Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Phật giáo Huế trong đời sống văn hóa xã hội hiện nay

Phật giáo Huế trong đời sống văn hóa xã hội hiện nay

92
0

 “Huế – Di sản văn hóa thế giới” chủ yếu còn vì chế độ phong kiến quân chủ ở Việt Nam không còn nữa, nhưng những nét văn hóa của Cố Đô Huế mãi sống trong lòng người dân Huế, trong lòng người dân Việt Nam và bè bạn năm châu. Huế cố đô nhưng Huế không cũ mà luôn đổi mới đi lên. Trong những thành tố chung tạo nên “Huế – Di sản văn hóa thế giới” có sự góp mặt chung tạo của Phật giáo Huế.

Tuy có xuất phát từ bản chất của một tôn giáo nên không tránh khỏi những hạn chế nhất định như trầm tĩnh, mang tính thụ động trước những biến cố của hoàn cảnh xã hội; tính thích nghi với những thay đổi nhanh chóng của đời sống chính trị xã hội chậm, nhưng trong suốt chiều dài của lịch sử Thừa Thiên – Huế, bất cứ thời điểm nào cũng có sự góp mặt của Phật giáo Huế với tư cách là một động lực.

Phật giáo chủ trương tu tâm, suy cho cùng có cơ sở triết học là chủ nghĩa duy tâm. Mặt tích cực của chủ nghĩa duy tâm là đã phát triển năng động tư duy của con người, nhưng nhược điểm là phát triển trừu tượng, phiến diện biến nó thành cái tuyệt đối tách khỏi vật chất và thần bí. Gạt bỏ tất cả những gì còn hạn chế, chưa phù hợp trong giáo lý và giới luật của Phật giáo, thì phải thấy rằng: Phật giáo Huế luôn gạn đục khơi trong, vị tha hướng thiện, từ – bi – hỷ – xả, an ủi giúp đỡ con người, có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống văn hóa – xã hội Huế.

Huế đã từng là thủ đô Phật giáo của cả nước một thời. Ngày nay Huế là một trong ba trung tâm Phật giáo lớn nhất của Việt Nam. Ở Thừa Thiên – Huế có đủ cả Bắc tông, Nam tông, Khất sỹ. Phật giáo Huế không chống nhau, dễ hòa nhập vào nhau xuất phát từ những quan niệm của các cao tăng, rằng: “Giáo lý chỉ như chiếc đò đưa khách sang sông. Mình nô lệ văn tự mà gì để chống nhau. Điều quan trọng là đẹp đạo. Đẹp đạo mới là tất cả”. Mâu thuẫn trong Phật giáo Huế  là xuất phát từ quan điểm chính trị.

Phật giáo Huế đã không thờ ơ với nhân thế, đã giúp được các vương triều giữ gìn củng cố địa vị của mình. Chính thế, mà Phật giáo Huế đã được các vương triều sử dụng như một thứ vũ khí để thu phục nhân tâm. Nhà sư Nguyễn Văn Quý bị nạn lăng trì chỉ vì định giết vua Tự Đức, một ông vua bất tài đã để đất nước rơi vào tay thực dân Pháp. Phong trào Phật giáo chống chính quyền ngô Đình Diệm và chống Phật giáo Việt Nam Thống nhất phái Việt Nam Quốc tự trong những năm chống Mỹ – Thiệu với sự góp mặt của Phật giáo Huế… là những bằng chứng chứng minh cho tinh thần yêu nước của Phật giáo Huế.

Những cao tăng chân tu ở Huế trước đây và ngày nay vẫn rất được nhân dân Huế tôn kính vào bậc thầy, bậc cha, chú. Người dân Huế vẫn có thói quen ngả nón chào các tăng, ni. Ngày nay, ở Huế nhiều gia đình vẫn gửi con em mình cho chùa chăm sóc, dạy bảo. Thân, tâm thanh tịnh, trong sáng của các cao tăng và những nhà tu hành vẫn còn vị trí xứng đáng trong tâm hồn và tình cảm của người dân Huế. Số đông thiếu niên Huế hiện nay đang tham gia tích cực các đội oanh vũ nam, oanh vũ nữ trong các tổ chức “hướng đạo” và “Gia đình Phật tử”… Tất nhiên, có người thờ Phật chưa hẳn đã tu, cũng có người tu chưa hẳn đã tin và thành Phật, nhưng chính các chi tiết này cho thấy đạo đức, nhân cách của các vị tu hành chân chính có ảnh hưởng không nhỏ tới đạo đức, nhân cách của thanh, thiếu niên Huế.

Đến với mỗi chùa Huế ta đều tìm thấy sự thanh thản cho tâm hồn, bởi ở đây ngoài cảnh đẹp thiên tạo, nhân tạo ra còn chính là sự bình đẳng không phân biệt gốc gác, nam, nữ, lứa tuổi. Các chùa Huế đang ngày càng loại trừ mê tín dị đoan và biệt giáo, chỉ giữ lại cho mình Từ, Bi, Hỉ, Xả, Nghiệp, Duyên, Luân hồi, Vị tha không thoát ly trần thế. “Phật ẩn mình trong ngút ngàn lá xanh; Phật sừng sững trên đồi cao; Phật cung kính trang nghiêm trong cung điện; Phật bình dị hiền từ bên đường phố, trong xóm thôn, đâu đâu cũng mang từ bi phủ đắp cho tâm hồn người Huế”. Có phải vậy mà những bài ca, những bài thơ ở Huế và về Huế thời nào cũng dịu dàng sâu lắng. Chùa Huế là những yếu tố góp thêm, làm phong phú thêm và là một nét chung tạo nên nền văn hóa Huế.

Lịch sử Thừa Thiên – Huế là lịch sử kiên cường chống ngoại xâm, kiên gan trước bạo lực nhưng không ồn ào phô trương. Người Huế không thích va chạm oán thù, mà thường cam chịu kiểm điểm mình và nghĩ về người khác theo triết lý đạo đức Phật giáo “oan ức không cần biện bạch bày tỏ, vì biện bạch là nhân ngã chưa xả”.

Cuộc đấu tranh của nhân dân Huế cùng Phật tín đồ, cao tăng, tăng, ni Huế chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm là lẽ đương nhiên. Cuộc đấu tranh này đã góp phần cùng nhân dân miền Nam, nhân dân cả nước đánh đổ chính quyền Ngô Đình Diệm và sau này góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975. Phong trào Phật giáo như vậy là đã giữ được lòng Từ bi và sự hiến thân cao cả vì hoằng dương Phật pháp, vì Quốc gia dân tộc.

Sống trong lòng nhân dân Huế, những con người yóu nổồùc, kión cổồỡng vaỡ dịu dàng, thủy chung sâu lắng mà Phật tín đồ Huế đã ổn định và nhận rõ mặt những kẻ vọng ngữ, dối trá vu cáo các vị chân tu trong Phật giáo Ấn Quang là phản đạo; vu cáo chính quyền nước CHXHCN Việt Nam vi phạm nhân quyền; lợi dụng sự viên tịch của hòa thượng Thích Đôn Hậu, làm chúc thư gỉa gây mất đoàn kết, chia rẽ bè phái trong nội bộ “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.

Những kẻ chủ mưu, đồng lõa, tham gia tổ chức trong sự kiện 24 /05 /1993 và những kẻ tham gia gây rối tháng 10/1994, tháng 07/ 2001 ở Huế, đã để vô minh dấy khởi, không chân tu đúng đạo pháp của nhà Phật. Dĩ nhiên, những kẻ đang “mang trong mình một con dao trong miếng vải mỏng” phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bị trừng trị. Họ không đại diện cho Phật giáo Huế.

Ngày nay, động lực cho sự tồn tại và phát triển hài hòa của thành phố Huế cổ kính bên cạnh thành phố Huế công nghiệp hóa hiện đại hóa có sự góp mặt của Phật giáo Huế. “Huế – Di sản văn hóa thế giới” không chỉ là Hoàng thành, Lăng tẩm, mà còn có Phật giáo Huế là một thành tố chung tạo. Phật giáo Huế chỉ đánh mất mình trong mạch sống dân tộc, trong tình cảm, tư tưởng người Huế khi Phật giáo Huế tách rời truyền thống hòa quyện gắn bó giữa tư tưởng Phật giáo Huế với tư tưởng văn hóa Huế hơn 300 năm qua, tách rời truyền thống gắn bó giữa tư tưởng Phật giáo và văn hóa Việt Nam suốt hơn 2000  năm qua.

Tuy nhiên, để ngày càng xứng đáng với vai trò đó của mình, Phật giáo Huế phải không ngừng nâng cao trình độ Phật học bác học, nêu cao tinh thần tinh tấn hoằng hóa, tu hành chân chính. Đồng thời các ngôi chùa Huế cũng rất cần được tôn tạo trùng tu để chùa Huế không chỉ là nơi thờ cúng bày tỏ niềm tin với Đức Phật, mà còn là những tụ điểm sinh hoạt văn hóa, để mỗi ngôi chùa Huế càng xứng đáng là mỗi danh lam.

Từ trước đến nay, các chùa Tây Thiên, Báo Quốc, Diệu Đức, vẫn duy trì được nhiệm vụ đào tạo học tăng, học ni, tăng, ni cho cả nước. Các cao tăng và ni sư trong cả nước cho đến nay hầu hết đều xuất thân từ Phật giáo Huế, hoặc trưởng thành từ Phật giáo Huế. Từ 1995 đến nay, tại chùa Báo Quốc đã mở Trường cơ bản Phật học cho phật tín đồ ở miền Trung và cả nước. Huế cũng đã mở được Trường Cao Đẳng Phật học và Viện Phật học Cao cấp thuộc sự quản lý của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Việt Nam hôm nay, đặc biệt Huế ngày nay, đang rất cần các vị cao tăng như quốc sư Khuông Việt, thiền sư Pháp Thuận, quốc sư Vạn Hạnh, cư sỹ Thiền Sư Tuệ Trung Thượng Sỹ… đã góp phần làm rạng rỡ giống nòi, cùng nhân dân chống giặc ngoại xâm; như cố Lão hòa thượng Thích Đôn Hậu đã từng là đại biểu Quốc hội, là ủy viên Trung ương mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, là phó chủ tịch liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ, hòa bình… Những cao tăng và những nhà tu hành như vậy là thực hiện chân lý của Phật giáo Việt Nam “không đặt sự tồn tại của mình như nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại của Phật giáo trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc”, là trách nhiệm cao cả của Phật giáo Huế đối với Huế và với Tổ Quốc Việt Nam trên cả cương vị tổ chức, hoặc cá nhân mỗi tu sỹ Phật giáo trong công cuộc cải tạo và xây dựng xã hội mới hiện nay.

 

(Tạp chí Sinh hoạt lý luận, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh số 6/67)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here