Trang chủ Thiền môn xứ Huế Chùa -Tháp Chùa Viên Thông

Chùa Viên Thông

145
0

Chùa Viên Thông tọa lạc dưới chân phía trước núi Ngự Bình về hướng tây nam, thuộc xã An Cựu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đường lớn từ bên kia cầu An Cựu mà lên, hoặc từ ngã Quốc Ân, hoặc từ ngã Đàn Nam Giao về, ngang qua núi Bân Sơn, chỗ lên ngôi của vua Quang Trung xưa, thì rẽ về phía Nam và chạy thẳng vào. Cổng chùa đứng thẳng đường vào là hai cột trụ cao mới được xây lại với hai vế đối chữ quốc ngữ:

        Đến cửa Viên Thông mến chốn danh lam cổ tự;
        Nhìn xem núi Ngự nhớ nơi thắng cảnh xuân thành.

Cổng này cách chùa khá xa. Đến đó, người ta phải xuống xe vì phải qua một đường chắn cao. Qua cổng, đi vào một đoạn đường đất hơn 100 m, rẽ về tay trái độ vài mươi mét nữa thì đến chùa. Cảnh chùa thật u nhàn trong bóng thông rừng im mát. Trước chùa có hồ sen và tượng Quan Âm đứng, có Thiện Tài đồng tử quì hầu. Hai bên cổng chùa xây theo kiểu cổ phương Đông có hai cây Bồ đề, nhưng chưa lớn lắm; nó được chiết từ cây Bồ đề ở chùa Từ Đàm vun trồng khoảng mới vài mươi năm nay.

Chùa xây mặt về hướng Đông Nam, lấy núi Kim Phụng làm tiền án; nhưng hình vẽ trong bản trích lục nói trên thì chùa xây mặt về hướng đông. Đường vào chùa nằm ở phía tay phải chùa, thẳng vào mảnh sân nhỏ có cây nhãn uốn lá kỳ cổ; vì cây sống đã hơn 100 năm; cửa nhà khách mở nhìn ra cây nhãn và thẳng đường vào chùa.

Đất chùa là loại đất cát ở chân đồi núi, rất rộng. Vào đời ngài Hoằng Nguyện đầu thế kỷ này, cả ruộng lẫn đất khô, ngài khai khẩn ra đến 13 mẫu; nhưng, theo một bản trích lục mang số 53 của sở Địa chánh Thừa Thiên ký ngày 15-12- 1936 thì vườn chùa chỉ chiếm có 4 sào 13 thước 2 tấc.

Vào cuối thế kỷ VII, núi Ngự Bình còn gọi là “Hòn Mô”(2). Có thể người dân Hóa châu vào thời này đã lấy Hòn Mô làm điểm nhắm khi đi kiếm củi, đốn cây, hái nấm, lấy mật ong ở các núi đồi khác thì nhắm hướng đó mà tìm về nơi ở cho khỏi lạc đường. Cả vùng Lâm Lộc, núi Hòn Mô, núi Thiên Thai vào thế kỷ XVII, XVIII còn thuộc xã An Cựu, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa, chứ không phải thuộc huyện Hương Thủy tỉnh Thừa Thiên – Huế như hiện nay.

Vào thời các chúa Nguyễn, kể từ chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687- 1691) đưa phủ chúa từ Kim Long về Phú Xuân vào tháng 7 năm Đinh Mão (1687) mà trở lui thì kinh thành Phú Xuân lấy Hòn Mô tức là núi Ngự Bình, làm tiền án; kinh thành và vùng Lâm Lộc hoàn toàn còn nằm trong tình trạng núi rừng hoang dã. Thế nhưng ở dưới chân núi Hòn Mô tại địa điểm chùa Viên Thông hiện nay đã có một am tranh. Am tranh ấy hiện nay vẫn còn ở vị trí cũ nhưng đã được cải biến thành một điện thờ xây vách và trên mái lợp ngói, trước am lại còn được xây thêm một tiền đường nhỏ. Ngày xưa, am tranh ấy thờ gì? và được ai xây dựng? Điều này không thể nào biết rõ được. Vì không còn bia ký, sách vở gì để lại. Song chúng tôi nghĩ, am ấy có thể là một nơi của dân đi làm rừng dựng lên để thờ “Sơn thần thổ địa”, một thứ thần linh thiên nhiên theo tín ngưỡng dân gian, để cầu sự bảo hộ, yên ổn trong việc làm ăn nơi thâm sơn cùng cốc của thế kỷ XVII, XVIII đó. Dân Huế còn có câu ca dao: “Ngó lên hòn núi Thiên Thai, thấy đôi ông cọp đang nhai kẹo mè”. Câu ca nói lên một cách rõ ràng ngày xưa, vùng từ phía nam sông An Cựu lên cho đến núi Thiên Thai cọp beo đầy dẫy, cây cao rừng rậm bao la, núi đồi liên tiếp cọp bắt người để ăn thịt là chuyện thường. Cho nên người dân đi rừng phải lập một am tranh để cúng cấp, cầu đảo. Đó có thể là chuyện thực. Vùng này về sau, khoảng cuối thế kỷ thứ XIX, năm 1889, ngài Chân Kim Pháp Lâm ra trùng tu chùa Viên Thông còn cầm dao đi rừng cùng với dân, phát dọn đường về kinh cho rộng hơn; thì vào thế kỷ XVII, XVIII làm thế nào mà người đi rừng khỏi sợ sệt khi luồn lõi trong những lối đi hẹp dưới bóng cây rừng cao rậm mà nguy cơ mất mạng đang rình rập ở trước mắt ? Cho nên am tranh ở đây có thể là một nơi thờ tự thuộc tín ngưỡng dân gian của người đi làm rừng dựng lên để thờ cúng vật linh  theo hoạt hồn thuyết (animisme), chứ chẳng phải là nơi thờ tự theo một tôn giáo nào…. Chính nơi am tranh đó, Thiền sư Liễu Quán khi ra Thuận Hóa cầu học, đã dừng chân nghỉ ngơi, về sau am đã được chúa Nguyễn Phúc Chu, do bái phục đức độ của Ngài mà cho xây dựng rở thành chùa Viên Thông. với một truyền thuyết rất li kì. Chúng tôi sẽ nói về truyền thuyết này trong một bài viết nói về giai thoại Thiền sư Liễu Quán.

Ngài Liễu Quán đến ẩn am này từ bào giờ? Tài liệu hiện nay ta đang có, chính là bia đá ở tháp ngài tại núi Thiên Thai. Theo bia tháp đó thì lúc 13 tuổi ngài đã đến Thuận Đô xin học với Giác Phong Lão Tổ tại chuà Báo Quốc. “Sau đến mười một năm, năm Tân Mùi (1691) ngài phải trở về lại Phú Yên để phụng dưỡng cha già, lấy nghề kiếm củi độ nhật” (1) Như vậy, năm ngài có mặt ở Thuận Hóa lần đầu là năm Canh Thân (1680). Ngài đi đường nào để từ Phú Yên ra Thuận Hóa? Tục truyền trong dân gian cũng nói rằng ngài đi từ biển Tư Dung lên ở tại ẩn am bên chân núi Hòn Mô. Như vậy là ngài Liễu Quán từ Phú Yên ra Thuận Hóa hoặc từ Thuận Hóa vào Phú Yên đều dùng đường biển, đi bằng ghe hợc theo thuyền buôn mà đến và về. Nhưng chắc chắn là năm Canh Thân này (1680) – còn ở dưới triều chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) – ngài chưa đến ở tại ẩn am bên chân núi Hòn Mô; thứ nhất là vì còn quá nhỏ, thứ hai là vì ngài chưa thọ Sa Di, chưa học kinh điển nhiều thì không thể tham thiền được. Theo chúng tôi nghĩ ngài trở về Phú Yên, kiếm củi độ nhật để phụng dưỡng cha già từ 1691, chỉ được bốn năm sau thì cha mất, Ất Hợi (1695). Ngài lại lên đường ra Thuận Đô trở lại, gặp lúc ngài Thạcnh Liêm và chúa Nguyễn Phúc Chu (1691- 1725) mở Đại Giới Đàn tại chùa Thiền Lâm, ngài liền xin thọ Sa di, lúc này nếu tính theo năm sinh đã ghi ở bia, ngài đã được 28 tuổi. Sau khi giới đàn viên mãn, có thể ngài đã tìm một cái cốc gần chùa Thiền Lâm viện  để ở, và chính lúc này ngài mới đến chân núi Hòn Mô (Ngự Bình hiện nay) và gặp cái am tranh tại đó. Và chính trong lúc tầm sư học đạo này  ngài Liễu Quán đã khai lập an trú thiền thất tại am tranh vốn đã có từ xưa ở chân núi Ngự Bình. Như thế, sơ kỳ của chùa Viên Thông ở vào niên đại Ất Hợi (1695) vậy. Ở đó để hai năm sau, vào năm Đinh Sửu (1697) ngài trở ra Từ Lâm an trú thiền thất để tham lễ Từ Lâm Lão hòa thượng, cầu thọ cụ túc giới với ngài Từ Lâm(1) Ngài ở tại Từ Lâm an trú  thiền thất “trong hai năm, vì theo giới luật thì một giới thì một giới tử không đi xa thầy dưới 5 năm kể từ khi thọ giới (ngũ hạ dĩ tiền, bất ly y chỉ”) Nhưng có lẽ, mới hai năm thì ngài Từ Lâm viên tịch, nên tỳ kheo Liễu Quán phải rời nơi thọ giới để ra đi. Có lẽ ngài trở về “thảo am” mà lúc này ngài gọi là “thảo am thiêng thung”. Phải chăng ngài đã lấy chữ trong thành ngữ “thiêng thung mang nai” tức là tự do như con mang con nai trong rừng, không sở trú vào đâu; đi đâu cũng được, ở đâu cũng xong? Mãi cho đến năm Nhâm Ngọ (1702) ngài đến Long Sơn tham lễ Tử Dung hòa thượng và được trao công án “Vạn pháp qui nhất, nhất qui hà xứ?” thì có lẽ ngài lại lập ra một thảo am khác gần chùa Ấn Tôn  (Từ Đàm hiện nay) để về sau trở thành chùa Cát Tường hoặc còn gọi là chùa Viên Giác (2) ở vùng chùa Vạn Phước hiện nay. Nhưng, sau đó thì có lẽ ngài lại trở về Phú Yên. Lời văn bia ghi: ”Nhật dạ tham cứu, chí bát cửu niên, nhất vô sở đắc, tâm thậm tâm hoàng. Nhất nhật, nhân khán Truyền Đăng, chí “chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ”, hốt nhiên ngộ nhập. Nhiên hải cách sơn dao, trình ngộ phất năng”. Nếu ngài không trở về Phú Yên  thì sao có cảnh “Hải cách sơn dao” tức là bị “cách biển ngăn núi” được? Cho nên, mãi đến mùa xuân năm Mậu Tý (1708) ngài mới trở ra lại Long sơn để cầu Hòa thượng ấn chứng. Nhưng lần này ngài chưa được ấn khả, nên ngài lại đi vào núi xa hơn để lập một thảo am mới gọi là thảo am Thiền Tông ở núi Thiên Thai, một hòn núi rất nhiều cọp vào thời thế kỷ XVII, XVIII, để tham thiền nhập định. Như thế, năm Mậu Tý (1708) này chính là năm ngài khai sơn chùa Thuyền Tôn (1) hiện nay, dưới dạng một thảo am vậy. Ở đây, ngài đã xuống vớt rong dưới con suối gần đó để hàng ngày. Cho đến mùa hạ năm Nhâm Thìn (1712), trong kỳ an cư kiết hạ của chư tăng hai xứ Thuận – Quảng tại Thiền Lâm viện do Hòa thượng Minh Hoằng Tử Dung làm thiền chủ thì ngài mới được ấn khả khi trình kệ “Dục Phật” lên Hòa thượng.

Trở lại am Viên Thông. Hiện nay ta khó lòng biết được am Viên Thông vào thời Ngài Liễu Quán đượclàm như thế nào và chính xác làm vào năm nào. Có một điều chắc chắn là sau khi làm thành chùa Viên Thông, chúa Nguyễn Phúc Chu đã ban cho hiệu chùa là “Viên Thông tự”. Như vậy, chùa Viên Thông có mặt trên cõi đất Thuận Hóa là vào khoảng cuối thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII. Một tính chất của Tổ Liễu Quán mà ta cũng cần phải biết là ngài rất tránh sự gần gũi vương quyền. Thời ấy, chúa Nguyễn Ninh Vương rất mến đạo đức của ngài, thường mời ngài vào cung đàm đạo, nhưng ngài vẫn từ chối không vào “(2) Có thể do tính chất này mà sau khi chúa Nguyễn cho làm chùa và đặt hiệu là Viên Thông tự thì ngài liền để lại cho đệ tử mình ở, còn  ngài về núi Thiên Thai với thảo am ở đây mà về sau thành chùa Thiền Tông.

Người kế tục ngài ở chùa Viên Thông  là ngài Tế Phổ Trí Thông Viên Trì hòa thượng, tức là một trong những đệ tử trực tiếp của ngài, thuộc thế hệ thứ 36 dòng Lâm Tế nhưng là thế hệ thứ hai của dòng Liễu Quán  Nam Hà; cho nên long vị đề: ”Truyền Lâm Tế tông tam thập lục đại thượng Trí hạ Thông húy Tế Phổ Viên Trì Hòa thượng nghê tọa”. Sau đó thì đến ngài Đại Nguyện Vĩnh Thành Viên Đoan thuộc thế hệ 37 dòng Lâm Tế nhưng là thế hệ thứ 3 của dòng Liễu Quán; long vị của ngài đề: ”Truyền Lâm Tế tông tam thập thất đại thượng Vĩnh hạ Thành húy Đại Nguyện thụy Viên Đoan hòa thượng nghệ tọa”. Lăng ngài Viên Đoan nguyên có bia khắc bằng đồng nhưng đã bị mất. Có lẽ ngài là đệ tử trực tiếp của ngài Tế Phổ cho nên chữ thụy “mới có chữ “Viên’’ trước.

 

Chính điện chùa Viên Thông

Ngang đây là lịch sử xoay chiều. Quân Trịnh vào chiếm Phú Xuân (1775-1786) và nhất là dưới thời Tây Sơn (1786-1800) thì toàn bộ chùa chiền ở Thuận Hóa nói riêng đều lâm vào tình trạng bị phá hoại và suy đồi. Ngôi chùa Viên Thông, ở một nơi gần đàn Bân Sơn, chỗ lên ngôi của vua Quang Trung thì lại bị quân Tây Sơn phá nặng hơn. Không biết họ triệt phá chùa như thế nào mà các tượng Phật bằng gỗ đều trở thành tượng ngồi hoặc đứng lộ thiên giữa trời. Dân quanh vùng lén lút lấy nón đội lên cho tượng  và lấy tơi lá mang vào cho thân tượng khỏi ướt nước mưa. Vì vậy, dân gian quanh vùng Tứ  Tây còn truyền chùa Viên Thông là chùa “Phật đội nón mang tơi”. Sử kiện này còn được các tài liệu ở chùa Viên Thông như bốn cái bia đá xây cứng vào vách sau và ở trong chùa; cùng các tài liệu về giấy tờ như bài Lược sử  chùa của ngài Diệu Khai soạn năm 1940 có nói đến rõ ràng bằng câu “Vào năm Cảnh Hưng 48, Bính Ngọ, tức là năm 1786 chùa bị giặc Tây (tức là Tây Sơn) triệt hạ". Năm Bính Ngọ (1786) này rất đúng với một tài liệu của ông La Bartette đã viết vào ngày 23-6 – 1786, hai ngày sau khi quân của Nguyễn Văn Huệ đến Thuận Hóa. Vì sao Tây Sơn lại triệt phá chùa chiền đến  như vậy ? Theo chúng tôi nghĩ có lẽ vì một nguyên nhân. Nguyên nhân ấy là ngài Bùi Đăng Tường người huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. “Năm 12 tuổi đầu thuyền tại chùa Phổ Phước. Ngài tu hành chân chánh, trì giới tinh nghiêm. Vua tặng chức Hòa thượng và ban pháp hiệu là Long Kỳ đại sư. Khoảng năm Quý Tỵ (1773) đời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765 – 1777) (sau truy tôn Duệ Tôn Hoàng đế) bị giặc Tây Sơn xướng loạn, ngài bèn lén vào kinh sư chịu mật chỉ về nhóm họp các tăng đồ, chiêu mộ nghĩa dũng, đồng lòng dẹp giặc. Vua phong cho ngài làm chức “Khâm sai vệ quốc soái”. Sau ngài cùng với giặc đánh nhau tại Quảng Nam vừa mất”(2) Đoạn văn của pháp sư Mật Thể viết trong Việt Nam Phật Giáo Sử Lược mà chúng tôi trích dẫn trên đây. Có thể đã nói lên đầy đủ nguyên nhân vì sao Tây Sơn phá chùa, phá tượng và chuông lấy đồng đúc súng và bắt chư tăng sung vào lính mang vũ khí ra trận.

Đến khi vua Gia Long lấy được kinh thành Phú Xuân thì cùng với sự sửa sang chỉnh đốn kinh thành, người ta bắt đầu sùng tu các chùa. Nói riêng về chùa Viên Thông thì vào năm Gia Long thứ 13, vào tháng tư năm Giáp Tuất (1814) chùa mới được hòa thượng Quang Tuấn tức là ngài Đạo Thiện Viên Trừng trùng hưng bằng một ngôi chùa tranh, trong văn bia gọi là “mao tự”. Sự xây dựng mới này cũng chỉ là một ngôi nhà tranh nhỏ đủ để thờ tự trang nghiêm mà thôi. Điều đáng tiếc, là các ngôi tượng Phật “mang tơi đội nón” rất có giá trị lịch sử đều đã mất hoặc hư nát hết. Sau một cơn biến loạn dài và sự phá hoại triệt để như thế, chính triều đình nhà vua mà cũng phải chờ đến năm Gia Long thứ 13 (1814) này, mới tái thiết được chùa Thiên Mụ, huống chi là các vị Hòa thượng thường xưng là “bần tăng” thì tiền của đâu mà làm cho lớn. Cho nên, làm lại được một ngôi “mao tự” nhỏ bé cho chùa Viên Thông cổ tự như thế thì công quả của các ngài cũng đã bất khả tư nghì rồi. Long vị của ngài đề “Tự Lâm Tế chính tông tam thập bát đại Quang Tuấn húy Đao Thiện Viên Trừng hòa thượng chi nghê tọa”.

Về sau, ngôi chùa Viên Thông được trùng hưng vào đời Gia Long này đã bị hỏa hoạn. Không biết chùa cháy vào năm nào; và có lẽ tất cả các pho tượng  gỗ có lịch sử “đội nón mang tơi” đã bị cháy trong dịp này, nên mới mất hết, không còn truyền lại được pho nào. Đến ngày 6 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 4 Quý Mùi (1823) có Trạch Quang Hầu, Hội chủ tôn nhân phủ thị trung tả thống chế; Quang nội hầu vệ tả hầu trung hầu nhất các đội gia nhị cấp tam thứ đã làm lại (trùng tạo) bằng một ngôi chùa ngói (Ngõa tự) làm thêm phần trước tiền đường và cải tên là “Hưng Phước tự”; tiếp theo lại có Quảng Ninh công Vân Đình tiên sinh và thân hào nhân sĩ trong xã sửa sang thêm. Có ngài Tánh Trạm  Quảng Phong trú trì. Bức hoành hiệu chùa này sau được một bà công chúa không biết chị hay em vua Minh Mạng lấy ra chùa Phước Thành do bà dựng bên bờ sông An Cựu; nhưng nay đã mất. Chỉ còn long vị của ngài hiện thờ tại chùa Viên Thông đề: ”Tự Lâm Tế tam thập cửu thế Viên Thông tự trú trì húy Tánh Trạm hiệu Quảng Phong đại sư nghê tọa”. Đặc biệt trong thời Trạch Quang Hầu trùng hưng Viên Thông thành ngôi chùa ngói, thì tôn nhân phủ thời đó có cúng một cái khánh bằng đá rất đẹp có khắc hàng chữ  Hán đề đời Minh Mạng năm thứ tư do tôn nhân phủ phụng cúng. Khánh đá này hiện còn ở chùa Viên Thông, tiếng kêu rất thanh.

Vào tháng 8 năm Bính Dần, Tự Đức thứ 19 (1866) vụ Đoàn Trưng, Đoàn Trực khởi nghĩa. Có nhà sư chùa Long Quang là Nguyễn văn Qúy đến ở chùa Pháp Vân (tức là chùa Khoai), lại có tăng Nguyễn văn Viên và Nguyễn văn Lý tham gia. Sau vụ đảo chính bị thất bại, vua Tự Đức giận dữ ra lệnh bắt hết tăng sĩ các chùa giam tù và định tàn sát. Bà Lệ Thiên Hoàng Hậu chánh cung của vua khóc lóc van xin, vua mới bỏ lệnh dẹp chùa giết tăng. Nhưng từ đó trở lui, các chùa ở Huế đi lần vào sự suy đồi, không người coi sóc; trở thành hoang phế và rất nhiều chùa trở thành chùa tư.

Mãi đến năm Tự Đức 34, Tân Tỵ (1881), Công tử Hồng Thiết ở phủ Tùng Thiện vương được ông huyện Thường Tín mời đi chơi núi cùng với ông Quang Lộc đại phu Lê Cơ đã về hưu và người nhà tức là các bà vợ của các ông ấy, đi ngang thấy cái đình bỏ hoang, tường thành đổ nát, cỏ rêu dơ dáy; đến gần mới biết chùa Viên Thông cổ tự. Cả nhóm bèn chung sức và quyên góp tiền bạc trong khách thập phương; sửa sang, đổi kiểu thức lại mà làm nên ngôi chùa lợp ngói. Khi hoàn thành, công tử Hồng Thiết soạn bài văn bia hiện còn phía trái vách chùa sau.

Qua mùa đông năm Nhâm Ngọ (1882) Tự Đức thứ 35, lại có trùng tu thêm và chùa khởi sắc thịnh vượng, khách thập phương đến tấp nập như mây. Nhưng lúc này không hiểu vì sao dòng kệ của ngài Liễu Quán đã chấm dứt sau ngài Tánh Trạm, phải chăng vì ngài không có đệ tử?. Hoặc giả sau vụ Tự Đức thì chùa không có ai đến trú trì nữa? Trong bia trên có câu: “….. nhiên ủy thác vị  đắc kỳ nhân, trí phế hưng giả sổ nhĩ !”nghĩa là “nhưng vì không có người để ủy thác nên đến nỗi bao phen hưng phế dường này !” (1)

Do đó mà vào năm  Thành Thái nguyên niên (1889) có một vị Hòa thượng ở Châu Lâm tự từ tỉnh Phú Yên ra và đến trùng hưng chùa Viên Thông, dù từ lần trùng hưng trưóc đến lần trùng hưng này chỉ cách có 8 năm. Hòa thượng đó là ngài Chơn Kim Pháp Lâm. Ngài thuộc về dòng kệ của ngài Minh Hải Pháp Bảo ở chùa Chúc Thánh Quảng Nam, đồng hàng với ngài Minh Hoằng Tử Dung ở chùa Ấn Tôn Thuận Hóa, ngài Chơn Kim Pháp Lâm trùng hưng chùa xong, ngài còn khắc lại một bia đá gắn ở vách bên trong chùa và một bản gỗ khắc chánh pháp nhãn tạng theo dòng kệ  của ngài Minh Hải Pháp Bảo, lên cho đến các vị Tổ, đến đức Phật. Hiện chùa Viên Thông còn giữ được ván khắc của bản văn này. Và trên phương diện lịch sử Phật Giáo thì ván khắc bản chánh pháp nhãn tạng này là một báu vật của Phật giáo Thuận Hóa nói chung và của chùa Viên Thông nói riêng. Có điều rất hay là tuy theo hai dòng kệ khác  nhau nhưng ngài Chơn Kim Pháp Lâm vẫn ngang thế hệ 40 dòng Lâm Tề, không chống mà cũng không tách rời sự truyền thừa, làm cho chùa Viên Thông có sự truyền thừa liên tục. Năm Thành Thái thứ 10 (1896) ngài Chơn Kim Pháp Lâm viên tịch, long vị của ngài đề: “Lâm Tế tông tứ thập thế trùng hưng Viên Thông tự húy Chơn Kim hiệu Pháp Lâm Xà lê giác linh chi vị”. Ngài Chơn Kim viên tịch, nhưng đã có đệ tử kế thế trụ trì theo dòng kệ ở chùa Chúc Thánh Quảng Nam, đó là ngài Như Thừa Hoằng Nguyện, thế hệ thứ 41 dòng Lâm Tế. Ngài là người làng Bao La huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Ngài Hoằng Nguyện vừa trú trì chùa Viên Thông, nhưng ngài đã vừa khai khẩn thêm đất  đai cho chùa tất cả được 3 mẫu, đó chính là tinh thần thiền Bách Trượng: “Nhất nhật bất tác nhất nhật bất thực” vậy. Cuối đời Khải Định (1924) ngài định thiêu thân cúng dường chư Phật vào ngày Đản sinh 8 -4; nhưng ngài Viên Thành ở Tra Am và ngài Giác Viên ở Hồng Khê làm giáo thọ phản đối, nên ngài đã tịch cốc (tuyệt thực) từ 8 tháng 4 cho đến 15 tháng 5 năm đó thì thị tịch, long vị đề: “Lâm Tế Chánh tông tứ thập nhất thế Viên Thông tự trú trì húy Như Thừa hiệu Hoằng Nguyện tôn chứng đại sư giác linh nghê tọa”. Nhưng thực ra không dùng chữ “trú trì” mà dùng chữ “tự trưởng”. Vì trong giới đàn Từ Hiếu năm Khải Định thứ 9 (1924) ngài là vị tôn chứng thứ 6 và đề là tự trưởng chùa Viên Thông. Sau khi ngài thị tịch, thì đệ tử là ngài Thị Bình Diệu Khai kế tục làm trú trì. Ngài Thị Bình Diệu Khai tên thật là Bùi Xuân  Thái, sinh ngày 30 tháng 3 năm Mậu Thân (1908) tại làng Nam Phổ Trung, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Ngài là con trưởng của một gia đình có 4 anh em trai đều xuất gia hết. Lúc 7 tuổi ngài xuất gia tu học tại chùa Viên Thông. Ngài đã học thêm kinh, luật với ngài Viên Thành ở chùa Tra Am và học nghi lễ với ngài Phước Huệ Thập Tháp.

Trong thời  ngài Thị Bình Diệu Khai trú trì ở chùa Viên Thông có một vài sửa đổi và có sự trùng tu. Biển hiệu chùa đề “Viên Thông tự” tạo vào năm Bảo Đại tam niên hạ (1929) do Hàn Thiện Nguyên và Văn Hiền thiên nhơn công tôn nữ pháp danh Hỷ Thiện phụng cúng. Năm Bảo Đại thứ 7, Quý Dậu (1933), Đoan Huy Hoàng Thái Hậu tức là bà Từ Cung đã cho sửa ngôi miếu cổ vốn là thảo am mà Tổ Liễu Quán ngày xưa đã tọa thiền, thành Linh Tiêu Điện để thờ “Mẫu”. Hiện trong ngôi miếu ở Tây Bắc chùa, nhìn lên núi Ngự Bình còn có 3 tượng thần nữ. Bản đề Linh Tiêu Điện với lạc khỏan đề năm Bảo Đại thứ 7 vẫn còn. Sau lưng miếu còn có một cây cổ thụ hình thù kỳ cổ mọc trên sườn núi  Ngự Bình; bên trái trước điện còn có một cây sứ cổ. Kể từ đó, cảnh chùa Viên Thông biến thành nơi  nhảy đồng bóng của các bà trong nội cung thuộc triều Bảo Đại. Tuy trong chùa vẫn thờ Phật, nhưng bên điện nhỏ có lịch sử xa xưa ấy vẫn biến thành nơi nhảy đồng bóng. Khoảng năm 1940 đến 1943 Hòa thượng Diệu Khai có soạn một bài lược sử chùa Viên Thông viết trên giấy. Đến năm 1968 Hòa thượng cho sửa Linh Tiêu điện và làm thêm một tiền đường nhỏ rồi đổi tên là Tuệ Vân các. Hai bên vách, ngài cho viết bài lược sử ngôi điện. Rất tiếc là hiện nay, bài viết trên vách Tuệ Vân các thì những hàng dưới bị mưa nắng làm phai mòn đọc không ra nữa.

Riêng nhà chùa thì vào năm 1960 có sự trùng tu thượng điện, dãy nhà phía tây trùng tu vào năm 1964; năm 1972, dãy nhà phía đông được sửa chữa. Nhà hậu được trùng tu vào năm 1986, tạo thành kiến trúc chùa hình chữ “khẩu”.Trong chùa, ngoài các bia và khánh cổ, còn có bộ tượng thập bát La Hán ngồi trên một con vật hoặc một con chim công, chim Trĩ… Còn một câu đối do một vị Hồng Lô Tự Khanh cúng vào năm Bảo Đại thứ 13.

Chùa Viên Thông hiện nay, kiến trúc theo hình chữ “khẩu”, lối kiến trúc truyền thống của nhiều chùa cổ ở Huế.  “Đại hùng bảo điện” chùa Viên Thông là một ngôi nhà năm gian, vừa mới được trùng tu vào năm 1960. Khi mở 6 cánh cửa trước có hoa văn hoa lá sen  ra thì bên trong thượng điện tuy thờ tự rất giản dị nhưng vô cùng trang nghiêm. Tuy cột kèo bên trong được kết cấu bằng bê tông cốt sắt nhưng vẫn có những hoa văn và cách trình bày chạm trổ theo truyền thống. Ba gian giữa là thượng điện thờ Phật, trên cao có biển hiệu chùa sơn son thếp vàng với ba chữ: “Viên Thông Tự “. Bàn thờ có ba tầng, trước hết và thấp nhất là bàn kinh. Kinh được tôn trí trong một tọa lung để chính giữa, hai bên là chuông mõ. Lên cao hơn là bàn thờ chính. Ngoài chân đèn, bình hoa và quả bồng, thì chính giữa có cái bệ, trên đó tôn trí ba pho tượng bằng đồng nhỏ: Đức Bổn Sư ngồi tọa thiền, hai bên có Anan tôn giả và Ca Diếp tôn giả đứng hầu. Ngôi tượng chính nhất là Phật điện chùa Viên Thông, là ngôi tượng bằng đồng lớn mới được chú tạo vào năm 1965 theo mẫu pho tượng ở chùa Từ Đàm, tay phải đưa lên bắt ấn “tam muội”, và tượng ngồi theo thế kiết già phu tọa trên một tòa sen đúc bằng xi măng, nhưng không kém phần mỹ điệu vì tỉ lệ cân xứng của pho tượng và tòa sen. Tất cả được đặt trên một cái bệ hình lục giác cao khoảng 1m60; sáu mặt xung quanh đều có những hoa văn hoa lá rất đẹp.Đây có lẽ là pho tượng thứ hai có đường nét và sắc thái Việt Nam.

Trong cùng và trên một cái bệ cao đến 2m50, nhà chùa đặt một long khám, những hoa văn chạm trổ ở long khám này có thể làm đề tài cho một bài khác. Ở đây chúng tôi xin được nói qua vài nét. Khám chạm trổ rất kép công, các mô-tuýp tuy quen thuộc nhưng rất phong phú. Diềm của trần long khám chạm lọng lưỡng long triều nguyệt. Trên khám chia từng khung và có chạm nhiều chữ “Phạn”, hai bên có hai vế đối, mỗi vế 7 chữ Triện rất khó đọc. Trong long khám, trên tầng cao thờ ba pho tượng có lẽ mới sau này, biểu thị “Tam thế Phật”; tầng thấp ở bên trước cũng có ba pho tượng như thế nhưng nhỏ hơn. Bên trái người đứng nhìn có một pho tượng bằng đồng cao độ 0m5, gồm 18 tay, đó là pho tượng Chuẩn Đề. Bên phải người đứng nhìn có pho tượng Quan Âm cũng nhỏ như thế. Hai pho tượng này chắc phải là tượng cổ có từ thời Khải Định còn lại.

Bên tay phải người đứng nhìn là bàn thờ Quan Âm. Tầng trên cao, tượng Quan Âm ngồi được tôn trí ở giữa, hai bên có 4 tượng La Hán cỡi trên những con vật bốn chân; hàng dưới thấp và ở trước có 5 tượng. Bên tay trái người đứng nhìn là bàn thờ Địa Tạng. Trên cao, tượng Đức Địa Tạng ngồi trên ngai, choàng y bá nạp, tay cầm tích trượng và đầu đội mũ “tỳ lư”. Hai bên có 4 tượng La Hán hàng dưới thấp và ở trước cũng có 5 tượng La Hán như ở bàn thờ Quan Âm.

Ở gian phía tây sát vách còn có một bàn thờ linh. Bên sau bàn thờ, đính vào vách, có một bia chữ  Hán đã nói ở trên. Trước bàn thờ này và gần cửa vào, ngoài cái trống lớn của chùa thì Viên Thông tự còn trưng bày cái khánh đế. Đo ở chính giữa thì khánh cao 0m70; thân khánh dày 0m10, đầu khánh dày đến 0m115. Chiều dài khánh đo theo hai mũi cong hai bên thì được 1m08. Quanh khánh có một đường viền hoa lá; nhưng ở hai mũi khánh và trên đầu khánh thì hoa lá này rất lớn và uốn lượn rất mỹ thuật. Từ đầu khánh xuống chính giữa khoảng 0dm28 thì có một hoa sen nở, chính giữa hoa sen là lỗ trục mang khánh. Từ lỗ trục chạy dọc chạy dọc xuống thân khánh có hàng chữ Nho “Minh Mạng thất niên, tứ nguyệt cát nhật, tôn nhơn phủ, Tôn Thất Trạch phụng cúng”. Hai mặt khánh trình bày giống nhau. Trên thân khánh, hai bên có hai nụ để đánh khánh. Tôn Thất Trạch có lẽ là ông Trạch Quang hầu đứng ra quên góp tiền bạc để trùng tu và làm ngôi “chùa ngói” mà chúng tôi đã trình bày ở trên. Khánh treo trên một cái giá gỗ cao 1m10, rộng 0m60.

Ở gian phía đông, thờ Tiêu Diện và Hộ pháp. Bên sau bàn thờ, đính vào vách, có một bia chữ Nho của ngài Chơn Kim Pháp lâm mà ở trên chúng tôi đã nói. Bên trước bàn thờ treo quả Đại Hồng Chung được chú vào năm 1964. Chông có thân cao đến 1m23, kể cả ngai chuông thì cao đến 1m80; miệng chuông rộng 0m87.

Bên sau phần hậu tổ thì ở trên cao có bức hoành “Vạn Thọ điện”. Bên dưới bàn thờ có hai tầng thờ long vị. Tầng cao và long vị cao nhất thờ chính giữa. Đó là long vị ngài Liễu Quán. Mỗi bên có ba long vị mà ở trên chúng tôi đã viện dẫn khi trình bày qua các giai đoạn lịch sử chùa. Phần trước, thấp hơn, chính giữa là long vị của “Ông Viên Thông” đề là “Lâm tế tứ thập nhị thế trùng hưng Viên Thông tự thị Bình Diệu Khai Hòa thượng”. Hai bên có hai tiếu tượng: Tiếu tượng hòa thượng Như Thừa, thờ phía tay phải người đứng nhìn màu sắc nhạt, chỉ có màu đen trắng; bên trái người đứng nhìn, tiếu tượng ngài ngài Thị Bình Diệu Khai được vẽ màu, mang y vàng đội mũ, ngồi trên ghế. Nền tiếu tượng màu xanh nhạt. Hai bên tả hữu là bàn thờ linh như các chùa khác ở Huế thường có.

Ngoài những nét đặc biệt ở trên, chùa Viên Thông hiện còn tàng trữ những bản gỗ khắc kinh rất giá trị: 

-Bản Quan Âm Bồ Tát cứu khổ kinh, đầu quển có một tượng Quan Âm khắc gỗ rất đẹp; nhưng lại đề là “Sắc tứ Quốc Ân tàng bản” và lạc Khoản Khắc kinh đề “Minh Mạng thập nhị niên tuế thứ Tân Mão trọng xuân nguyệt cát nhật”.

    -Bản khắc kinh Phạm Võng.
    -Bản khắc sách Thuyền cỏ.
    -Bản khắc Tứ phận luật  – Luật tiểu.
    – Có một bản khắc từ đời Cảnh Hưng, nhưng chữ mòn quá, không biết kinh gì và đọc cũng không rõ được Cảnh Hưng năm nào.

Nói chung chúng ta phải chấp nhận rằng đây là những nét văn hóa Phật giáo thời cổ còn sót lại; chúng tôi nói sót lại vì trong đó có nhiều bản không đủ bộ, hoặc quyển còn, quyển mất bởi đã có hơn 40 bản khắc gỗ đã được chuyển đi nơi khác.

Ngoài ra chùa Viên Thông còn có hai tảng đá rất đặc biệt. Một tảng hình bát giác, kiểu thắt cổ bồng. Tảng thứ hai có hình như cái kỹ trà ngày xưa, hai bên và trên đầu chạm long vân. Hình rồng mây ở tảng đá này rất uyển áo so với hình chạm mây rồng ở bia “Ngự Kiến Thiên Mụ Tự” của chúa Nguyễn Phúc Chu thì ít ra hình mây rồng ở đây cũng có nhiều nét tương tự. Có thể tảng đá này có từ đời Nguyễn Phúc Chu cũng chưa chừng. Nhưng công dụng của tảng đá thì chưa thể nói được; và dù sao đây cũng là một cổ vật. Hai tảng đá chạm ở chùa Viên Thông thuộc hẳn phạm trù văn hóa Phú Xuân, tức là cả văn hóa Phật giáo lẫn “văn hóa” nói chung.

Sau thượng điện thì “tả vu” là nhà khách, “hữu vu” dược dành làm tăng xá. Nhà hậu thờ Thánh tức là Quan Công. Trong đó còn có bức hoành đề niên hiệu Đồng Khánh; hai câu đối có Lạc Khoản đề niên hiệu Thành Thái. Một bài khác chúng tôi sẽ nói rõ hơn và dịch hết các câu đối ở chùa Viên Thông.

Nói tóm lại, tuy ít được nhắc đến, nhưng với đôi nét lược sử chúng tôi trình bày ở trên, chùa Viên Thông với một lịch sử có dính dáng đến một vị tổ người Đại Việt, khai sáng cả một thiền phái khắp Nam hà, với những pháp khí pháp tượng; với khánh đá, bia, câu đối đủ các niên hiệu của nhiều vị vua triều Nguyễn.

H.X.L

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here