Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Người tìm lại tên gọi một loại đồ sứ Việt xưa

Người tìm lại tên gọi một loại đồ sứ Việt xưa

129
0

Sinh trrưởng trong một danh gia vọng tộc ở cố đô Huế, có ông cố từng làm quan tới chức Thượng thư dưới triều Khải Định. Như duyên tiền định, ông đến với đồ cổ rất sớm, tuổi 15 đã biết nhịn tiền ăn hàng mẹ cho để lùng sục tự mua cho mình những thứ cổ ngoạn ưa thích. Nay đã lục tuần, nhưng mỗi khi đối trước một cổ vật của tiền nhân, lòng ông vẫn bồi hồi rung động như thuở nào, nhìn ngắm mãi không chán. Qua mỗi hiện vật của tiền nhân để lại, ông không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp bên ngoài mà thường gẫm về những thăng trầm của thời cuộc và thế thái được lưu dấu tích qua thời gian. Mỗi đồ xưa vật cũ không chỉ là vật trang trí, mà với ông, chúng bao giờ cũng sống động, gợi lên nhiều điều đáng để chiêm nghiệm, suy tư đối chiếu với cuộc sống hiện tại… Ông là nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm cổ vật Trần Đình Sơn, người sở hữu bộ sưu tập đồ sứ kí kiểu đồ sộ, và là người đã truy tìm tên gọi chính xác thể loại đồ sứ đặc thù này, thay cho tên gọi đồ sứ “men lam Huế” tồn tại tròn trăm năm qua…

Trăn trở tìm lại tên gọi của người Việt về một thể loại đồ sứ đặc biệt
Triều đại phong kiến kết thúc ở nước ta gần tròn sáu mươi năm. Dưới thời vua chúa, để thể hiện uy quyền và đẳng cấp trong xã hội, triều đình đã ban bố những quy định rất khắc khe về mọi lĩnh vực, trong đó có vật phẩm trang trí, thờ tự, vật dụng hằng ngày. Chẳng hạn, dưới thời Lê, triều đình có quy định được ghi lại trong Lê triều chiếu lệnh thiện chính, rằng: “Hoàng tử, Vương tử, những chức Thái sư, Thái phó, Thái bảo… tước Quận công: áo mặc thường dùng gấm vóc, thêu lân phụng…, bát đĩa dùng đồ sứ Trung Quốc bịt vàng. Nghiêm cấm các thứ vẽ rồng và màu sắc…”.
Hình ảnh đó cũng chưa xa lạ với chúng ta ngày nay, nó còn phảng phất trong nhiều gia đình có gốc gác vua chúa, đại thần, quý tộc, ông hoàng bà chúa một thời ở cố đô Phú Xuân – Huế.
Ngoài những nhà sưu tầm cổ vật, trong nhiều gia đình Huế vẫn còn lưu giữ nơi trang trọng nhất trong phòng khách, hoặc ở bàn thờ gia tiên những chén, ấm, bình, hồ lô, đĩa, khay, tô, hũ, nghiên, chóe, tiềm…, hầu hết có hai màu xanh, trắng với nhiều họa tiết, kiểu dáng tuyệt hảo, truyền từ tổ tiên ông bà, được giữ gìn rất cẩn trọng, xem là đồ gia bảo. Những cổ vật này đôi khi có tuổi thọ vài trăm năm. Dân gian gọi chúng là đồ cổ, đồ “nội phủ”… Giới chuyên môn thì gọi chúng là đồ sứ “men lam Huế”.
Thực ra, thuật ngữ “men lam Huế” ra đời cách đây tròn 100 năm, xuất phát từ một Học giả người Pháp, ông Louis Chochod trong một bài khảo luận sau khi ông có dịp đến kinh thành Phú Xuân tìm hiểu một loại đồ sứ đặc biệt được trưng bày trong cung điện, trong các lăng tẩm các vua triều Nguyễn. “Men lam Huế” được Học giả – nhà sưu tập Vương Hồng Sển chuyển dịch từ tiếng Pháp “bleus de Hué” được nói đến trong chuyên khảo “La question de la céramique en Annam et les bleus de Hué” của Louis Chochod lần đầu công bố trên Bulletin du Comité de l’Asie France, Sài Gòn 12-1909 cũng như trong tác phẩm “Hué-La Mystérieuse”, xuất bản ở Paris – 1943 của cùng tác giả.
Từ đó “men lam Huế” được sử dụng để chỉ cho thể loại đồ sứ đặc biệt được chủ nhân tạo kiểu dáng, họa tiết, màu sắc rồi gửi mẫu đến các trung tâm chế tác có kỹ thuật cao ở nước ngoài thực hiện với số lượng rất giới hạn, thậm chí độc bản.
Thông thường, nói tới thể loại đồ sứ này, người ta chỉ nghĩ tới Trung Hoa, vì nơi đây, từ đời nhà Thanh trở đi, ngành gốm sứ phát triển vượt bực, nổi tiếng cả thế giới. Những người Việt giàu có, mà chủ yếu là vua chúa, đại thần rất chuộng đồ sứ tinh xảo của Trung Hoa. Nhưng từ thế kỷ 19, Trung Quốc không phải là sự lựa chọn duy nhất đối với các chủ nhân người Việt gửi mẫu đặt làm, thực tế từ thời vua Minh Mạng (1820-1840) trở về sau, người Việt còn gửi mẫu sang Anh, Pháp để thực hiện. Do đó, đồ sứ với hai màu xanh, trắng không còn tuân thủ nữa mà đã xuất hiện nhiều đồ được trang trí nhiều màu sắc trên các đồ sứ gửi mẫu đặt làm ở nước ngoài.
“Men lam Huế” (bleus de Hué, hay Hue blue) không đủ nghĩa để gọi tên cho thể loại đồ sứ này, và nếu gọi như thế sẽ dễ gây sự ngộ nhận.
Từ thực tế đó, cùng với trăn trở, “Tên gọi “men lam Huế”, xét cho cùng, chỉ mới ra đời đến hôm nay vừa tròn 100 năm (1909-2009), do một người Pháp gọi. Trong lúc đó, đồ sứ thể loại này có trước đó mấy trăm năm, từ thời Lê-Trịnh. Vậy thì, chẳng lẽ tiền nhân chúng ta không có một tên gọi của mình về loại đồ sứ đặc biệt này sao? Phải đợi đến khi đất nước ta bị Pháp thuộc chúng mới có tên gọi sao?”. Ông tự đặt câu hỏi cho mình, sau đó truy tìm các thư tịch cổ, các tài liệu trước đó, với vốn chữ Hán và chữ Nôm có được, ông đã vui mừng khi tìm thấy những mô tả về thể loại đồ sứ này trong Truyện Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự (1743-1790), trong tác phẩm của Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ (1778-1858) với tên gọi “đồ mẫu” và định nghĩa về “đồ kiểu”, “đồ kí kiểu” được đề cập trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình-Tịnh Của, bản 1895…
Vậy, trước Louis Chochod, nghĩa là trước khi thuật ngữ “men lam Huế” ra đời, tiền nhân chúng ta đã có tên gọi về thể loại đồ sứ đặc biệt này là “đồ mẫu” (ở Đàng Ngoài) và “đồ kí kiểu” ở Đàng Trong.
“Đồ kí kiểu là tên gọi của người Việt mình về loại đồ sứ đặt các trung tâm gốm sứ có kỹ thuật cao, tinh xảo ở nước ngoài thực hiện theo kiểu mẫu, hình dáng, họa tiết… mà mình muốn, nếu đặt ở Trung Quốc thì có màu xanh và trắng, còn đặt ở các nước châu Âu thì có nhiều màu sắc khác. Như vậy, sử dụng tên gọi “đồ kí kiểu” thay vì “men lam Huế” vừa hợp lý vừa tôn trọng lịch sử hơn”. Ông Sơn nói.
Ông Trần Đình Sơn cũng đã có viết một bài khảo luận về vấn đề này trên Nguyệt san Văn hóa từ năm 1994. Từ đó đến nay, ông đã nhận được nhiều phản hồi, đồng thuận có, phản đối cũng có. Nhưng, phần nhiều là do vấn vương tình cảm với một tên gọi “men lam Huế” gần 100 năm qua. “Đến nay, qua nghiên cứu và tiếp thu ý kiến của giới chuyên môn, có thể nói rằng, sử dụng tên gọi “đồ kí kiểu” là hợp lý hợp tình nhất.”, ông Sơn khẳng định. Ông nói tiếp “Thực ra điều này không mới mẻ gì. Chẳng qua chúng ta tìm thấy tên gọi của tổ tiên chúng ta xưa, nay trả về tên gọi cũ mà thôi”.
Đồ sứ kí kiểu được biết đến trong nước nhờ công lao của Học giả Vương Hồng Sển. Nhưng giá trị của thể loại đồ sứ Việt Nam đặc biệt này được thế giới biết đến và đánh giá cao, công lao giới thiệu đó phải nhắc tới Học giả, Nhà báo Hà Thúc Cần trong một bài viết về chúng và phỏng vấn ông Trần Đình Sơn trên tạp chí chuyên ngành bằng Anh ngữ Arts of Asia, số May-June 1993.
Tròn 100 năm kể từ ngày tên gọi của người Pháp về một thể loại đồ sứ đặc biệt của Việt Nam, cuốn “Thưởng ngoạn đồ sứ kí kiểu thời Nguyễn” ra đời, tên gọi của tiền nhân được nêu lại một cách chính thức bằng một tác phẩm đồ sộ, một “bảo tàng hình ảnh” phong phú nhất kể từ xưa đến nay về đồ sứ kí kiểu mấy trăm trăm của thời Nguyễn nhiều biến động và thăng trầm mà hình ảnh mỗi hiện vật của từng triều đại được công bố trong bộ sách này phần nào tự nói lên điều đó.
 
Mỗi hiện vật có thể trò chuyện để giúp ta hiểu nhiều vấn đề…
Là đồ sứ đặt riêng theo mẫu mình thiết kế, để sử dụng trong những mục đích riêng, không phổ biến, ngoài những quy định nghiêm ngặt về đối tượng sử dụng theo từng triều đại, trên đồ kí kiểu còn có các nội dung, những tâm tư được chuyển tải qua hình ảnh, họa tiết và văn bản (thi phú chữ Hán hoặc chữ Nôm) của chủ nhân hoặc người sử dụng hay người được hiến tặng…
Trong tác phẩm mới công bố, tác giả Trần Đình Sơn đã tế nhị dùng chữ tựa sách là “Thưởng ngoạn”, “Nhìn ngắm qua hình ảnh cổ vật được giới thiệu, tùy chuyên môn, sở thích, tâm tư người thưởng lãm…, mỗi người tự rút tỉa cho riêng mình những điều ích lợi nhất cho cuộc sống, công việc hiện tại”. Ông Sơn giải bày.
Theo ông Sơn, đồ sứ kí kiểu là một tư liệu rất sinh động về văn học, là tư liệu quý bổ sung cho việc sưu tầm và nghiên cứu văn học nước nhà, đặc biệt là đối với các tác gia là vua chúa, các quý tộc ở thế kỷ 18-19.
Đồ sứ này còn là một tư liệu sống động về mỹ thuật nước nhà (chẳng hạn sự biến hóa của hình tượng con rồng qua các triều đại), chúng không chỉ để thưởng ngoạn mà rất có ích cho những ai tìm hiểu, nghiên cứu, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như phục chế, trùng tu, sân khấu, trang trí cổ điển, thời trang… qua các giai đoạn lịch sử nhất định.
Trước đây có quan niệm cho rằng, đồ kí kiểu là đồ đặt ở nước ngoài thực hiện, là đồ Tàu, đâu có ý nghĩa gì đối với chúng ta.
Trước thời Lê sơ, đồ sứ của chúng ta với kỹ thuật không kém gì các nước khác, nên được nội hóa hoàn toàn. Sau biến động tranh giành quyền lực, nền công nghiệp của đất nước trong đó có ngành gốm sứ bị bỏ bê nên từ thời Lê Trung hưng (thế kỷ 16-18), ngành công nghiệp này suy thoái trầm trọng, tư duy chuộng hàng ngoại trở nên chiếm ưu thế. Trong lúc đó, ngành gốm sứ ở Trung Quốc được triều đình nhà Thanh quan tâm nên phát triển, công nghệ chế tác rất cao, được nhiều nước ưa chuộng, trong đó có giới vua quan đại thần ở nước ta. Chúng ta không hoàn toàn sử dụng hàng ngoại mà tạo mẫu gửi đặt hàng. Xác thì Trung Quốc, hồn lại thuần Việt. Tính cách Việt được thể hiện qua các kiểu dáng, nội dung thi ca, phú, đối, phong cảnh, sản vật, họa tiết, nội dung văn bản, chữ viết đặc thù trên đồ sứ. Ý nghĩa đó được nói tới trong hai câu thơ chữ Nôm đề vịnh bộ chén trà bằng sứ tương truyền là do vua Tự Đức sáng tác:
“Như in phong cảnh trời Nam lại
Đem cả sơn hà đất Bắc qua”.
Với đồ kí kiểu, chúng không chỉ mang tính chất trang trí, thưởng ngoạn, mà hơn thế, chúng luôn có hồn, ấm áp tình cảm, qua chúng, người đời sau có thể học hỏi và biết nhiều chuyện của quá khứ, cả tính cách hào sảng, tinh thần tự trọng dân tộc, tình yêu quê hương, nhân tình thế thái, thời cuộc thăng trầm… để chiêm nghiệm mà giữ sự an nhiên, sống tình người hơn, bởi “mấy trăm năm có là bao”…
Năm nay vừa tròn hoa giáp, tiếp nối bộ sách về cổ vật được giải thưởng Sách Vàng Quốc gia năm 2008 “Những nét đan thanh”, ông Sơn cho ra mắt tập sách thứ 2 “Thưởng ngoạn đồ sứ kí kiểu thời Nguyễn”, chính thức công bố khá đầy đủ những hiện vật thuộc bộ sưu tập của ông đã “tự thân góp nhặt suốt cuộc đời nghêu ngao đó đây”, cùng sự hỗ trợ về hình ảnh các cổ vật quý hiếm trong các bộ sưu tập tư nhân và các hiện vật thuộc loại quốc bảo đang trưng bày tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế, Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).
Bộ sách này, theo ông, ở trong loạt sách cơ bản về cổ vật Việt Nam mà ông đã ấp ủ thực hiện từ lâu, trong tương lai, ông sẽ trình diện với bạn đọc thưởng lãm và các nhà chuyên môn những công bố về bộ sưu tập đồ kí kiểu thời Lê – Trịnh, thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong…
Loạt sách này là kết tinh hoa trái trong cuộc đời của ông, Nhà nghiên cứu, nhà sưu tập, “ông vua cổ vật” Trần Đình Sơn.
 
Đức Sơn (Theo Tạp chí Nội Thất)

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here