Trang chủ Phật học Người gở hoa trong kinh Duy Ma

Người gở hoa trong kinh Duy Ma

104
0

Số là, trước đây Xá Lợi Phất đã từng bị lúng túng, không thể trả lời trước sự cật vấn của Duy Ma. Sự giảng giải thông suốt của trưởng giả khiến Xá Lợi Phất thấy mình thật sự còn nhiều điều thiếu sót, dù được tôn xưng là bậc đại trí trong số những đệ tử thượng thủ của Như Lai.

Xem ra, lí do của xá Lợi Phất thật tế nhị nên Đức Phật cử Mục Kiền Liên, nhưng tôn giả tự lượng, thấy mình cũng không đủ sức với vị trưởng giả trứ danh này. Cứ thế, lần lượt tất cả các vị đệ tử lớn đều được gọi tên, nhưng câu trả lời mà Thế Tôn nhận được không có gì khác hơn ngoài sự thối thác, tất cả đều  không đủ sức với những câu hỏi của Duy Ma.

Không tìm được người thăm bệnh trong số các dệ tử ưu tú, thế tôn cho gọi các vị Bồ Tát. Từ Bồ Tát Di Lặc, đồng tử Quang Nghiêm, Bồ Tát Trì Thế cho đến trưởng giả Tịnh Đức đều không dám nhận lời thăm bệnh thay Thế Tôn. Cuối cùng, vị có thể gánh vác trọng trách này chỉ có Bồ Tát Văn Thù.

Ngài Văn Thù bạch Đức Phật rằng: “Bạch Thế tôn, bậc thượng nhân kia khó bề đối đáp. Vì ông ấy thâm đạt thật tướng, trí tuệ vô ngại, biện tài thông suốt…tuy thế, con xin vâng lới Thế Tôn dạy đến thăm bệnh ông”.

Lúc ấy trong đại chúng mới thở phào nhẹ nhõm, bởi hôm nay đã có người nhận lời thay Thế Tôn đến thăm bệnh Duy Ma. Mọi người nghĩ bụng, hôm nay hai vị thượng thủ gặp nhau, ắt sẽ có pháp mầu. Vì vậy, năm trăm tỳ kheo trong hội chúng đều sữa soạn để tháp tùng vào thành Tỳ Da Ly.

Tỳ Da Ly, nơi giao thương phát triển mạnh vốn đã tấp nập, hôm nay càng tấp nập hơn. Hàng trăm tỳ kheo cùng hướng vào nội thành Tỳ Da Ly như vậy không làm sao ngăn được sự tò mò cùng tính hiếu kỳ của quần chúng. Họ í ới gọi nhau, rồi lũ lượt hướng về phía các tỳ kheo với rất nhiều tâm trạng.

Thay vì phải sữa soạn linh đình với lọng che, thảm trãi… Hôm nay ông trưởng giả đổi chiêu, làm tôn giả Xá Lợi Phất không khỏi băn khoăn.

Xá Lợi Phất nghĩ bụng, “không biết các vị Bồ tát và Thanh văn sẽ ngồi nơi đâu” trong căn nhà trống không này. Đang miên man với niệm khởi ấy, bất chợt Xá Lợi Phất bị Duy Ma hỏi rằng : “Ngài vì pháp mà đến hay vì chỗ ngồi mà đến?” câu hỏi bất chợt làm tôn giả không khỏi bàng hoàng.

Sau màn chào đón, thăm hỏi đầy ấn tượng giữa Bồ Tát Văn thù và Duy Ma là cảnh tiên nữ xuất hiện và rãi hoa cúng dường.

Khi những cánh hoa đầy màu sắc được tung lên, rồi từ từ rơi xuống, đã có chuyện lạ xảy ra.

Số là, khi hoa rơi xuống trên mình các vị Bồ tát thì liền rơi thẳng xuống đất, nhưng đụng vào Thanh Văn chúng lại dính chặt trên thân các vị.
Lúc đó Xá Lợi Phất tự nghĩ, mình tu khổ hạnh, sống đời viễn ly, chỉ dùng y phấn tảo, mấy bông hoa rỡm đời này sao hợp với hạnh tu.

Nghĩ vậy, Tôn giả bèn tìm cách để gở hết chúng ra, càng nhanh càng tốt. Lạ thật, càng gở chúng càng bám chặt một cách lì lợm khiến Xá Lợi Phất cứ mãi loay hoay, hết hất bên này lại phủi bên kia trông thật mệt nhọc.

Sức mạnh cơ bắp không thể giải quyết được mấy đoá hoa khả ố, đến nỗi Tôn giả phải dùng đến thần lực, nhưng nó vẫn dính khắn một cách đáng ghét.

Bồ tát Văn Thù và Duy Ma Cật

Thấy vậy, Thiên Nữ hỏi Xá Lợi Phất rằng:

-Thưa Tôn giả, Ngài không lo tu, gở hoa làm chi?

Xá Lợi Phất đáp răng:

-Vì hoa này không như pháp, tôi sợ nó nên phải phủi đi.

Thiên nữ nói:

-Ấy, ấy…chớ bảo hoa này không như pháp, vì hoa vốn không có phân biệt. Như thế chẳng phải tự ngài phân biệt đó sao? Người xuất gia ở trong Phật pháp mà còn phân biệt là không như pháp và như pháp. Ngài thử nhìn qua các vị Bồ Tát xem, họ có dính hoa đâu. Tại sao vậy? vì họ đã đoạn hết tướng phân biệt. Do tập khí kiết sử chưa dứt nên hoa dính vào thân, khi đã đoạn rồi hoa tự nhiên rơi rụng.

Giai thoại trên làm người viết không khỏi bàng hoàng. Ô hay! Xá Lợi Phất loay hoay trong tôi, lời thiên nữ lanh lãnh trong tôi! Chân lý vượt thời gian mà đi vào lòng người.

Tất cả như một lời thức tỉnh, đủ cho những rộn ràng, xót xa một thời khép lại, tiêu tan.

Không chỉ ngày xưa Xá Lợi Phất từng bận tâm vì mấy đoá hoa đời, mà tăng sĩ hôm nay cũng lao đao bởi bụi trần vướng luỵ.

Bụi trần, thế sự lắm lúc làm kẻ thao thức tu đạo thấy phiền phức, vướng víu, nó ám ảnh đến cả những vần thơ:

Đời đạo sĩ con còng già bỏ tổ
Lên non cao còn sợ nước triều dâng
Bụi đầy áo phủi hoài tay  cũng mõi
Có nhiều khi ẩn dật cũng ưu phiền.”

Lời thơ khắc khoải, ưu tư, chở những dòng tâm sự rất thật, rất đổi con người. Là nỗi niềm ắt phải trên bước đường tiến tu. Hoa trần cảnh hay là hoa trong lòng, hải triều dâng hay biển tình dậy sóng? Lời thơ hôm nay và giai thoại ngàn xưa đã tương phùng trong nỗi ưu tư về tình đời, thế sự. Vật đổi, sao dời mà phiền não con người ngàn đời vẫn thế, luỵ kiếp vẫn đeo mang, dai dẳng hơn tất cả những gì dai dẵng.
Tự triền, tự phược, đến khi muốn gở chẳng biết phải bắt đầu từ đâu. Lúc trước hoa ở ngoài, nhưng sợ quá rồi ám ảnh trong tâm, đến lúc thâm nhập vào lòng không tài nào gở được. Vì vậy, thiên nữ nhắc Xá Lợi Phất, hãy buông từ trong tâm niệm chứ không chỉ làm cho trơn tru ở bên ngoài, khi không còn những vướng mắc trong lòng, hoa tự nhiên rơi rụng, sao cứ mãi loay hoay, chộn rộn, chộn rộn không yên.

Hình ảnh các vị Bồ Tát tự tại với “hoa đời” trong giai thoại, làm người viết liên tưởng đến phong thái ung dung giữa đời, mặc cho trần lao, phiền não tha hồ bám víu, đành vây, Ngài vẫn nở nụ cười an nhiên, tự tại:

Đức Di Lặc ngồi trơ bụng đá
Thây bụi đời bám đã rồi rơi
Xem trò thế sự đầy vơi
Dửng dưng như một nụ cười vô duyên.

Vâng, khi tâm chúng ta không để ý đến vật, nó không có tác dụng đối với ta. Ngược lại, chúng ta sống cách ly nhưng tâm để vào trần tục thì trần tục làm ô nhiễm hoá chúng ta.

Giai thoại để lại cho người đọc nhiều điều cần tư duy hơn nữa. Sự khác biệt giữa Thanh Văn và Bồ Tát được chỉ ra nhằm thức tỉnh những tâm hồn đang ngủ yên trong “Hoá thành”. Bồ tát hiệp trần nhưng vô nhiễm, Thanh văn ly trần mà đầy chướng ngại, tu một mình lắm lúc ngỡ đã giải thoát, nhưng khi vào đời thì bị đời làm hoen ố. Vì vậy Kinh Duy Ma phải giới thiệu “pháp không” của Bồ Tát để nâng pháp tu của Thanh Văn lên bậc nữa, phải đẩy Thanh Văn vào thành Tỳ Da Ly, và chạm với thưc tế, không thể để họ ở mãi trong “Hoá thành”.

T.C

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here