Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Gia đình Phật tử: đâu là điểm yếu, điểm mạnh, thách thức...

Gia đình Phật tử: đâu là điểm yếu, điểm mạnh, thách thức và cơ hội phát triển?

110
0

Gia đình Phật tử Việt Nam (GĐPT) hiện nay đang có những ưu, khuyết điểm gì? Đối mặt với những thách thức nào và có nhiều cơ hội phát triển hay không? Website Liễu Quán trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả những phân tích của Huynh trưởng Quảng Tâm Tôn Thất Kỳ Văn, phần tiếp theo của loạt bài "Cần phải cải cách tổ chức GĐPT" mà chúng tôi đã giới thiệu.

Trong bối cảnh thực tế hiện nay, những thông tin thống kê về GĐPT một cách khách quan như chúng tôi đã trình bày ở các bài trước có thể nói hoàn toàn là con số 0! Vì vậy,  chúng tôi đành phải chấp nhận những thiếu sót này và đi vào phân tích thực trạng của GĐPT dựa vào các thông tin chủ quan của các tác giả Trần Kiêm Đoàn (2006, 2007, nguồn đã dẫn), Đạo Quang – Minh Tuệ (2006) và Trần Trọng Hoàng (2006), Huỳnh Quốc Tuấn (2008), Lê Hà Thọ (2008)  và của chúng tôi viết về GĐPT đăng trên các báo như Giác Ngộ, Văn Hóa Phật Giáo và website trong nước như Phật Tử Việt Nam, Diễn đàn Lam GĐPT VN.

Theo các tác giả trên, GĐPT hiện nay đang có những điểm mạnh, điểm yếu, thách thức và cơ hội sau:

 Điểm mạnh

   1. GĐPT là một tổ chức nằm trong lòng GHPGVN, hoạt động phù hợp hiến pháp và pháp luật.
   2. Có mục đích hoạt động thiết thực, rõ ràng, có cơ cấu tổ chức quy củ, chặt chẽ từ trung ương đến địa phương.
   3. Có chương trình huấn luyện, tu học sinh hoạt của đoàn sinh và HT rõ ràng, bài bản, theo thứ bậc…
   4. GĐPT có lịch sử lâu đời hơn 60 năm và trải qua nhiều thăng trầm nhưng sự tồn tại của GĐPT cho đến thời điểm này là một bằng chứng cho thấy GĐPT vẫn nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân và Giáo hội vì đã đóng góp tích cực vào công cuộc giáo dục thanh thiếu niên và hộ trì Tam bảo, xiển dương chánh Pháp. GĐPT hoạt động trên tinh thần những người Phật tử, với chiếc áo Lam hoà nhã nên đã tạo niềm tin cho cộng đồng về tư cách và tác phong của những người áo Lam.
   5. Có một đội ngũ huynh trưởng, đoàn sinh hùng hậu, đa dạng khắp các vùng miền, với sự góp sức của những anh chị cao niên, là những người có tâm huyết với GĐPT và rất nhiều anh chị huynh trưởng khác sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân để phục vụ cho công tác Phật sự.
   6. Lực lượng chính kế thừa cho mái nhà Lam duy trì và phát triển là dựa trên nòng cốt của những người thân, con cháu bạn bè của những huynh trưởng, đoàn sinh GĐPT đã và đang sinh hoạt dưới mái nhà Lam, cùng với những người quan tâm đến thịnh suy của GĐPT, hơn ai hết họ là người am hiểu về GĐPT. Họ là những người mà GĐPT cần phải củng cố mối dây liên lạc, cũng như xây dựng niềm tin nơi họ khi họ gửi gắm con em vào tổ chức.

Điểm yếu

1.      Phạm vi hoạt động nhỏ hẹp: GĐPT mới chỉ phổ biến tại 16 tỉnh miền Trung và Nam Bộ, so với hàng triệu thanh niên Phật tử tại 64 tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngay trong 16 tỉnh, thành phố đã nêu, tỉ lệ tiếp cận thanh thiếu niên Phật tử chỉ vào khoảng 5% là một minh chứng rõ rệt cho điểm yếu này.

2.      Đoàn sinh GĐPT đa số là những thanh thiếu niên nhi đồng Phật tử truyền thống, tức là các em sinh ra trong gia đình có theo đạo Phật một cách rõ ràng, như trong nhà có bàn thờ Phật, cha mẹ có quy y, định kỳ đi chùa lễ Phật và cúng dường Tam bảo, hoặc trong gia đình có người thân, người quen biết sinh hoạt GĐPT hoặc khuôn hội. Trong khi đó một số lượng lớn các thanh thiếu niên, nhi đồng theo tác giả Đạo Quang gọi là “Phật tử tiềm năng” chiếm số lượng rất lớn hơn nhiều so với nhóm Phật tử truyền thống thì GĐPT chưa thu hút được. Tác giả Đạo Quang cho rằng theo một số thống kê nói rằng hơn 70% dân số Việt Nam theo đạo Phật hoặc chịu ảnh hưởng của đạo Phật. Những người chịu ảnh hưởng bởi đạo Phật thường là những người có thờ cúng tổ tiên, thường xuyên đi chùa lễ Phật vào ngày rằm, mùng một nhưng chưa hiểu đạo. Một số khác, đặc biệt là thanh niên mặc dù không đi chùa nhưng lại có nhiều cơ hội tiếp cận với đạo Phật qua sách, báo, băng đĩa, đặc biệt là thông tin Phật giáo trên internet. Họ học đạo theo cách của tuổi trẻ: ham hiểu biết, tò mò, muốn so sánh, đối chiếu các tư tưởng, học thuyết, tôn giáo. Đối với nhóm Phật tử tiềm năng này, tiếc thay chúng ta chưa có chiến lược gì để thu hút các thanh niên đó.

3.      GĐPT chủ yếu sinh hoạt theo các tự viện, theo gia đình, thích hợp chủ yếu với những thanh thiếu nhi theo đạo Phật từ truyền thống gia đình như đã nói ở trên. Sau khi các em lớn lên, trở thành thanh niên, đi học phổ thông, cao đẳng, đại học, học nghề, đi làm, lập gia đình… việc sinh hoạt trong GĐPT gặp rất nhiều hạn chế, nhất là về thời gian, nội dung và hình thức sinh hoạt không còn phù hợp. Chỉ số ít phát triển lên vị trí huynh trưởng tiếp tục sinh hoạt và đóng góp cho GĐPT.

4.      Đại đa số đoàn sinh bây giờ là các em ngành Oanh và một số ít là ngành Thiếu. Đặc biệt là ngành Thanh (dành cho thanh thiếu niên từ 18 tuổi trở lên) lại rất ít hoạt động trong GĐPT, trong khi đó, về mặt xã hội thì ngành Thiếu và ngành Thanh phải là lứa tuổi năng động và tiềm năng nhất cho hoạt động của bất kỳ tổ chức nào.

5.      Chương trình tu học sinh hoạt, huấn luyện ĐS và HT đã cũ và chưa cập nhật kịp với những thay đổi của cuộc sống hiện tại. Phật pháp được giảng dạy khô khan, cứng nhắc, dùng quá nhiều từ Hán Việt, nặng về từ chương mà ít tính thực hành.

6.      Muốn tổ chức mạnh thì lãnh đạo phải mạnh, tuy nhiên chất lượng của huynh trưởng cầm đoàn ở các nơi yếu và thiếu. Nhiều nơi, trình độ văn hoá của huynh trưởng còn nhiều hạn chế so với trình độ của đoàn sinh, tư cách đạo đức của huynh trưởng cũng chưa phải đồng đều và chuẩn mực cho các em noi theo. Huynh trưởng có tâm rất nhiều, nhưng huynh trưởng có cả tâm và tài thì quá thiếu. Do vậy, có nơi, tính kỷ luật và sự tôn trọng của đoàn sinh đối với huynh trưởng ngày càng giảm.

7.      Sự chênh lệch vùng miền giữa GĐPT nông thôn và thành thị về nhiều mặt cũng rất đáng quan tâm.

Nói tóm lại, nếu xem GĐPT với tư cách là một tổ chức của tôn giáo và một tổ chức của tuổi trẻ thì có thể nhận xét là phương pháp truyền giáo của tổ chức tôn giáo này đã lạc hậu còn phương pháp hoạt động của tuổi trẻ đã không còn đáp ứng được nhu cầu của đa số giới trẻ. GĐPT hiện tại đang trao đến các em thanh thiếu niên những cái GĐPT “đang có” chứ không phải những cái các em “đang cần”.

Thách thức

1.      Tuổi trẻ Phật tử còn phải bận bịu với mưu sinh, lập thân, lập nghiệp, làm giàu, không có nhiều thời gian cho học đạo, tu tập. Dù GĐPT có cải cách nhiều nhưng chưa chắc đã có thể thu hút được thêm đoàn sinh và phát triển hoạt động rộng khắp.

2.      Các thế hệ huynh trưởng có tuổi đã quá quen thuộc với phương pháp huấn luyện, truyền đạt theo kiểu cũ nên sẽ khó thích nghi và làm quen với những thay đổi mới. Điều này cũng đúng đối với các vị tu sĩ khi có nhu cầu phải thay đổi phương pháp hoằng pháp thì quý thầy, quý ni cũng rất khó thích nghi.

3.      Trong khi đó, nguy cơ bị chia rẻ, gây mất đoàn kết nội bộ vẫn luôn thường trực. Điển hình là trong nước vẫn tồn tại hai tổ chức GĐPT sinh hoạt theo hai Giáo hội Phật giáo, một tổ chức được xem là hợp pháp và một chưa hợp pháp.

4.      Có quá nhiều giá trị sống ngoài xã hội cũng khiến một số thanh niên Phật tử chao đảo, nhất là khi quý Tăng Ni chưa có sự hướng dẫn hoặc chưa thể hiện được sự oai nghi, đạo hạnh. Nhìn chung, vấn đề thân giáo của Tăng Ni và các huynh trưởng là một thách thức lớn.

5.      Hiểu biết lệch lạc về những giá trị của Phật giáo ngoài xã hội còn khá phổ biến. Thật vậy, bộ ba tai họa đối với tôn giáo mà Mark J. Kinley đã nói: Thế tục hóa tôn giáo, Mê tín hóa tôn giáo, Kinh tế hóa tôn giáo cũng không chừa đạo Phật.

6.      Một số quý thầy, quý sư cô dù rất thương GĐPT nhưng do không hiểu hệ thống của GĐPT nên đã can thiệp sâu vào nội bộ GĐPT, tạo sự mất liên lạc giữa các đơn vị cũng như giữa đơn vị với Phân ban Hướng dẫn Tỉnh và TW.

7.      GĐPT phải đối mặt với một thách thức (hay có thể xem là cơ hội hợp tác??) lớn là sự ra đời của các tổ chức hoặc mô hình tập hợp thanh thiếu niên Phật tử khác, ví dụ Đạo tràng tu học Phật Pháp, Diễn đàn trực tuyến; Câu lạc bộ đoàn, đội, hội; Chương trình, dự án. Trong tương lai, GĐPT có thể sẽ chỉ là một trong nhiều mô hình tập hợp thanh thiếu niên Phật tử mà thôi và phải cạnh tranh với những tổ chức tập hợp thanh niên Phật tử khác có hình thức tổ chức và nội dung sinh hoạt hấp dẫn, thu hút giới trẻ hơn GĐPT.

Cơ hội phát triển

1.      GHPG VN luôn ủng hộ và bảo trợ cho tổ chức GĐPT.

2.      Sự phát triển kinh tế, xã hội nhanh chóng của VN, tình hình ổn định của xã hội, đời sống của nhân dân cải thiện, sự tham gia hội nhập của đất nước với bạn bè thế giới là chất xúc tác quý báu.

3.      Lòng yêu mến Phật giáo càng ngày càng sâu sắc của đông đảo quần chúng, sự quan tâm Phật giáo của các thành phần xã hội tiếp thêm sức mạnh để Phật giáo phát triển.

4.      Các quý đạo hữu, ban hộ tự, khuôn giáo hội và các gia đình có truyền thống Phật giáo luôn ủng hộ GĐPT.

5.      Vẫn còn nhiều đoàn sinh, huynh trưởng GĐPT hết sức tâm huyết, sẵn sàng sống chết hết mình với tổ chức. Tình lam đã gắn kết keo sơn các thế hệ huynh trưởng, đoàn sinh GĐPT nên vẫn còn có rất nhiều các bậc trưởng lão, tiền bối trong tổ chức GĐPT hy sinh rất nhiều thời gian, tiền tài, công sức để lo lắng cho sự phát triển và tồn vong của GĐPT, từ trung ương cho đến địa phương.

6.      Các huynh trưởng trẻ có năng lực, với sự hỗ trợ và dìu dắt của các huynh trưởng lớn đang dần dần tìm cách vực dậy và phát triển hơn nữa phong trào GĐPT cho phù hợp với xu thế thời đại. Đây đó các đơn vị GĐPT đã tự tìm cách đổi mới phương thức tổ chức sinh hoạt để hấp dẫn tuổi trẻ hơn.

7.      Các bài học về phát triển các tổ chức thanh thiếu niên tôn giáo và phi tôn giáo ở các nước là các cơ hội rộng mở để GĐPT học tập và tìm tòi áp dụng. Đây là cơ hội giao lưu học hỏi với các nước khi VN càng ngày càng hoà nhập sâu hơn với các nước trong khu vực và trên thế giới.

 Các phân tích trên đây cho thấy thực tế hiện nay GĐPT đang có nhiều nhược điểm mang tính lưu cữu cần giải quyết sớm và cũng phải đối mặt với muôn vàn trở ngại từ bên ngoài, đôi khi có thể có những trở ngại vượt quá tầm hiểu biết và giải quyết của chúng ta. Nhưng bên cạnh đó, GĐPT cũng có những sức mạnh nội tại đã được chứng minh và thử thách bởi thời gian và những cơ hội tiềm tàng đang chờ chúng ta khai thác mà bối cảnh hiện tại hoàn toàn thuận lợi cho chúng ta nắm bắt.

 Quảng Tâm Tôn Thất Kỳ Văn

 (Kỳ cuối: Cần sớm thành lập Nhón nghiên cứu cải cách GĐPT)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here