Tôi chỉ tự hỏi mà không cần có câu trả lời. Và cứ như thế, mỗi ngày tôi mỗi thích đi chùa hơn. Đi chùa chẳng để làm gì cả, chỉ để được nhìn Phật, nhìn nụ cười của Phật và tâm hồn cảm thấy vui sướng lạ thường.
Lớn lên chút nữa, tôi được Thầy quy y cho và trở thành thiếu nữ trong gia đình Phật tử. Mỗi lần theo các anh chị trưởng và bè bạn lên chùa lễ Phật, tôi vẫn không quên chắp tay chiêm ngưỡng Phật trước khi đảnh lễ. Nhưng tôi không còn nhìn suông như thuở bé nữa, mà đã biết suy nghĩ nhiều về nụ cười ấy: Tại sao đức Phật luôn cười từ hoà như vậy? Đức Phật cười có giống như chúng sinh cười không?
Khi ấy tôi muốn có câu trả lời lắm nhưng chưa có ai giải đáp cho tôi cả. Tôi chỉ biết lễ Phật và thầm nguyện: Nguyện cho con luôn được sống bình an trong nụ cười của Phật và có được nụ cười như Thế Tôn.
Bây giờ đã lớn, đã xuất gia rồi, nhưng mỗi lần lên điện lễ Phật, tôi vẫn không quên quán tưởng nụ cười của Phật. Nụ cười của Ngài vẫn thế: vẫn giản đơn, hiền từ nhưng không còn thuần khiết như xưa nữa, tại tôi lại thấy Ngài cười theo một cách khác. Tôi đã làm cho nụ cười của Ngài biến dạng theo từng tâm trạng của tôi: Mỗi lúc buồn, tôi thấy nụ cười của Phật đậm nét ưu tư. Mỗi lúc vui tôi lại thấy nụ cười của Ngài đầy chất hoan hỷ. Và mỗi lúc tôi khởi tâm tham sân, đố kỵ… hoặc làm điều gì tội lỗi thì nụ cười ấy trở nên nghiêm nghị, phiền trách…
Thật đáng sợ làm sao! Tôi không dám nhìn Ngài nữa, chỉ cúi mặt né tránh mà thôi. Mỗi lần như thế, tôi lấy hết can đảm và thật tha thiết, thật thành khẩn, bày tỏ tấm lòng cầu xin sám hối… sám hối rồi lại phát nguyện: nguyện từ nay… Sám hối, phát nguyện rồi, tôi lại ngước nhìn lên đức Phật, tôi lại thấy Ngài cười thật hiền, thật đẹp như thuở nào.
Từ đó tôi suy nghĩ, cuộc đời của một người con Phật có rất nhiều ý nghĩa, một trong những ý nghĩa đó là chúng ta có thể nhận ra nụ cười của đức Phật. Khi nhận ra nụ cười của Ngài là nụ cười viên mãn từ, bi, hỷ, xả thì chúng ta mới hay đó chính là sự an tịnh của cõi lòng ta!
L.H