Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Người Phật tử trước ngã ba đường (kỳ 4 và hết)

Người Phật tử trước ngã ba đường (kỳ 4 và hết)

169
0

Yếu tố then chốt để có thể thực hiện những điều đó là phải có tầm nhìn đúng đắn, suy nghĩ, ăn nói, hành vi đúng đắn; phải có sinh kế, nổ lực cố gắng, sự cảnh giác và tập trung đúng đắn. Nhưng thế nào gọi là có tầm nhìn đúng đắn, suy nghĩ đúng đắn, ăn nói đúng đắn, v.v.? Một tầm nhìn đúng đắn là một tầm nhìn Trung Đạo. Khi chúng ta nhìn sự vật một cách đúng đắn nghĩa là chúng ta đang nhìn sự vật đó một cách Trung Đạo. Trung Đạo không hẳn như phép toán trung bình cọng hay trung bình nhân. Trung Đạo là ôn hòa nhưng tuyệt đối không phải là đạo ba phải, sao cũng được. Người Phật tử không chấp nhận cả chủ thuyết hư vô (annihilationism) lẫn chủ thuyết vĩnh cửu (eternalism). Thái độ này của người Phật tử không những không qua loa ba phải, trái lại là một thái độ hết sức đúng đắn. Người Phật tử thấy rõ sự tồn tại của sự vật. Nhưng chỉ vì sự tồn tại đó không phải tự thân mà chỉ do duyên khởi và luôn luôn biến đổi, nên sự tồn tại không thể vĩnh cửu.

Từ bi, trí huệ, và dũng cảm là những vốn liếng cơ bản để có thể có những tầm nhìn Trung Đạo, những lối suy nghĩ Trung Đạo, những hành vi Trung Đạo, v.v. Muốn có những vốn liếng đó, hãy nghiền ngẫm cuộc đời của Phật Thích Ca, áp dụng những lời dạy của Ngài phù hợp với không thời gian và hoàn cảnh xã hội bây giờ của chúng ta. “Duyên” ở vào những không thời gian và hoàn cảnh khác nhau thường “khởi” khác nhau. Quá trình từ nhân đến quả là một quá trình phi tuyến tính phụ thuộc vào không thời gian và nhiều yếu tố khác.

Ngày xưa có một ông già hàng ngày chống phà đưa khách sang sông. Hai bến ở hai bên bờ sông đối diện nhau. Vào những ngày sóng yên gió lặng, dòng nước đứng yên, ông chỉ cần chống phà trực chỉ từ bến này thẳng qua bến kia. Vào những ngày khác, cũng tốt trời, nhưng dòng nước không đứng yên mà trôi đều đặn xuôi dòng, ông chống phà ngược dòng, nghiêng một góc độ thích hợp để phà có thể vừa vặn cập bờ bên kia với thời gian nhanh nhất và với sức lực ít hao tổn nhất. Vào những ngày giông tố, dòng sông chỗ nhanh chỗ chậm, chỗ có nước xoáy, không đều đặn, ông già vẫn phải chống phà đưa khách sang sông. Nhưng ông già thật đáo để! Ông biết chỗ nào cần phải lùi một bước để có thể tiến hai bước; chỗ nào cần phải chống ngược dòng, chỗ nào phải xuôi theo dòng để vừa vặn cập bờ bên kia với thời gian nhanh nhất và với sức lực ít hao tổn nhất. Có thể nói, ông già đã chống phà một cách rất Trung Đạo.

Ngày nay đa số thuyền bè đều trang bị máy móc. Phương pháp ông già chống phà năm nào có thể sửa đổi nhưng nguyên tắc Trung Đạo vẫn là nguyên tắc tối ưu, không thể thiếu được.

Từ bi là yếu tố then chốt không thể thiếu. Chỉ có lòng từ bi mới thực sự có lòng giúp người giúp đời. Thấm nhuần triết lý Vô Ngã là yếu tố then chốt để có lòng từ bi. Trí huệ phải song hành với từ bi. Một Phật tử đang đứng ở vị trí A (xem sơ đồ) trên một vùng đất khô ráo, có thể di chuyển 8 km/h. Bên kia ranh giới HK là vùng sình lầy, chỉ có thể di chuyển 4 km/h. Có một người đang lâm nạn ở vị trí B trong vùng sình lầy, đang cần được cấp cứu. Người Phật tử muốn đến cứu với thời gian nhanh nhất. Nếu di chuyển theo lộ trình AHB phải mất 2 giờ 37 phút 30 giây. Nếu theo lộ trình AKB phải mất 2 giờ 45 phút 37 giây. Nếu di chuyển theo đường thẳng APB là đường ngắn nhất từ A đến B, người Phật tử phải tốn mất 2 giờ 33 phút 14 giây. Nếu có thì giờ làm toán, người Phật tử sẽ di chuyển theo lộ trình AMB là lộ trình nhanh nhất, chỉ mất 2 giờ 30 phút 56 giây.

Trong trường hợp cấp bách như ví dụ trên đây, nếu phải mất thì giờ ngồi làm toán thì thật thiếu khôn ngoan! Ngược lại nếu được phân công làm một dự án với nhiều thì giờ để chuẩn bị mà không biết phối hợp trực cảm với tính toán để có thể thành công tốt thì quả thật cũng thiếu khôn ngoan. Cách hay nhất trong trường hợp cứu người khẩn cấp là dùng trực cảm để có quyết định nhanh chóng. Một người Phật tử càng dày công tu tập sẽ có những trực cảm với mức độ tin cậy càng cao. Trực cảm trở nên một trí huệ then chốt khi phải đối phó với những vấn đề liên quan đến cảm xúc tâm tư tình cảm.

Trong nhiều trường hợp, dũng cảm phải phối hợp với từ bi và trí huệ. Người Phật tử không dùng sự dũng cảm của mình như một vũ khí để chiến thắng kẻ khác, dù là chiến thắng bằng vũ lực hay trí lực. Thuyết phục và cảm hóa là phương pháp của người Phật tử. Thuyết phục cảm hóa những kẻ hung bạo hoặc những người có quyền hành thường cần đến dũng cảm. Mấy ai trong chúng ta đã cảm hóa được những tay đầu sỏ buôn lậu giết người? Phật đã từng thành công cảm hóa những người như thế. Mấy ai đã cảm hóa được những người lãnh đạo tham tàn bạo ngược? Phật đã từng thành công cảm hóa những người như thế. Hẳn chúng ta chưa đủ từ bi trí huệ dũng cảm để làm những công việc đó. Nhưng đó lại là mục đích của người Phật tử, vì đó là con đường duy nhất dẫn đến tươi sáng. Phải học tập thêm nữa. Phải trau dồi đạo đức thêm nữa. Được vậy, chắc chắn người Phật tử sẽ có những bước đi vững vàng trên Trung Đạo.

Khi chính quyền ban hành một chính sách sai trái, hoặc lơ là trong việc thanh lọc những viên chức tham ô, hoặc không có biện pháp ngăn chặn thích đáng những kẻ buôn lậu cướp bóc giết người, là khi người Phật tử phải có can đảm và trí huệ đứng ra thuyết phục chính quyền. Trí huệ ở đây, ngoài những triết lý Phật giáo, còn phải có những kiến thức sâu rộng về các lĩnh vực khoa học nữa. Học Phật là để tu thân giúp đời. Muốn giúp đời hữu hiệu cần phải trang bị đủ những kiến thức vừa nói. Do đó Phật tử không những cần hiểu biết Phật Pháp tinh thông, phải có lòng từ bi vô lượng, mà còn phải có những kiến thức khoa học sâu rộng nữa. Được vậy, người Phật tử sẽ là người hữu ích nhất của xã hội, của đất nước, và của sự sống nói chung.

Trung Đạo là phương pháp phối hợp tối ưu giữa những cặp bù trừ như phân tích và tổng hợp, cạnh tranh và hợp tác, phẩm lượng và phẩm chất, tuyến tính và phi tuyến tính, cục bộ và phi cục bộ, v.v. Vạn vật luôn luôn biến hóa giữa những cặp đối nghịch như vậy. Kinh tế cũng vậy. Chính trị quân sự cũng vậy. Giáo dục cũng vậy. Biết cách bù trừ tốt nhất giữa những cặp đối nghịch đó chính là Trung Đạo. Một thợ máy cơ khí giỏi chỉ cần nghe tiếng máy nổ là biết ngay bộ phận nào của máy có vấn đề (phương pháp nguyên thể, holistic approach.) Sau đó người thợ rả máy chữa hay thay thế bộ phận hư hỏng đó (phương pháp thu hẹp, reductionistic approach.) Một bác sĩ giỏi chữa trị một cơ thể bị ung thư biết phối hợp tối ưu giữa hai phương thức này: hoặc phải cắt bỏ những tế bào ung thư (phương pháp thu hẹp,) hoặc phải chữa trị toàn bộ cơ thể (phương pháp nguyên thể.) Nếu biết chắc chắn cơn bệnh chưa lan tràn sang những bộ phận khác, việc cắt bỏ những phần bị ung thư có thể hữu hiệu. Tuy nhiên nếu ung thư đã lan tràn, cách chữa toàn bộ cơ thể, hoặc phối hợp cả hai cách, không thể thiếu được.

Ngày nay, do sức ép lăn lộn với cuộc sống, các bệnh tâm lý và tâm thần trở nên rất phổ biến. Đối với những cơn bệnh này, nếu chỉ chú trọng chữa trị não bộ và thần kinh hệ thì chưa đủ, bởi vì tâm lý và tâm thần là một hệ quả không những chỉ đơn thuần sinh lý mà còn phụ thuộc vào tâm tư tình cảm, đời sống tâm linh, ảnh hưởng của gia đình, xã hội, môi trường sống của cả một quá trình sinh trưởng. Hơn nữa, không chỉ não bộ và thần kinh hệ là thủ phạm của các cơn bệnh này. Mọi cơ quan trong cơ thể đều ảnh hưởng chặt chẽ lẫn nhau. Chẳng hạn, y học trước đây vẫn quan niệm rằng hệ thống thần kinh, hệ thống nội tiết và hệ thống miễn nhiễm là ba hệ thống riêng rẻ, do đó công việc nghiên cứu thường độc lập nhau. Hệ thống thần kinh bao gồm não bộ và mạng lưới những tế bào thần kinh khắp cơ thể, là trung tâm của trí nhớ, tư tưởng và cảm xúc. Hệ thống nội tiết, bao gồm những tuyến nội tiết và hormones, giữ trọng trách điều hòa cơ thể. Hệ thống miễn nhiễm, bao gồm tủy xương, lá lách, những nút bạch huyết (lymph nodes) và những tế bào miễn dịch di chuyển khắp cơ thể, là hệ thống bảo vệ và chữa trị cơ thể. Khoảng đầu thập niên 1980 người ta đã khám phá một số hormones vốn vẫn cho là những sản phẩm của những tuyến nội tiết, thật ra được sản xuất và dự trữ tại não bộ. Ngược lại, có những endorphins vốn vẫn cho là sản phẩm của não bộ, thật ra được chế tạo bởi những tế bào miễn dịch. Như vậy hormones và endorphins trước đây được xem như có những chức năng riêng rẻ, thật ra có cùng một sứ mạng (do đó những phân tử này được gọi chung là những peptides.) Những peptides nối liền những tế bào miễn dịch, những tuyến nội tiết và những tế bào não, tạo nên một mạng lưới tri thân (mind body network) rải khắp toàn bộ cơ thể. Peptides là những biểu hiện sinh hóa của cảm xúc, đóng vai trò chủ yếu trong việc phối hợp hài hòa những hoạt động tâm lý cũng như sinh lý.

Nạn nghèo đói ngày càng lan rộng nhiều nước trên thế giới. Tuy các nước giàu có vẫn trợ giúp phương diện tài chánh, nhưng điều mà các nước chậm tiến mong muốn là có thể tự túc tự cường. Ngoài trợ giúp tài chánh, các nước văn minh tân tiến cần hỗ trợ đào tạo những đội ngũ khoa học kỹ thuật y tế canh nông, v.v. để những nước chậm tiến có thể vươn mình. Người Phật tử cần đóng góp ý kiến với chính quyền trong việc ban giao quốc tế cho những mục đích xã hội trọng đại này. Nước mình có thể giúp những nước nghèo hơn những gì, và có thể nhờ những nước giàu hơn giúp mình những gì. Chỉ khi nào những ban giao quốc tế này trở nên thực sự tương thân tương ái, những tệ nạn xã hội, những mầm mống tội lỗi, những tư tưởng chủ trương khủng bố sẽ tự động biến mất. Một xã hội lành mạnh là một xã hội miễn nhiễm những tệ nạn đó. Trái lại khi xã hội đang trong cơn bệnh hoạn như hầu hết các xã hội ngày nay, càng chủ trương hủy diệt, những tệ nạn đó càng sinh sôi nẩy nở.

Nỗ lực cứu trợ của các nước giàu có trong vụ sóng thần tháng 12 năm 2004 vừa qua ở các nước quanh vùng Ấn Độ Dương là một dấu hiệu khích lệ lớn. Có lẽ một nhiệm vụ quan trọng trước mắt của người Phật tử là tìm cách vận động để các nước giàu có, nhất là nước Mỹ, giúp đở những trẻ em sinh ra bị tật nguyền do chất độc da cam hoành hành trong cuộc chiến Việt Nam kéo dài 30 năm mới vừa chấm dứt cách đây ba thập niên.

Bờ vực thẳm gần kề. Đã đến lúc cần thực thi những tư tưởng mới, hiểu biết mới, đường lối mới. Đã đến lúc vòng tay thân ái phải rộng mở. Đã đến lúc người Phật tử phải nhập thế giúp đời tích cực hơn.

P.D

———————————
Sách tham khảo:• Laszlo, E., The Chaos Point, Piatkus Books Ltd, London, 2006
• Capra, F., The Web of Life, Flamingo, London, 1997
• Capra, F., The Turning Point, Simon & Schuster, New York, 1982
Gleick, J., Chaos, Vintage, London, 1998

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here