Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Non thiêng Yên Tử

Non thiêng Yên Tử

154
0

Ngài đã lãnh đạo toàn dân đánh thắng quân xâm lược nhà Nguyên hai lần, năm 1285 và năm 1288; sau đó khi đất nước thái bình thịnh trị thì ngài nhường ngôi cho con là vua Trần Anh Tông để làm Thái thượng hoàng; Ngài đã đem về cho Đại Việt đất Thuận Hóa bằng việc gả công chúa Huyền Trân cho vua chiêm Chế Mân. Cả cuộc đời Ngài là con đường theo Phật, sau khi làm Thái thượng hoàng được sáu năm, Ngài quyết định xuất gia lên núi Yên Tử năm 1298, tu theo hạnh Đầu đà( khổ hạnh). Đây là nơi các vị thiền sư đã tu hành đạt đạo như Thiền sư Hiện Quang, Thiền sư Đạo Viên-xem như quốc sư của vua Trần Thái Tông-Thiền sư Đại Đăng-quốc sư của vua Trần Thánh Tông. Tại đây, Ngài chứng ngộ và khai sáng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mà Ngài là vị Tổ đầu tiên. Ngài đã cho xây dựng nhiều chùa và công trình làm nơi tụ tập va giảng pháp. Cuộc đời của Ngài làm rạng danh dân tộc và Phật giáo Việt Nam, và Yên Tử trở thành một danh lam thắng cảnh thiêng liêng, một linh địa cho mọi người chiêm bái.

Hằng năm, cứ độ xuân về, dòng người nườm nượp lên Yên Tử, người thì dâng lòng thành kính tưởng niệm công đức của Phật hoàng, người thì nguyện cầu quốc thái dân an, thân tâm an lạc, người thì thắp nén hương cầu mong Phật tổ gia hộ, làm ăn may mắn, tai qua nạn khỏi…tất cả tạo thành một cảnh quan thiêng liêng lung linh sắc màu tràn ngập một vùng mây núi bao la.

Ở nơi xa xôi, tôi không ở trong dòng người trẩy hội đó, nhưng nguyện thế nào trong đời mình phải có một chuyến lên Yên Tử chiêm bái Ngài. Tưởng đâu khó khăn lắm, vì tôi hoàn toàn xa lạ với đất Quảng Ninh, không ngờ khi mình thố lộ ý định lâu nay với một vị thanh niên tăng thì thành này nhiệt tình: “Sẵn sàng, vài ngày nữa đi!”. Thế là chúng tôi thực hiện kế hoạch của thầy, ra Hà Nội, thầy mượn xe và tự lái, thong dong lên đường đi Yên Tử.

Chúng tôi đến chân núi Yên Tử lúc 4 giờ chiều, dự định nghỉ đêm tại chùa Hoa Yên, sau khi đi cáp treo chặng đầu tiên thì không ngờ cáp treo chặng tiếp theo bị hỏng; trời thì đã chiều, tình thế tưởng như tiến thoái lưỡng nan: lui tìm nơi nghỉ để ngày sau đi thì kéo dài thời gian không làm được gì, tới thì theo dân địa phương cho biết bình thường leo lên Hoa yên mất hơn hai giờ đồng hồ và trời thì tối, có người ái ngại cho chúng tôi tuổi cao sức yếu. Ngẩn ngơ một lúc, thì trí định, tâm không chuyển: cứ đi, ắt đến, không nôn nao, mệt thì nghỉ tại chỗ, rồi tiếp tục. Bắt đầu với 1mét, 2 mét…, cho đến 1.600 mét với độ cao 532 mét, đường quanh co uốn lượn, khi qua suối, khi băng ngàn, với các bậc cấp bằng đá được sắp đặt thật khéo léo, kết hợp giữa tự nhiên và bàn tay con người, phần lớn bậc cấp là ngắn nhưng thỉnh thoảng mở ra những bậc thang phẳng và rộng thoáng, xung quanh là rừng cây nhiều tầng trùng điệp, đây đó rễ cây đại thụ bò ra lô nhô trên lối đi. Trên đường chỉ thấy thỉnh thoảng có người xuống núi, ai ai gặp nhau cũng A Di Đà Phật, còn đi lên thì hầu như chỉ có chúng tôi, và khi gặp quán hoặc lán tạm bên đường, chủ và khách hỏi han nhau, thật là ấm tình đồng đạo. thời tiết càng về chiều càng lạnh, nhưng ai cũng đổ mồ hôi.

Được nửa chặng hành trình, một vị chủ quán bên đường hỏi thăm chúng tôi và giới thiệu một địa chỉ lưu trú trên Hoa Yên. Tiếp tục đi và khi trời đã bắt đầu vào tối, thì một cô gái xuất hiện. Thì ra chị chủ quán đã điện thoại cho con từ Hoa Yên đi xuống đón chúng tôi, và trong ánh sáng nhờ nhờ của núi rừng về đêm, với hiệu lực của cây đèn pin rọi đường của cô gái, chúng tôi như cảm thấy được tiếp sức và vui vẻ trò chuyện với cô sơn nữ này (tôi tạm gọi sơn nữ, thật ra cô gái 18 tuổi này mới học xong trung học phổ thông ở Hải Phòng, theo mẹ lên mở quán tại đây). Cuối cùng, lối đi mở ra một không gian rộng, nhìn lên quá tầm mắt là cổng và tường thành ngôi tháp Tổ Trúc Lâm. Trong màn đêm và đất trời lồng lộng, chúng tôi thành kính quỳ lạy trước tượng Ngài như đứa con tìm được cội nguồn. Cảm giác khoan khoái theo chân chúng tôi về đến chùa Hoa YênĐây là ngôi chùa do Thiền sư Huệ Quang xây, lấy tên là Vân Yên, sau này vua Trần Nhân Tông chọn nơi đây để tu hành và mở rộng chùa. Đến khoảng niên hiệu Hồng Đức (1470-1497), vua Lê Thánh Tông lên thăm chùa, thấy cảnh hoa nở đầy sân, bèn cho đổi tên là Hoa Yên (a).

Sau khi lạy Phật, chúng tôi vào quán của gia đình cô gái nọ, nằm trong dãy quán nhỏ, nhấp nhô theo thế núi bên hông chùa Hoa Yên. Quán xây đơn sơ, mái tôn, có một gian rộng chia hai: phía ngoài là dãy bàn ăn và nơi bán những vật dụng sinh hoạt và tín ngưỡng (kể cả tiền giả, đô la giả), phía trong là sạp rộng làm chỗ ngủ cho khách hành hương. Sau quán có dãy nhà chia thành phòng nhỏ, mỗi phòng chỉ vừa đủ kê giường và lối đi, dùng cho khách có yêu cầu cao hơn là ngủ sạp. Chúng tôi thuê dãy này, 80.000đ/1phòng/1ngày đêm, sàn gỗ và thang gỗ khá cheo leo, tuy nhiên mền gối tươm tất, sạch sẽ (Cũng phòng này, khi vào cao điểm của lễ hội mùa xuân, giá lên đến 300.000đ). Dầu sao, “khách sạn không sao” này là nơi mà chúng tôi vượt quá mơ ước, cứ tưởng đến chùa Hoa Yên là tấp vô chùa, không ngờ vào quán, được chăn ấm gối êm giữa chốn núi rừng mênh mông này, nghe gió rít qua khe cửa, hòa lẫn tiếng tắc kè và tiếng côn trùng nỉ non, thật là một đêm sơn cước chỉ có một trong đời!. Hơn thế nữa, quán chỉ có chúng tôi là khách vãng lai, nên chúng tôi cảm thấy rất tự nhiên. Quán tận tình phục vụ từ tách cà phê buổi sáng, đĩa xôi muối đậu điểm tâm và bữa ăn chay do khách tự chọn theo khả năng của quán.

Chúng tôi thưởng thức vẻ đẹp bao la của núi rừng từ tờ mờ sáng tràn ngập sương mù cho đến khi phương Đông ửng hồng, sương mù tan dần nhè nhẹ. Phía sau chùa Hoa Yên là núi Yên Tử, phía xa là núi đồi trùng điệp, gần tầm mắt và dưới chân là bạt ngàn cây xanh còn vương sương đêm. Ngay trước chùa là một dãy cây đại (cây sứ), nghe đâu đến vài trăm năm tuổi, mùa này trút hết lá, nhưng toàn bộ là một cấu trúc tuyệt đẹp với cành chìa rộng và cao, với bộ rễ được thiên nhiên tạo dáng vô cùng linh hoạt. Chùa Hoa Yên có kiến trúc theo kiểu chùa truyền thống phía Bắc, với mái cong, mới được trùng tu gần đây. Xa xa, rừng trúc, rừng thông, rừng tùng chen lẫn với các cây đại thụ.

Mặt trời đã lên, chúng tôi tiếp tục hành trình, trước hết, trở lại viếng Tháp Tổ. Tháp hình vuông, cao chỉ khoảng hơn 10 mét, được xây dựng bằng đá, có 6 tầng, tầng thứ hai thờ tượng Ngài, thế an nhiên tỉnh tọa, toát vẻ nhân từ. Ngoài tháp Tổ trong tường thành thấp, còn có cả một quần thể tháp cổ kiến trúc bằng đá, bình dị, hài hòa với thiên nhiên. Đây là di tích tháp hiếm hoi từ đời nhà Trần và nhà hậu Lê. Chúng tôi dừng một chút tại tháp thờ Bà Diệu Đăng, xây năm 1685 vào triều Lê. Theo văn bia mới lập gần đây. Sư bà Diệu Đăng, húy là Phạm Thị Ngọc Khoa, vốn là cung phi trong phủ chúa Trịnh, xuất gia đầu Phật lên tu tại chùa Hoa Yên, thường đi cứu trợ nhân dân quanh vùng, được nhân dân tôn thờ. Sau khi dựng ngôi bảo tháp tượng trưng cho chính phái dòng Lâm Tế, trước cửa chùa Hoa Yên, Sư bà tịch năm 1685.

vuon-thap

Rời quần thể tháp, chúng tôi tiếp tục leo núi, đến trạm cáp treo (trạm thứ hai) để lên đến gầnchùa Đồng. Một bất ngờ thú vị là nơi đây mời quý vị Tăng Ni đi cáp treo miễn phí. Một chuyến lướt trên mây, nhìn bao quát cả một vùng xanh tươi, xa xa điểm những công trình kiến trúc như chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu…Trạm dừng cáp treo không ở đỉnh mà dành cho du khách một chặng leo núi cuối cùng, vừa thú vị vừa gian nan, với lối đi đầy những tảng đá lớn, nhìn xa thấy thon thả, mềm mại xếp ngang lối đi, đến gần thì hơi…ngán, như thách thức ý chí và niềm tin của khách hành hương. Phía trước chúng tôi là một tảng đá dựng đứng mà sao lại có dáng người với sức thu hút đặc biệt? Đó là thiên nhiên tự đẽo gọt thành tường, mà người đời gọi là tượng An Kỳ Sinh, một di tích quốc gia đã được gắn bảng bảo vệ. Tương truyền, vào thế kỷ thứ 10, một đạo sĩ tên An Kỳ Sinh tới núi này tu hành, sau hóa thành đá. Cũng có tương truyền rằng An Kỳ Sinh là một kẻ ăn trộm, bị truy bắt ráo riết, chạy cùng đường, bí quá và chợt bừng tĩnh ngộ, bèn đi tu; khi mất thì hóa đá. Từ giã tượng đá, chúng tôi đến được Cổng Trời, cổng do những tảng đá lớn được thiên nhiên sắp xếp.

Đến chùa Đồng lúc 9 giờ,nắng chan hòa cùng mây mà trời thì se lạnh. Chùa Đồng – chùa làm bằng đồng – cao gần 4m, diện tích gần 20m2, nặng 60 tấn, thờ Đức Phật Thích Ca và Tam tổ Trúc Lâm, 4 mái cong lên tượng trưng hoa sen nở. Tiền thân của chùa Đồng là Thiên Trúc Tự, có từ thời nhà Hậu Lê. Đây là công trình đặc sắc, mới xây dựng lại và khánh thành năm 2008. Niềm vui lâng lâng trong lòng, thật khó diễn tả:

Chùa Đồng tọa lạc đỉnh Yên Sơn
Lô xô sóng núi gió mây vờn
Tiên cảnh bồng lai nơi trần thế
Rồng vàng ẩn hiện địa linh sơn”
 (b)

Không có nơi nào cho ta cảm tưởng bao la khoáng đạt cho bằng nơi đây. Nhưng xem chừng, phía sau chùa Đồng là vực thẳm, thế mới rõ mình đang ở độ cao 1.068mét, từ nơi đây nhìn cả một vùng Đông Bắc mênh mông với núi non, đồng bằng, biển cả. Trở lại tĩnh tâm, chúng tôi an nhiên ngồi ở ngoài trời, trước bàn thờ Phật và Tam tổ, bày chuông mõ, tụng bài kinhBát Nhã và bài Sám nguyện. Tiếng tụng kinh của thầy Pháp Trí thanh tịnh và thiêng liêng không ngờ, mọi người có mặt đều chắp tay chí thành. Ngay cả nhân viên trực tại chùa Đồng cũng tự động tắt loa chương trình tụng kinh, vốn để thường trực đêm ngày, để mọi người nhất tâm cầu nguyện.

Nghỉ ngơi độ một giờ, chúng tôi xuống núi. Đi lên thì mỏi gối, còn đi xuống thì chồn chân, xem chừng nguy hiểm hơn đi lên, cho nên phải rất cẩn thận và không nôn nao.. Khi đi xuống, chúng tôi tận hưởng thú ngắm cảnh, nhất là ngắm các rừng trúc, rừng tùng, rừng thông. Không như cảnh độc hành khi lên núi, lần này chúng tôi thỉnh thoảng gặp trên đường những khách đi lên, phần lớn đều trẻ tuổi. Thật vui khi cùng nhau A Di Đà Phật, và mới đó mà chúng tôi đã có thể trả lời những người hổn hển thở: “Còn xa hay gần?”. Nhưng có những người gặp trên đường không mở miệng chào, hoặc không có hơi sức để chào mà lầm lũi nặng nhọc đi: đó là những dân công gùi bao xi măng và cát từ chân núi đến gần chùa Đồng, để xây dựng công trình tượng đài Phật hoàng. Tôi hỏi chuyện một người chủ quán bên đường, được biết 40.000 đồng công gùi một bao xi măng, một ngày người giỏi nhất đi được 3 chuyến, phần lớn được 2 chuyến. Nữ cũng lao động kiểu này, nhưng nhẹ hơn: khoảng 25, 30kg.

Chúng tôi chỉ đi dạo qua chùa Một Mái, ngôi chùa chỉ có mái trước, phía sau thì dựa vào núi, cũng như chỉ ngắm xa xa chùa Bảo Sái (d) ẩn hiện trên đồi, trong rừng cây mênh mông.Chùa Giải Oan là ngôi chùa thấp nhất, đang được trùng tu. Tương truyền, khi Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất gia và lên đường đi tu tại Yên Tử, vua Trần Anh Tông phái các cung nữ đi theo cho kịp và bắt gặp Thái thượng hoàng tại một con suối. Các cung nữ van xin Thái thượng hoàng bỏ ý định xuất gia và hồi cung, nhưng Ngài chí đã quyết, không lay chuyển. Các cung nữ bèn lao mình xuống suối tự vẫn. Xót thương số phận các cung nữ, Ngài ra lệnh xây chùa tại đó để thờ, từ đó chùa được gọi là chùa Giải Oan, suối được gọi là suối Giải Oan.

Xuống chân núi lúc 4 giờ chiều, chúng tôi rất muốn tham quan Trúc Lâm Thiền Viện Yên Tử, nhưng không có thì giờ, vì còn phải về Hà Nội, chỉ đi một vòng phía trước, và cảm nhận chùa trang nghiêm, thanh tịnh, khuôn viên rộng bát ngát.

Chúng tôi hoàn thành chuyến hành hương về đất Tổ trong niềm hoan hỷ và an lạc. Những lời mộc mạc trong bài này không đủ diễn tả những gì tuyệt vời trong chuyến đi, nhất là cảm nghiệm tâm linh hồn thiêng Yên Tử và Ngài đang ở đâu đây, trong từng tảng đá, cây cỏ và ngay trong tâm. Bài viết chỉ mong chia sẻ với bạn đọc về niềm hoan hỷ an lạc này và cầu mong mọi người, nếu có đủ điều kiện, hãy thực hiện một chuyến hành hương về Yên Tử.

Thật là hạnh phúc nếu bạn hòa cùng dòng người đi trẩy hội yên Tử mùa xuân, sau một năm vất vả mưu sinh. Trong khung cảnh đất nước thanh bình, lòng người yên ả, vạn vật xanh tươi, hoa rừng thơm ngat, lời nguyện cầu của bạn cùng với mọi người được chan hòa trong vô cùng vô tận và tạo hiệu ứng mầu nhiệm. Nhưng mỗi người mỗi hoàn cảnh, nếu không đi như thế, thì bạn nên có cách riêng để như tôi, một lần trong đời, đến cho được Yên Tử.

Ngoài mùa xuân là mùa trẩy hội, mùa nào là thích hợp để đi yên Tử? Mùa hạ thì thời tiết nóng, bạn sẽ vất vả leo núi dưới nắng chói chang; mùa đông thì lạnh quá, không chừng bạn bị cảm lạnh, ho hen. Vâng, mùa thu, ôi mùa thu Hà Nội, mùa thu đất Bắc! Trời xanh cao, mây lơ lững, buổi sáng sương nhẹ, có chút se lạnh để rồi đi trong nắng vàng như mật ong mà người ấm áp, mà lòng thơ thới. Vào mùa này, miền Bắc trời ít mưa, bạn dễ leo núi, vì đã không ẩm ướt, trơn trợt.

Bạn cần sắp xếp thời gian như thế nào để hưởng một đêm tại Hoa Yên. Một đêm để tâm tĩnh lặng, một đêm giữa non cao, và một buổi sang đất trời chuyển mình, mây vờn trên đỉnh núi, bạn hít thở không khí trong lành, rũ sạch bụi trần ai. Hai chặng cáp treo: một từ chân núi Yên Tử đến địa điểm gần chùa Hoa Yên, một từ quá chùa Hoa Yên một chút đến gần đỉnh (Chùa Đồng), rất thuận lợi để khách hàng lên từng chặng và đến đỉnh, lại được lơ lững giữa không trung, nhìn ngắm bao quát cảnh vật và thiên nhiên, thấp thoáng mái chùa xa xa. Công trình cáp treo khá hài hòa với cảnh quan, không đụng đến di tích, các trạm được xây dựng mỹ thuật, dĩ nhiên là phục vụ con người quá tốt, nhưng rất hay là phương tiện này cũng còn để dành những đoạn đường leo núi cho người hành hương phải mỏi cẳng chồn chân, đổ mồ hôi, thêm một chút mạo hiểm, từ đó mới biết đến lạc thú giữa trời mây cây cỏ, mới chứng nghiệm tâm linh và lòng thành với Tổ.

Trên hết, bạn cần chuẩn bị một tâm thế rất bình an, bằng cách thu xếp ổn thỏa việc nhà và việc đời, để hành trình không vướng bận. Không chỉ bạn đến Yên Tử như thăm thú danh lam thắng cảnh hùng vĩ, mà hơn thế là ý nghĩa hành hương, chiêm bái Phật hoàng và đất Tổ. Vì vậy, xin bạn trở lại vơi lịch sử huy hoàng thời nhà Trần, và nhất là công lao vô cùng to lớn cho dân tộc và Phật giáo của vua Trần Nhân Tông. Như thế, bạn có đủ sức khỏe và niềm tin để hưởng trọn vẹn một chuyến hành hương.

Tháng 12/2009.

Chú thích:

  1. Theo Giác Ngộ online, 9-12-2009.
  2. Trích văn bia chùa Đồng.
  3. Tượng đài Phật hoàng dự kiến được khởi công từ ngày 16/12/2009, sẽ được hoàn thành vào tháng 12-2010. Tượng bằng đồng nguyên chất, nặng 100 tấn.(theo Vnexpress, 7-12-2009).
  4. Theo Lê Quang Thái: Bảo Sát hay Bảo sái, Nội san Liễu Quán số 12, tháng 1-2009, trong 101, trích lại sách ảnh: Trúc Lâm Yên Tử, Thượng tọa Thích Thanh Quyết đề tựa. NXB Thế giới, Hà Nội, 2008, tr 36,37: “Chùa mang tên đệ tử thân tín nhất của vua Trần Nhân Tông, người từng tháp tùng vua lên Yên Tử ngày xưa. Ở độ cao 724m, cách chùa Một Mái 494m, chùa Bảo Sái tựa lưng vào vách núi với lối lên rất dốc. Chùa ẩm ướt suốt bốn mùa do ở đúng vị trí hứng nguồn nước nhỏ chảy xuống tí tách ngày đêm. Chính điện của chùa bày khá nhiều tượng Phật, phía sau còn có vòm hang sâu vào vách núi. Thời Trần, đây là Am Ngộ Ngữ Viện, nơi Thiền sư Bảo Sái biên tập và in ấn kinh sách của Thiền phái Trúc Lâm. Chùa mới xây lại từ 1995, cửa chạm nổi hoa văn tài khéo!”.chua-Van-Tieu

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 98-99 Xuân

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here