Trang chủ Thiền môn xứ Huế Chùa -Tháp Những ngôi quốc tự soi bóng đôi bờ sông Hương

Những ngôi quốc tự soi bóng đôi bờ sông Hương

171
0

Nói đến dòng sông thì sông nào cũng có nguồn, có cửa; sông Hương chảy theo hướng Tây-Đông nên nguồn và cửa tương đối gần nhau. Sông có chiều dài ngắn so với các sông Seine, Hồng Hà, Cửu Long, Dương Tử, Trường Giang vì dãy Trường Sơn lan dần ra biển tạo thành khúc ruột miền Trung.

 Sông nào cũng thế, đều có nguồn từ suối chảy ra.Hai nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch hợp lại thành dòng chảy hợp lưu với sông Bồ ở ngã ba Sình tạo thành sông Hương. Phát xuất từ Trường Sơn, nguồn nước chuyển mình uốn lách qua bao nhiêu ghềnh thác giữa núi đồi trùng điệp, với lộ trình khoảng 70 cây số.
 
Đến ngã ba Bằng Lãng, giòng nước êm ả chảy một cách lững lờ, uốn khúc rồi mở rộng lòng sông chảy về Long Hồ, Văn Thánh, đồi Hà Khê ôm lấy các làng mạc phụ cận và kinh thành Huế; xuôi về ngã ba Sình tiếp giáp với phía nam thành cũ Hóa Châu; rồi theo đà trôi phẳng lặng về phá Thuận An trước khi đổ ra biển Đông với độ dài 30 cây số.
 
Thổ vị phương Nam ngọt và thơm, cây cỏ vượng khí, anh hoa phát tiết ra ngoài hòa nhập cùng hương trời sắc nước cho nên tỏa mùi hương. Các loại thảo mộc như bạch đàn, trầm hương, trà lưỡi sẻ, thạch xương bồ, thanh trà, bưởi bòng…. tỏa hương thơm dịu hiền, thanh thoát.
 
Thiên nhiên đã ưu đãi ban phát cho đất trời và con người Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế có cảnh quang vừa tuyệt đẹp lại kỳ vỹ và rất linh diệu như tứ thơ của đại thi hào Tô Đông Pha khiến cho khách tao nhân tự trách mình vì quen mắt không thấy hết lẽ thường:
 
Dành dành sáu cánh, Phật trên rừng.
Xương bồ chín đố, Tiên trên đá.
(Lê Quí Đôn; Phạm Vũ và Lê Hiền dịch)
 
Người xưa gọi sông lớn là sông cái, phụ lưu chia nước sông mẹ tỏa ra khắp các miền sơn dã, đồng bằng là sông con. Đứng trên đồi Hà Khê, bây giờ chẳng được nghe tiếng suối chảy róc rách ngày xưa nữa. Nhìn về phía thượng nguồn, khúc sông này khác nào một biển nước Mérou mênh mang của đất trời xứ Phật thân thương.
 
Thế thì sẽ không lạ gì, người phương Tây tiêu biểu như Léopold Cadière đã gọi Thiên Mụ là điểm chiếu của kinh thành Phú Xuân như các nhà phong thủy gọi là huyệt đất có long mạch hưng vượng. Huyện Thuận Hóa một thời thuộc phủ cùng tên gọi vào đầu thế kỷ 15 có đến 80 trong tổng số 500 huyệt. Phủ này tức phủ Triệu Phong mà thủ phủ tọa lạc ở huyện Đan Điền, phía Nam có sông cái Kim Trà chảy ngang qua, đối chênh qua bờ Nam sông Hương là chùa Sùng Hóa một thời uy nghi. Thành Hóa Châu là tiền thân của phủ lỵ Triệu Phong dưới thời nhà Hậu Lê cai quản những đến 8 huyện và 2 châu miền núi, được ví như yết hầu của con người vậy:
Trời Nam một giải non sông
Đây là Việt quốc hưng long đời đời.
(Thiên Túng Đạo Nhân, Trần Tuấn Khải dịch)
 
Đầu thế kỷ thứ 17, Thụy Quốc Công đổi tên huyện Kim Trà thành Hương Trà như trước đó Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng đổi huyện Tư Vinh thành Phú Vang vì kỵ húy. Cho nên sông Kim Trà được đổi tên tên thành sông Hương Trà mà dân gian quen gọi tắt là sông Hương thay vì tên gọi sông Thơm có tên chữ là Linh Giang ngày xưa.2 Hai loại cây thạch xương bồtrà lưỡi sẻ đã nhập thân đi vào tên gọi một dòng sông linh diệu với nhiều đền đài, miếu vũ, chùa chiền, sơn lăng, đình làng, trường học, phủ đệ…ở hai bờ lưu vực sông Hương thơ mộng.
 
Năm Minh Mạng thứ 16, nhân đúc Cửu đỉnh, hình tượng sông Hương và núi Ngự đã được bàn tay vàng của nghệ nhân Phường Đúc Huế làm việc ở sở Võ khố chạm khắc vào Nhân đỉnh. Tháng 3 năm Canh Tý, 1840 niên hiệu Minh Mạng thứ 21 bắt đầu đặt lệ tế thần sông núi theo quan niệm khí thiêng non nước bao giờ cùng giao hòa và thông hưởng, không có gì là ngăn cách tách biệt. Triều đình giao cho phủ Thừa Thiên cùng với 25 tỉnh thành khác trong nước làm lễ tế long trọng thần sông núi ở đàn Sơn Xuyên phía ngoài tỉnh thành. Núi Nhuệ, núi Ngự, sông Hương đều được tế lễ tam sinh bằng trâu, dê và lợn.3
 

Dưới thời vua Tự Đức, năm Nhâm Tý, 1852 nhà vua chuẩn tấu việc xây dựng đàn Sơn Xuyên ở xứ bộ Hóa thuộc địa phận hai xã Dương Xuân thượng, hạ; năm Quý Sửu, 1853 chuẩn y nghị định của bộ Lễ theo mẫu đàn Xã Tắc làm nền móng, chung quanh trồng tre xanh, ở trong trồng cây cảnh phía ngoài cùng đắp thêm bằng núi đá có 3 cổng ra vào trang nghiêm. Di tích ấy nằm trong khuôn viên trường Tiểu học Phường Đúc ở đường Bùi Thị Xuân ngày nay.

 

Việc thờ và tế lễ thần núi Ngự sông Hương là kế thừa và phát huy truyền thống thờ thần núi Tản Viên linh thiêng lạ thường ở tỉnh Sơn Tây từ năm Mậu Thìn, 1028 dưới thời nhà Lý. Mỗi năm vào tháng 2 và tháng 8 đều tế lễ long trọng do Phủ doãn Thừa Thiên đứng vai chánh bái.
 
Hai bên bờ sông Hương có nhiều ngôi chùa cổ, đặc biệt là các ngôi quốc tự Thiên Mụ, Long Quang, Từ Ân và Sùng Hóa. Chùa Long Quang ở sát liền chùa Từ Ân, nay đổi tên gọi Vĩnh Hòa đã xuống cấp và biến dạng dần hồi. Trong các chùa nói trên thì có hai ngôi quốc tự: Thiên Mụ ở đầu nguồn và Sùng Hóa ở cuối nguồn là nổi tiếng nhất.
 
 
Chùa Thiên Mụ
 
Hình ảnh tháp Phước Duyên, chùa Thiên Mụ đã trở thành biểu tượng của Cố đô Huế. Chiếc nón bài thơ của các làng nón Triều Sơn, Kim Long, Đức Bưu, Phước Quả, Đồng Di… đều lồng ghép hình ảnh chùa Linh Mụ, hậu thân của chùa Thiên Mụ đi khắp cùng đất nước và nước ngoài, để năm 1981 thành phố Huế hôm nay trở thành “bài thơ đô thị” của nhân loại.
 
Hình tượng và cảnh quang ngôi chùa linh thiêng này đã chính thống đi vào quốc sử hơn 563 năm về trước. Thái thú Cao Biền lo ngại đất phương Nam hưng vượng đã tìm cách trù yễm, trừ khử long mạch ở núi Tản Viên, ở đồi Hà Khê nhưng vì dã tâm thì làm sao chính khí trời đất đồng tình ủng hộ. Đời Thái Ninh, Đường Ý Tông ban cho tiền của để sửa chữa lại 4. Về sau, vua Lý Nhân Tông sai thợ dựng đền ở ngọn núi thứ nhất trong ba ngọn núi cao vút của núi Tản Viên để đối trị. Trên núi có xây lầu cao 12 tầng. Tháp Phước Duyên do vua Thiệu Trị xây dựng năm Giáp Thìn 1844 vừa trấn việc dòng nước xói lở thế núi như đầu rồng ngoảnh đầu nhìn lại, còn có tác dụng đối trị lại phép trù yễm của viên Thái thú Cao Biền thâm hiểm.
 
Cho đến nay chưa có nguồn sử liệu nào liên quan đến ngôi cổ tự Thiên Mụ vượt qua hình ảnh của ngôi chùa quan mà sách Ô Châu Cận Lục đã ghi chép: “Chùa ở phía Nam xã Hà Khê thuộc huyện Kim Trà, nóc sát đỉnh núi, chân gối dòng sông, cách xa trần thế, gần sát bên trời. Khách có tản bộ lên chơi thì tự nhiên phát thiện tâm và tiêu tan niềm tục. Thật là cảnh trí nơi tiên Phật.”5
 

Chùa Thiên Mụ có tự bao giờ? Chưa có ai tìm ra khoảng chừng năm tháng nào; triều đại nào. Người tham quan dưới dạng nghiên cứu chuyên sâu như Cadière thì nói thờ Mẫu rồi viết Chùa Thiên Mẫu trong Tập san của Hội Đô Thành Hiếu Cổ vào đầu thế kỷ 20; không rõ dựa vào tư liệu lịch sử nào mà bà Li Tana trong tác phẩm Xứ Đàng Trong lại nói chùa Thiên Mụ thờ Lão Tử. Gần đây nhất lại có du khách người Bắc Kinh nói chùa Thiên Mụ thờ Mẫu gốc từ Trung Quốc vì vin vào câu thơ của Lý Bạch sáng tác lúc thất sủng bị đày ở Dạ Lang, tỉnh An Huy: Mộng du Thiên Mẫu ngàn lưu biệt. Tùy duyên, mỗi người sờ voi mỗi cách. Nhưng có điều chắc chắn chùa thì luôn luôn thờ Phật.  

Sử liệu dưới thời các chúa Nguyễn và vua Nguyễn liên quan đến chùa Thiên Mụ khá phong phú. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng là vị hộ pháp đắc lực nhất trong việc tái thiết và tôn tạo chùa Thiên Mụ ở bờ bắc sông Hương vào năm Tân Sửu, 1601 và chùa Sùng Hóa vào năm Nhâm Dần, 1602.
 
Bình sinh, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng là một Phật từ thuần thành như lời ghi nhận của Nguyễn Khoa Chiêm đã viết trong sách Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí: “Năm Nhâm Dần niên hiệu Hoằng Định thứ ba (1602), thượng tuần tháng bảy. Bấy giờ Đoan vương Nguyễn Hoàng ái mộ đạo Phật từ bi, khuyên việc thiện, trồng duyên lành, nhân gặp tết Trung Nguyên ngày rằm tháng bảy bèn ra chùa Thiên Mụ cúng Phật, niệm kinh giải oan cầu phúc, tế độ chúng sanh giúp người cứu khổ, công đức vẹn thành…”6.
 
Ngày 10 tháng 11 năm Giáp Dần, 1614 chúa Trịnh Tùng ở đất Bắc mới hay biết tin trễ Đoan Quốc công về chầu tổ tông: …. “Vương bèn sai người mang sắc chỉ vào truy tặng cho Thái úy Đoan Quốc công chức đô tướng, tên thụy là Cẩn Nghĩa công dùng lễ Phật phúng điếu” 7.
 
Các chúa Nguyễn, vua Nguyễn kế tục vai trò hộ pháp đắc lực của chúa Tiên Nguyễn Hoàng mà đỉnh cao là chúa Nguyễn Phúc Chu, Pháp danh Hưng Long, Đạo hiệu Thiên Túng Đạo Nhân. Suốt 34 năm trị vì chúa Nguyễn Phúc Chu đã tôn tạo chùa Thiên Mụ thành ngôi Quốc tự vừa là chốn loan phòng, vừa như một thư viện lớn tàng trữ và phiên dịch kinh điển để xiển dương chánh pháp và đạo lý. Nhờ vậy đất phương Nam thanh bình, phong hóa xương thịnh, bờ cõi mở mang cho đến tận đất mũi Cà Mâu.
 
Nguyên gốc nghĩa chữ “Tự” của danh từ “QUỐC TỰ” thật tuyệt diệu. Chỉ riêng dưới góc nhìn về giáo dục – văn hóa, Hòa thượng Thích Tịnh Không đã truy nguyên nghĩa chữ “tự” làm phong phú thêm cho nghĩa từ này trong Từ Hải hoặc Từ Nguyên: “…có những nơi Phật học có ảnh hưởng đến dân chúng nhiều hơn là nền giáo dục truyền thống của bộ Lễ kết quả cho thấy, không phải ở làng nào, xóm nào cũng có trường Khổng giáo, nhưng ngược lại ở đâu cũng có “Tự” tức là ngôi chùa của Phật giáo”. 8.
 
Ngày xưa kể từ khi Phật giáo Ấn Độ truyền vào Trung Quốc, “tự” không có nghĩa là chùa mà là tên một cơ quan trung ương ngang hàng cấp bộ phụ trách công việc ngoại giao gọi là Hồng Lô tự. Về sau có hai bộ phụ trách về giáo dục là bộ Lễ và Bạch Mã tự”. Bộ Lễ phụ trách Khổng học, Bạch Mã tự phụ trách về Phật học. Một nhiệm vụ quan trọng khác của “Bạch Mã tự” là phiên dịch kinh sách ghi lại dấu ấn lịch sử Ngài Huyền Trang dùng “ngựa trắng” lên đường qua xứ Tây Vực thỉnh kinh. Viết “Tự” hoặc “Tự Thiền” mà lại đọc theo lối Nôm là “chùa” hoặc “chùa chiền”. Người Việt có tinh thần sáng tạo, đạo Phật truyền vào đất nước ta từng trải nghiệm dưới thời Lý – Trần bằng châm ngôn: “Giáo lý của đức Phật ta phải nhờ Tiên Thánh mà truyền lại cho đời”.
 
 
Chùa Sùng Hóa
 
Tiền thân của chùa làng Lại Ân ngày nay nhà dân gian quen gọi làng Sình ở bờ Nam sông Hương cách kinh thành Huế khoảng hơn 7 km là chùa quan Sùng Hóa:“Chùa ở xã Lại Ân, huyện Tư Vinh, trước có sông Linh Giang bao bọc, sau có đầm lớn vòng quanh, phía nam có sông Hoài Tài, phía bắc có bia Sùng Phúc. Tượng thần tôn nghiêm, cung tiên nguy nga. Vào những ngày lễ tiết tế lễ, các quan ở nha môn, vệ sở, tam ty đều đến tham dự, mũ áo lễ nhạc tụ tập như mây. Khi cầu đảo đều được linh ứng. Đây là ngôi chùa nổi tiếng ở Hóa Châu.”. 9
 
Chùa quan đời Hậu Lê khác nào Quốc tự đời nhà Nguyễn vậy. Hình ảnh, cảnh quang và sinh hoạt chốn thiền môn thời bấy giờ tại chùa Sùng Hóa rất tôn nghiêm và uy nghi nổi tiếng hơn cả chùa Thiên Mụ. Tất cả chỉ vì chùa quan lớn nhất ở cõi Hóa Châu tọa lạc tại vị trí giao thông hai chiều Nam – Bắc bằng đường bộ lẫn đường thủy.
 
Trạm Linh Giang cũng gọi trạm Đan Điền với hình ảnh miêu tả khác nào thơ họa trong sách Ô Châu Cận Lục: “Lọng tiên cắm sát bờ, cờ sứ bay trước quán. Mũ áo tụ tập, tân khách đi về.”
 
Thủ phủ Hóa Châu đúng là cái yết hầu quan yếu như thế cho nên tướng giặc Minh là Trương Phụ đã từng thề thốt nếu không lấy được Hóa Châu thì không còn mặt mũi nào nữa để trở về ngưỡng nhìn thấy chúa Thượng của mình.
 
Địa cuộc như thế thì dân tình và thổ nghi ra sao ? Năm 1553 Tiến sĩ Dương Văn An đã luận giải về mối tương quan giữa trời đất Hóa Châu với con người: Quan lại uyên bác Lại Ân; nhà nông ca bài Phong Nẫm, dân đều An Nghiệp.
 
Thế mà tang thương biến đổi theo sắc màu thời gian. Gần 60 năm đi qua, vào thượng tuần tháng bảy năm Nhâm Dần, 1602 Chúa Tiên Nguyễn Hoàng trên đường về sau khi hành lễ tại chùa Thiên Mụ, đến địa giới xã Triêm Ân, chúa ngồi ở đầu mũi thuyền nhìn lên bờ thấy giữa đất bằng nổi lên một vùng xanh rậm rạp, cây cối mọc um tùm. Chúa liền sai đậu thuyền lên bờ ngắm cảnh. Một ngôi thảo am trong lùm cây rậm rạp, tường vách sụp nát, rường mái đổ nghiêng. Chạnh lòng, chúa bèn sai lệnh tôn tạo. Chỉ vài tháng sau chùa làm xong mang biểu hiện cũ “Sùng Hóa Tự”.
 
“Vời vời điện báu, bốn bên bày múa phượng cuộn rồng
Lớp lớp cửa thiền, tượng Phật chư tôn vàng lấp lánh” 10.
 
Tháng tư năm Quý Mão, 1603 Chúa Tiên sai thỉnh sư trú trì đứng ra mở hội Đại Pháp, đọc kinh Đại Thặng, giải phép Thượng thặng cứu độ cho chúng sanh được an lạc.
 
Nguyễn Khoa Chiêm đã miêu tả cảnh tượng ngày lễ Phật Đản thiêng liêng và uy nghi tại chùa Sùng Hóa vào năm Quý Mão, PL: 2147 cách đây 406 năm:
 “Trong ngày hội ấy thần dân thiên hạ kéo đến xem hội rất đông, ai nấy đều tấm tắc ngợi khen cho là khá sánh với hội lớn Vô già. Mọi bề công đức hoàn thành lòng chúa Đoan vương hết mực thư thái. Từ đó vươn rộng mở thi hành nhiều việc chính sự giáo hóa, coi chăm trăm họ, bề tôi tuân phục vui lòng, các nước láng giềng đều đến viếng thăm, thiên hạ đều xưng tụng cho là bậc vua sáng ở đời Thái Bình”.11
 
Lịch sử dân tộc lại quay vòng luân hoán: có lúc thịnh, có lúc suy. Đó là lẽ thường như ngài Vạn Hạnh đã dạy: thịnh – suy như hạt sương rơi đầu cành. Thời tiền chiến, nhà thơ Hồ Dzếnh, xuất thân từ giới bình dân nhờ tu học Phật pháp mà đã nhận ra:
 
Trang sử Việt
Đồng thời là trang sử Phật
Trải qua độ hưng suy
Có nguy mà chẳng mất.
Nếu không ngao du thưởng lãm để nghe tiếng lòng dân gian thì dễ dẫn đến sai lầm. Sử thần nhà Nguyễn của hai triều Tự Đức và Duy Tân đều chép sai cả địa chỉ lẫn niên đại sửa chữa chùa Sùng Hóa. Đại Nam Nhất Thống Chí ấn hành năm Duy Tân thứ 3 (1910) ghi: [Chùa Sùng Hóa] ở xã Triêm Ân, huyện Phú Vang. Vua Thái Tôn [Thái Tổ mới đúng] bản triều năm Nhâm Dần 45 (1662 ?) ngự thuyền qua sông Triêm Ân thấy bờ phía đông Bắc cây cối xanh rậm, có bầy chim bay đậu. vua mến thích cảnh ấy, đậu thuyền để thưởng ngoạn, nhân thấy có nền chùa xưa, bèn khiến tu sửa lại, đặt tên là Sùng Hóa. Nay đã mất tích12.
 
Chùa Sùng Hóa xưa, nay là chùa làng Lại Ân thuộc tổng Mậu Tài, huyện Phú Vang. Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn và Nghiên Cứu Địa Bạ Triều Nguyễn, Tỉnh Thừa Thiên của Nguyễn Đình Đầu thì làng cổ Lại Ân có diện tích 198 mẫu 8 sào 8 thước 6 tấc 2 phân; trong đó có quan thổ Tam Bảo 5 mẫu, với mốc giới rõ rệt:
 
– Đông giáp xã Triêm Ân, xã Mậu Tài nội phủ, xã Vinh Lộc có cột đá làm giới:
– Tây giáp xã Vĩnh Lại (tổng Dương Nổ), có cột đá làm giới
– Nam giáp xã Mậu Tài nội phủ, có cột đá làm giới.
– Bắc giáp xã Mậu Tài nội phủ, có cột đá làm giới. 13
 
Sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên cho biết chùa Sùng Hóa tọa lạc ở phần đất làng Lại Ân nằm sát địa giới với làng Triêm Ân như sách Ô Châu Cận Lục đã khẳng định.
 
Chiến tranh ác liệt qua các thời đại, thời gian và con người đã tàn phá khiến cho chùa quan Sùng Hóa ở hạ lưu sông Hương hư hại nặng, sau ngày hòa bình lập lại, năm 1954 dân làng Lại Ân dẫu còn khó khăn đã tích cực đóng góp công sức, tiền của để tôn tạo bước đầu làm nơi thờ phụng Tam Bảo của làng cổ văn hiến lâu đời. Công việc còn phải tiếp tục lâu dài, hết đời này sang đời khác để cho cảnh quang ngôi chùa quan uy nghi thời vàng son xứng đáng là một danh lam thắng tích của tỉnh Thừa Thiên Huế. Ban Hộ tự từ đời này sang đời khác kế tục lo việc chùa trôi tròn. Hiện nay dân làng đang mong ước Giáo hội tỉnh nhà bổ nhiệm vị chủ trì để hướng dẫn Phật tử tu tập và hành lễ.
 
Năm Mậu Tý, thăm cố đô Huế và các ngôi chùa làng cho thỏa lòng mong ước. Ngồi trên thuyền rồng, nhà thơ Mặc Giang đưa tay vẩy nước và cảm tác thành thơ:
 
Trong cuộc đời, ai không uống nước.
Giữa trường đời, ai chẳng qua sông
Nhịp cầu khua, vọng vang mấy khúc
Hai đầu cầu, biết mấy dòng sông.
 
Đất, nước, lữa, sinh vật và cả không khí cũng đều có hồn. Thời Đức Phật tại thế gọi phần hồn ấy là Jiva khác với linh hồn của sinh vật là Trasathần hồn của thảo mộc, sỏi đá là Sthavara.14 Thiên địa nhân hợp nhất tương cảm, đồng tình. Thiên nhiên đã ưu đãi ban phát núi sông, sản vật cho cư dân Thuận Hóa – Phú Xuân đẹp hơn, nên thơ hơn còn nhờ những công trình kiến trúc văn hóa tâm linh ở hai bên bờ dòng chảy linh diệu và thần kỳ.
 
 
Chùa làng, chùa quan, chùa công, quốc tự, sắc tứ quốc tự đều là chùa trong ý nghĩa thâm hậu và truyền thống của nghĩa lý hai từ chùa chiền đã như phân tích khá rõ nét.
 
Một thời vàng son xa xưa hai bên dòng Hương có nhiều ngôi chùa soi bóng: Nhạn quá tầng không tìm đâu ra dấu vết, nhưng sử sách để lại thì có thể khơi dậy trầm tích lâu đời thậm chí cả tro tàn của dĩ vãng để tâm hồn thanh thản rồi cất lên tiếng hát ca ngợi dòng sông Linh: Ohm, Ohm, Ohm.
 
 

 



* Chú thích:
1. Vân Đài Loại Ngữ, Lê Quí Đôn, Phạm Vũ và Lê Hiền dịch, Nxb: Sài Gòn, 1970. tr.493
2. Ô Châu Cận Lục, Dương Văn An nhuận sắc, Nxb: Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr. 40, 73.
3. Đại Nam Thực Lục, Tập Năm, viện Sử học dịch, Nxb: Giáo Dục, Hà Nội, tr 674, 675.
4. Đại Nam Nhất Thống Chí, Tập 4, Tỉnh Sơn Tây, Nxb: Thuận Hóa, Huế, 1997, tr. 238, 240, 241
5. Ô Châu Cận Lục, Dương Văn An nhuận sác, sđd, tr. 78
5. Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí, Nguyễn Khoa Chiêm, Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga dịch, Nxb: Hội nhà văn, Hà Nội, 203, tr. 86,87
7. Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí, Nguyễn Khoa Chiêm, sđd, tr.94.
8. Pháp Ngữ, Tịnh Không, Thích Nguyên Tạng dịch, Nxb: Tu Viện Quảng Đức, Taiwan, 2004, tr. 19 – 21.
9.Ô Châu Cận Lục, Dương Văn An nhuận sắc, sđd, tr. 78
10. Nam Triều Công Ngihệp Diễn Chí, Nguyễn Khoa Chiêm, sđd, tr. 87
11. Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí, Nguyễn Khoa Chiêm, Sđd, tr. 78
12. Đại Nam Nhất Thống Chí, Tập 1, Phạm Trọng Điềm dịch, Nxb Thuận Hóa, Huế 1992. tr.2004. Vua Thái tổ tức Chúa Tiên Nguyễn Hoàng; năm 1602 chứ không phải năm 1662. Làng Lại Ân chứ không phải làng Triêm Ân.
13. Nghiên cứu Địa Bạ Triều Nguyễn, Thừa Thiên, Nguyễn Đỉnh Đầu, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 1997, tr. 137, 247.
14. Đạo Nho Và Văn Hóa Phương Đông, Hà Thúc Minh, Nxb: Giáo Dục, Hà Nội, 2001, tr.94.
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here