Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Phật giáo và con đường chuyển hoá tâm thức của trí thức...

Phật giáo và con đường chuyển hoá tâm thức của trí thức phương Tây (phần 2)

198
0

Du nhập vào lòng xã hội Mỹ từ đầu thế kỷ 19, đạo Phật ngày nay là một trong những phương tiện chuyển hoá tâm thức hữu hiệu nhất ở quốc gia đa văn hoá và đa sắc tộc này với số tín đồ lên đến hàng triệu người và hằng trăm tự viện, trung tâm Phật học cũng như là các phân khoa nghiên cứu Phật giáo tại các trường Đại học danh giá nhất của Hoa Kỳ. Đặc trưng của Phật giáo ở Hoa kỳ là đường lối tu tập tĩnh thức, chánh niệm nhằm đem lại cho con người một đời sống an lạc thực sự, cảm hoá nỗi khổ đau luôn thường trụ trong lòng một quốc gia thịnh đạt về kinh tế nhưng lại đầy nỗi bất an. Ngoài ra, đạo Phật ở đây được đánh giá là mang tính dân chủ, tính xã hội sâu rộng và đặc biệt là vai trò của phụ nữ được đề cao.


Du hoá trong lòng nước Mỹ


Nền văn hoá một thời với những biểu tượng “melting pot” (điểm dung tập), hay “salad bowl” (tô xà lách trộn), Bắc mỹ được biết đến như một nền văn hoá “trẻ” của nhân loại (từ 1776, Hợp chủng quốc Hoa kỳ được thành lập ban đầu với 13 bang hay 13 thuộc địa Anh thời bấy giờ), một sự hợp chủng của nhiều sắc màu văn hoá khác nhau, vì vậy, khi “cơn gió” Phật giáo nhẹ nhàng thổi qua đây đem theo những âm sắc văn hoá bản địa từ nơi mà nó xuất phát và hoà nhập vào lòng quốc gia đa dân tộc tính này, để chuyển biến tâm thức cho một xã hội phức hợp, “cơn gió” này đã trải qua biết bao “thăng trầm” để có thể hôm nay là một “cơn gió mát, thường trụ trong lòng người đang hạn hán về đức tin”.




Henry.S. Olcott (1832-1907), cựu đại tá quân đội Mỹ, đồng tác giả lá cờ Phật giáo quốc tế.


Được biết đến từ những năm 1820 khi mà hàng ngàn người Trung Quốc di cư sang Mỹ trong “cơn sốt vàng” thập niên 40 của thế kỷ 19, tuy nhiên Phật giáo lúc bấy giờ chỉ đóng khung trong các bài kinh cầu nguyện của cộng đồng Hoa, và chùa được xây dựng trong thời gian này cũng là để phục vụ cho nhu cầu tâm linh của họ hơn là một trung tâm tu học chuyễn hoá tâm thức. Cho đến cuối thế kỷ 19 Phật giáo chính thức được chú ý và quan tâm của giới học giả, sau đó là đến mọi tầng lớp nhân dân nhờ nỗ lực truyền giáo của hai đạo hữu, người Mỹ Cựu đại tá quân đội Hoa Kỳ Henry Steel Olcott và bà Phật tử người Nga Petrova Blavatsky. Vào năm 1875 tại Newyork, Hội Thông Thiên Học Phật giáo (Buddhist Theosophical Society) được thành lập bởi hai nhà hộ pháp này trong sự cộng tác của William Quan Judge. Đó là tổ chức PG đầu tiên tại Hoa Kỳ và tổ chức này đã nhanh chóng gây được sự chú ý của giới trí thức Mỹ, cùng với sự nỗ lực của Olcott và Blavatsky, các thành viên quan trọng khác có công truyền bá trong giai đoạn đầu ở đất nước này phải được kể đến như nhà văn Ralph. W. Emerson, nhà thơ lừng danh Walt Whitman (người Mỹ); Sư trưởng A. Dharmapala (người Tích Lan); thiền sư Soyen Shaku (người Nhật); triết gia Paul Carus (người Đức) …


Có lẽ, sự kiện trọng đại nhất vào cuối thế kỷ 19 trong lịch sử chuyển hoá tâm thức của đạo Phật ở Hoa kỳ là Đại hội Tôn giáo Thế giới (World Parliament of Religion) được tổ chức vào năm 1893 tại tiểu bang Chicago-Hoa kỳ. Hầu hết các phái đoàn hùng hậu tham gia hội nghị là những giáo hội của truyền thống Ky tô, những đại diện ưu tú của Phật giáo đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Tích Lan lại có tiếng nói gây được thiện cảm trong lòng một xã hội vốn rất xa la với nền minh triết cổ của Á Đông. Đại diện trẻ của Tích Lan, trong diễn đàn tham luận về tiếng nói của Phật giáo trong lòng xã hội Tây Phương, bằng kỷ năng ngôn ngử (tiếng Anh) hết sức súc tích và đầy thuyết phục, Anagarika Dharmapala đã làm cho thế giới hiểu nhiều hơn về Phật giáo và nền giáo lý thượng thừa đã ra đời cách đây 2500 năm. Anagarika Dharmapala sau đó đã trở thành biểu tượng của thế giới ở tuổi chưa đầy 30 và có nhiều công trình đóng góp xiễn dương giáo pháp trong suốt cuộc đời còn lại của mình.


Trong một buổi lễ tổng kết, nhìn lại những kết quả đã đạt được sau đại hội do Anagarika Dharmapala chủ trì một vài ngày sau đó, một thương gia Newyork-hậu duệ của truyền thống Do thái giáo- Charles T. Strauss được biết như là một người đầu tiên, chính thức phát tâm quy y Phật Pháp và đạo Phật đã bắt đầu kết trái ngọt trên mảnh đất vốn cũng là nơi ngự trị của thần học Ky tô trên 100 năm qua.


Đến năm 1896, “Hội Thanh Niên Phật Tử” (Young Men Buddhist Association) ra đời tại San Francisco. Cũng trong năm 1896, đặc biệt có sự viếng thăm của Pháp sư Dharmapala (lúc ấy đang là Chủ Tịch Hội Maha Bodhi Ấn Độ), Ngài đến hoằng pháp tại Hoa Kỳ theo lời mời của ông Paul Carus. Ngài đã đến thuyết pháp tại các tiểu bang như New York, Chicago, San Francisco, Cincinnati, Minneapolis, Lowa, California, District of Columbia…. Đề tài đầu tiên được Ngài tuyên thuyết là “Sự hòa giải của Phật giáo và Ky Tô giáo” (Reconciliation of Buddhism and Christianity). Báo chí Mỹ lúc bấy giờ đã ca ngợi sự kiện truyền giáo này của Pháp Sư Dharmapala. Một năm sau đó, Pháp sư Dharmapala đã tổ chức đại lễ Phật Đản lần đầu tiên tại Hoa Kỳ. Ba mươi bảy ngọn nến (tượng trưng cho 37 phẩm trợ đạo) được thắp sáng trước tượng đài Đản sinh và khoảng 400 Phật tử Mỹ thành kính lắng nghe Ngài tụng kinh Mangala, một bản kinh chép tay trên lá bối. Từ đó đến năm ngài qua đời (1933), Ngài thường xuyên đến Hoa Kỳ để hoằng pháp.


Đến năm 1899, Hội Phật giáo Bắc Mỹ (North American Buddhist Mission) ra mắt tại bang San Francisco và tổ chức này hoạt động đến năm 1944 thì đổi tên thành Hội Phật giáo Mỹ Quốc (Buddhist Churches of America). Vào tháng 6 năm 1905, sau 20 năm dự Đại Hội Tôn Giáo Thế Giới tại Chicago, Đại sư Soyen Shaku đã trở lại Mỹ (từ Nhật Bản) để hoằng pháp theo lời thỉnh cầu của hai vợ chồng thương gia người Mỹ Alexander Russel ở San Francisco. Sự hiện diện của Đại sư Shaku đã giúp cho Phật giáo tại Mỹ phát triển thêm một bước nữa với ba người Mỹ phát tâm xuất gia tu học và Phật tử tại gia quy tựu rất đông.


Vào thời gian này, một trí thức Phật tử ngưòi Mỹ Dwight Goddard (1861-1939), trong nỗ lực xiễn dương phong trào tu học Phật pháp ở xã hội Tây phương, đã thành lập hội “những ngưòi thân hữu Phật tử” theo truyền thống thiền “Zen” của Nhật. Goddard nguyên là “sứ giả thừa sai” trong hội truyền giáo Thiên Chúa ở Trung Hoa, sau đó đã cải đạo và tu tập thiền ở Nhật theo thiền phái của Senzaki và Sokei-an. Mặc dù hội Phật tử thân hữu của ông không đạt được thành tựu mỹ mãn, nhưng công trình hoằng pháp của ông với những tác phẩm về thiền “zen” như “A Buddhist Magazine” (Tập san Thiền) xuất bản năm 1930 cùng những tác phẩm dịch thuật từ bản kinh Lankavatara (Lăng già Tâm ấn) và “A Buddhist Bible” một hợp tuyển những kinh tạng được phổ cập ở Nhật và Trung Quốc đã gây tiếng vang và ảnh hưởng lớn lao trong lòng xã hội Hoa kỳ.


Mặc dù Phật Giáo được truyền vào nước Mỹ từ cuối thế kỷ 19, nhưng Phật Giáo thực sự phát triển và gây ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội Mỹ chỉ xảy ra vào đầu năm 1960 của thế kỷ này. Sự tiếp nối và phát triển đó là nhờ có nhiều nhà truyền giáo từ châu Á sang như Đại sư Daisetz Teitaro Suzuki, Lạt ma Thubten Yesbe, Hòa Thượng Seon Sanim, HT Thiên Ân, Thiền Sư Nhất Hạnh, Hòa Thượng Tuyên Hóa, Hòa Thượng Kalu Rinpoche…. Đồng thời cũng trong giai đoạn này, nhiều phong trào chống chiến tranh đã nổi dậy khắp nơi trên đất Mỹ, đặc biệt sự kiện các thiền sư Việt Nam như Hoà Thượng, Bồ tát Thích Quảng Đức, cùng các tăng, ni và Phật tử tự thiêu trong phong trào vận động hoà bình thập niên 60 ở Việt Nam đã làm rúng động toàn cầu; cả thế giới xúc động khi thấy hình ảnh của những Phật tử như Thích Quảng Đức, Nhất Chi Mai an nhiên trong ngọn lữa đang bùng cháy thiêu đốt từng chi thân của mình. Họ ngồi đấy với một mục đích cao cả “đem cái chết của mình để thức tỉnh những người đang còn trong vô minh và tham chấp. Họ sẳng sàng chết để cho người thân và dân tộc được bình an”. Hành động bi tráng này đã tĩnh thức thế giới phương Tây và những quan niệm sai lầm về đạo Phật một thời còn nghị trị ở các quốc gia này. Các phong chống chiến tranh ở VN đã cho rằng chính bản chất tham lam, hận thù và chủ nghĩa tôn thờ vật chất đã đẩy Hoa Kỳ lún sâu vào cuộc chiến đáng chê trách tại VN và các nhà lãnh đạo phong trào này đã nhìn thấy đạo Phật như là một phương thuốc hữu hiệu để chữa khỏi những căn bệnh thời đại của nước Mỹ.


Điều lạ lùng thay, Phật Giáo tại Hoa Kỳ thời nay, dường như bao gồm nhiều thành phần như chính bản thân của nước Mỹ. Rõ ràng người ta thấy có nhiều tông phái Phật Giáo khác nhau đang tồn tại ở Mỹ như Theravada, Mahayana và những trường phái Kim Cương Thừa khác.


Năm 1967, nhiều Trung tâm Thiền học ra đời tại bang New York và dọc theo miền duyên hải phía Tây của nước Mỹ, đặc biệt là bang California. Hầu hết hội viên của các trung tâm này đều là giới trí thức, giới thượng lưu, giàu có, và những người có quyền thế trong xã hội. Họ kết hợp những kiến thức nghiên cứu từ nền văn minh Đông-Tây cùng với pháp môn thiền Phật Giáo để tạo nên một lối tu riêng cho mình. Người có chủ trương này là một tăng sĩ người Mỹ Roshi Philip Kapleau. Ngài xuất gia theo truyền thống của Phật Giáo Nhật và cũng là tác giả của hai tác phẩm nổi tiếng là “Ba Trụ Thiền” (Three Pillars of Zen) và “Thiền, ánh bình minh ở phương Tây” (Zen, Dawn in the West).


Đầu năm 1975, Hội Bảo Vệ Truyền thống Phật Giáo Đại Thừa (Foundation for Preservation of the Mahayana Tradition) được Lạt ma Tây Tạng Thubten Yeshe sáng lập, đặt văn phòng trung ương tại Los Angeles , bang California và cho xuất bản tờ tạp chí Mandala để phổ biến giáo lý. Đến nay tổ chức này đã có trên 100 chi nhánh trên khắp thế giới. Đầu năm 1998, tổ chức này có mở một Website để phổ biến giáo lý, địa chỉ vào xem là: http://www.fpmt.org.


Đến năm 1976, HòaThượng Tuyên Hóa (Xuan Hua, 1918-1995), người Trung Hoa, đã xây dựng “Vạn Phật Thánh Thành” (City of Ten Thousand Buddhas), một đại tùng lâm với hơn 70 tòa nhà tọa lạc trên một vùng đồi 500 mẫu ở Talmage thuộc miền Bắc California. Cũng trong năm 1976, HT Tuyên Hóa còn thành lập Trường Đại học Pháp giới với mục đích làm lớn mạnh nền giáo dục PG trên đất Mỹ. Trang nhà của tổ chức này là http://www.drba.org


Một tổ chức quan trọng khác của Phật Giáo Hoa Kỳ là Trung tâm Shambala, tọa lạc tại bang Massachusetts. Đây cũng là một trung tâm Phật Giáo tầm cỡ tại Mỹ và châu Âu do người Mỹ sáng lập và điều hành. Trung tâm đã xây dựng một nhà in cùng tên và đã cho xuất bản tờ tạp chí Tricycle (Tam Thừa) để truyền bá giáo lý, đến nay số lượng phát hành lên đến 40.000 tờ mỗi kỳ và có thể nói đây là một tờ báo phản ánh được những tinh hoa văn hóa của PGHK, là một phương tiện truyền thông có chất lượng cao, là tiếng nói của PG Mỹ trong nỗ lực cung cấp những nguyên tắc đạo đức có liên quan đến những vấn đề thời đại như phá thai, bệnh sida, vấn đề chết có sự can thiệp của bác sĩ, v.v.




Với diện tích trên 480 mẩu Anh (192 hecta) Vạn Phật Thánh Thành (City of ten thousand Buddhas) được xem là một trong những cộng đồng Phật giáo lớn nhất bán cầu Tây. Ảnh: En.wikipedia


Thiền “ZEN” sức sống mới trong lòng một xã hội năng động




Daisetz Teitaro Suzuki (1870-1966)


Sự trở lại San Francisco của thiền sư Soyen Shaku’s vào năm 1905 và sau đó là một loạt các thiền sư Nhật bản khác như Nyogen SenzakiSokei-an cuối cùng là D.T. suzuki khi ông có những bài phát biểu, tham luận về thiền “Zen” ở đại học Colombia năm 1951 làm nền tảng cho sự khơi dậy một khuynh hướng nội sinh Phật giáo mới trong lòng xã hội năng động này.


Trước đây, nếu những tác phẩm kinh điển của ông như Thiền Luận, Tinh hoa của thiền… đã được biết đến như là một luồng sinh khí mới thổi vào những mảnh đất tâm cằn cỗi niềm tin thì bây giờ sự xuất hiện “khế thời” của ông ở đây càng làm cho niềm tin được gieo vững chắc hơn trong trái tim người mộ đạo. Đặc biệt, trong những năm 40 và 50 của thế kỷ 20, chúng ta chứng kiến những tài danh nghệ thuật đương đại mà tiêu biểu là nhóm thiền “Beat Generation” hay “Beat Zen” với những tên tuổi lừng danh thế giới như Gary Snyder, Jack Kerouac, Allen Ginsberg và Kenneth Rexroth…những khả năng thiên tài văn học được dẫn dắt bởi một nguồn tuệ giác nội sinh . Kết quả là vào năm 1956, “Hội Nghiên cứu thiền” (Zen Studies Society) để phục vụ cho công cuộc hoằng bá chành pháp của Suzuki trong thời gian lưu lại ở đại học Colombia được thành lập và sau này Eido Tai Shimano tiếp tục truyền thừa sứ mệnh mà tiền nhân đã truyền trao.


Một trong những hình ảnh sống động khác của “thiền” truyền cảm hứng tâm linh cho thiền giả ở bán cầu Tây này là sư Shunryu Suzuki (1904-1971- tên của sư trùng với D.T. Suzuki, vì vậy mỗi khi người ta có sự nhầm lẫn giữa hai người, Shunryu Suzuki liến đáp rằng “ông ấy là một Suzuki vĩ đại còn tôi là Suzuki bình thường“). Sư đến Mỹ vào năm 1959 và thành lập Trung tâm thiền hành ở Sanfrancisco (San Francisco Zen Center) ngay sau đó. Với một tuệ giác vận động từ trong lòng xâu thẳm của tâm thức và một niềm tin vào công hạnh của Bồ tát đạo, sư đã dành hết đời mình cho sự nghiệp truyền cho thế hệ mai hậu cái giác tánh “trực chỉ nhân tâm” vốn là sự bùng nổ của tâm thức ngay trong giây phút tối hậu của kiếp người. Trung tâm thiền hành Sanfrancisco lan toã vào trong cộng đồng như cơn gió thoảng của mùa thu, và thấm sâu vào lòng người như hạt mưa xuân an trú trong lòng đất. Lòng thành tưởng nhớ công đức giáo huấn của ngaì, môn đồ, pháp quyến đã hợp tuyển những bài pháp thoại của Thầy đúc kết trong những tác phẩm “Thiền-Tâm chứng”, “Bồ đề tâm” đồng thời những bài tham luận và giãng khoá của sư được tập hợp thành ấn bản “Dòng thuỷ lưu trong đêm tối”; đây được xem là lời giới thiệu và hướng dẫn tổng quát về thiền phaí này trên đất nước Hoa kỳ xa xôi. Ngày nay, Trung tâm thiền quán Sanfrancisco vẫn là một trong những trung tâm lớn nhất và có nhiều ãnh hưởng nhất đối với Phật giáo Hoa kỳ.


Một thiền phái Nhật Bản khác Sanbo Kyodan, được thành lập bởi hai đại sư Harada Daiun (1871-1961) và môn đệ Yasutani Hakuun (1885-1971), đây là thiền phái mang tính cải cách ở Tây phương. Môn đệ gốc Mỹ đầu tiên và cũng là nhân vật xuất chúng sau này của thiền phái là Philip Kapleau (1912 – 2004). Hành trình đến với Phật giáo khi vào năm 1945, ông có mặt với tư cách là ký giả trong phái đoàn Luật gia Đồng minh tham dự toà án chiến tranh tại Nhật Bản. Ông bắt đầu quan tâm và say mê nghiên cứu môn thiền “Zen” của Nhật Bản và tham dự các buổi khoá giảng do D.T. Suzuki tổ chức ở Kita Kamakura và Engaku-ji. Sau này Kapleau đến Nhật lần thứ hai vào năm 1953 với quyết tâm và mong muốn lãnh hội yếu chỉ của thiền tông Nhật Bản “Zen” ngay trên mảnh đất mà nó được khai sinh, ở đây ông đã gặp gở và tham học với nhiều thiền sư nỗi tiếng trong đó có Nakagawa Soen (nguyên là môn đệ của Nyogen Senzaki ) và sau đó chính thức trở thành thành viên của thiền phái Sanbo Kyodan. Sau 13 năm tham học, Kapleau được chính thức thọ giới bởi sư Yasutani vào năm 1965 và cũng trong thời gian đó Tam trụ Thiền (The Three Pillars of Zen) được chính thức xuất bản và ngay lập tức được dịch ra 12 thứ tiếng khác nhau, tạo nên một hiệu ứng tích cực tác động lên giới trí thức và nhân sĩ Tây Phương về một hình thái tu học mới, một luồng sinh khí mới, một động năng tuôn trào từ nguồn nội sinh bất tận của con người mà người đầu tiên đã dõng dạt tuyên bố trước hoàn vũ về nguồn năng lượng vô biên này không ai khác hơn chính là Đức Cồ Đàm Phật Thích Ca Mâu Ni. Vào năm 1966, sư thành lập trung tâm tu học Rochester Zen Center ở Newyork và trở thành một thiền sư gốc Mỹ đầu tiên tích cực hoằng dương chánh pháp trên một chân trời mới, trong lòng một quốc gia, một nền xã hội năng động bật nhất toàn cầu.




  • Tâm Đức

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here