Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Niệm Phật với con

Niệm Phật với con

160
0

Âm hưởng nhẹ nhàng của nó có một sức thoa dịu lạ kì, không kích thích, không xoáy vào tai, không mê hoặc, không đe dọa, tiếng tụng kinh cứ theo giọt mưa, ánh trăng, mồ hôi ướt áo, cơn gió hây hây tẩm vào vô thức non nớt của một đứa bé chưa biết đời là bể khổ và nằm lưu lại ở đó như một thứ kháng tố cho những chìm nổi đời người về sau.

Tôi còn nhớ, nằm với mẹ bên này buồng, nghe mẹ ru hời, bên kia gian giữa nhà trong ánh đèn dầu mù mờ, tiếng niệm Phật của bà đều đặn chăm chỉ vọng xa, không chỏi tai, không phá điệu ru, mà lại hòa lẫn như một điệu đệm của lời ru đưa tôi vào những giấc ngủ an lành. Nhiều khi mẹ ru nửa chừng rồi thiếp đi, nhưng tiếng niệm Phật của bà thì ngày đêm đều đặn, tinh tấn, siêng năng, kiên trì, bền bỉ. Mỗi khi thoáng nghe lần niệm Phật thứ nhất “Nam-mô Bổn sư Thích-ca-mâu-ni Phật”, tôi chưa biết mình đang nghe, tâm chưa lắng, ý tưởng còn ở nơi cái bánh, cái kẹo, đồng xu, hộp đồ chơi; đến tiếng niệm “Nam-mô” thứ hai, rồi thứ ba, tâm thức đang lêu lỏng vu vơ bất định bỗng như được dẫn dắt lần theo âm hưởng êm đềm mà quay về một nơi yên ổn là “Bổn sư Thích-ca-mâu-ni Phật”, thần kinh hết căng thẳng, tay chân, xương sống thư thái dãn sãi, mi mắt trĩu xuống, môi mềm dại ra… và cơn ngủ đến từ lúc nào đã đưa tôi rời cõi thật…

Tiếng niệm Phật hiền lành đã theo tôi như thế suốt những năm tháng bình an hay sóng gió, nếu trong nhà không ai trì tụng thì cũng đã có tiếng chuông mõ và tiếng niệm Phật của ngôi chùa làng hay của láng giềng vọng sang, quen thân, gần gũi. Cho đến lúc tuổi thành niên theo mẹ lên phố đi học, tôi không có dịp nghe điệu tiếng niệm Phật hằng đêm, hầu như quên lãng, nếu không nói mỗi khi chợt nghe ai tụng niệm thì thấy khó chịu, buồn ngủ, vì tiếng trầm đều của nó. Tôi đang lớn… và đang theo những làn sóng mới. Tân nhạc đi cùng với trào lưu hiện thực, sống xốc nỗi, sống hết mình, ồn ào và kích động đang từ phương trời xa lạ Âu Mỹ tràn sang. Những đam mê tuổi trẻ và sức sống năng động đã đưa tôi rất nhanh xa rời những chi có vẻ thụ động ủy mị và cầu khẩn van xin trong đó có cách thế “niệm Phật” của người Phật tử. Cùng một lúc, phong trào thiền học của Nhật Bản và phong trào hiện sinh ở Âu châu đang nở rộ khắp nơi. Tôi đã tìm thấy trong phương pháp thiền định chìa khóa sáng tạo của tư duy đạo Phật và một thời đã xem con đường Thiền học là con đường duy nhất, đúng đắn nhất cho một người Phật tử dấn thân.

Mãi đến khi tình thế bắt buộc phải lập thân ở xứ người, quanh mình bị bao vây bởi nếp sống Tây phương và chính tôi cũng là kẻ theo Tây tới nơi tới chốn những chi lịch lãm của cuộc chơi, còn chơi trội hơn dân Tây, lần đầu tiên ngồi ôm đứa con mới sinh trong lòng, bỗng thấy mình chơ vơ như ở trên ốc đảo, tứ cố vô thân. Không Bà, không Mẹ, không người thân, không chùa chiền, không xóm giềng để nghe “ké” một tiếng chuông, tôi lúng túng chưa biết dạy con như thế nào cho phải đạo làm người, và trong cơn bối rối tôi đã bắt đầu – như từ trong vô thức – nói với con bằng thứ tiếng “của Bà và của Mẹ”.

Giữa tiếng ru con lạc lõng bên trời Âu, con tôi đã được nghe tiếng niệm Phật của mẹ ngay những ngày đầu trong đời. Khi lên bốn tuổi, đứa con đã thuộc lòng “Nam-mô Bổn sư Thích-ca-mâu-ni Phật”. Cứ thế mà thành ra một thói quen trong cuộc sống hàng ngày, trước khi đi ngủ, sau khi nghe chuyện cổ tích hay nói chuyện tầm phào, bố mẹ và con nằm yên, tay chắp trước bụng thở đều cùng nhau niệm Phật, cầu nguyện an lành cho người thân, cho mọi chúng sinh. Thoạt đầu đứa bé chẳng hiểu chi, chỉ thấy vui vui ngộ nghĩnh khi thấy bà mẹ đang huyên thuyên hát hò bỗng nằm yên, hai tay chắp trước ngực, tưởng mẹ làm trò chơi mới nên bắt chước làm theo.

Suốt mấy mươi năm, việc trì tụng “Nam-mô Bổn sư” không một chút hình thức ấy đã cho hai mẹ con những giây phút hòa đồng và ấm áp nhất, nếu không nói trong khi cùng nhau trì tụng, mẹ với con trở thành là “một” như thuở chưa sinh, nhưng lần này là một nhất thể gấp đôi: qua tiếng kinh không những con ở trong mẹ mà chính mẹ cũng ở trong con, mẹ con bình đẳng như tất cả chúng sinh trong một tiếng niệm Phật Bổn sư!

Về sau và mãi đến hôm nay niềm hoan hỉ thật vô bờ, khi biết rằng dù xa nhau nghìn vạn dặm, ở một góc trời mô đó, đứa con đêm đêm vẫn chắp tay niệm Bổn sư cầu nguyện an lành cho cha, cho mẹ, cho người thân và hết thảy chúng sinh. Cho nên tuy không nghe mà vẫn nghe, tuy xa mà lại vẫn gần nhau trong gang tấc, tiếng niệm Phật bên này hay bên kia bờ đại dương đã giúp chúng tôi vượt bờ ngăn cách để có thể đến bên nhau trong nỗi hòa đồng vô lượng vô biên.

Quả thật như thế, chính trong khi cùng với con niệm Phật tôi đã chứng nghiệm được sức kì diệu của phương pháp niệm Phật mà thời trẻ tôi đã có lần ngộ nhận. Sự chú tâm chân thành vào trì niệm giúp cho ta hoàn toàn tập trung tư tưởng vào một điểm hoạt động chiều sâu của ý thức. Tất cả vọng tưởng, lo âu, sợ hãi nếu có, lần lượt biến đi một cách tự nhiên nhường lại cho đối tượng duy nhất là lời kinh. Bấy giờ tâm thức của ta nằm trong lời kinh hay nương theo lời kinh, dần dà lập lại thế quân bình nội tâm đã bị đánh lạc do ảnh hưởng chi phối của những tình trạng tâm lí bất an hay bị áp đảo do những đối tượng bên ngoài. Danh hiệu Bổn sư hay lời kinh thoạt tiên là chiếc thuyền chở tâm của ta vượt tất cả những làn sóng dữ của vọng tưởng mê mờ. Nhưng khi mức tập trung đã đạt đến tột đỉnh thì người và thuyền đã trở nên đồng nhất, ở đó tâm được an. “Tâm an” là điều kiện cho chân lí hiển hiện, cho tình thương phát triển và chân lí được chứng ngộ.

Trong viễn tượng giác ngộ của quan điểm Thiền học, được hiểu như giải phóng toàn diện khỏi tất cả những chấp mê, niệm Phật chưa phải là phương pháp toàn hảo, bao lâu tâm còn bám vào lời kinh. Nhưng trên bình diện chứng nghiệm, niệm danh hiệu Phật có thể tạo được cho tâm thức trước tiên một mái nhà trú ẩn an lành để chánh niệm phát triển. Ở trong một chừng mực nào đó, nói như Heidegger, nếu ngôn ngữ là căn nhà của thể tính (Etre, Beeing) (die Sprache ist das Haus des Seins), là nơi thể hiện của Tâm Nhất Thể, thì theo quan niệm của Tịnh độ, nơi mỗi tiếng niệm Phật ở bên này bờ của Tâm, kẻ hành trì đang làm nở một đóa hoa ở bên kia bờ giác ngộ của Tâm, căn nhà ngát hương của thể tính hội nhập.

Một cách vô thức tôi với con trong nhiều năm tháng của cuộc đời đã cùng nhau ươm thành một vườn sen thơm ngát vị Đạo trong một lời đơn giản thuần thành “Nam-mô Bổn sư Thích-ca-mâu-ni Phật”.

T.K.L.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here