Trang chủ Tài liệu - Thư viện - Phim Phật giáo Lưu trử Những đóng góp của Đạo Phật cho Dân tộc dưới triều Lý...

Những đóng góp của Đạo Phật cho Dân tộc dưới triều Lý (1010 – 1225) Kỳ 4: Về Lương Thực Và Chuyên Chở, y dược, luật pháp

184
0

Về Lương Thực Và Chuyên Chở

Vua Tống hạ chiếu lấy ở Kinh Phong 1000 cỗ xe, đóng 1000 thuyền đáy bằng để chở tiền và lương thực, và phải dùng tới bốn vạn phu khuân vác. Ti chuyên vận xin 45 vạn quan để mua 50 vạn thạch thóc (mỗi thạch bằng 10 bát). 44.800 thạch đậu, hơn 36 vạn bó cỏ, và trâu, dê, lợn, rượu. Ngày 28-10-1076, vua Tống cấp thêm 150.000 quan, giao cho Quảng Đông mua lương thảo. Theo Lý Bành Nhật: "Lương khẩu cần cho 10 vạn quân và một vạn con ngựa ăn trong một tháng phải có 40 vạn phu chuyên chở. Một tháng đã vậy; huống chi, từ nay đến lúc tới sào huyệt giặc, không phải chỉ một tháng mà thôi. Nay tính cho rộng rãi, trừ phần quân và ngựa tự chở lấy, trừ phần có thể lấy ở địa phương sản xuất; còn dư, ta sẽ mua trâu bò mà chở. Dọc đường, ta lại làm thịt, sẽ cấp cho các đồn điền cày. Làm như thế ta có thể giảm bớt phu. Ta lại bỏ bớt những đồ không cần gấp. Ta sẽ dùng xe lừa kéo, cho đi đi, lại lại, mà chở. Nói tóm lại, ta có thể bớt số phu đi một nửa, còn 20 vạn mà thôi" (LTK). Cũng vì thiếu phu khuân vác, Ty An Nam chiêu thảo đã phải bỏ bớt một nửa tên bằng sắt, chỉ mang theo 32.400 cái mà thôi.

Về Y Dược

Theo viện Hàn Lâm y quan chọn 75 bài thuốc trị lam chướng, và sai sở hạp dược chế thành tể, rồi mang theo quân. Vua tống còn sai thái y cục chế 30 bài thuốc chữa lam chướng, bảo sứ đem giao Ti An Nam hành doanh tổng quản, và truyền 5, 7 lương y gửi gấp theo quân.

Đại quân Tống sẽ kéo xuống, tập trung tại châu Ung[54], phân phối đóng ở các thành, trại, dọc theo biên giới các châu thuộc nước ta: Quảng Nguyên, Môn Châu, Quang Lang và Tô Mậu. Quách Quỳ cũng ra lệnh cho viên Hàm hạt Quảng Đông là Hòa Mân cùng Dương Tùng Tiêu đem thủy binh từ Quảng Đông dọc ven biển tiến vào hải phận Vĩnh An.

Bắt đầu tháng 8 năm 1076, những cánh quân Tống đã đột nhập miền đất nước ta, do Thẩm Khởi cầm đầu, đánh chiếm châu Vĩnh An.

Tháng 10, Yên Đạt đánh vào châu Quảng Nguyên (Cao Bằng), một vị trí chiến lược của ta, mà có lần Quách Quỳ đánh giá rất quan trọng: "Quảng Nguyên là cổ họng của Giao Chỉ. Có binh giáp mạnh đóng ở đó. Nếu ta không đánh lấy được, thì sau khi ta đi sâu vào đất chúng, quân ta sẽ bị đánh cả mặt trước và mặt sau".
Lưu Kỷ đốc thúc 5.000 quân cự chiến, nhưng đến ngày 1-1-1077, Quảng Nguyên bị mất.

Ngày 8-1-1077, Quách Quỳ dẫn đại quân từ Tư Minh, Bằng Tường (giáp giới phía bắc châu Quang Lang nước ta) theo đường, qua ải Nam Quan đánh vào ải Quyết Lý, bị quân ta – do phò mã Thân Cảnh Phúc chỉ huy –[55] chặn lại ở đây. "quân Tống không thể tiến, Quỳ sai quân cung tiễn thủ lấy nỏ bắn vào voi. Voi sợ, quay chạy, dẵm xéo lên quân Lý. Quân Lý tan vỡ. Quyết Lý mất" (LTK). Ở mặt tây, Khúc Trân rời Quảng Nguyên, tiến quân sang đông nam đánh Môn Châu. Ở mặt đông, quân Tống từ các Lộc Châu, Tư Lang tiến vào Tô Mậu2.

Quân Tống đóng trên một tuyến dài 60 dặm (khoảng 30 cây số) từ bến đò Như Nguyệt đến gần núi Nham Biền.

Bờ bên này là quân của ta trấn ngự.

Dòng sông Như Nguyệt trở thành chiến tuyến thiêng liêng mà Lý Thường Kiệt đã "tiên liệu" chọn làm nơi phòng ngự cuối cùng nhằm chặn đứng cuộc tiến công của địch vượt sông, chiếm lấy kinh đô Thăng Long. Ông đã sai đắp đê nam ngạn cao như một bức thành đất.

Ngoài đê, đóng cọc tre mấy từng lớp để làm giậu. Quân ta đóng dọc theo sau lũy tre dài gần 100 cây số, sẵn sàng đón đánh địch, nếu chúng chực qua sông.

Đại bản doanh quân ta đóng ở Thiên Đức và Thăng Long. Còn thủy quân chia làm hai ngả: một, do Lý Kế Nguyên đốc suất, giữ sông Đông Kênh (Vân Đồn), để chặn thủy quân Tống không để lọt vào nội địa; một, đóng ở Lục Đầu vùng Vạn Xuân để tùy cơ ứng biến.

Phòng tuyến ta rất kiên cố. Mà quân Tống lại không có thuyền để qua sông. Thủy quân[56] cũng không thể tới. Quân Tống bị chặn đứng ở bên kia sông Cầu. Quách Quỳ sai bắc cầu phao, đóng bè lớn, mỗi lần, chở đuợc 500 quân sang sông, hết lớp này đến lớp khác, rầm rộ tiến công vào phòng tuyến của ta. Quân ta từ trên bờ cao đánh xuống quân Tống, phần bị chết, phần xin hàng, đạo quân đã qua sông hoàn toàn tan rã.

Đã hai lần quân Tống vượt sông thì cả hai lần đều thất bại nặng nề.

Quách Quỳ chán nãn, thất vọng, không dám nghĩ đến việc vượt sông nữa, và ra lệnh: "Ai bàn đánh sẽ bị chém".

Tống Thần Tông trước kia từng dặn Quách Quỳ: "Phải lo việc An Nam cho chóng xong. Khi đem quân vào cõi chúng, ta phải đánh cho chóng được. Sau khi bình được Giao Châu, sẽ đặt châu huyện như ở nội địa". Giấc mộng bá chủ trên đây nhằm "chinh phục nước ta và sáp nhập đất đai ta vào Tống", đã không thể nào thực hiện được.

Hơn một tháng bị lún chân ở bên kia khúc sông Như Nguyệt, quân Tống lâm vào tình trạng bi đát: lương thực ngày một vơi dần, đường tiếp vận quá xa xôi, phu phen thiếu thốn, lại bị quân ta chặn bít kín các ngả, không thể nào chuyển được lương thực tới nơi. Sau lưng địch, những toán quân nhỏ của ta vẫn không ngừng hoạt động quấy phá. Cộng vào đó, thời tiết đang chuyển dần sang nóng nực – sức nóng dữ dội của mùa hè – không thích hợp với quân Tống. Số quân lính và phu vận chuyển mệt mỏi, chết dần chết mòn mất quá nửa, số còn lại cũng bị ốm đau. "Lương ăn của chín đạo quân đã cạn. Lúc ra đi, quân có 10 vạn, phu có 20 vạn. Vì nóng nực và lam chướng, quân phu đã chết mất quá nửa rồi. Còn non nửa, cũng đều ốm" (LTK).

Thời cơ và hoàn cảnh rất thuận lợi cho ta chuyển sang thế phản công. Hai hoàng tử Hoàng Châu và Chiêu Văn, theo kế hoạch đã vạch sẵn, dẫn 500 chiến hạm, đổ bộ vài vạn quân đánh vào trận tuyến địch ở vùng sông Kháo Túc (sông Cầu gần núi Nham Biền) để nhử địch về hướng này, rồi kéo quân xuống thuyền trở về căn cứ địa, bị quân địch bắn đá như mưa làm thuyền chìm. Quân ta bị chết đuối khá đông và hai hoàng tử cũng đã hy sinh anh dũng. Nhưng sau đó, vào một đêm không trăng sao, đại quân của ta, do Lý Thường Kiệt chỉ huy, mở cuộc TỔNG PHẢN CÔNG bất ngờ đánh úp vào doanh trại chính của địch. Quân Tống đại bại.

Trước khí thế chiến thắng oanh liệt ấy, Lý Thường Kiệt dõng dạc đọc vang trước ba quân bài thơ lẫm liệt bất hủ:

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

Tạm dịch:

1) Nước Việt nam, vua Nam quản trị
Sách trời vạch định rõ.. biên cương
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Quyết đánh không tha, buộc chúng hàng.
 
2) Vua Nam ngự trị nước Nam ta
Ranh giới… sách trời đã vạch ra
Quân giặc, cớ sao sang cướp phá?
Bọn ngươi chuốc lấy nhục thua mà!..

Bài thơ ngắn, vỏn vẹn chỉ chó 28 chữ. Mà hồn thơ là hồn của dân tộc nên lời thơ như sấm sét đã tác động tâm lý người đọc (hay nghe) đến phải sửng sốt rợn tóc gáy[57]. Toàn bài thơ chứa đựng cả một nội dung triết lý "chính trị nhân sinh", nói lên sức lớn mạnh của một nước Đại Việt Tự Chủ (mà) Lý Thường Kiệt là người đại diện triều đình, đại diện cho toàn thể quốc dân, tuyên bố lúc mở cuộc tổng phản công diễn ra tại khúc sông Như Nguyệt. Với lời thơ ấy, đã khích động lòng yêu nước, trí thông minh sáng tạo, sức dũng cảm phi thường của tướng sĩ ta: cương quyết đánh đuổi quân xâm lăng nhà Tống ra khỏi bờ cõi, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, giữ gìn nền độc lập thống nhất của dân tộc, mở ra một Sinh lộ mới đầy tự hào, phấn khởi cho con cháu mãi muôn đời về sau…

Sau cuộc thắng trận ở sông Như Nguyệt và khi đã nắm vững tình hình một cách chủ động, Lý Thường Kiệt cũng như triều đình nhà Lý, (thấy đã đến lúc) đứng ra đặt vấn đề điều đình để Gỡ thế kẹt cho địch, đồng thời nhằm chấm dứt chiến tranh, để mưu lợi cho dân tộc: "Không nhọc tướng tá, khỏi tốn xương máu mà bảo toàn được tôn miếu, xã tắc"[58]

Công việc thương lượng được tiến hành gấp. Quách Quỳ đang ở trong thế bí, như một kẻ sắp chết đuối vớ được phao, vội vã nhận "giảng hoà", rút quân về nước.
Quách Quỳ bùi ngùi than thở với những thuộc hạ của y: "Ta không đạp đổ được sào huyệt giặc, bắt được Càn Đức, để báo mệnh triều đình; đó là tại trời! Thôi ta đành liều một thân ta, chịu tội với triều đình, để mong cứu hơn mười vạn nhân mạng[59]”

Tháng 3 năm 1077, đang đêm, Quách Qùy cho lệnh rút quân. Các bộ binh và kỵ binh hoảng hốt rút chạy trong cảnh hỗn loạn "giày xéo lên nhau để mong được thoát chết trở về nước". Quân Tống rút đến đâu, quân ta theo sát đến đó và thu hồi những đất đai bị địch chiếm đóng (các châu: Quang Lang, Môn, Tô Mậu, Tư Lang) một cách nhanh chóng, dễ dàng.

Riêng châu Quảng Nguyên (Cao Bằng), nơi sản xuất nhiều khoáng sản quí, nhà Tống toan tính chiếm làm thuộc địa. Nhưng triều đình ta nhất quyết đòi. Cho mãi đến tháng 11 năm 1079, vua Tống đành phải giao trả lại châu Quảng Nguyên.

Cuộc chiến tranh xâm lăng do nhà Tống phát động với chủ ý “thôn tính nước Đại Việt” bị thất bại, đã làm hao tổn rất nhiều nhân mạng, vật lực, tài sản…

Sau khi rút quân về nước, kiểm điểm lại thì: “Lúc ra đi quân có mười vạn, phu có 20 vạn, và một vạn con ngựa. Lúc trở về chỉ còn 23.400 người và 3.174 con ngựa. Phí tổn hết 5.190.000 lượng vàng” (dẫn theo sách LTK), còn sách ĐVSKTT chép: "Khi quân ta đánh chiếm thành Ung Châu, giết hết 58.000 người. Cộng với số người chết ở các châu Khâm – Liêm lên đấn 10 vạn. Đấy là chưa kể số người bị quân ta bắt sống (ở 3 châu ấy) đem về…"

Lịch Sử Việt Nam, tập I, đã ghi lại những thành tích cuộc kháng chiến chống Tống dưới thời vua Lý Nhân Tông: "Do thắng lợi oanh liệt của cuộc kháng chiến mà trong suốt cả thời kỳ thống trị ở phương bắc từ đó về sau, trong khoảng 200 năm, nhà Tống không dám đụng chạm đến đất nước ta. Dù chí xâm lược của nhà Tống thực sự đã bị đè bẹp dưới sức mạnh đoàn kết đấu tranh kiên cường, bất khuất và trí tuệ sáng tạo của dân tộc ta. Ý nghĩa lịch sử quan trọng của cuộc kháng chiến là buộc nhà Tống, năm 1164, phải công nhận nước ta là một vương quốc độc lập"  (Sđd trang 181).

Về Luật Pháp 

Thời Đinh Lê chưa có luật pháp thành văn nên mọi hình phạt đối với tội nhân rất nặng. Vua Đinh Tiên Hoàng cho "đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong cũi và qui định: người nào trái phép sẽ bị bỏ vào vạc dầu hay cho hổ ăn" v.v.. Qua thời Lê vẫn giữ nguyên hình phạt cũ. Theo lời sớ của Tống Cảo, thì nhà Lê xử tội rất tuỳ tiện: "Tả hữu có lỗi nhỏ cũng giết đi, hoặc đánh từ 100 đến 200 trượng (trg). Bọn giúp việc, ai hơi có điều gì làm phật ý cũng bị đánh từ 30 đến 50trg, truất làm tên gác cổng, khi hết giận lại gọi về cho làm chức cũ".[60] Tất nhiên, Tống Cảo cố ý xuyên tạc sự thật để bôi nhọ triều đình của nước Đại Cồ Việt, song cũng thấy buổi đầu mới lập quốc, vừa thoát khỏi nạn 12 sứ quân, tất phải dùng đến hình phạt nặng nề, cốt nhằm trấn áp những cuộc nổi loạn; để ổn định tình thế, giữ gìn nền thống nhất độc lập của quốc gia.

Sang đến nhà Lý, khi Lý Công Uẩn vừa mới lên ngôi, đã tuyên bố: "trong nước ai có việc gì oan ức, tranh kiện nhau cho đến triều đình tâu, vua sẽ đích thân giải quyết".

Năm 1040, Lý Thái tông xuống chiếu: "từ nay mọi việc kiện tụng trong nước ủy cho Khai hoàng vương Nhật Tông quyết định, và lấy điện Quảng Vũ làm nơi xét xử.
"Bấy giờ việc từ tụng phiền nhiễu, các quan giữ pháp luật chỉ cốt dụng ý thâm độc và khắc khổ, nhiều việc oan uổng, vua lấy làm thương đau, sai quan trung thư định ra luật lệnh, chia làm môn loại, biên thành điển mục, làm riêng hẳn thành Hình Thư" (VSTA).

Năm 1042, vua ban hành bộ Hình Luật đầu tiên ở nước ta, mở ra một đường lối cho ngành tư pháp[61]. Luật pháp được triệt để tôn trọng. Các cách tra hỏi phạm nhân cũng được cải cách, xác định các trường hợp giảm khinh và khoan hồng cho những người già yếu hoặc kẻ vị thành niên (những người tuổi từ 70, 80 trở lên, 15 tuổi trở xuống, cùng những người tật bệnh yếu đau, người cư tang độ một năm có phạm tội…) và cho phép lấy tiền chuộc tội, nếu không phạm vào tội Thập Ác, tức là: mưu phản: lật đổ nền cai trị của nhà nước; mưu đại nghịch: phá đền đài, lăng tẩm nhà vua; mưu loạn: phục vụ địch quốc; ác nghịch: mưu giết hay đánh ông bà, bố mẹ, trốn thuế; bất đạo: vô cớ giết người; Đại bất kính: lấy trộm các đồ tế trong lăng tẩm, làm giả ấn vua; bất hiếu: cáo giác hay chửi rủa ông bà, bố mẹ, tự ý bỏ nhà, phân chia tài sản, cưới xin khi có tang bố mẹ, vui chơi trang sức trong khi tang chế, được tin bố mẹ, ông bà chết không chịu tang chế; bất mục: mưu giết hay bán các thân thuộc (cho đến 5 đời); bất nghĩa: giết quan lại sở tại, hoặc thầy dạy, không để tang chồng, ăn chơi và tái giá; nổi loạn: tức là loạn luân (thông dâm với thân thuộc với các thiếp của bố hay ông)"

Dưới đây là một số điều luật có quan hệ giữa nhà nước và người dân, như: Ấn định các thứ thuế của mỗi ngành nông, công, thương, quyền tư hữu ruộng đất, tôn trọng nhân phẩm, bảo vệ sức lao tác, sản xuất và của cải… những quyền lợi thiết thực của người dân, đã được triều đình chính thức xác nhận:

Năm 1013, sau khi hết hạn xá thuế, vua Thái Tổ ấn định các sắc thuế thuộc các loại:

Chằm hồ, ruộng đất;
– Tiền và thóc về bãi dâu;
– Sản vật ở núi, nguồn các phiên thần;
– Mắm muối vận chuyển qua các biên ải;
– Sừng tê, ngà voi và các hương liệu của người Mán;
– Các thứ gỗ và hoa quả ở đầu nguồn.”

"Năm 1014, nhân mở hội La Hán ở Long Trì, vua tha những người bị tội đày, bị tội đồ và tha ½ thuế cho cả nước.

"Những năm đại hạn, lụt lội, mất mùa đói kém, triều đình cũng chú ý giúp đỡ, hoặc mở kho phát chẩn tiền, gạo, hoặc tổ chức các việc đắp đường, làm cầu để sử dụng lao động giúp những người nghèo đói".

Những năm được mùa hay có việc vui, vua xuống lệnh xá thuế, tô. Năm 1017, lại xá tô ruộng cho toàn dân. Năm 1018, tha ½ tô ruộng cho thiên hạ.

Năm 1117, lý Nhân Tông xuống chiếu: "Kẻ nào bắt trộm hoặc thịt trâu bò phải phạt 80 trượng và tội đồ làm tang thất phu, nghĩa là bị tội đồ ở các nơi nuôi tằm. Ngoài ra, còn phải bị hoàn lại giá tiền con vật. Các người láng giềng không tố cáo tội phạm cũng sẽ bị phạt theo luật định".[62]

Năm 1123, vua lại xuống chiếu, nhắc lại một lần nữa, điều luật trên: "Trâu là một vật quan trọng cho việc cày cấy, lợi cho người không ít. Từ nay về sau 3 nhà làm một "bảo", không được giết trân ăn thịt, ai làm trái trị tội theo pháp luật".

Năm 1142, Lý Anh Tông ban hành những điều luật liên can đến vấn đề điền địa, để tránh sự tranh chấp giữa chủ điền và tá điền: "Các ruộng cày cấy đã đem cầm cố có thể chuộc lại trong một thời hạn là 10 năm. Các vụ tương tranh về điền thổ không thể xin vua xét xử, sau một thời hạn 5 hay 10 năm".

"Phàm ruộng vườn bỏ hoang, đã có văn tự bán đứt, không được chuộc lại. Trái lệnh sẽ bị phạt 80 trượng".

"Các ruộng cày cấy hoặc bỏ hoang, đã có văn tự bán đứt, không được chuộc lại. Ai trái lệnh cũng phạt vạ cùng một tội.

"Kẻ nào tranh nhau ruộng, mà dùng dao đả thương hoặc đánh người đến chết sẽ bị phạt 80 trượng và bị tội đồ. Các ruộng, ao tương tranh sẽ phải đền cho người bị thương hay bị giết".[63]

Năm 1171, vua xuống chiếu cho các quan trong triều biên soạn quyển Địa Dư Toàn Quốc. Đây là cuốn sách địa lý đầu tiên của nước ta.

Luật nhà Lý đượm vẻ từ bi của Đạo Phật, không gay gắt như luật nhà Đinh. Trường hợp điển hình: 1) Nùng Trí Cao, sau khi bị bắt vì nổi loạn, mà cũng được khoan hồng, tha cho tội chết; 2) vua Chiêm Thành, là Rudravarman III, bị bắt; 3) vị trạng nguyên đầu tiên của nước Đại Việt là Lê Văn Thịnh mắc tội phản nghịch cũng được tha cho tội chết… Nhà Lý đã có một độ lượng khoan dung tột bực, về phương diện luật pháp: ngoài tội Thập Ác, tất cả tội khác đều có thể được chuộc bằng tiền.

Chính Lý Thái Tông đã có tinh thần pháp lý rất cao, khi nhận xét các tội nhân. Vua đã truyền lệnh bắt phải đối xử tử tế với kẻ tội nhân, vì có thể họ chưa được xét xử một cách công minh và còn đương trong tình trạng khả nghi. Nhân quyền đã được tôn trọng triệt để, chỉ vì họ vốn là một con người. Họ chỉ bị cô lập, mất tự do với bản thân trong sinh hoạt xã hội thôi, chứ họ vẫn phải được ăn no, mặc ấm, mà nếu đau ốm thì vẫn phải được chạy chữa. Nhà Lý đã có cái nhìn"nhân bản", đối với tội nhân. Vậy, tất cả mọi tội đều nên được khoan hồng.

Năm 1065, Lý Thánh Tông ngồi xử kiện ở điện Thiên Khánh, bên cạnh có công chúa Động Thiên đứng hầu, vua  đã chỉ vào công chúa mà biểu lộ lòng thương dân đến cực điểm bằng lời phán cùng các quan coi việc xử kiện: "Ta yêu con ta thế nào thì các bậc cha mẹ trong thiên hạ (họ) cũng yêu con cái họ như thế. Trăm họ vì không hiểu luật pháp nên phạm tội, ta rất thương xót! Vậy từ nay về sau, ta muốn rằng các tội, dù nặng hay nhẹ, cũng được xử một cách khoan hồng:[64]

Hình luật nhà Lý năng tính giáo hóa, cải huấn hơn là trừng trị. Tiền bạc có thể được sử dụng để chuộc một số tội. Như vậy, phạm nhân có thể được coi như là một bệnh nhân suy nhược thể xác và thác loạn tinh thần, cần được chữa trị chứ không bị tru diệt. Họ được khoan hồng và rồi có thể được các thân nhân dùng tiền chuộc ra. Như thế sự mãi lực của đồng tiền mới có giá trị hoạt lực rất mạnh, đủ kéo luôn sự phát triển thương mại lẫn vấn đề canh tác và tình thân yêu giữa các người thân thuộc. Ở các nước Âu Mỹ, sự tôn trọng nhân quyền chỉ mới có từ cuối thế kỷ 18 và mãi đến giữa thế kỷ 20 mới được Liên Hiệp Quốc công nhận.

Xã hội triều Lý có tính cách củng cố cho sự cường thịnh của quốc gia, nên yếu tố khoan hồng, giáo hóa và đoàn kết, xây dựng phải được chú trọng đặc biệt. Phương pháp cai trị của triều Lý không thể dùng con người luật gia "pháp trị" thuần túy như kiểu tư sản, phong kiến của Trung Hoa, trước thời đệ nhất thế chiến.

Đạo Phật đã ảnh hưởng rất rõ rệt vào luật pháp nhà Lý. Các nguyên tắc nhân quả và yếu tố cộng đồng như Tứ Nhiếp Pháp[65]đã được sử dụng triệt để. Nông dân có thể yên tâm làm ăn. Dù ai bị nghèo khổ có bất động sản phải đem cầm cố thì cũng có đủ thời gian làm ăn để chuộc lại. Như vậy người nông dân không còn lo bị phá sản. Ruộng hoang nếu được khai khẩn thì người khai khẩn không bị chủ ruộng đòi lại hoặc đối xử bất công. Đất là vàng [66]. Người dân canh tác không sợ bị ức hiếp tước đoạt và bần cùng hóa nữa. Bám vào đất để phát triển cuộc sống phú cường, con người sẽ có hạnh phúc.

Đời nhà Lý, về luật pháp có tính cách giáo hóa rất từ bi ở trong nước nhưng… trái lại, đối với ngoài nước, thì lại tùy nghi áp dụng một cách khắt khe, nhất là đối với nước lớn như Trung Hoa, khi phán quan Lê Văn Thịnh được cử sang nhà Tống đòi lại các đất mà người Tàu đã xâm chiếm ở biên cương, và các thổ ty ở nơi biên địa đã bội phản triều đình đem dâng vua Tống, khi Lý Thường Kiệt kéo quân sang đánh phá và đòi lại đất đai, thì chỉ được vua Tống thuận trả lại đất mà người Tống đã chiếm, còn đất do các người thổ ty dâng hiến thì không chịu trả.

Nhà Lý đã phải rất mệt nhọc khai hóa và bình định các người Việt gốc thiểu số. Vấn đề an sinh xã hội thật là phức tạp, thế mà nhà Lý đều vượt thắng được tất cả… Giáo lý từ bi trí tuệ của Đạo Phật đã tác hưởng trong đời sống tinh thần những người cầm quyền, khiến họ không lo trục lợi, hẹp hòi, biết nhìn thẳng vào trung tâm xã hội nông nghiệp là: (bằng mọi cách) phải tạo cho mỗi người dân đều có "công ăn việc làm", tức là chăm lo đời sống no ấm hạnh phúc của họ.

Nhà nước có luật pháp, nhưng luật pháp không quá khắt khe, e dân không chịu nổi sẽ bội phản. Mà nếu luật pháp lại quá lỏng lẻo thì kỷ cương phép nước thiếu hiệu năng. Mục đích của luật pháp nhà Lý có tính cách giáo hóa, răn đe hơn là trừng phạt, nên xã hội triều Lý từ vua, quần thần đến thứ dân (trong cả nước) ai nấy đều thực hành "Lục Hòa Pháp" [67] có tinh thần tín nhiệm lẫn nhau; từ bi yêu thương tràn ngập.

Đón đọc kỳ 5: Về kinh tế an sinh xã hội, Giáo dục và thi cử

Chú thích:

54] Ung Châu, như ta đã biết, đây là một cứ điểm quân sự quan trọng, đồng thời cũng là nơi dự trữ nhiều kho khí giới, lương thực của địch. Sau khi bị ta phá hủy và rút quân về nước an toàn, viên Chuyển vận sứ Quảng Tây là Lý Bình Nhật muốn tu bổ thành gấp, đã phải dùng đến năm vạn quân để sửa chữa và bắt dân Quảng Đông tới đắp lại thành. Nhưng đến tháng 4/1076, thành Ung Châu cũng chưa đắp xong, và đường vận lương thực cũng chưa thông, vì sông Ung Châu trước kia bị quân ta đổ đá lấp…
[55] Sách Quế Hải Chí kể rằng: Viên tri châu Quang Lang là phò mã, bị thua, bèn trốn vào trong rừng Động Giáp, rồi du kích hậu phương quân Tống. Rình lúc bất ngờ đánh úp quân địch làm chúng rất sợ hãi" (dẫn theo sách LTK).
Các châu kể trên đây do các tướng lĩnh thuộc Man Động cai quản như: Nùng Quang Lãm, Nùng Thịnh Đức coi ải Hà Nội; Hoàng Kim Mẫn và Sầm Khánh Tân giữ châu Môn; Vi Thẫm An giữ châu Tô Mậu; Lưu Kỷ coi Quảng Nguyên đã hàng. Duy có phò mã Thân Cảnh Phúc giữ châu Quang Lang (Lạng Sơn) không những không chịu hàng mà còn rút vào rừng đánh du kích, giết rất nhiều quân địch.
Những tướng lĩnh này trước kéo quân qua đất Tống, đánh rất giỏi. Rất tiếc, sau quân Tống tràn sang đánh báo thù ta, lúc đầu có cự chiến, nhưng sau vì thất trận và vì sự dụ dỗ, nên đã đầu hàng, thậm chí như Hoàng Kim Mẫn còn chỉ đường bày mưu cho địch.
SG. Hoàng Xuân Hãn,tác giả sách Lý Thường Kiệt đã bình phẩm: "Giả như các mặt trận đầu có quân trung châu, thì thế thủ xếp theo trận đồ của lý Thường Kiệt đã dàn ra, có lẽ đánh bại Tống từ đầu. Nhưng thổ quân các châu vội hàng trước đại quân Tống. Quân tiên phong không giữ nổi các ải. Cuối cùng là nhờ phòng tuyến sông Cầu khéo đặt, và thủy quân ta mạnh cho nên Lý Thường Kiệt đã ngăn cản được sức tiến công quyết liệt của Tống" (Sđđ). Quân Tống tiếp tục tràn xuống, theo đường tắt qua dãy núi Đâu Đỉnh, tới phía tây bờ sông Phú Lương; trong khi đó, một cánh quân tách ra, vòng sang phía đông đánh bọc hậu quân ta ở Giáp Khẩu (Chi Lăng) và thẳng tới sông Cầu – Theo sách LTK thì "sông Cầu từ địa phận Cao Bằng chảy đến Lục Đầu, hợp với sông Bạch Đằng. Từ Lục Đầu ra đến bể, là một cái hào sâu và rộng, che chở cho đồng bằng nước Việt để chống lại tất cả mọi cuộc ngoại xâm đường bộ từ Lưỡng Quảng kéo vào.
Đối với đường sá từ châu Ung tới Thăng Long, thì sông Bạch Đằng không can hệ, vì đã có sông Lục Đầu, là cái hào ngăn trước rồi. Trái lại, sông Cầu rất quan trọng. Thượng lưu sông Cầu qua vùng rừng núi rất hiểm. Chỉ có khoảng từ Thái Nguyên trở xuống là có thể qua dễ dàng, và qua rồi thì có đường xuôi. Nhưng sau sông, ở về phía tây có dãy núi Tam Đảo, là một cái thành không thể vượt. Chung qui chỉ có khoảng từ huyện Đa Phúc đến Lục Đầu là phải phòng ngự bờ nam mà thôi. Trong khoảng ấy, lại chỉ khúc giữa, từ đò Như Nguyệt đến chân núi Nham Biền, là có bến, có đường qua sông để tiến xuống miền nam một cách dễ dàng thẳng và gần.
Xét qua địa thế, ta hiểu rằng Lý Thường Kiệt đem chủ lực chặn con đường từ trại Vĩnh Bình đến sông Nam Định (sông Cầu) bằng cách đặt những doanh đồn và phục binh ở hai ải tiếp nhau: ải Quyết Lý ở phía bắc châu Quang Lang và ải Giáp Khẩu (Chi lăng) ở phía nam châu ấy. Nếu hai phòng tuyến ấy bị tan, thì phải cố thủ ở phòng tuyến thứ ba, tức là nam ngạn sông Nam Định.
Muốn cản quân Tống qua sông, Lý Thường Kiệt sai đắp đê nam ngạc cao như bức thành. Trên thành, đóng tre làm giậu, dày đến mấy từng. Thành đất lũy tre, nối với dãy núi Tam Đảo, đã đổi thế sông Nam Định và bờ nam ngạn ra một dãy thành hào, che chở cả vùng trung nguyên nước Việt, Thành hào ấy dài gần trăm cây số, hẳn khó qua và dễ phòng thủ hơn là thành hào một đồn lẻ như thành Thăng Long" (Sđd).
[56] Thuỷ binh Tống do Hòa Mân và Dương Tùng Tiểu chỉ huy đã bị thủy quân của ta, do Lý Kế Nguyên  điều động, chặn đánh ngoài khơi lối vào Vĩnh An.[57] Sách VĐUL chép: "Đang đêm, nghe tiếng vang trong đền đọc bài thơ ấy, quân ta đều phấn khởi. Quân Tống sợ, táng đảm, không đánh đã tan".
[58] Văn bia chùa Linh Xứng của thiền sư Pháp Bảo, đời Lý.
[[59] Lý Đào, Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên – dẫn theo sách Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn.
[60] Dẫn theo LSVN, thế kỷ X – 1427, qI tập 2.
[61] Cũng trong năm ấy, vua đổi niên hiệu là Minh Đạo và cho đúc tiền Minh Đạo. Đây là một bước ngoặt của sự chuyển biến mới của ngành Tư Pháp nước ta.
[62] Sở dĩ có lệnh cấm này là do thái hậu Linh Nhân đã nói với Lý Nhân Tông: "Gần đây, ở kinh thành, hương ấp có nhiều người trốn làm nghề trộm trâu, trăm họ cùng quẫn, mấy nhà cày chung một con trâu. Trước đây ta đã từng nói đến việc âý, triều đình đã có lệnh cấm. Nay giết trâu lại nhiều hơn trước."
[63] Dân Luật Khái Luận, nền pháp luật trong thời kỳ độc lập – Vũ Văn Mẫu.
[64] Bản chữ Hán chép trong VSL, ĐVSKTT:
[65] Tứ Nhiếp Pháp, tức là bốn pháp môn đối trị ở đời. Hay nói cách khác là: Bốn phương pháp cư sử thông thường mà người ta cần phải áp dụng nó trong những môi trường sinh hoạt tập thể, thường gọi là xã hội văn minh.
1.        Bố thí: sự tương trợ, cứu giúp người về mặt vật chất cũng như về tinh thần một cách không vụ lợi.
2.        Ái ngữ:  Lời nói hợp lý. Tức lời nói không giận hờn, đặt điều, xu nịnh, dèm pha, mà chỉ nói những điều chân chính, hòa ái.
3.        Lợi hành: Làm những việc hữu ích cho tự thể, tha nhân và cho cuộc đời.
4.        Đồng sự: phục dịch công vụ. Ai nấy nên đem hết khả năng mình ra làm việc công ích để cùng xây dựng một xã hội – người – văn – minh, giác ngộ và giải thoát (PTTH).
[66] Ca dao Việt Nam có câu:
…Công lênh chẳng quản bao lâu,
ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng.
Ai ơi, đừng bỏ ruộng hoang!
Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu.
[67] LỤC HÒA PHÁP:  Sáu phép "hòa ái" nhằm xây dựng một gia đình hạnh phúc và một xã hội bình đẳng, tự do, công lý. Nói cách khác là Khuôn Mẫu Sống cho tất cả những ai muốn sống một nếp sống văn minh tiến bộ:
                Nếp sống văn minh, tiến bộ:
1. Thân Hòa Đồng Trụ: cùng sinh sống trong một gia đình (nói riêng), một quốc gia (nói chung), mọi người nên có sự thương yêu, bao bọc cho nhau.
2. Khẩu Hòa Vô Tranh: không cãi mắng nhau, mà chỉ nên nói những lời khiêm cung, hòa ái để tạo một sinh khí đầm ấm trong gia đình và ngoài xã hội.
3. Ý Hòa Đồng Duyệt: Tâm, Ý thì luôn luôn trong sáng, vui vẻ…
4. Kiến Hòa Đồng Giải: Có những sáng kiến gì cũng đem ra thảo luận, trao đổi và sách tiến nhau để ai nấy cùng lĩnh hội.
5.  Giới Hòa Đồng Tu: cùng tôn trọng kỷ luật chung.
6. Lợi Hòa Đồng Quân: có của cải cùng nhau chung hưởng, quân phân một cách đồng đều, không có kẻ nhiều người ít, là mầm mống phát sinh sự bất hòa.

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here