Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Phật giáo mở cửa cho nước Nhật bước vào kỷ nguyên lịch...

Phật giáo mở cửa cho nước Nhật bước vào kỷ nguyên lịch sử

192
0


“Phật pháp tuyệt vời hơn tất cả mọi thứ giáo pháp khác, thật hết sức khó để hiểu và nắm vững […]. Nền Đạo pháp ấy có thể làm phát sinh vô lượng, vô biên đạo hạnh và những điều xứng đáng để cuối cùng sẽ đưa đến Giác ngộ tối thượng”.


Đó là những lời trích từ một bức thư của vua Paikche, hoàng đế của một trong những vùng lãnh thổ thuộc Triều Tiên, gửi đến Nhật hoàng vào năm 552 (vài tài liệu khác cho là năm 538 hay 548), trong mục đích trình bày với hoàng triều Nhật Bản về những gì tuyệt vời của đạo Phật…


Nước Nhật trước khi có lịch sử


Từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ I trước Tây lịch, nước Nhật gồm có những nhóm dân rải rác sinh sống bằng nghề chài lưới. Các nhà khảo cổ đặt tên cho thời kỳ tiền sử này là Jomon, dựa vào cách trang trí trên đồ gốm đã khai quật được, các trang trí ấy là các đường nét uốn cong bện vào nhau như những “sợi dây thừng”.


Song song với nghề chài lưới, canh nông cũng bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ thứ III trước Tây lịch cho đến thế kỷ thứ III sau Tây lịch. Thời kỳ phát triển nông nghiệp gọi là thời kỳ Yayoi, Yayoi là địa danh của một vùng khai quật để khảo cổ.


Trong thời kỳ này, người Nhật cũng học được từ lục địa cách làm các khí cụ bằng đồng và xã hội Nhật cũng bắt đầu tổ chức thành nhiều bộ tộc lớn và đông đảo hơn. Các bộ tộc dần dần biến thành các phe phái rất hiếu chiến.


Năm 369, họ đánh chiếm lục địa và thành lập một lãnh thổ nhỏ trên đất Triều Tiên, và nhờ đó người Nhật đã thiết lập một đầu cầu tiếp nhận nền văn hoá lục địa. Bước sang thế kỷ thứ VI, vị hoàng đế đầu tiên của nước Nhật lên ngôi và lập ra hoàng triều Yamato, kinh đô đóng ở Asuka, thuộc vùng Kyoto và Nara ngày nay.


Phật giáo được đưa vào nước Nhật trong triều đại Yamato, tức vào thế kỷ thứ VI, kèm theo cả nền văn minh lục địa. Phật giáo và văn minh lục địa biến cải cả xã hội Nhật và đưa nước Nhật vào kỷ nguyên lịch sử.


Bước đầu của Phật giáo trên quần đảo Nhật Bản


Bức thư của hoàng đế Triều Tiên, gồm có đoạn trích dẫn trên đây, được chuyển giao cho hoàng đế Nhật qua trung gian của một sứ thần, kèm theo bức thư này có một pho tượng Phật bằng đồng thếp vàng và một ít kinh sách ghi chép những lời giáo huấn và sự tích của Đức Phật. Đây là bước đầu của Phật giáo trên quần đảo Nhật Bản. Tư tưởng Phật giáo được phổ biến nhanh chóng trong hoàng triều, nhưng đồng thời cũng gây ra chia rẽ.


Bộ tộc Soga, có ít nhiều liên hệ với Triều Tiên, chủ trương cải tổ quốc gia, dựa vào Phật giáo và vài nét văn minh Trung Hoa. Hoàng đế Nhật liền uỷ thác pho tượng Phật cho bộ tộc này. Hai bộ tộc khác là Nakatomi và Mononobe lại chủ trương duy trì truyền thống dân tộc và Thần đạo.


Thần đạo là tên được đặt ra về sau này, vì thật ra lúc ấy Thần đạo chỉ là một tín ngưỡng dân gian, thờ phụng những sức mạnh thiên nhiên: tinh tú, sông ngòi, núi non, cổ thụ,… tất cả mọi thứ đều hàm chứa tính cách thiêng liêng, biểu tượng của những thần linh gọi là kami.


Hai bộ tộc này chống lại bộ tộc Soga một cách quyết liệt. Cũng vào lúc đó dịch hạch lan tràn, hai bộ tộc chống đối cho rằng việc tiếp nhận Phật pháp và pho tượng Phật là nguyên nhân khiến các thần linh Thần đạo nổi giận, và đấy là nguồn gốc của mọi tai ương. Họ bắt ép hoàng đế phải vứt bỏ pho tượng xuống sông.


Nhưng sau đó lại xảy ra một biến cố khác, một cơn hoả hoạn lớn thiêu rụi cả hoàng thành, người ta lại diễn đạt biến cố này như là một quả báo phát sinh từ hành vi ném bỏ tượng Phật xuống sông. Vị hoàng đế nước Nhật phải cho đúc hai pho tượng khác để thay thế.


Sự tranh chấp giữa các bộ tộc đưa đến chiến tranh. Năm 587, bộ tộc Soga theo Phật giáo dẹp yên các phe phái khác và đưa Phật giáo lên hàng chính giáo. Tuy thế các thần linh Thần đạo vẫn tiếp tục được tôn kính vì Phật giáo luôn luôn chủ trương hoà hợp với tất cả các khuynh hướng tín ngưỡng khác. Phật giáo và Thần đạo từ đó cùng hội nhập với nhau và phát triển một cách hài hoà.


Một nền văn hoá mới


Phát triển phát triển nhanh chóng trên đất Nhật, đi đôi với việc quảng bá kinh sách. Hán học trở nên cần thiết để nghiên cứu và tu tập. Chữ Hán mang tính cách văn chương và uyên bác trong kinh sách được phổ biến rộng rãi, vì trước đó Nhật Bản chưa hề có chữ viết để ghi chép, kể cả lịch sử của họ.


Hán học là một điểm thuận lợi cho việc hoằng pháp, vì người dân có thể đọc thẳng các kinh điển gốc Hán sẵn có, không như trường hợp của Tây Tạng phải phiên dịch những pho kinh sách khổng lồ.


Nửa thế kỷ sau, nền văn minh Trung Quốc bắt đầu ảnh hưởng sâu rộng thêm, góp phần kiến tạo một nền văn hoá mới trên đất Nhật. Các vị Tăng Ni Trung Quốc, Triều Tiên đến Nhật để truyền bá Phật pháp, người Nhật cũng sang Triều Tiên và Trung Quốc học đạo.


Ngoài ra nước Nhật còn đón tiếp các các học giả, các nghệ gia… từ lục địa đến, họ mang theo văn chương, khoa học, thiên văn, thi ca, hội hoạ… Năm 588, ngôi chùa Phật đầu tiên được xây dựng tại kinh đô Asuka. Đầu thế kỷ thứ VII, thái tử nhiếp chính là Shotoku Taishi (574-622) được bộ tộc Soga đưa lên nắm quyền hành bên cạnh hoàng hậu Suiko. Vị thái tử này liền thiết lập ngoại giao với Trung Quốc và gửi sứ thần sang kinh đô của xứ này.


Từ đó, cả hai nước nhộn nhịp trao đổi văn hoá, cùng nhau phát triển và quảng bá Phật pháp. Người ta thường xem hoàng thân Shotoku như vua A-dục của nước Nhật, mặc dù vị hoàng thân này chỉ giữ chức vụ nhiếp chính và chưa hề lên ngôi.
Một đế quốc hùng mạnh được hình thành


Cả dân gian và hoàng triều Yamato đều thấm nhuần Phật pháp, điều này là một yếu tố vô cùng thuận lợi đưa đến một nước Nhật thống nhất, đoàn kết. Hoàng đế Nhật và bộ tộc Soga cùng nhau thiết lập một chính quyền trung ương vững mạnh dựa vào đạo đức Phật giáo và cũng từ đó Phật giáo trở thành một sức mạnh tinh thần cho toàn thể dân chúng.


Hoàng thân Shotoku Taishi là một Phật tử hết sức nhiệt tâm và trung kiên, tu học Phật pháp với nhiều vị thầy người Triều Tiên, Trung Quốc, đồng thời ông cũng là một nhà chính trị tài giỏi và tinh tế. Năm 604, ông ban hành bản Hiến pháp đầu tiên của Nhật Bản, gồm 17 điều khoản, trong đó điều khoản thứ hai khuyên dân chúng phải tôn kính Tam bảo.


Bản Hiến pháp dựa trên nguyên tắc công bằng xã hội, sự ngay thật và công minh, rất gần với Phật giáo, và bản hiến pháp này đã đưa nước Nhật vào một kỷ nguyên mới. Người Nhật dần dần ý thức được cá tính dân tộc, tôn kính Phật pháp, cùng nhau thiết lập một nền văn hoá cá biệt hơn, độc lập hơn với nền văn hoá Trung Quốc. Vào năm 624, nước Nhật có 46 tu viện, 816 Tỳ kheo và 569 Tỳ kheo ni.


Tóm lại Phật giáo đã góp công khai hoá và đưa nước Nhật bước vào kỷ nguyên lịch sử, tạo cho nước Nhật một nền văn hoá thấm nhuần tinh anh Phật pháp, một xã hội hài hoà, thuần nhất và phồn vinh như ta thấy ngày nay.




  • Nguyễn Đức Tiến (Theo Văn hóa Phật giáo)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here