Trang chủ Thiền môn xứ Huế Tranh-Tượng-Pháp khí Những tượng Phật thời Nguyễn còn lại ở Huế

Những tượng Phật thời Nguyễn còn lại ở Huế

166
0

Mặc dầu tuỳ từng thời, từng miền mà có những sự ảnh hưởng xã hội khác nhau nhưng tính chủ đạo thường là rất thống nhất. Tượng Phật giáo dưới thời nhà Nguyễn hiện còn lại ở Huế là một điển hình.

Nhà Nguyễn đóng đô ở Phú Xuân, xây dựng kinh thành Huế và dựng chùa thờ Phật vỗ an dân chúng, nghệ thuật điêu khắc tượng Phật giáo cũng theo đó mà được nâng cao. Buổi đầu còn có vẽ đơn điệu về kiểu dáng và cứng nhắc về quy phạm. Nhưng kể từ khi Gia Long thống nhất đất nước lên ngôi vua vào năm 1802 ông đã cho trùng tu, xây dựng một loạt những ngôi chùa từ Nam chí Bắc đã bị quân Trịnh và Tây Sơn đập phá. Từ đó hàng chục hàng trăm pho tượng cũng được làm mới. Các đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức…nối tiếp, cải tiến về chất liệu nhưng nhìn chung vẫn thống nhất về hình mẫu. Từ kích thước gần nguyên mẫu rập khuôn có khi dẫn đến sự cảm nhận rất thiếu sinh khí, nhưng tính chủ đạo vẫn cho thấy một sự trung thành với đường lối vỗ an dân chúng theo chủ trương chính trị dân gian hoá “cư Nho mộ Thích”.

Nếu so sánh với dòng tượng Phật giáo ở Việt Nam với các thời đại khác nhau trước và sau nhà Nguyễn thì tượng Phật giáo thời Nguyễn đã có một sự thống nhất về mặt hình thể, khuôn mặt và cách sử lý tượng đa chiều: tượng tròn chứ không phẳn dẹt, mặt bầu, thân hình thấp lùn, tay chân mũm mĩm…vì vậy nếu chúng ta ngắm kỷ và phân tích từ khâu tạo hình tượng, tỉ lệ, độ viễn cận, các rảnh tối sáng, bố cục…trên tổng thể mỗi pho tượng dường như thuần đặc chất giản phát, hồn nhiên đến ngô nghê.

Những bức tượng đức Phật đều tập trung chủ yếu vào tính chất đặc tả theo chiều hướng dân gian gần gũi hơn là đức tin thuần tuý. Hầu hết các bức tượng Phật đều có thân hình, nét mặt và kiểu dáng rất “hồn nhiên”. Một sự cố ý mang tính triết lý hơn là điêu khắc, đồng thời kiểu tượng có nhiều nét hồn nhiên và ngây thơ của nét mặt trẻ em cũng cho thấy ý đồ của nghệ nhân và chủ nhân muốn nói lên một sự trong sáng, gân gũi trong mỗi bức tượng Phật mà không phải quá trang nghiêm.

Những bức tượng Bồ Tát mà điển hình nhất là bồ tát Quán Thế Âm dưới thời Nguyễn hiện còn ở Huế cũng rất đặc trưng, đa số đều ở tư thế tượng ngồi thoải mái, nhẹ nhàng mềm mại trên đài sen và bệ bằng gỗ được chạm khắc và sơn son thếp vàng rất đẹp. Tượng thể hiện một sự an lạc và vô sự trong đời sống của con người. Rất đặc biệt, nhiều bức tượng Quán Thế Âm người ta con trang trí thêm bảo cái có rồng chầu phía sau tượng.

Những bức tượng bồ tát Chuẩn Đề kiểu dáng mập, khuôn mặt đầy đặn tròn trịa và rất hiền, có nhiều nếp áo nhăn chạy từ trên xuống dưới trong tư thế ngồi kiết già nên càng tăng thêm phềm mềm mại cho bức tượng.

Những bức tượng Thánh Tăng dưới thời Nguyễn còn lại rất ít tại Huế, đặc biệt đôi tượng Thánh Tăng A Nan-Ca Diếp tại một ngôi chùa ở huyện Quảng Điền mà chúng tôi có quan sát được rất lạ. Tượng nhỏ, lùn và rất đơn giản, ít đường nét, ở tư thế đứng trên một bệ có chạm khắc hoa văn thô, trong y phục dài, hai tay chấp hình búp sen. Tỷ lệ tượng không cân đối nhưng nhìn thì lại rất “dễ thương” và an lạc. Bộ tượng La Hán đang thờ ở Quốc tự Thánh Duyên cũng có đường nét lạ, tượng ở tư thế ngồi thoải mái, nét mặt hồn nhiên vô tư mà không “đăm chiêu” như thường thấy.

Ngoài tượng Phật, Bồ Tát và Thánh Tăng ra ở Huế còn có nhiều bức tượng khác như Thập Điện Minh Vương, tượng Hộ Pháp…dưới thời Nguyễn cũng rất đặc trưng. Tượng Thập Điện là độc đáo hơn cả, tính chất dân gian trong thể loại tượng nầy là rất cao. Cả bộ (10 pho) nên sự cộng hưởng, nét tương quan đắp đổi qua lại giữa các pho tượng đã làm nên sự phong phú trong kiểu dáng, đường nét và hình tượng.

Một điều đặc biệt là hầu hết các pho tượng Phật giáo thời Nguyễn thường ít có nét đặc tả chủ đạo vào tính chất tôn nghiêm nặng tính tôn giáo kinh điển đồng thời cũng rất ít pho tượng mà người ta ghi lại niên đại, tên tuổi người chú hoặc nghệ nhân điêu khắc pho tượng.

Trên thực tế và những tài liệu sách vở còn lại, tượng Phật giáo thời nhà Nguyễn còn lại ở Huế không thể không khiến chúng ta liên tưởng đến lòng tin (niềm tin tôn giáo) và trình độ dân trí dưới thời nhà Nguyễn là ở mức độ phổ thông, dân gian hoá gần gũi với đại chúng làm nông nghiệp thời bấy giờ. Tượng thì to, nhưng vẻ sinh động nghệ thuật thì rất hạn chế, đó là dấu hiệu cuối cùng của một giai đoạn nghệ thuật điêu khắc tượng Phật giáo cổ nhưng đang được bảo quản rải rác ở Huế không phải là nhiều và đang có dấu hiệu mất dần…

 Trí Năng

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here