Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Phải có quy chế riêng cho việc tu bổ, tôn tạo di...

Phải có quy chế riêng cho việc tu bổ, tôn tạo di tích

128
0

Sau khi kiểm tra thực địa tại 15 di tích thuộc 4 tỉnh, thành: Đình Bảng, đền Đô, chùa Dâu, đền Rồng (Bắc Ninh), chùa Bổ Đà, đình Thổ Hà (Bắc Giang), đình Sùng Văn, chùa Keo, đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền (Nam Định), chùa Trăm Gian, đền Và, chùa Bối Khê, đình Mông Phụ, đình Thụy Phiêu, chùa Kim Liên (Hà Nội), chiều 19/5,  Bộ VH-TT-DL đã có "Thông báo kết luận thanh tra, kiểm tra công tác trùng tu, tôn tạo di tích tại một số tỉnh, thành phố phía Bắc".

Đây là những di tích đã "bị" các phương tiện truyền thông lên tiếng về những sai sót trong quá trình trùng tu – tôn tạo. Tuy nhiên, theo kết luận của đoàn thanh tra, tình hình lại có vẻ rất "khả quan" với các dự án thực hiện bằng nguồn vốn từ chương trình mục tiêu Quốc gia về di sản văn hóa, cũng như các di tích được trùng tu – tôn tạo bởi các đơn vị thi công chuyên ngành của trung ương. Ông Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL cho rằng "các dự án này đều thực hiện theo đúng quy trình, kỹ thuật được đảm bảo, sau khi tu bổ thì giá trị của di tích được bền vững, đảm bảo tính nguyên gốc, hiệu quả về nghệ thuật kiến trúc và lịch sử được nâng lên như đình Đình Bảng, chùa Dâu, chùa Bổ Đà, chùa Kim Liên, đình Sùng Văn, chùa Keo, đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền."

Chùa Thầy – Hà Tây (nay thuộc Hà Nội)

Những sai sót có thể sửa chữa như việc đưa hai con sư tử bằng đá để trước cửa Đền Đô, treo đèn chùm trong nội tự không phù hợp với cảnh quan di tích Đền Đô đã được chỉnh sửa ngay theo yêu cầu của đoàn kiểm tra. Sai phạm nặng hơn cũng chỉ ở mức như: xây máng nước xối vào tường di tích, xây lăng trong vườn tháp chùa Bổ Đà, hay việc tổ chức thi công chưa khoa học nên đã bỏ sót hai chân tảng đá không đưa vào tái sử dụng ở đình Thổ Hà…

Những di tích được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn vốn công đức, vốn địa phương bị đánh giá không thực hiện đúng quy trình tu bổ di tích, kỹ thuật không đảm bảo, yếu tố nguyên gốc của di tích ít được coi trọng, như chùa Trăm Gian chưa lập hồ sơ thiết kế chi tiết thỏa thuận gửi về Bộ đã cho làm mới tả vu, hữu vu, nhà ngự, kè hồ; sử dụng vật liệu không đúng tính chất di tích; hay đền Và tự động tháo dỡ tường, đưa 2 sư tử đá vào đền không phù hợp với kiến trúc, cảnh quan, gây phản cảm…

Sai phạm nặng hơn cả là việc Cục Di sản đã phải có văn bản gửi Sở VH – TT – DL Hà Nội đề nghị phối hợp với chính quyền xã Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm), yêu cầu đình chỉ thi công đình Xuân Tảo để tìm hướng xử lý, khắc phục (đình được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 2005 thì đến 2008 gần như bị phá bỏ để làm lại, dù Bộ chưa hề nhận được một đề xuất tu bổ – tôn tạo nào từ địa phương).

Về việc nhiều di tích còn rất "vững chắc" nhưng vẫn bị dỡ trắng hoàn toàn để xây lại, Cục trưởng Cục Di sản Nguyễn Thế Hùng khẳng định, quy trình đại tu với các di tích bằng gỗ đều phải hạ giải toàn bộ (khác với việc chống đỡ đối với các di tích gạch đá của phương Tây), bởi đây là lần đại tu đầu tiên sau một thời gian dài không có điều kiện tu bổ nên đều rất xuống cấp, nhìn bề ngoài tưởng còn tốt nhưng bên trong đã mục ruỗng, không thể tái sử dụng. Ông Hùng cũng khẳng định: những cột, bẩy, kèo không tái sử dụng được, các đơn vị thi công đang giữ gìn tại chỗ, sau này có cái sẽ để trưng bày tại di tích, có cái đưa về bảo tàng cấp tỉnh.

Chùa Tây Phương – Hà Tây (nay thuộc Hà Nội)

Với thực trạng nhiều đơn vị thi công trùng tu di tích chỉ là những công ty xây dựng, hoàn toàn không có kinh nghiệm với di tích lịch sử – văn hóa (như đơn vị thi công đền Và, chùa Trăm Gian…), Thứ trưởng Trần Chiến Thắng giải thích: do việc trùng tu hiện đang theo quy định của Luật xây dựng, đơn vị đấu thầu thi công đưa ra giá rẻ nhất sẽ thắng thầu, bất kể việc họ có kinh nghiệm hay không (?) Cũng như việc nhiều công trình mới được trùng tu đã có dấu hiệu rạn nứt là do chủ đầu tư không được phép mua vật tư, chỉ sau khi được phê duyệt dự án thì nhà thầu mới mua vật tư, gỗ chưa kiệt đã đưa vào xây dựng công trình, trong khi ngày xưa các cụ phải ngâm gỗ dưới ao 3 năm thì mới vớt lên xây nhà.

Giải pháp đặt ra trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa sẽ trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 12 (khai mạc ngày mai, 20/5/2009), Bộ đã đề xuất phải có một quy chế riêng về việc tu bổ tôn tạo di tích, trong đó việc giám sát phải diễn ra liên tục chứ không thể chờ hậu kiểm, chỉ huy công trình phải là người có kinh nghiệm, có chứng chỉ hành nghề do Bộ cấp.

Dự kiến trong thời gian tới, Bộ cũng giao thanh tra Bộ chủ trì, tổ chức 3 lớp tập huấn về công tác quản lý, bảo quản, và kỹ thuật trùng tu tu bổ di tích cho các lãnh đạo cấp quận – huyện của sở chuyên ngành, chánh thanh tra, trưởng phòng quản lý di tích.

Theo VietNamNet

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here