Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Phật giáo và thiên nhiên

Phật giáo và thiên nhiên

173
0

Ngài khuyên hàng tỷ kheo mỗi đêm ở dưới gốc cây không quá ba đêm, không được đổ đồ dơ và khạc nhổ trên hoa cỏ. Đặc biệt trong thời hiện đại, trong khi tất cả chúng ta đang khủng hoảng trong việc tìm kiếm một giải pháp cho công cuộc bảo vệ môi sinh thì đức Phật đã dạy bài học này từ hơn hai ngàn năm trước trong bài pháp Duyên Khởi, không có sự tồn tại độc tôn giữa người với người, giữa người với động vật, giữa người với môi sinh. Vậy thì con người không được phép giết hại lẫn nhau bằng súng đạn chiến tranh, giết hại thú vật và phá hoại cây cối. Ngày nay, chúng ta đều nhận thấy rất rõ về tác hại mà con người chúng ta đã gây ra bằng hành động thiếu lương tâm với động vật và môi trường như thế nào. Nhiều tổ chức và các nhà khoa học trên thế giới đã báo động về hiện tượng diệt chủng các loài động vật, nạn chặt phá cây cối là nguyên nhân tạo ra sự mất cân bằng sinh thái, để lại một hậu quả nghiêm trọng dẫn đến nhiều thiên tai thường hay xảy ra gần đây. Vì vậy có rất nhiều tổ chức bảo vệ động vật và tránh nạn khai thác rừng bừa bãi, rất đúng với tinh thần của Phật giáo.

Chúng ta hãy tìm hiểu về những sự kiện trong cuộc đời của đức Phật,  Phật  giáo và mối liên quan với thiên nhiên cây cỏ.

1. Sự kiện Đản sanh:

Đức Phật đản sanh dưới gốc cây Vô ưu trong vườn Lâm-tì-ni (Lumbini) dưới gốc cây Vô ưu. Trong  Kinh Phật Bản Hạnh Tập kể lại sự kiện này như sau: “Trong khu vườn này cây cối xanh tốt, không đâu có được. Trong đó có rất nhiều loài cây có hoa và có rất nhiều loài cây ăn quả thẳng hàng. Lại có rất nhiều ao hồ rộng lớn, bao quanh rất nhiều chủng loại cây… Đặt biệt trong vườn có một loài cây có tên là Ba-la-xoa, thân cây vững chãi, từ thân đến ngọn thẳng đẹp, cành lá tươi tốt sum suê, lá vừa xanh lại vừa tím như sắc lông của chim khổng tước, mềm mại đung đưa như thiên y của trời Ca-lân-đề, hoa của nó có mùi thơm dịu, ngửi vào thì thấy thoải mái. Ma Yaphu nhân an tường đi đến dưới gốc cây. Lúc đó, cây nhờ vào uy đức của Bồ Tát mà cành tự nhiên vươn ra, rũ bóng mát dịu dàng.Ma-ya phu nhân đưa cánh tay phải lên, như chiếc cầu vồng trên hư không, an tường vươn vai, vin vào cành cây Ba-la-xoa…” Như vậy, Đức Phật đản sanh trong một khu vườn xinh đẹp, hoa nở vui mừng, bóng mát êm dịu phủ khắp.

Trong văn học Phật giáo mô tả về khung cảnh liên quan đến sự kiện đản sanh của đức Phật không chỉ trong lịch sử mà cả trong truyền thuyết đều phản ánh ý niệm bên trong của Phật giáo, cũng là một thông điệp rất có ý nghĩa trong việc giáo dục bảo vệ môi sinh của nhân loại. Đức Phật giáng trần trong một hoàn cảnh gắn liền với thiên nhiên hoa cỏ, bầu trời êm dịu, chim chóc reo ca, cây xanh tỏa bóng mát, hoa quý đua nở. Cuộc đời chúng ta không chỉ hạn cục trong con người mà thôi, mà đồng thời cũng gồm cả thiên nhiên hoa cỏ, động vật và môi sinh. Như vậy con người và hoàn cảnh luôn chan hòa với nhau, thiếu đi một mặt thì sự cân bằng sinh thái sẽ có vấn đề.

2. Sự kiện Thành đạo:

Thời đức Phật, xã hội cổ đại Ấn Độ đơn vị hành chính chỉ có thôn làng và thành thị, ngoài ra chủ yếu là rừng rậm. Trong những khu rừng thường là nơi tu luyện của các đạo sĩ tu khổ hạnh, họ từ bỏ đời sống náo thị, tìm vào cuộc sống nội tâm. Đây là một loại hình sinh hoạt đặc biệt cấu thành văn hóa cổ đại không thể thiếu ở Ấn Độ. Những cánh rừng kế tiếp nhau trở thành nơi lí tưởng cho các đạo sĩ ẩn cư, hành xác, lập thuyết. Tất cả những hình thái sinh hoạt của con người đều liên quan đến thiên nhiên và cây cỏ, cũng từ đây là lưu xuất ra những trường phái triết học tinh hoa của nhân loại.

Thái tử Tất Đạt Đa, lúc đang còn ở trong cung điện, hưởng thụ vinh hoa phú quý cũng nhận thấy sức mạnh của rừng núi và thiên nhiên, mới từ bỏ hết thảy, đi vào rừng sâu, ẩn tu làm đạo sĩ. Trong kinh điển Phật giáo còn ghi, sau khi trải qua sáu năm tu hành khổ hạnh, thái tử Tất Đạt Đa nhận chân mục đích tu hành không phải để ép xác cũng không đắm say trong hưởng thụ. Ngài đi bằng con đường của chính mình, con đường Trung đạo. Rồi thái tử tìm đến bên một khu rừng, ngồi thiền định dưới cội cây Bồ Đề và chứng quả vô thượng.

Trong kinh Phật Bản Hạnh kể về những cảm nhận và chia sẻ của đức Phật đối với thiên nhiên và cây cỏ như chính một con người vừa có cảm xúc vừa có suy nghĩ. Đôi lúc còn xem như một thần cây: “Lúc bấy giờ, Bồ Tát ngồi xuống dưới gốc cây Bồ đề xong, thì thần gìn giữ cây Bồ đề liền rất hoan hỉ, tâm ý thư thái, toàn thân vui không gì tả được…, liền ra lệnh cho các thuộc hạ và quyến thuộc bảo vệ Bồ Tát, cung kính nghiêm túc. Lúc đó, bốn bề cây cối không kể lớn nhỏ, các vị thần cây đều từ cây bước ra, đến bên cây Bồ đề…” Sự diễn tả như vậy trong kinh điển Phật giáo thì quả thật là rất nhiều, như vậy đối với đức Phật cây cối vẫn có cảm xúc, chúng sống cùng với con người, thậm chí cùng có một giá trị giống như con người và cùng tồn tại với con người. Trong Đại Phẩm kể lại rằng, sau khi đức Phật thành đạo, Ngài ngồi thọ pháp lạc dưới cội cây Bồ đề như thầm cảm ơn, Ngài nhìn không nháy mắt về phía cội cây, thần cây bèn khuyên hai thương nhân Miến Điện đến cúng dường mật ong và bánh gạo.

3. Sự kiện nhập Niết Bàn:

Sau khi đã làm xong những việc đã làm, đức Phật đến thành Câu Thi na, Ngài nằm nghit trong rừng, giữa hai gốc cây Sala, an tường viên tịch. Cũng giống như lần Ngài giáng thế dưới cội cây Vô Ưu, nay giờ phút nhập Niết bàn dưới hai gốc cây Sala. Trong kinh kể rằng, lúc này rừng cây buồn bã, lá ngã màu, thân cành cong gãy như con người không khác đau buồn không kiềm chế được.

Khi Phật giáo ở Ấn Độ được lan rộng sang những quốc gia lân cận, những phái đoàn của đại đế A Dục được phái đi, họ mang theo ngoài kinh điển ra thì một nhánh cây Bồ đề được đem theo như một tín vật thiêng liêng. Cây Bồ đề được trồng đến đâu thì bóng mát của Phật pháp được tươi nhuận đến đó. Cũng từ đó, tự viện cũng được kiến thiết ở trong núi rừng u tịch, chùa chiền còn gọi là chốn “Tòng Lâm”, cây chụm lại cây thành núi cao, tăng sum họp tăng thân hòa hợp. Thời đức Phật có hai tịnh xá lớn nhất đó là tịnh xá Trúc Lâm do vua Tần-bà-sa-la dâng cúng. Tịnh xá có nghĩa là ngôi nhà thanh tịnh. Như vậy tịnh xá Trúc Lâm được trang nghiêm bằng một rừng trúc, và trở thành một nơi tu hành lý tưởng của chư Tăng. Tịnh xá thứ hai là tịnh xá Kì Hoàn. Tịnh xá này do trưởng giả Cấp Cô Độc và thái tử Kỳ Đà dâng cúng. Tịnh xá này có một câu chuyện cực kì lý thú là khi trưởng giả Cấp Cô Độc vì lòng tín mộ đức Phật và chư Tăng, ông tìm cách chọn một nơi lý tưởng để lập tịnh xá cúng dường. Trưởng giả đi khắp nơi chỉ chọn được vườn cây của thái tử Kì Đà là vừa ý. Trưởng giả ngỏ ý với thái tử để mua. Thái tử vốn không thích bán, nhưng cũng đùa với trưởng giả như một lời thách đố, nếu đem vàng ra trải đến đâu thì lấy đến đó. Trưởng giả đồng ý thực hiện lời giao ước. Thái tử quá sức ngạc nhiên không kiềm nổi mới hỏi cớ sao trưởng giả phải làm một việc mà không ai dám làm. Trưởng giả giải thích cho thái tử biết ý nghĩa việc làm của mình. Thái tử Kì Đà nghe xong lòng rất khâm phục và phát tâm cúng toàn bộ số đất còn lại và cây cối ở trong khu vườn. Và từ đó, vườn cây được làm tịnh xá dâng cúng cho đức Phật và chư Tăng làm cơ sở để tu hành. Đức Phật đã an cư ở đây 25 mùa hạ, thuyết nhiều bộ kinh Đại thừa vô cùng quan trọng.

Qua kinh điển Phật giáo, chúng ta có thể vẽ lại bức tranh trong tâm mình như sau: Đức Phật và Tăng chúng đệ tử trong quá trình tu hành và sinh hoạt trên một đất nước Ấn Độ cây cối tươi tốt, rừng phủ dày đặc. Những tịnh xá mà chư Tăng sinh sống bốn bề là rừng cây sum xuê. Đời sống của người xuất gia lúc bấy giờ thật lý tưởng, họ sống yên lặng trong rừng xanh, kết am tranh, hay ngồi thiền định trên những thảm cỏ, ở dưới một cội cây không được trú lần thứ hai. Như trong kinh Tứ Thập Nhị Chương mô tả: “Thọ hạ nhất túc, thận vật tái hỉ.” Chư Tăng mỗi ngày ngồi tu tập thiền quán và đi kinh hành quanh khu rừng yên vắng, đây là hai công việc thường ngày của họ, chỉ có lúc đi khất thực mới rời rừng vắng đi vào thôn làng hóa duyên. Có lúc trong làng có Phật tử mời cơm trưa và cúng dường bốn sự. Thọ thực xong, chư Tăng thuyết pháp cho Phật tử và tín đồ, rồi trỏ lại tịnh xá trong rừng vắng tiếp tục công việc tu hành của mình. Đối với người xuất gia, việc tu tập sinh sống ở nơi phố phường là một trở ngại, họ làm bạn với thiên nhiên cỏ cây mây nước, nơi u tịch vắng lặng là nhà, việc tu tạo chùa chiền chỉ là phương tiện hóa độ số đông chứ không phải là tài sản sở hữu của riêng ai.

Trong Kinh Pháp Hoa ở phẩm Hiện Bảo Tháp, đức Phật Thích Ca Mâu Ni thỉnh chư Phật ở cõi khác đến dự hội. Ngài chuẩn bị pháp tòa bằng cây báu, mỗi cây cao năm trăm do-tuần, cành lá hoa trái thứ đệ trang nghiêm, dưới các cây báu đều có thiết bày tòa sư tử. Trong Phật giáo Đại thừa, miêu tả cảnh Tịnh độ cũng thế, cây cối ngay thẳng tốt đẹp, hồ sen bảy loại báu, hoa thơm tinh khiết, cũng là một phần không thể thiếu. Kinh A Di Đà diễn tả thế giới Tây Phương Cực Lạc rằng: “Thế giới Cực Lạc có bảy hành lan, bảy lớp lưới báu, bảy lớp hàng cây.” Hoặc “Cây ở cõi Tịnh Độ có nhiều loài chim quý như chim bạch hạc, chim khổng tước, chim oanh vũ, chim xá lợi, chim ca-lăng-tần-già và chim cộng mạng. Các loài chim này sáu thời trong ngày hót tiếng thanh nhã, phát ra tiếng pháp Năm căn, Năm lực, Bảy phần Bồ Đề, Tám thánh đạo.” Hoặc “Cõi Cực Lạc có gió mát thổi nhẹ làm cho bảy lớp cây và bảy lớp lưới báu tạo thành tiếng vi diệu như là tiếng giao hưởng của trăm nghìn nhạc cụ. Người nghe xong thì tự nhiên sinh tâm niệm Phật, niệm Pháp và niệm Tăng.” Như vậy qua bản kinh A Di Đà, chúng ta có thể nhận thức được rằng chân lý cũng nằm trong cả thế giới hoa cỏ và động vật, chúng ta bảo vệ môi sinh cũng là đang thể nhập vào thế giới duyên sinh mầu nhiệm, không có ai hay một đấng tạo hóa nào có quyền năng hủy diệt và sinh ra chúng, mà chỉ cộng sinh trong tương tác. Qua những giá trị về Duyên sinh vô ngã, chúng ta có thể liên tưởng rằng, nếu tâm con người được thanh tịnh thì chúng ta có thể thể nghiệm được pháp âm vi diệu từ thế giới hoa cỏ chim thú. Cũng vậy, thế giới tự nhiên được tôn trọng và hiểu đúng như sự hiện hữu của thế giới con người và tự nhiên không tách rời nhau, bảo vệ môi sinh là xây dựng thế giới Cực lạc, thế giới không nhiễm ô, không chiến tranh và không tham lam ích kỉ.

Thiện Chánh

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here