Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Ở Florida làm mứt, diễn cải lương đón Tết

Ở Florida làm mứt, diễn cải lương đón Tết

148
0

"Lênh đênh làm khách phong trần mãi
Ngày hết quê xa vạn dặm trường… "

Hai câu thơ của ai đó đã rơi xuống hồn tôi một nỗi nhớ vu vơ da diết vào những ngày cuối năm trên đất khách, nỗi nhớ nhà! May mà ở bang Florida này không lạnh lắm. Chỉ trên dưới 10 độ C, đủ lạnh như mùa đông Đà Lạt của mình cho đỡ nhớ.

Muốn thấy không khí Tết ở đây phải đến khu chợ Á Đông có hàng Việt, cũng cả giờ lái xe. Năm nào cũng vậy, cứ sau Tết Tây là các chợ Á châu mua bán rộn ràng để bà con người Việt, người Hoa ăn Tết Âm lịch.

Hầu hết các chợ này đều có bán rau quả vùng nhiệt đới. Tiệm Việt thì không thiếu thứ gì, bánh mứt, nem chả, nhang đèn. Nay tôi cũng đang chuẩn bị bánh mứt và nồi bánh chưng nấu củi trong vườn trên đất Mỹ, để cho bạn bè Mỹ, Việt thưởng thức văn hóa ẩm thực người mình.

Giới trẻ Việt ở đây thường tập trung vui chơi vào dịp lễ Giáng sinh và Tết Tây. Còn Tết ta thì không được nghỉ, nên nếu ngày mồng một đầu năm mới không rơi vào cuối tuần thì chỉ gọi điện thoại chúc Tết nhau thôi. Không có thì giờ đi thăm Tết như ở quê nhà. Họ chỉ thích ra chợ mua ít bánh mứt về ăn hay đãi khách gần nhà trong ba ngày Tết cho nhanh. Ở đây, đi chợ cũng phải mua nhanh, làm gì cũng vội vã, đúng là phong cách Mỹ!

Chỉ có người lớn tuổi mới có giờ rảnh rang để chuẩn bị Tết Nguyên đán cho có hương vị Việt. Gia đình nào cũng vậy, chỉ có cha mẹ, ông bà thì ưa bày biện, chuẩn bị bàn thờ tổ tiên và cúng kiến ba ngày Tết.

Nhớ hồi bà chị tôi mới qua định cư ở Texas, lúc đó người Việt mình chưa đông. Chị lại ở xa trung tâm thành phố, sắp Tết ghiền quá, mấy mẹ con gói bánh chưng, thấy vắng vẻ đem ra ngã ba đường nấu. Mới đặt 3 cục gạch đặt nồi bánh lên, vừa châm lửa bốc khói thì xe cảnh sát ở đâu ào tới hú còi inh ỏi, lập biên bản, tội suýt gây hỏa hoạn, bị phạt 200 USD! Đành phải đem vô nhà nấu bếp điện.

Một chị bạn ở Pháp xa quê trên 30 năm, về quê nhà ăn Tết qua đã giấu trong vali mấy chục con cá nục giỏ Phan Thiết hấp chín, gói kỹ trong mấy lớp nilon. Xuống sân bay bị hải quan hỏi có đem thức ăn không? Chị trả lời không mà tim cứ đập thình thình, sợ nó lôi cái túi cá ra thì thật xấu hổ!  

Người viết và mâm bánh Tết. Ảnh tác giả cung cấp.

Trót lọt được về đến nhà mừng quá, đem chia cho tôi mấy con, ăn để ngậm mà nghe cái hương vị quê hương mà xa mấy chục năm vẫn còn nhớ, vẫn còn ghiền. Tôi cũng sững sờ: "Trời ơi! Sao chị gan trời vậy dám cho cá nục đi du lịch nửa vòng trái đất. Tụi nó moi ra là chị chết!". Chị cười: "Tại lâu ngày, nhớ quá ghiền quá, làm liều…". Thật hết biết!

Gia đình tôi thì dù ở đâu, tôi vẫn giữ cho bằng được cái "nếp nhà" để con cháu khỏi lai căng, mất gốc. Vì hồi còn ở Việt Nam, cứ từ đầu tháng chạp là Mạ tôi đã bắt con cái lo chuẩn bị Tết. Mạ tôi luôn nhắc nhở: "Con cháu mà không lo Giỗ Tết cho đàng hoàng là ông bà tổ tiên về quở trách đó nghe…" Cho nên dù có người làm, bọn tôi cũng phải lo giúp Mạ.

Đi học, đi làm về là con trai thì lo sửa soạn chạp mã, quét vôi nhà cửa, lau chùi đồ đồng trên bàn thờ, con gái phải phụ Mạ lo bếp núc, làm bánh mứt, nhất là cái món bánh đậu xanh phải ngồi khuấy (dáo) cả ngày trời mới bắt được ra hình cây trúc, cành mai, con sâm, rồi bầu rượu, cuốn thơ và cây bút.

Các bạn Tây và Mỹ hỏi tôi: "Sao người Việt Nam thi vị đến cả món ăn thì lạ thật!" Tôi cười: "Thì vậy mới là người Việt, đó là văn hóa Việt đấy!" Rồi đến nem chả, bánh chưng, bánh tét.

Sang Canada, có năm lạnh cóng, âm 20 độ, nhưng người Việt ở đây cũng ráng tổ chức hội chợ Tết làm văn nghệ và bán hàng Tết cho đồng hương vui Xuân. Hội chợ thường mở trước ngày 23 tháng chạp tức là ngày đưa ông Táo về trời. Dân gốc Canada cũng tham gia hội chợ rất vui. Vì ở Montréal có nhiều khu tập trung người châu Á nên đồ Việt cũng nhiều.

Năm nào, Đoàn văn nghệ của các con cháu tôi thường đi trình diễn văn nghệ dân tộc, lễ tất niên miễn phí ở các trường đại học và các chùa. Bà con mình còn yêu cầu ca cải lương vì lâu ngày họ thèm nghe quá, thế là cả nhà lăn xả ra làm việc cật lực.

Tôi may cả tháng trời mấy chục bộ áo quần dân tộc trình diễn cho các em nam nữ sinh viên Việt và Canada trong đoàn, gồm cả khăn đóng, khăn vành. May cả mấy lá cờ ngũ sắc to đùng và cờ làng đuôi nheo. Phải đi mua vải khúc bán kilô cho rẻ tiền, vì sinh viên thì không tiền mà mình cũng chẳng giàu có gì, nên phải "liệu cơm gắp mắm".

Vừa lo y phục, vừa làm đạo diễn ở hậu trường, để bằng mọi cách giới thiệu cho được nền văn hóa dân tộc Việt Nam cho bạn bè quốc tế. Bạn bè Tây cũng nể sợ người mình, sức làm việc kiên trì của người mình. Xong mấy đêm văn nghệ là về nhà lo chuẩn bị Tết.

Ăn Tết ở bên ngoài, chúng tôi không chuẩn bị được kỹ càng như ở trong nước, nhưng vẫn sửa soạn bàn thờ Phật và bàn thờ Tổ Tiên đàng hoàng. Cũng có cành mai vàng bằng nilon trông rất giống mai thiệt.

Đầu tháng chạp, có những năm hai má con tôi phải còng lưng vẽ lại theo mẫu tranh Đông Hồ để treo tường và làm thiệp chúc Tết bà con bạn bè cho có tinh thần văn hóa dân tộc, hơn là đi mua mấy tấm thiệp Tây thấy vô duyên quá.

Rồi bắt tay làm bánh mứt Huế. Tôi không thích mua hàng Tết ở chợ có nhiều hóa chất, không ngon và không sạch sẽ bằng mình làm ở nhà. Bọn trẻ đi học, chúng tôi cũng phải đi làm, nhưng cuối tuần nghỉ 2 ngày là chuẩn bị cho Tết.

Tôi thấy khâu chuẩn bị lý thú hơn khâu thưởng thức, ăn ngon thì cũng thích nhưng chuẩn bị vẫn thích hơn. Ngồi bên thau bánh mứt, vừa làm vừa bày vẽ cho con cái biết làm cái ngon mà ăn vừa nhắc lại chuyện xưa, tức là mình được sống lại những ngày Tết ấu thơ ở quê nhà.

Rồi 23 tháng chạp cũng đưa ông Táo trên bếp điện. Ông chồng tôi cứ hay nói đùa là ở đây, cúng kiến ông Táo, Thổ thần phải van vái bằng tiếng Tây, tiếng Mỹ thì các vị đó mới hiểu nghe!

Ngày 28 tháng chạp nấu bánh chưng, bánh tét trên bếp gas, bếp điện, nên phải gói nhỏ hơn theo kiểu Huế (có nhân thịt đậu tiêu hành nhiều hơn), không như bánh kiểu Bắc to quá khó chín.

Tối 30 tháng chạp đi chùa cúng, hái lộc về nhà trước 12 giờ để còn cúng Giao thừa và rước ông bà. Rồi mùng bốn Tết, tôi cũng đưa ông bà như thường lệ. Nếu những ngày cúng rơi vào cuối tuần vẫn mời bà con bạn bè, có cả Tây Mỹ, cho ăn món Việt. Họ rất thích, nhất là món chả giò và gỏi cuốn chấm tương kho.

Nhớ Tết mấy năm trước ở Pháp ăn Tết với gia đình con trai, tôi cũng bày biện bàn thờ với đầy đủ các món ăn Tết Việt Nam. Chúng tôi ở vùng Bourgogne, vào giữa tháng chạp đã phải lái xe lên Paris chạy hơn ba giờ xe, lên chợ Á đông ở quận 13 tìm mua đủ dụng cụ và thực phẩm về chuẩn bị Tết, vì dù ở gần Lyon có tiệm Việt Nam nhưng không đủ đồ bằng ở Paris.

Điều tôi không ngờ là cái gì ở đó cũng đắt đỏ dễ sợ. Một xấp lá chuối đông lạnh chỉ có hai tàu lá thôi giá mấy Euro (cả trăm ngàn đồng Việt Nam), chỉ đủ gói được vài đòn bánh tét nhỏ! Dù biết là đắt nhưng ai cũng ùa về quận 13 ở Paris để sắm Tết. Và gia đình tôi cũng mắc cái bệnh "ghiền" chợ 13, đến chợ 13 mới chuẩn bị được một cái Tết với đầy đủ bánh mứt.

Thứ mà ai cũng thích là mứt gừng và mứt bó (kiểu Huế, gồm các loại mứt trái cây, bó lại và cắt thành lát), và bánh sen tán, viên hột sen gói giấy ngũ sắc. Đặc biệt là ngồi nấu được nồi bánh chưng bánh tét trong vườn nhà, nấu bằng củi đàng hoàng.

Vậy là hai cha con lo chụm củi, châm nước suốt đêm dù trời Pháp rất lạnh về khuya. Món quà Tết chúng tôi gửi đến bạn bè ở Paris, Lyon và cả sang bên Ý, ai cũng bất ngờ và rất xúc động, điện thoại cám ơn.

"Từ mấy chục năm qua Pháp nay mới thưởng thức được cái hương vị Tết độc đáo rất gia đình của Việt Nam. Làm sao mà giữa cái lạnh tê tái của đất Pháp này mà nấu được nồi bánh chưng thì cũng lạ". Tôi trả lời: "Đó là nghệ thuật đón Xuân ăn Tết kiểu Việt Nam của chúng tôi ở xứ người đấy ạ".

Một người anh nghệ sĩ ở Paris lại gọi điện ngay vào ngày mùng một, chúc Tết một câu: " Em ơi, anh bị bệnh tiểu đường nên không dám ăn nhiều, đêm giao thừa ngồi nhâm nhi mấy lát mứt gừng, vừa uống trà vừa viết lách sau khi thưởng thức một góc bánh chưng do gia đình em gói. Thật tuyệt. Cám ơn các em các cháu đã cho anh cái không khí Tết của Việt Nam ngày nào…"

Tôi chúc Tết lại anh và nói: "Được anh khen tụi em mừng. Anh biết không, các cháu ngồi canh nồi bánh chưng ngoài vườn suốt đêm vừa hát Trịnh Công Sơn cho đỡ lạnh đó, vui không? Chắc anh còn nhớ hai câu thơ của Thiền sư Mãn Giác mà anh thường ngâm nga:

"Đừng bảo Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước một nhành mai…"

Phải chăng cành mai đó là hơi ấm, là tinh thần của những người con dân đất Việt đang sống xa quê trên xứ người vào những ngày cuối năm nhung nhớ cội nguồn. Ai cũng muốn vươn lên một sức sống mới để con cháu được kế thừa "nghệ thuật sống đẹp" của ông cha mình ngày xưa, những ngày đón Xuân ăn Tết cổ truyền dân tộc trên quê hương hay ở đâu đó trên quê người.

 (VnExpress.net)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here