Trang chủ Thiền môn xứ Huế Ngôi chùa trong cung Nguyễn

Ngôi chùa trong cung Nguyễn

101
0

Việc xây dựng Khương Ninh Các trong khu vực cung Diên Thọ mang ý nghĩa tương tự việc các vua triều Nguyễn cho kiến trúc Nhật Thành Lâu (bên trong Tử Cấm Thành) và chùa Giác Hoàng (bên trong Kinh Thành, sau này là vị trí của Cơ Mật Viện) để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng của nhà vua và hoàng gia.

Sự độc đáo của Khương Ninh Các thể hiện ở điểm là chỉ một công trình kiến trúc khiêm tốn nhưng di tích này lại đảm nhận nhiều chức năng khác nhau vừa là nơi thờ Phật, đồng thời, cũng là nơi thờ thánh thần, mẫu… Vào thời các vua Nguyễn trị vì, ở Huế tồn tại nhiều tôn giáo khác nhau. Tuy nhiên Phật Giáo và Thiên Tiên Thánh Giáo đã có một chỗ đứng khá vững chắc trong đời sống tín ngưỡng bên trong cung cấm. Bởi thế, Khương Ninh Các đã trở thành nơi thờ Phật, lại cũng là nơi kết hợp để thờ các vị Thánh Mẫu nên mới song song tồn tại hai tên gọi khác nhau: Khương Ninh Các và Phước Thọ Am.

Mặt tiền Khương Ninh Các nhìn từ trái lên mặt tiền Khương Ninh Các nhìn từ phải xuống

Khương Ninh Các-Phước Thọ Am nằm trong một khuôn viên độc lập ở góc tây bắc của cung Diên Thọ được ngăn cách với các cụm kiến trúc khác bằng một vòng tường khép kín, nhằm tạo ra một thế giới thanh tịnh, siêu thoát bên trong chốn cung cấm phía trước có khoảng sân nhỏ, am thờ và hồ cá, hòn non bộ.

Khương Ninh Các là một tòa gác dài gồm hai tầng được thiết kế chủ yếu bằng gỗ lim, tường xây gạch trác vôi vữa quay mặt về phía tây. Tầng dưới cùng không thấy trần thiết chi nhiều vì tầng nầy dùng làm nơi ăn ở, sinh hoạt của các bà hoàng lớn tuổi. Tầng trên; phía trước được trần thiết lộng lẫy, với đầy đủ cờ, phướn, khám thờ, tranh tượng, bài vị có năm gian thờ: gian chính trung thờ ba pho tượng Phật: A Di Ðà, Thích Ca, Di Lặc cùng các vị: Dược Sư, Văn Thù bồ tát, Phổ Hiền bồ tát…, phía trên có treo tấm hoành phi sơn son thếp vàng, chạm nổi ba chữ Hán: Khương Ninh Các; gian tả nhất thờ Quan Công, có Quan Bình và Châu Thương tướng quân phò tá hai bên cùng với ngựa Xích Thố, long đao…; gian hữu nhất thờ tượng Phật A Di Ðà, cùng các tượng: Quan Thế Âm bồ tát, Ðại Thế Chí bồ tát dưới dạng tranh thờ; các gian tả (thứ 2) và hữu (thứ 2), mỗi gian thờ tượng và bài vị của sáu vị Hộ Pháp. Tất cả các pho tượng thờ trong Khương Ninh Các-Phước Thọ Am hiện đang được trưng bày tại Tả Vu (sau Điện Thái hoà) có một dấu ấn nghệ thuật thời Nguyễn rất đặc trưng. Hầu hết các pho tượng đều được tạc bằng gỗ, các đường nét chạm trổ và sơn son thếp vàng rất tinh tế. Kiểu tượng ngồi rất đẹp mang đặc trưng của dòng tượng Phật dưới thời các vua chúa nhà Nguyễn.

Mặt sau nhìn từ Cung Diên Thọ Thấp thoáng dưới bóng cây

Phần phía sau của tầng trên cũng có năm gian thờ: gian chính giữa, ở phía trên có treo bức hoành phi chạm nỗi ba chữ Hán: Phước Thọ Am, phía dưới thờ tranh và bài vị của Thiên Y A Na Thánh Mẫu; hai bên là bàn thờ các thần thánh thuộc hàng đồ đệ của Mẫu; bài vị của Diên Phúc Công Chúa, Mỹ Tường Công Chúa, Cô Hoàng Nữ Ðệ Tam, là những chị và cô của vua Gia Long. Ðặc biệt, ở đây còn thờ hai tượng Tổ của nghề hát bội. Ðây là chi tiết thú vị và khác biệt so với những di tích thờ phụng khác mà các vua nhà Nguyễn đã cho xây cất trong và ngoài Hoàng Thành Huế.

Các bà Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu (mẹ vua Minh Mạng), Nghi Thiên Chương Hoàng Hậu (mẹ vua Tự Ðức), Phụ Thiện Thuần Hoàng Hậu (mẹ vua Ðồng Khánh), Ðoan Huy Hoàng Thái Hậu (mẹ vua Bảo Ðại)…đều từng sống trong cung Diên Thọ, vào các dịp lễ tế, sóc vọng và nhất là các ngày lễ lớn của Phật giáo như Phật đản, Vu Lan…Khương Ninh Các này đã trở thành nơi lui tới cầu kinh thường xuyên của các bà. Vì thế trong những lần tu sửa cung Diên Thọ, các vua Nguyễn đều chú ý trùng tu, tôn tạo Khương Ninh Các, phục vụ nhu cầu sinh hoạt tâm linh của các bà mẹ mình.

Tượng Phật và Hộ Pháp thờ trong cung hiện đang được trưng bày ở Tả Vu

Với hai tên gọi cho cùng một công trình, hai tôn giáo được tôn sùng trong một cơ sở thờ tự, Khương Ninh Các là nơi duy nhất trong các công trình kiến trúc cung đình Nguyễn có tên gọi và chức năng đặc biệt như thế. Trong lịch sử văn hoá và tôn giáo tại nước ta, chúng ta đã biết đến sự dung hoà khá nhuần nhuyễn "tam giáo đồng nguyên" (Nho Phật Lão). Đến thời nhà Nguyễn thì sự dung hoà giữa Nho-Phật-Lão lại càng phát triển mạnh hơn với chủ trương "cư Nho mộ Thích" của chúa Nguyễn Phúc Chu. Tuy nhiên với Khương Ninh Các và Phước Thọ Am, và nhiều công trình kiến trúc tín ngưỡng khác trong đời sống tinh thần của hoàng gia triều Nguyễn chúng ta còn biết thêm sự kết hợp độc đáo giữa hai tín ngưỡng Phật Giáo và Thiên Tiên Thánh Giáo. Hiện ở Huế còn nhiều di tích có sự kết hợp hài hoà kiểu này như Điện Hòn Chén…Cùng với những vấn đề thú vị như kiểu dáng kiến trúc, nghệ thuật trang trí, cách thiết trí thờ tự…nơi đây càng khiến Khương Ninh Các-Phước Thọ Am có một giá trị văn hóa-lịch sử-tín ngưỡng rất đáng trân trọng và gìn giữ.

Hai đầu tả hữu  

Tuy vậy, ngày nay du khách đến thăm Hoàng cung triều Nguyễn, vào thưởng ngoạn cung Diên Thọ nhưng sẽ rất ít người để ý vào tham quan di tích này. Bởi, Khương Ninh Các-Phước Thọ Am thường xuyên bị khoá cửa, du khách chỉ được tham quan vòng ngoài. Còn để được vào trong chiêm ngưỡng những dấu tích lịch sử của văn hoá tín ngưỡng độc đáo này qua các triều vua Minh Mạng, Tự Ðức và Khải Ðịnh qua các chi tiết kiến trúc, qua hiện vật và đồ tự khí thì…khó quá.

Vậy nên, Khương Ninh Các-Phước Thọ Am mà dân gian quen gọi là "chùa trong cung" là một di tích văn hoá tín ngưỡng Phật giáo rất độc đáo toạ lạc trong Hoàng thành nhà Nguyễn mà người dân và du khách vào tham quan Hoàng thành Huế không được chiêm bái, chiêm ngưỡng thì uổng phí quá! Bởi một tiếng chuông ngân giữa cung cấm, một lễ lạy của du khách sau một chuyến tham quan thì giá trị văn hoá du lịch sẽ được nhân lên gấp bội. Hy vọng rằng Khương Ninh Các-Phước Thọ Am, ngôi "chùa trong cung cấm" này được Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế cho mở cửa để phục vụ du khách thì đáng trân quý biết bao.

N.N

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here