"Ôn Trúc" là tiếng gọi thân mật, gần gũi của người Huế đối với cố đại lão Hoà thượng Thích Mật Hiển, nguyên Phó Pháp Chủ GHPGVN, Trú trì chùa Trúc Lâm-Huế, viên tịch ngày Rằm tháng Tư năm Nhâm Thân (1992) tính đến nay đã 17 năm, 17 mùa xuân rừng thiền xứ Huế vắng bóng cội tùng già tuyết sương đạo cốt, 17 năm vắng bóng một vị thiền sư đạo phong giải thoát, nhưng trí vô lậu hương thì vẫn thơm mãi trong tình cảm của bao Tăng, Ni, Phật tử và người dân xứ thần kinh.
Còn nhớ, ngày hành điệu cách đây hơn 26 năm, chùa tôi nằm giữa hai con đường Điện Biên Phủ và Phan Bội Châu, nơi tập trung nhiều ngôi chùa nên quý ôn quý thầy đi làm Phật sự đều qua hai con đường này. Những hình ảnh, những âm thanh, những đặc điểm mỗi người đã huân tập trong tâm thức của tôi. Hồi đó ở Huế chỉ có ôn Trúc có chiếc xe “Hoa Kỳ” màu trắng kiểu xe dài mà thấp rất đẹp, tiếng máy nổ êm, tiếng còi kêu hay, thiền, đặc trưng. Thường xe ôn chạy rất chậm (khoảng 30km giờ) nên mọi người rất dễ trông thấy và đứng lại nhường đường chờ xe ôn qua rồi mới đi, từ đó có nhiều câu chuyện hay về thiền tích lắm.
Trông vào xe có khi mọi người nhìn thấy chú Sang (nay là thầy Tâm Phú) lái chở ôn ngồi ghế sau, tuy nhiên mỗi khi chú Sang lái, thì mọi người đi đường ít nhận ra ôn hơn và nếu có ai nhận ra thì nét mặt buồn buồn, có lẽ hôm nay ôn mệt nên chú Sang mới lái xe chở ôn đi…Hầu như mọi người dân sống trong vùng từ văn phòng Ban Trị sự tại chùa Từ Đàm lên tới chùa Trúc Lâm khoảng 4km ai ai cũng trông chờ ôn tự lái xe hơn, bởi mỗi khi ôn tự lái có khi cách hai ba trăm mét người ta đã dừng lại bởi ôn chạy rất chậm mà ngay ngắn, với lại ôn hay bấm một tiếng còi mỗi khi có chướng ngại nên mọi người rất dễ nhận biết. Mỗi lần nghe là chúng tôi lại nói với nhau “ôn Trúc ra Văn phòng vô rồi” (thường là 10 giờ sáng), thế là chúng tôi phải vào bếp lo buổi Ngọ trai,. Dân trong vùng cũng rất ngóng chờ tiếng còi xe của ôn bởi ai cũng nghèo, ít ai có được chiếc đồng hồ đeo tay mà thường là nhìn trời, nhìn bóng cây để nhận biết thời gian, có tiếng còi xe của ôn Trúc ra vô Văn phòng mọi người sướng lắm, yên tâm làm việc mà khỏi mất công trông ngóng trời đất, làm được nhiều việc, nên ai ai cũng rất nhớ ôn vào những ngày chủ nhật (vì chủ nhật Văn phòng không làm việc).
Cố Đại lão Hoà thượng Thích Mật Hiển
Cứ thế, hình ảnh ôn Trúc rất thân thiện, gần gũi với người dân Huế, mỗi khi lâu ngày không thấy xe ôn đi qua, không nghe được còi xe của ôn là người ta tìm đến chùa Trúc Lâm để thăm ôn. Mỗi lần như thế ôn đều cười rất độ lượng và mọi người được sống gần gũi với ôn trong vài giờ đồng hồ và được biết thêm nhiều điều thiền vị cũng như đạo nghiệp của ôn là hạnh phúc lắm. Mọi người thường hay khen bì với quý thầy, quý chú điệu trong chùa Túc Lâm rất sung sướng bởi hàng ngày được ôn dạy cho những điều kiệm, cần, giản, dị. Ôn thường dạy mọi người noi gương tổ Bách Trượng sống đời sống nông thiền, vừa tự túc cơm áo khỏi luỵ đến đàn-na, vừa giữ được chí khí thanh cao, an bần lạc đạo. Đối với thiện tín, ôn thường xuyên tới lui thăm viếng, ân cần giáo giới bảo ban, thắt chặt đạo tình thân thương gần gũi giữa Tăng già và Phật tử.
Tôi thường nghe say đắm mỗi khi các Thầy, các chú điệu, hay những đạo hữu kể về những câu chuyện ôn Trúc Lâm độ chúng bằng tấm lòng Bồ tát. Người có thiện duyên mà thiếu phước phần thì ôn cho quy y đưa vào nẻo đạo; kẻ có phước phần mà bị ma chướng, đảo điên thì ôn xử dụng mật pháp giải ách, trừ tai đưa họ trở lại thế đạo bình thường; đối với hạng phàm phu hung dữ ôn dùng pháp nộ để răn đe, nghiêm trị chuyển hoá tâm thức họ tu hành hướng thiện.
Tam quan chùa Trú Lâm
Câu chuyện “Ôn Trúc Lâm hoá độ chàng Mô” có lẽ là thú vị hơn hết. Mô là một anh thanh niên sống trong vùng gần chùa Trúc Lâm, bị bịnh thần kinh co giựt, và cà lăm lại có thói quen chửi tục trước khi nói điều gì, mỗi khi nghe ai bày gì là anh chàng làm theo vậy. Một hôm anh chàng nghe mấy anh chăn trâu xúi dục “mi vô lạy ôn Trúc, xin ôn dạy võ cho”- ôn Trúc Lâm nổi tiếng giỏi võ, giới võ lâm Huế rẩt kính phục, dân Huế ai cũng biết – nghe thế, anh chàng chạy vào chùa “vừa dựt dựt vừa chửi tục: thưa ôn, xin ôn dạy võ cho con với” thế là anh chàng bị lãnh một cước của ôn. Anh chàng chạy ra định trút giận lên mấy chàng kia thì lại bị mấy anh lừa tiếp “tại cậu ngu, ai bảo cậu chửi tục làm chi” thế là chàng Mô lại chay vô chùa, bấy giờ không chửi tục nữa mà là “thưa ôn, ôn dạy võ cho con với”, lần nầy thì chàng ta được tiếp nhận bằng một ánh mắt trừng tâm và được ôn độ cho. Sau nầy chàng Mô biết sống đàng hoàng hơn, biết lấy vợ sinh con bắt kịp với thế đạo nhân tình hơn nhiều lắm.
Quý thầy thường hay ngồi kể chuyện về ôn Trúc cho chúng điệu lấy đó làm gương mà tu hành . Như đối với Giáo hội Ôn không những là người đã dày công tạo dựng, duy trì mà còn giữ được nền nếp kỷ cương, đối với Tăng, Ni, ôn sách tấn việc tu học, khuyên giữ vững niềm tin trước những cơn bảo táp, phong ba. Giữa chúng Giáo hội, ôn thường có những câu nói mộc mạc nhưng ẩn tiềm năng lực vô uý “đời có nhiều cái để mất, nhưng thầy tu có gì mà mất, làm thầy tu thì đừng sợ chết, sợ chết thì đừng làm thầy tu…!”. Suốt cuộc đời tu hành thân hành ngôn giáo, quyền biến cơ tuỳ, ôn nêu cao phẩm hạnh sống đời đạm bạc, tri túc, tri chỉ; phú quý chẳng màng, uy vũ chẳng khuất!
Câu chuyện hay nữa mà tôi được quý thầy kể cho nghe là ôn biết giọng tụng kinh hay dễ làm luỵ người, ôn đã tự huỷ thanh quãng! các kỳ lão trong làng cổ nhạc thường tán thán, kính trọng khí độ đại nhân trong tiếng trống của ôn – cái tài ấy Ôn cũng bỏ đi! ở cõi nắng tía bụi hồng, đốm hoa, mây nổi này dễ gì dính được chéo áo của bậc xuất trần thượng sĩ. Từ ngày đồng chơn nhập đạo đến lúc trút bỏ nhục thân như huyễn ôn đã hiến trọn thân thể mình cho đạo pháp, biểu hiện viên mãn phẩm hạnh chân tu giữa thế gian ngũ trược.
Bảo tháp cố Đại lão Hoà thượng Thích Mật Hiển
Từ sau khi ôn Trúc viên tịch, hai con đường Phan Bội Châu và Điện Biên Phủ đã có quá nhiều xe của quý ôn, quý thầy qua lại, và cũng nhiều lắm những màu sắc và tiếng còi xe inh ỏi. Nhưng dường như tất cả đã bị hoà loãng đi trong thanh sắc của dòng đời thế tục chẳng gợi cho tôi điều gì cả. Nhưng mỗi lần bắt gặp chàng Mô đạp xe đi bán vé số là tôi nhớ đến ngày ôn Trúc viên tịch Rằm tháng Tư năm Nhâm Thân, 1992. Ngày đó chàng Mô buồn và khóc nhiều lắm.
Nguyên Nguyên