Nếu Ban thường trực HĐTS bình tĩnh, vì lợi ích chung công cử Hòa thượng Thích Trí Quảng vào chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS (thậm chí vị trí Chủ tịch HĐTS), kiêm Trưởng ban Tăng sự và một vị Thượng tọa nào đó vào chức vụ Phó Chủ tịch HĐTS thay chức vụ của Hòa thượng Thích Trí Quảng, thì đó mới là hành vi có trách nhiệm đối với tương lai
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức được Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII đúng như lịch trình. Đại hội được xem là “thành công” ở mức bình thường so với 6 nhiệm kỳ đã qua. Bởi hình thức trang trí, kèm theo những màn chào mừng văn nghệ, thuyết giảng, triển lãm, nghi thức đón rước, suy tôn diễn ra trong vòng 96 giờ đồng hồ ấy, dù có phần màu sắc hơn, nhưng chưa nói lên được những tin tưởng, lạc quan cho một nhiệm kỳ mới (5 năm) với nhiều những thách thức đang đón chào Giáo hội ở phía trước.
Sửa chữa những thiếu sót của nhiệm kỳ trước, hình thức suy tôn Đức Pháp chủ đã diễn ra xúc động qua lời huấn thị của Đức Pháp chủ. Hòa thượng Thích Đức Nghiệp đã chuyển được tinh thần và phần hồn của lời huấn thị ấy qua giọng đọc xuất thần của mình. Chắc chắn Tăng Ni, Phật tử sẽ ghi nhớ mãi điều này.
Tuy nhiên, theo Hiến chương Giáo hội, Đức Pháp Chủ sẽ tại vị trọn đời, nên đúng ra không cần phải diễn lại hình thức suy tôn sau mỗi nhiệm kỳ, mà Ngài chỉ cần xuất hiện trong những thời khắc quan trọng của Đại hội để ban đạo từ, gửi thông điệp là đủ.
Đáng nói, thu hút sự chú ý của đa số Tăng Ni, Phật tử không phải ở những hình thức trang hoàng kia, mà là sự vắng mặt của ngài Chủ tịch HĐTS và ngài Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Trưởng ban Tăng sự Trung ương.
Sự vắng mặt ấy trở nên không bình thường và đó cũng là điểm không thành công nhất của Đại hội nhiệm kỳ VII. Bởi chưa có một kỳ đại hội nào mà hai chức danh quan trọng nhất trong HĐTS lại vắng mặt. Như vậy có khác gì một đoàn tàu đang chạy mà không có đầu tàu kéo. Sự vắng mặt này chỉ ra những khủng hoảng, yếu kém trong công tác nhân sự của Giáo hội, và cho thấy sự lo lắng, thiếu tự tin của một nhóm lợi ích khi cố bảo vệ quan điểm “lưu nhiệm” trước thực tiễn Hiến chương đã được tu chỉnh về quy định tuổi tác, nhiệm kỳ, kiêm nhiệm…
Những chia rẽ, đổi thay nhân sự tại các đại hội tỉnh thành vừa qua, phần nào minh chứng cho sự bất ổn trong khâu quy hoạch nhân sự, tạo tiền đề cho việc “chạy chức, chạy quyền” một cách lộ liễu. Chưa bao giờ màn “chạy” nhân sự lại ồn ào và tạo ra nhiều dư luận trái chiều như nhiệm kỳ này. Rõ ràng, như chúng tôi từng phân tích, sự thiếu vắng một người “cầm trịch” như Hòa thượng Thích Thanh Tứ đã bộc lộ những khoảng trống quyền lực (sự quyết đoán) chưa thể lấp đầy. Chủ đề “Ổn định – Kế thừa – Phát triển” đã tự bộc lộ những khủng hoảng, mà nhẽ ra trong xu thế chung nó đang cần sự hy sinh lợi ích cá nhân, đột phá mạnh mẽ, để không lỗi nhịp với bước đi thời đại.
Vẫn chưa có những tìm hiểu, đánh giá độc lập của các các cơ quan chức năng quản lý tôn giáo, cũng như Ban Tăng sự Giáo hội đối với hiện trạng phân chia ghế, phân chia lãnh địa, đi kèm theo các quyền lợi khác nhau như đã và đang diễn ra. Tình trạng cơ cấu nhân sự theo phân phối “đệ tử ruột”, “đệ tử y chỉ”, “cơ cánh” đang tạo ra sự ảo tưởng về quyền lợi cho các thế hệ đi sau, không hoàn toàn độc lập, khách quan và dân chủ. Từ đó, dẫn đến hình thành thói quen chạy chức, chịu chung chi, bao cấp để lấy lòng cấp trên…
Hình thức “công cử” núp dưới uy quyền của một vài cá nhân trong Giáo hội không giúp giải quyết được điều gì cho cái gọi là “ổn định”, “kế thừa” và “phát triển” ấy.
Hệ quả nhãn tiền là đại biểu đã bị tước mất quyền biểu quyết ngay trong Đại hội. Dẫu biết rằng, dù có giơ tay biểu quyết thì nhân sự cũng đã được ấn định, chẳng thay đổi được gì, nhưng bao giờ hình thức cũng phản ánh một nội dung nào đó. Sự tôn trọng tối thiểu dành cho đại biểu là điều không được phép quên trong bất kỳ đại hội nào.
Chính vì sự vắng mặt của nhị vị đứng đầu HĐTS mà nhân sự được rút ra ném vào một cách tùy tiện, cảm tính cho đến giờ phút cuối. Nhưng người ta vẫn không khỏi nghi ngại, liệu các ngài hiện diện thì có thay đổi được điều đó không? Chức vụ là trách nhiệm để phục vụ Giáo hội, Tăng Ni, Phật tử và phụng sự đạo pháp, dân tộc, chứ không phải chạy cho bằng được nó để dọa nạt, hơn thua với nhau.
Cá nhân tôi rất ấn tượng với Thượng tọa Thích Thanh Quyết (dù chưa một lần giáp mặt), bởi Thượng tọa đã chiến thắng chính mình khi dũng cảm gửi lá thư sám hối tới Thường trực HĐTS. Xét dưới khía cạnh cơ cấu, giới thiệu và sắp đặt nhân sự (dù có sự can thiệp từ bên ngoài hay bên trong) thì Giáo hội, nếu vì lợi ích chung, cần phải nhanh trí xứ lý lá thư sám hối ấy, bằng cách áp dụng nguyên tắc nâng đỡ “Win-Win” (cả hai cùng thắng).
Bởi ngay từ khi bắt đầu cuộc vận hành, Giáo hội chúng ta đã “sắp đặt” chỗ ngồi cho chính quyền trong bất cứ cuộc họp nào của Giáo hội. Đó vừa là sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau, vừa là sự thống nhất về tổ chức và chỉ đạo (dù còn có những ý kiến khác).
Đáng tiếc, cái cơ chế “cùng tham dự” ấy chưa phải là một quy hoạch chiến lược thực thụ từ cả phía Chính quyền lẫn Giáo hội, nên dẫn đến tình trạng trống đánh xuôi kèn thì thổi ngược trong cơ cấu nhân sự như vừa qua. Và như vậy, trong những đại hội tiếp theo, thế hệ đi sau có nguy cơ đi vào vết xe đổ của màn kịch hậu trường nhân sự ấy.
Nếu đã khẳng định vai trò quyết định thuộc về Giáo hội (Tăng già), thì khâu tổ chức nhân sự không cho phép tự ý chia ghế, đưa người thân của mình vào núp dưới danh nghĩa “công cử” theo cảm tính (yêu ghét) của một vài lãnh đạo có chức vị cao trong Giáo hội.
Khi Giáo hội không có toàn quyền tự chủ và Tăng Ni, Phật tử không được bầu trực tiếp lãnh đạo của mình, thì việc đề cao truyền thống sơn môn và hình thành cơ chế ràng buộc nhau trong tổ chức Phật giáo sẽ tránh được tình trạng tha hóa, độc tài về mặt quyền lực. Vì thực tế, bất kỳ cuộc “đấu ghế” nào, nếu không áp dụng nguyên tắc “cả hai cùng thắng” (lợi hòa đồng quân) thì sẽ dẫn đến chia rẽ, mất đoàn kết, không thể dung nhau, để lại những tổn thương trầm trọng cho tổ chức Giáo hội.
Về nhân sự, nếu đã đi theo nguyên tắc đúng nghĩa công cử thì phải do ban, ngành, viện, và ban trị sự tỉnh thành giới thiệu. Vì chính họ mới biết ai là người làm việc được, ai là người hữu danh vô thực. Đương nhiên, ở chừng mực nào đó, việc công cử lãnh đạo không thể bỏ qua vai trò tham mưu từ phía chính quyền. Tuy nhiên, tổ chức nhân sự đại hội VII diễn ra tùy tiện khi đã tổ chức đại hội được 2 ngày rồi mà nhân sự cả ủy viên chính thức lẫn dự khuyết vẫn được luồn vào một cách vô tổ chức, không theo nguyên tắc nào cả.
Nếu nhìn nhận sự “đề bạt” nào đó cho Thượng tọa Thích Thanh Quyết, hay bất kỳ Thượng tọa trẻ tuổi nào khác vào chức Phó Chủ tịch HĐTS, là sự “can thiệp vào nội bộ” Giáo hội, thì đó chỉ là một góc nhìn khác. Bởi trở về với Đại hội VI, với 3 chức vụ Phó Chủ tịch HĐTS được trao (thực chất cũng là “đề bạt”) cho hàng Thượng tọa (nay đều đã được tấn phong Hòa thượng), thì ở khóa VII này, lại không có một vị Thượng tọa nào đứng vào chức vụ đó để chứng minh cho những tuyên bố ủng hộ “tre già măng mọc”, trẻ hóa nhân sự…
Như vậy, cùng một vấn đề như nhau, nhưng hai kỳ đại hội lại gửi đến đại biểu hai thông điệp vừa rất bình thường, vừa rất bất thường. Đâu là nguyên nhân, đâu là hệ quả? Không thể bỏ qua khái niệm “lợi ích nhóm” trong cuộc vận động hành lang để “đấu ghế” này. Tăng Ni, Phật tử chỉ mong có một lãnh đạo có tầm nhìn, độ lượng hơn người, bỏ qua mọi mâu thuẫn để điều hòa lợi ích trong bộ máy Giáo hội.
Bởi thực tế, trong khi ai đó quyết liệt tạo dư luận tiêu cực nhằm xúi giục, kích động để gạt Thượng tọa Thích Thanh Quyết ra khỏi cơ cấu nhân sự lãnh đạo Giáo hội, thì có không ít ủy viên HĐTS và Ủy viên dự khuyết lại được đưa vào, gạt ra một cách tùy tiện. Đây là một mâu thuẫn trong ứng xử.
Gặp gỡ các đại biểu tỉnh thành, ai cũng có thể hình dung, trước đó đã xuất hiện sự can thiệp của một số nhân vật có tiền và có quyền trong Giáo hội, nhằm chi phối nhân sự ở nhiều tỉnh thành, gây nên những sóng gió mất đoàn kết, phá hỏng sự “ổn định” sinh hoạt tại các địa phương, tạo hiệu ứng bất mãn dây chuyền. Trong khi chiến lược phát triển của Giáo hội nhẽ ra phải bắt đầu ổn định từ cấp cơ sở, nhằm củng cố niềm tin của Tăng Ni, Phật tử.
Rõ ràng sự yếu kém trong điều hành, quản lý của Trưởng ban Tăng sự và cả bộ máy của ban này đã dẫn đến hiện trạng và hệ quả lạm quyền, làm trái chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong khâu tổ chức nhân sự như vừa qua.
Nếu Ban thường trực HĐTS bình tĩnh, vì lợi ích chung công cử Hòa thượng Thích Trí Quảng vào chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS (thậm chí chức vụ Chủ tịch Hội đồng Trị sự, và theo đó HT. Thích Thiện Nhơn vào vị trí Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS), kiêm Trưởng ban Tăng sự và một vị Thượng tọa nào đó vào chức vụ Phó Chủ tịch HĐTS thay chức vụ của Hòa thượng Thích Trí Quảng, thì đó mới là hành vi có trách nhiệm đối với tương lai của Giáo hội, vừa không làm nản lòng Tăng Ni, Phật tử, vừa điều hòa mâu thuẫn, tạo ra nhiều khởi sắc, sinh khí, cũng như tiếng nói khác trong Giáo hội.
Thực sự, chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy người biết hy sinh lợi ích cá nhân của mình cho điều đó, mà chỉ nhìn ra sự trả đũa và hỉ hả vặt vãnh.
Khi lĩnh vực nhân sự rơi vào sự điều khiển của những người không nằm trong Ban Tăng sự thì điều gì sẽ xảy ra? Còn rất nhiều vấn đề cấp bách mà Giáo hội cần phải giải quyết, trong khi một số nhân vật “nguy hiểm” (có thể điểm mặt, đặt tên) lại can thiệp vào nhân sự của nhiều tỉnh thành, sắp đặt gây rối, dẫn Giáo hội đi vào tình trạng bè phái…
Nếu không kịp thời điều chỉnh, thì sẽ tạo ra sự bất ổn lâu dài, mất rất nhiều thời gian để sửa chữa. Do đó, cần phải thẳng thắn đặt ra vấn đề tham nhũng, lạm quyền, thao túng chức vụ trong tổ chức Giáo hội.
Đại hội kỳ này là thời cơ lớn để thay đổi nhân sự và áp dụng Hiến chương đã được tu chỉnh, đặc biệt là việc quy định tuổi tác, nhiệm kỳ, kiêm nhiệm, tạo ra một bước ngoặt mới cho sự phát triển của Giáo hội.
Nhưng với những gì Đại hội VII vừa trình diễn, tại sao Tăng Ni, Phật tử Việt Nam không cho phép mình được đặt ra câu hỏi: Giáo hội này của ai, do ai và vì ai?
T.T.T