phật giáo Việt Nam là hai ngàn năm Phật giáo nhập thân với dân tộc”(13), đúng như Hồ Chí Minh đã nói: “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một”(14).




  • Lê Cung (PGS.TS. Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Huế.)

Chú thích


(1) Diệu Không. Pháp nạn 66. Tác giả xuất bản, Huế, 1966, tr.29.


(2) Trong phong trào đô thị miền Nam năm 1966, Huế đã xuất hiện nhiều hình thức và biện pháp đấu tranh hết sức quyết liệt, như việc thành lập những đội quân bán vũ trang với tên gọi là “Đoàn sinh viên quyết tử” hoặc “Chiến đoàn Nguyễn Đại Thức”, gồm sĩ quan và binh lính Sài Gòn ly khai,… Trong những ngày cuối cùng của phong trào, theo lời kêu gọi của giới lãnh đạo Phật giáo, nhân dân Huế đã đưa hàng ngàn bàn thờ Phật ra đường để chống trả sự đàn áp dã man của quân đội Thiệu – Kỳ. Từ Huế, phong trào đưa bàn Phật ra đường lan rộng ra nhiều đô thị khác ở miền Nam, nhất là Sài Gòn. Vì vậy, một số nhà nghiên cứu gọi phong trào thị miền Nam năm 1966 là “Sự kiện bàn Phật xuống đường”.
(3) Lê Nam Hà. Phật tử trước thời cuộc trong “Cứu lấy quê hương, Tiếng nói của những người yêu quê hương mến Đạo pháp Huế và Thừa Thiên”, số 3, 1967, tr. 8-9.


(4) Phan Nam. Nhớ về những con người và sự việc trong “Huế – Xuân 68” (Tái bản lần thứ nhất), Thành ủy Huế, 2002, tr. tr. 178-179.


(5) Phan Nam, Sđd., tr. 180.


(6) Lê Chưởng. Trên những chặng đường chiến đấu (Hồi ký). NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2004, tr.643.


(7) Lê Chưởng. Đất nước vào xuân. NXB. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 1979, tr.429.
(8) Như Nguyễn Đắc Xuân (Sinh viên Đại học Sư phạm Huế), Hoàng Phủ Ngọc Phan (sinh viên Đại học Y khoa Huế).


(9) Theo đồng chí Lê Minh, Chỉ huy trưởng chiến dịch: “Cùng với Hòa thượng Thích Đôn Hậu, đáng lẽ cả ngài Tăng thống Hoà thượng Thích Tịnh Khiết và Thượng tọa Thích Thiện Siêu đều ra tham gia kháng chiến; các vị đã hoan hỷ nhận lời mời của Mặt trận từ trước. Đồng chí Nguyễn Vạn được ủy nhiệm đón hai nhà lãnh đạo ra chiến khu, tiếc thay vì lý do bất ngờ, anh Vạn đã không liên lạc được với hai vị vào lúc đó. Hòa thượng Thích Tịnh Khiết vẫn giữ liên lạc với Cách mạng từ kháng chiến chống Pháp đến nay (tức 1968 trong Huế – Xuân 68 (tái bản lần thứ nhất), Thành ủy Huế, 2002, tr.74.


(10) Lê Minh. Huế Xuân 68 trong Huế – Xuân 68 (tái bản lần thứ nhất), Thành ủy Huế, 2002, tr.76-77.


(11) Bà Nguyễn Đình Chi đã từng tham gia phong trào học sinh trong cuộc bãi khóa năm 1927.
(12) Nguyễn Đình Chi. Thoát ly trong Huế – Xuân 68 (tái bản lần thứ nhất), Thành ủy Huế, 2002, tr.240.


(13) Hà Văn Tấn. Phật giáo với Cách mạng. Nghiên cứu Phật học, số 1. Phân viện Nghiên cứu Phật học, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hà Nội, 1991, tr.23.


(14) Lê Cung. Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 (in lần thứ ba). NXB Thuận Hóa, Huế, 2005, tr.32.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here