NGHỊCH LÝ CORONA
NHÌN TỪ QUY LUẬT NHÂN QUẢ
Bs.Phạm Đức Thành Dũng
Hiện nay, con người đang hoang mang đến cùng cực vì đại dịch toàn cầu do virus SARS-CoV-2. Khi chúng tôi muốn chuyển những suy nghĩ này đến với mọi người (26/5/2021) thì dịch bệnh đã hoành hành khắp nơi, thế giới đã gần chạm mốc 170 triệu người nhiễm, có xấp xỉ 3 triệu rưỡi người tử vong. Những quốc gia có nhiều tập tục bị quy kết là tạo điều kiện cho dịch như Ấn Độ đạt con số 27 triệu người nhiễm, nhưng những quốc gia văn minh hàng đầu như Mỹ lại đứng đầu số lượng người nhiễm: gần 34 triệu người (!)… Nhân loại không biết phải hành xử như thế nào! Sự bùng nổ thông tin thời hiện đại càng làm con người vô cùng khó khăn để tinh lọc thông tin, càng chịu một áp lực khủng bố tâm lý nặng nề. Trong tâm trí con người nói chung, SARS-CoV-2 là một con ác quỷ hay ác thú thu nhỏ vừa khôn ngoan, trí trá, xảo quyệt, vừa hung hiểm, tàn độc, có thể xâm nhập và tiêu diệt bản thân bất cứ lúc nào; bên cạnh đó, ai cũng nghĩ rằng họ có thể mạng vong vì ngẫu nhiên hít phải (hay đưa vào niêm mạc qua tiếp xúc da…) một vài con virus; và đa số còn nghi ngờ rằng đại dịch lần này là do một hay một nhóm người nào đó ăn thịt động vật hoang dã và bị lây truyền virus và dần dần lan tỏa trong cộng đồng thành đại dịch…
Nếu nhìn nhận vấn đề như trên, thì con người không phải chịu trách nhiệm gì, vì mọi việc đều ngẫu nhiên. Nhưng theo các bậc đại giác xưa và các nhà khoa học hàng đầu thế giới, thì những thảm hoạ trong cuộc sống không phải chỉ là một sự ngẫu nhiên, mà tất cả đều tuân theo một quy luật nhân quả, và chính Einstein đã khẳng định khái quát rằng: “Đấng hóa công không gieo xúc xắc!”. Cũng vậy, chúng tôi muốn đưa ra một cái nhìn khác về vấn đề virus đang khảo sát từ những định luật và công lý thiên nhiên, từ cả cộng nghiệp và biệt nghiệp của con người, hay nói cách khác là từ quy luật nhân quả mà các bậc đại giác đã chỉ ra và các nhà khoa học lớn đều đồng thuận.
Cộng nghiệp
Tất nhiên, con người cũng nhận thức được về hậu quả tàn hại thiên nhiên quá nặng nề bởi lòng tham khôn cùng của chính mình – sinh vật đang thống trị hành tinh này: từ biển cả núi rừng, sông ngòi kênh rạch, nay đang kêu cứu…; từ những việc ngăn sông, ngăn đập, khai thác cạn kiệt tài nguyên và nguồn nước; từ những quả bom điện hạt nhân, quả bom nước thuỷ điện treo trên đầu người; rồi cả một bầu không khí ô nhiễm trầm trọng, cả một hệ động thực vật làm thức ăn cho con người nhiễm đầy độc tố; rồi dư lượng của hoá chất độc hại dùng trong mọi lãnh vực phục vụ đời sống; chưa kể sự ô nhiễm về đạo đức, lòng tham khôn cùng, hận thù chất chứa, sự độc ác hung hiểm… của con người đã tạo ra cả một trường năng lượng vô cùng xấu… Bà mẹ thiên nhiên đang phải quằn quại đớn đau vì tất cả những điều mà mình đã phải tổn bao công sức làm ra mất hằng triệu triệu năm đang bị tàn hoại trong một thời gian quá ngắn… Những thiên tai địch hoạ dịch bệnh tất yếu phải xảy ra! Cho nên có thể xem dịch bệnh lần này là cộng nghiệp của con người, là cái “quả” phải nhận do cái “nhân” mà cộng đồng đã gieo, và tất nhiên trên phương diện đại thể, những tai ương ấy hẳn không phải là một sự ngẫu nhiên!
Biệt nghiệp
Từ nhìn nhận về quy luật nhân quả, ngoài cộng nghiệp đề cập trên, chúng ta cũng có thể nhìn nhận thêm một số vấn đề về biệt nghiệp qua những nghịch lý của virus SARS-CoV-2 khi quan sát về sự tương tác giữa virus và cơ thể con người, mà không thể nào giải thích nếu không đứng trên quan điểm nghiệp lực của Phật giáo. Chúng tôi xin trình bày những nghịch lý trong những nghiên cứu về loài virus này về Cấu trúc phân tử, Bệnh học, Vi sinh học, Miễn dịch học, Điều trị học… để đưa ra một cách nhìn khác với đa số nhưng thuận theo giáo lý của bậc Đại giác, mong đóng góp cho các đạo hữu nhìn nhận lại vấn đề, hòng bớt đi sự hoang mang và có thể yên tâm dựa vào giáo lý và các pháp để hành trì, mục đích giữ được thân và tâm bình yên hơn trước dịch bệnh.
1.Nghịch lý qua sự tiến hoá
Cuộc chiến với virus SARS-CoV-2 đang làm rúng động lòng người, càng lúc càng lạ lùng: một bên là loài người, sinh vật đang thống trị hành tinh, sở hữu một cơ thể hoàn chỉnh đến diệu kỳ với khoảng 75 ngàn tỷ tế bào hoạt động linh mẫn nhịp nhàng đến từng phân tử, đã tiến hóa hàng triệu triệu năm, hình thành một hệ thống phòng vệ tinh vi hơn bất cứ lực lượng quân sự nào trên thế gian…, và sinh vật này còn đạt đến những đỉnh cao văn minh chói lòa, với những thành tựu vĩ đại, tự hào chinh phục cả thiên nhiên bắt thiên nhiên phục vụ cho mình, chinh phục cả vũ trụ, tưởng chừng đã cướp hết quyền năng của tạo hóa…;
Một bên là virus SARS-CoV-2, một loại vật chất chưa được xem là chất sống (?!), chúng chỉ là một thể trung gian giữa chất sống và chất vô sinh (không có cấu tạo tế bào, không di chuyển được, không có khả năng tự sinh sản, không có quá trình trao đổi chất…; một chút nắng cũng khô héo, một chút mặn cũng tan nát, một chút axit hay bazơ cũng tiêu tùng… Rất mong manh!)…; chúng chỉ biểu hiện được một số tính chất cơ bản của sự sống khi và chỉ khi lọt được vào bên trong tế bào niêm mạc hô hấp của vật chủ có những cấu trúc vật chất phù hợp với nó…
So sánh lực lượng tưởng chẳng cần bàn, ấy vậy mà càng lúc con người càng trở nên nhỏ bé yếu ớt đến thảm hại: sợ hãi, âu lo, kinh khiếp, hoang mang… gần như chỉ biết chờ đợi…, chờ đợi sự vận hành của trời đất thời khí đổi thay, hay một sự ban phát của đấng quyền năng nào đó, để cầu mong virus tự ra đi…
Con người đã bắt đầu lờ mờ nhận ra có gì đó sai sai ở đây! Vô cùng nhiều những câu hỏi “tại sao” mà thật khó tìm ra câu “tại vì” để trả lời.
Phải chăng virus chỉ là một biểu hiện vật chất của bệnh, còn bệnh là một điều gì đó khác hơn? Con người không thể tiêu diệt được nó vì một năng lực nào đó đang điều hành tác động của nó với cơ thể, không chấp nhận tha lực giải quyết: Về mặt đại thể, nhân loại phải chịu đựng một hậu quả tương đương với sự tàn phá tự nhiên và lòng tham khôn cùng; về cơ thể người bệnh, cũng phải trả đầy đủ những món nợ lỡ vay, tuỳ từng tính chất số lượng của “nợ” mà bệnh sẽ diễn tiến nặng nhẹ như thế nào, đến công đoạn nào, có thể chỉ là nhiễm virus, hay đến dương tính với virus, hay phát một bệnh cúm điển hình (sốt cao, đau đầu, đau nhức mình mẩy, viêm long đường hô hấp trên…), hoặc đến viêm họng, hay có viêm phế quản, viêm phổi, có suy hô hấp cấp, rồi tử vong… (80% tự khỏi, 14% có biến chứng, 6% nguy cơ…).
Chúng tôi nhấn mạnh đến một năng lực nào đó! Người có học Phật sẽ nhận ra ngay năng lực đó chính là nghiệp lực. Nói cách khác, diễn tiến của dịch bệnh dù ở mức độ nào cũng đang tuân theo một quy luật nhân quả!
2.Nghịch lý về sự phát triển của virus
Bản chất của virus: Khoa học đưa ra khái niệm “hạt” (particle trong Anh ngữ hoặc virion trong La-Tinh) chứ không phải là “con” như cách gọi thông tục của người Việt (“con virus”). Thói quen gọi tên như vậy, càng làm người Việt hình dung sai, tưởng tượng SARS-CoV-2 là một con ác quỷ hay ác thú thu nhỏ vừa khôn ngoan, trí trá, xảo quyệt, vừa hung hiểm, tàn độc, có thể xâm nhập và tiêu diệt bản thân bất cứ lúc nào!
Thực ra virus này chỉ là:
– Một đại phân tử nucleoprotein (gồm 1 chuỗi đơn ARN mang mật mã di truyền và capsid là vỏ protein bao quanh);
– Một thể trung gian giữa các chất sống và chất vô sinh (không có cấu tạo tế bào, không di chuyển được, không có khả năng tự sinh sản, không có quá trình trao đổi chất…).
– Vật chất di truyền của chúng chỉ là 1 chuỗi đơn ARN gồm xấp xỉ 30.000 nucleotit, tương đương khoảng 1/200 ngàn ở tế bào người (chuỗi ADN ở tế bào người khoảng 3 tỷ cặp, chỉ khác virus 1 loại: Timin thay Uraxin)…
Chỉ mô tả từng ấy cũng đủ để chúng ta thấy rằng bản thân virus không thể có trí khôn hay trí thông minh như con người đang nghĩ về nó, thậm chí những hoạt động thấp cấp của một vật chất sống cũng không hề có.
Phần này, chúng tôi đặt lại 2 vấn đề:
1/Về sự nhân lên của virus: Xét vật chất di truyền chuỗi ARN của virus này số lượng nucleotit chỉ bằng 1/200.000 của người (3 ngàn so với 3 tỷ kép; chỉ thay Timin bằng Uraxin), nếu mỗi lần nhân lên của virus chỉ tận dụng hiệu quả bằng 1/10 vật chất di truyền của tế bào người, thì cũng chỉ vài lần nhân lên thì cả hệ thống hô hấp của con người đều bị huỷ hoại… Thế nhưng, thực tế không phải như vậy! Dù bị nhiễm virus thì cũng có đến 95% người bệnh lành bệnh tự nhiên. Điều này lại gợi ý cho một năng lực nào đó thuộc về cơ thể người bệnh đang điều hoà sự tương tác giữa virus với cơ thể con người, để dẫn đến một tỷ lệ lành bệnh rất lớn (hơn 80% lành bệnh, 14% có triệu chứng bệnh cúm nhưng vẫn lành…)!
2/Cấu trúc của SARS-CoV-2 đã được giải mã đến từng nucleotit và các loại protein đặc thù của nó, cho thấy tác nhân gây bệnh hoàn toàn tương đồng đến cấp phân tử (khi có thay đổi thì đã tạo thành những biến chủng mới), nhưng bệnh cảnh mỗi người mỗi khác, điều này lại gợi ý khá rõ cho một năng lực nào đó thuộc về cơ thể người bệnh đang chi phối tất cả sự giao tranh giữa tác nhân gây bệnh và cơ thể con người.
Cũng vậy, theo nhãn quan của người học Phật thì năng lực đó chính là nghiệp lực, và mọi thứ vẫn đang được điều phối tinh vi cùng cực bằng quy luật nhân quả!
3.Nghịch lý trong Bệnh học vi sinh
Sự nhân lên của virus là một quá trình phức tạp, trong đó axit nucleic của virus giữ vai trò chủ đạo truyền đạt các thông tin di truyền của chúng cho tế bào chủ. Virus hướng các quá trình trao đổi chất của tế bào chủ sang việc tổng hợp các hạt virus mới. Cũng như các loại virus khác, quá trình nhân lên của SARS-CoV-2 được chia thành 5 giai đoạn: Hấp phụ → Xâm nhập → Tổng hợp các thành phần cấu trúc → Lắp ráp → Giải phóng.
3.1. Hấp phụ: Virus hấp phụ vào bề mặt tế bào, các hạt virus gắn vào các thụ thể (receptor) đặc hiệu ở bề mặt tế bào biểu mô đường hô hấp (do các kháng nguyên bề mặt của virus chỉ phù hợp với các tế bào này mà thôi).
3.2. Xâm nhập: Virus xâm nhập qua màng tế bào qua cơ chế “ẩm bào”, tiếp đó vỏ capsid của virus sẽ được enzyme cởi vỏ (decapsidase) của tế bào phân huỷ, giải phóng axit nucleic của virus. Đó gọi là giai đoạn “cởi áo”.
3.3. Tổng hợp các thành phần cấu trúc: Virus truyền đạt những thông tin di truyền cho các tế bào chủ và bắt các tế bào chủ chuyển hướng sang tổng hợp các thành phần của virus: ARN (axit nucleic) của virus được nhân lên và 29 loại protein đặc thù của nó được tổng hợp.
3.4. Lắp ráp các thành phần: mỗi chuỗi ARN và 29 loại protein đặc thù tạo vỏ capsid được lắp ráp thành từng đơn vị, và quá trình này tạo nên hằng vạn hạt virus hoàn chỉnh (cũng có trường hợp không hoàn chỉnh nhưng xác suất không lớn, như lắp ráp sai tạo ra virus không hoàn chỉnh (hạt DIP), hoặc các virus giả (pseudovirion), hoặc có những thay đổi nhỏ tạo đột biến).
3.5. Giải phóng: Hằng vạn hạt virus tạo thành sẽ phá vỡ màng tế bào để ra ngoài và tiếp tục đi xâm lấn các tế bào cảm thụ khác.
Quy trình trên được khoa học mô tả hết sức rõ ràng nhờ vào những phát minh khoa học rực rỡ về kỹ thuật thiết bị… Về mô tả khách quan, khoa học đã vô cùng chính xác, song bình tâm mà nhìn nhận thì ai cũng sẽ thấy có gì đó rất lạ: Làm sao một thứ chỉ là thể trung gian giữa chất sống và chất vô sinh lại có thể hoàn thành một quy trình phức tạp đạt kết quả toàn mỹ đến thế? Từ tìm kiếm hấp phụ vào tế bào cảm thụ, xâm nhập rồi tổng hợp các thành phần của mình thông qua sự khống chế các tế bào chủ, buộc phải chuyển hướng làm việc cho mình… rồi lắp ráp hằng tỷ đơn nguyên cấp phân tử thành hằng vạn hạt virus không mảy may sai lầm? Nghịch lý này thật không thể giải thích!
Từ một góc độ khác nhìn nhận, một quy trình tinh tế vĩ đại như mô tả phải do chính cơ thể con người với 75 ngàn tỷ tế bào hoạt động vi diệu do đã tiến hoá hằng triệu triệu năm thực hiện, thì mới khả dĩ thuyết phục! Trên cơ sở thành tựu quan sát của khoa học, có thể nhìn từ trong ra, thay đổi chủ khách, mô tả lại quy trình trên như sau:
3.1’. Hấp phụ: Cơ thể điều khiển những tế bào biểu mô đường hô hấp hấp phụ những virus Corona có kháng nguyên tương ứng với receptor (cảm thụ quan) trên bề mặt của tế bào.
3.2’. Xâm nhập: Cơ thể thông qua cơ chế ẩm bào nuốt virus vào bên trong tế bào, tiếp đó dùng enzyme cởi vỏ (decapsidase) để cởi bỏ vỏ capsid của virus và phân huỷ, giải phóng axit nucleic của virus. Đó gọi là giai đoạn “cởi áo”.
3.3’. Tổng hợp các thành phần cấu trúc: Cơ thể đưa các thành phần của virus vào các nhà máy sản xuất (bào quan) trong khắp tế bào rồi sử dụng nguyên vật liệu của tế bào sản xuất các thành phần này (ARN và 29 loại protein).
3.4’. Lắp ráp các thành phần: Cơ thể dùng hằng triệu đơn nguyên kiến trúc của ARN và 29 loại protein vỏ được sản xuất mọi nơi, đem lắp ráp thành hằng vạn hạt virus hoàn chỉnh.
3.5’. Giải phóng: Cơ thể dùng hằng vạn hạt virus tạo thành để phá vỡ màng tế bào, đẩy virus đến cho các tế bào cảm thụ khác.
Nhìn nhận như trên tức là chính cơ thể con người chủ động thực hiện cả 5 bước nhân lên của virus! Nghe thì lạ tai, song chỉ nhìn nhận quy trình nhân lên của virus như vậy, mới tránh được nghịch lý đã nêu.
Vấn đề còn lại: Tại sao cơ thể thông minh vi diệu của con người lại đi làm một chuyện bất lợi như vậy?
Thật không dễ trả lời, nhưng ở đây, vấn đề chúng ta đối diện lại gợi ý khá rõ cho một năng lực nào đó thuộc về cơ thể người bệnh đang chi phối tất cả quá trình hấp phụ, ẩm bào, cởi vỏ, tổng hợp, lắp ráp, giải phóng các tác nhân gây bệnh!
Một lần nữa, năng lực đó chính là nghiệp lực theo nhãn quan người học Phật, và cũng chỉ bằng cách nhìn ấy mới tránh được những nghịch lý nêu trên!
4.Nghịch lý trong Miễn dịch học
Sự mô tả gần đây của Miễn dịch học đối với SARS-CoV-2 cho chúng ta những thước phim sinh động rõ ràng về các bước tấn công của virus, thể hiện sự “thông minh”, “khôn khéo”, “gian trá”, “hung hiểm”… của virus này. Tất nhiên, những thuộc tính trong dấu ngoặc kép gán cho một loại không phải là chất sống cũng là một nghịch lý. Xin mô tả vắn tắt:
1. Virus xâm nhập vào cơ thể, khéo léo lọt qua các tuyến phòng thủ không đặc hiệu (nước mắt, nước mũi, nước dãi, chất nhầy ở cổ họng và đường hô hấp…).
2. Săn lùng các tế bào chúng có thể chỉ huy.
3. Virus sẽ chiếm đoạt tế bào, sinh sản, tự lây lan và tấn công các tế bào khác.
4. Nguỵ trang sự hiện diện của mình bằng tránh chạm vào hệ thống báo động hoá học của hệ thống miễn dịch (Nhiều Nhà nghiên cứu Miễn dịch còn nhận định Virus thử các “mánh khoé” khác nhau để né tránh báo động của hệ miễn dịch).
5.Khi hệ thống miễn dịch phát hiện cũng là lúc virus bắt đầu cuộc chạy đua vũ trang với hệ thống miễn dịch để lan truyền và tấn công trước khi các tế bào T hoạt động săn tìm bắt và tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh (tức có virus bên trong).
Khi tế bào T tìm thấy các tế bào nhiễm virus sẽ gắn chặt và truyền các phân tử đi sang tế bào nhiễm và bắt đầu tiêu diệt nó; cùng lúc đó các protein hình chữ Y cũng “giúp một tay”, bẻ gãy các gai virus dùng để bám vào các tế bào khoẻ mạnh; tiếp đó các đại thực bào sẽ nuốt chửng các cụm virus đã chết. Tuy vậy, kết quả xấu có thể xảy ra:
-Khi các tế bào T tiêu diệt các tế bào nhiễm bệnh, phổi sẽ phù nề, sưng lên vì các tế bào miễn dịch, các phân tử và dịch… làm giảm thiểu sự hấp thu Oxy, nếu “phế phẩm chiến tranh” không nhiều lắm và cơ thể bệnh nhân tốt thì có thể hồi phục sau một bệnh cảnh viêm. Nhưng nếu lực lượng không chênh lệch, cuộc tàn sát 2 bên lan rộng, xác các loại tế bào chồng chất trong phổi gây tắc nghẽn, giảm lưu lượng Oxy, dẫn đến tử vong do không cung cấp được Oxy.
– Khi cơ thể chỉ huy tế bào miễn dịch chiến đấu, sự phối hợp sai có thể xảy ra, gây tổn thương nhiều hơn, dẫn đến hậu quả nghiệm trọng.
-Cơ thể phản ứng thái quá (gọi là quá mẫn) cũng gây ra những thương tổn trầm trọng, tức thay vì tổn thương do virus, chính phản ứng miễn dịch lại thành gánh nặng cho phổi và các cơ quan khác nữa.
Trong phần này, chúng ta lại thấy một nghịch lý nặng nề khi phải quy chụp cho một thứ không phải là sự sống những thuộc tính: “khéo léo”, “mánh khoé”, “có khả năng săn lùng”, “chiếm đoạt”, “tự lây lan”, “tấn công”, “nguỵ trang”, “chạy đua vũ trang”… Nói chung tất cả đều là những thuộc tính thuộc về con người, đem áp đặt cho một thứ không phải là chất sống đã là nghịch lý. Và, nhìn cho đúng bản chất sự việc, thì: ngay cả quá trình bệnh tật cũng do cơ thể con người tạo nên; sự nguy kịch hay thậm chí cái chết cũng do cơ thể con người phát động chiến tranh gây hậu quả; sự phối hợp sai của hệ miễn dịch hay phản ứng quá mẫn của nó gây tổn thương các tạng phủ, thảy đều do cơ thể con người thực hiện! Xét kỹ ở đây, lại càng gợi ý cho chúng ta một năng lực nào đó thuộc về cơ thể con người chi phối toàn bộ quá trình hình thành nên bệnh tật. Và, cũng không thể là năng lực nào khác ngoài nghiệp lực: từ cái nhân con người lỡ gieo bằng những hành động có tác ý sẽ chi phối dẫn dắt mọi thứ trong thế giới không nhìn thấy đi đúng quy luật cho đến cái quả cuối cùng.
5.Nghịch lý trong di truyền phân tử
Các nhà khoa học đương đại đã giải mã hoàn toàn bộ gen của SARS-CoV-2: bộ gen chứa khoảng 30.000 ký tự (các nucleotit: Andenin, Xiderin, Guanin, Uraxin) và xác định bộ gen này mã hoá 29 protein, và xác định được đa phần nhiệm vụ của từng protein: có loại làm nhiệm vụ cảnh giới, có loại thôi miên tế bào, có loại tuyển dụng các bào quan buộc sản xuất protein cho virus, có loại ngăn cản tế bào sản xuất protein chống lại virus, có loại nguỵ trang cho các gen của virus giúp chúng không bị tấn công, có loại dùng dọp dẹp các công xưởng bừa bộn do sản xuất vũ khí (để các loại bảo vệ không phát hiện được hoạt động sản xuất vũ khí của nó), có loại giúp ARN của virus trốn khỏi các protein bảo vệ tế bào, có loại giúp thay đổi môi trường bên trong của tế bào nhiễm giúp virus dễ dàng sao chép và nhân lên hơn, lại có loại ngăn chặn các thông tin tín hiệu mà tế bào nhiễm gửi đến cho hệ miễn dịch…
Có người lại mô tả sinh động hơn nữa: SARS-CoV-2 sử dụng rất nhiều protein như những tên khủng bố chiếm dụng công xưởng của tế bào; có loại làm nhiệm vụ cảnh giới, có loại bắt cóc và đe doạ con tin, yêu sách các nhà máy phải nghe lời chúng; có loại protein nguỵ trang để đánh lạc hướng cảnh sát, có loại protein mở đường thoát khi chúng làm xong nhiệm vụ…
Bình tâm mà xem xét, thì những mô tả và nhận định trên đều có vấn đề: virus không được xem là chất sống thực sự, nhưng mô tả như vậy, là khi chẻ chúng ra hằng trăm mảnh thì mỗi mảnh đều có tính chất của sự sống (?!) và hơn thế, mỗi mảnh lại có tính chất của những hoạt động thần kinh cao cấp (!?). Tất nhiên, đó là một nghịch lý. Và như vậy, chúng ta lại trở về một điều mang tính gợi ý và xuyên suốt từ đầu: Một năng lực nào đó từ phía cơ thể người bệnh đang thực hiện những hoạt động vô cùng phức tạp cấp di truyền phân tử để điều hoà cuộc chiến giữa virus và cơ thể con người. Một lần nữa, người học Phật sẽ khẳng định đó chính là nghiệp lực! Quy luật nhân quả điều phối tất cả!
6.Nghịch lý trong điều trị
Từ năm 1915 khoa học đã phát hiện virus của vi khuẩn, 1935 tách biệt và kết tinh virus khảm thuốc lá, 1940 đã quan sát được hình dạng và thành phần cấu trúc của virus cúm nhờ vào kính hiển vi điện tử. Như vậy là hơn 100 năm từ lúc phát hiện, và hơn 80 năm từ khi nhìn thấy virus rõ ràng dưới kính hiển vi, con người vẫn không thể nào chế ra dược phẩm tiêu diệt được nó, vì đó là một thứ không phải chất sống khi bên ngoài tế bào, mà vào trong tế bào lại phân rã thành từng phần để tổng hợp… Điều trị bệnh cúm nói chung thì cả trăm năm nay vẫn vậy, chỉ dùng các loại thuốc nâng cao thể trạng, điều trị hỗ trợ, rồi chờ cơ thể tự hoàn chỉnh quy trình miễn dịch khoảng thời gian một đôi tuần, bệnh tự nhiên lui, và đa phần thì điều trị hay không, kết quả cũng không khác mấy… Với SARS-CoV-2 hôm nay, cũng chỉ là điều trị hỗ trợ, bao gồm hỗ trợ hô hấp như thở Oxy, thở máy, ECMO[1] giúp giữ bệnh nhân sống sót cho đến khi tự hồi phục nhờ chính vào cơ chế miễn dịch của cơ thể.
Với Đông y thì bao nhiêu đời nay, người xưa vẫn đối chứng lập phương và xử lý hiệu quả với các loại cảm cúm, cảm lạnh (đều do virus). Trên luận lý về Thương Hàn, tuỳ theo kinh nghiệm chẩn đoán bệnh đã vào đến Kinh nào (Lục kinh truyền biến: Thái dương, Thiếu dương, Dương minh, Thái âm, Thiếu âm, Quyết âm) mà có những bài thuốc phù hợp, như Ma hoàng Quế chi, Tiểu Sài hồ thang… Chung quy, vẫn là “phù chính khu tà”, tự nâng cao thể trạng để tà khí tự lui, như nguyên lý “chính khí nội tồn, tà bất khả can” vậy!
Với kinh nghiệm dân gian, thì các loại bệnh cảm cúm cảm lạnh lại vô cùng đơn giản, chỉ cần một nồi nước lá xông của bà nông dân, hoặc nồi khoai xông hơi của người ngư dân cũng khỏi…; hay những người lính trong thập niên 80 thế kỷ trước mà chúng tôi trải nghiệm, đôi khi chỉ cần vài cốc rượu với vài múi tỏi cũng khỏi; sau này, rất nhiều người trong chúng tôi thực hành những phương pháp tiết thực (không dưới vài chục lần), thì càng đơn giản hơn, chỉ cần 2, 3 ngày là khỏi hoàn toàn.
Phần này, chúng ta cần nhìn nhận thêm: Khoa học suốt 80 năm nhìn thấy virus, loại Corona thì càng dễ gặp, gần đây là biến chủng SARS-CoV-2, mà không thể tiêu diệt được vì những tính năng quá dị biệt. Có vẻ như con người tất yếu phải chịu đựng một căn bệnh, tự đến tự đi, một tỷ lệ nhỏ biến chứng nguy hiểm, mà không thể làm gì khác. Bên cạnh đó, những bài thuốc của Đông y chỉ uống thuốc đi vào hệ tiêu hoá lại khỏi, rồi nồi lá xông, nồi khoai xông của người dân ít học, hay rượu tỏi của những người lính, hay phương pháp tiết thực… có vẻ như không hề động chạm gì đến con virus đang ẩn nấp bên trong những tế bào biểu mô đường hô hấp, nhưng kết quả lành bệnh lại rất phổ biến (!?).
Phần này, càng củng cố cho chúng ta một năng lực nào đó từ phía cơ thể người bệnh đang chi phối toàn bộ quá trình bệnh tật của con người, toàn bộ sự tương tác giữa cơ thể và các loại vi sinh vật, như một sự vay trả (không phải ngẫu nhiên), mà bản thân khoa học không thể can thiệp để giúp con người trốn nợ được. Lần này càng làm vững chắc thêm cho cách nhìn của người học Phật: Tất cả các quá trình trên đều do nghiệp lực chi phối!
Tóm lại
Khảo sát virus SARS-CoV-2 từ những phương diện đã trình bày, dù là đối chiếu sự tiến hoá phát triển, hay đi sâu vào Bệnh học vi sinh, Miễn dịch học, hay khảo sát đến tận Di truyền học, hoặc chiêm nghiệm về kết quả điều trị của nhiều phương pháp, thì chúng ta đều bắt gặp những nghịch lý không thể giải thích được, và lờ mờ nhận ra rằng: một năng lực nào đó từ phía cơ thể con người đang chi phối toàn bộ quá trình hình thành bệnh tật: từ nhiễm bệnh, duy trì bệnh, đến khi khỏi bệnh. Nếu quan sát dựa trên giáo lý nhà Phật thì năng lực mà chúng ta đang nói đến chính là nghiệp lực, hình thành từ những hành động có tác ý của con người, gồm cả tiền nghiệp, thân nghiệp, ý nghiệp, khẩu nghiệp, và cộng nghiệp. Như trường hợp chúng ta đang xét, bệnh vẫn là một nghiệp tất yếu phải nhận lãnh, hình thành nên từ vô cùng nhiều những nhân tố xảy ra trong đời sống của con người, từ việc ăn uống, ngủ nghỉ, vận động, hít thở,…; từ các nhân tố của trời đất mà Y học cổ truyền tổng kết: phong hàn thử thấp táo hoả, rồi khói bụi, hoá chất,…; và đặc biệt quan trọng là trạng thái tâm lý tình cảm của con người: phiền não tham sân tật đố ái dục… Trong phân tích các trường hợp trên, virus có thể xem là “duyên” để hoàn thành một quy trình nhân quả nghiệp báo trên phương diện vật chất. Nếu không có “duyên” này thì bệnh cũng sẽ hình thành một dạng khác khi gặp một loại “duyên” khác thích ứng. Gặp virus, năng lực nghiệp đã điều khiển các tế bào hấp phụ virus, rồi nuốt lấy theo cơ chế ẩm bào, rồi dùng men của mình để “cởi áo” cho virus, đưa tất cả các thành phần của virus vào các bào quan để tổng hợp các thành phần, rồi tạo ra hằng vạn hạt, tiếp tục đẩy đi đến các tế bào khác để tiếp tục quy trình… Nhưng nghiệp lực vẫn điều khiển các hoạt động này theo chừng mực của mức độ nghiệp mà con người đã tạo ra… Do vậy, tuỳ trường hợp để có kết quả khác nhau, có người thì chỉ nhiễm virus mà chẳng hề có triệu chứng gì cả, có người đến dương tính, có người đến phát bệnh cảm lạnh điển hình, có người lại đến viêm phổi, có người lại trầm trọng suy hô hấp cấp, có trường hợp dẫn đến tử vong…
Qua những điều đã trình bày, có thể nhìn thấy từ những sự việc lớn lao như vận hành trời đất, cho đến những những hoạt động tương tác giữa cơ thể với những thứ li ti không thể nhìn thấy bằng mắt, đều phải tuân thủ theo quy luật nhân quả. Trời đất cũng ảnh hưởng bởi sự cộng nghiệp của con người: chỉ một đợt cách ly, con người bắt đầu hoảng sợ vì những tạo tác của mình, những tham sân độc địa có vẻ chững lại, những năng lượng hung hiểm từ lòng dạ con người bớt đi, chúng ta đã thấy ngay những hiện tượng tích cực của giới tự nhiên. Theo một số thông tin mạng, chưa có điều kiện kiểm chứng: Đại học Stanford đã tính toán, việc cải thiện về chất lượng không khí được ghi nhận ở Trung Quốc có thể đã cứu sống 4.000 trẻ em dưới 5 tuổi và 73.000 người lớn trên 70 tuổi; thậm chí, các ước tính thận trọng hơn cũng cho thấy, số lượng người được cứu sống nhờ việc cải thiện chất lượng không khí nhiều gấp khoảng 20 lần số tử vong do virus; đã giảm đáng kể ô nhiễm không khí ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt tại Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia công nghiệp phát triển ở châu Âu; sự trong vắt kỳ lạ của bầu trời Vũ Hán; hình ảnh ngọn Kailash hùng vĩ của dãy Himalaya vẫn rõ mồn một dù ảnh chụp cách xa đến 200km; những đàn cá heo tung tăng thanh bình ở nhiều bãi biển trên thế giới; nhờ những bãi biển vắng bóng người dọc bờ biển của bang Odisha (phía đông Ấn Độ), hơn 475.000 con rùa biển Olive Ridley đang bị đe dọa đã lên bờ để đào tổ và đẻ – ước tính 60 triệu quả trứng – hứa hẹn một sự phát triển diệu kỳ số lượng loại rùa biển nổi tiếng này… Như vậy, về cái lợi và cái hại thật cũng khó đối sánh cho hết, chỉ biết rằng những biến động của tự nhiên đều có lý của nó, mà điều cốt tuỷ là tái lập lại trật tự đã mất quân bình do những hành động tàn phá phát sinh từ lòng tham của con người! Cũng không ngoài quy luật nhân quả!
Về cơ thể con người cũng vậy, nhiều nghiên cứu cũng cho biết, thường các tế bào nhiễm virus là những tế bào có vấn đề thương tổn, sự hấp phụ virus vào những tế bào này và hoàn tất những quy trình nhân chia tiếp theo, cũng có mục đích tiêu huỷ tế bào bệnh tật, cũng là một cách tự làm sạch cơ thể (nói cách khác cũng là một chứng lý cho việc tự giải quyết nghiệp lực của con người), để sau một đợt bệnh cúm thuần tuý, đường hô hấp sẽ thông thoáng hơn, hoạt động hiệu quả hơn. Tất nhiên, nếu đường hô hấp tổn thương quá nhiều, có thể gây hiệu quả nghiêm trọng, đó cũng là điều không khó để giải thích bằng nghiệp lực. Điều này cũng giải thích nguyên nhân cùng một tác nhân gây bệnh nhất quán đến từng số lượng, tính chất, và trật tự sắp xếp của các nucleotit (xấp xỉ 30.000) và đồng đều chủng loại 29 protein, con người lại có những triệu chứng hoàn toàn khác nhau, mức độ nặng nhẹ khác nhau, có người chỉ thoảng qua chẳng có triệu chứng gì, có người lại suy hô hấp cấp dẫn đến tử vong: vì rằng số lượng, vị trí, chức năng, và mức độ tổn thương của các tế bào hô hấp của mỗi người khác nhau, mà nhìn nhận về mặt giáo lý Phật môn là sự tích luỹ nghiệp lực của một người mỗi khác, và cách giải quyết nghiệp lực của mỗi cá nhân hoàn toàn không giống nhau.
Trên cơ thể con người, dù nghiên cứu thấu đáo về thế giới vi thể, chúng ta không thể chứng minh rõ ràng nghiệp lực đang nằm ở đâu trong cái cơ thể vi diệu xấp xỉ 75 ngàn tỷ tế bào này. Nhưng qua những nghịch lý trong nhiều lãnh vực, qua tích luỹ những kinh nghiệm cuộc sống, nhìn nhận những cái nhân cái duyên đến cái quả bệnh tật, và nhờ vào thành tựu của khoa học tiên tiến về khảo sát vi thể, càng giúp cho chúng ta thấy ra được mọi hoạt động của đời người đang được chi phối bởi một quy luật rõ ràng, rất mực công bằng, và như có cả một hệ thống sổ sách chi li không thừa không thiếu để giải quyết sự vay trả của con người, và tất nhiên, đó là luật nhân quả! Với đôi mắt phàm phu, chúng ta chỉ thấy được quả xoài, nhưng không thể thấy được quả xoài được tích luỹ nơi đâu trong cây xoài, nhưng phải hiểu tuỳ thuộc nơi cây xoài và khi hội đủ cơ duyên, quả xoài sẽ trổ ra đúng lúc đúng mùa; và cũng vậy, không thể có được những minh chứng đầy đủ, nhưng chỉ cần hiểu nhân quả như vậy, tin vào nhân quả, sống cẩn trọng với những nguyên tắc vì luật nhân quả, con người sẽ tốt lên, và tất nhiên, nhân loại sẽ tốt lên, thế giới sẽ tốt lên.
Kết luận
Nếu chúng ta tin vào nghiệp lực tức là biết gánh lấy trách nhiệm cá nhân đối với tật bệnh và sức khoẻ. Sức khoẻ và bệnh tật đều do chúng ta quyết định tất cả, mà phần lớn do chính nghiệp lực hiện tiền, nên muốn tốt thì phải có sự nỗ lực tự thân của mỗi người. Phật giáo khuyên con người phải bình tâm tìm kiếm nguyên nhân của bệnh tật và khổ đau trong chính bản thân mình, và đức Phật đã định ra rất nhiều những Pháp môn để Phật tử có thể nương tựa vào hành trì để có được sự an nhiên tự tại; nên phải hiểu rằng tất cả các pháp môn của nhà Phật đều có tác dụng bảo vệ kiện toàn sức khoẻ, phòng ngừa điều trị tật bệnh, để giữ lấy cái thân tạm bợ này làm phương tiện đi đến giải thoát!
Khi nhân đã lỡ gieo, do nghiệp báo, quả tất yếu phải trổ. Nhưng trong trường hợp ấy, chánh kiến và tác ý trong sạch có thể sửa chữa phần nào cái nghiệp, và công phu tu tập càng giúp cho chúng ta nhận lãnh nghiệp quả nhẹ nhàng hơn. Có thể lấy ví dụ sống động trong kinh sách về trường hợp dịch bệnh mà chúng ta đang lưu tâm: phẩm Hạt Muối ở kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikaya) đại để ví von nghiệp lực con người như một muỗng muối đắng chát tất yếu phải nhận, song nếu có được một đời sống phạm hạnh, thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, không có hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống đời vô lượng, thì như tạo ra được một lượng nước công đức lớn lao như nước sông Hằng mà muỗng muối kia không làm mặn được. Cũng vậy, xét trên một con người, nếu đã có thời gian hành trì một pháp môn nào đó, lại có “duyên” nhiễm SARS-CoV-2 thì tuỳ theo mức công phu và thời gian tu tập để có thể nhận lấy mức độ triệu chứng tật bệnh nào đó trong các cấp độ nhiễm bệnh. Ví như, công phu tu tập nhiều năm nghiêm cẩn, virus xâm nhập rồi tự ra đi vì không tìm được những tế bào tổn thương thích ứng; nếu tu tập công phu ít hơn, có thể dương tính trong máu nhưng bệnh không phát (dần dần cũng về lại âm tính); nếu ít hơn nữa có thể phát một bệnh cảm lạnh điển hình: sốt, ho, đau đầu, nhức mỏi, viêm họng,… chừng một đôi tuần rồi khỏi; nếu có công phu nhưng lại nhiễm những thói quen xấu như thức khuya, chất kích thích quá nhiều, hay nếp sống không điều độ, hoặc thường xuyên tiếp xúc với các loại chất kích ứng tế bào biểu mô đường hô hấp như khói bụi hoá chất…, thì có thể dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp cấp… Do vậy, với một Phật tử sống trong địa phương có dịch, ngoại trừ tuân thủ những khuyến cáo của ngành y tế, như khẩu trang, rửa tay, súc họng, rửa mũi, khoảng cách 2m, hạn chế tiếp xúc đông người, cách ly…, càng phải chuyên tâm hành trì các pháp môn của nhà Phật như một phương cách hiệu quả nhất để tạo ra một dung lượng lớn nước công đức (thân tâm đều khang kiện) có thể làm nhạt đi muỗng muối nghiệp quả tạo thành do duyên virus. Và phải có niềm tin vào việc đó, không chỉ ở nghiệp hiện tiền, ngay cả tiền nghiệp cũng có tác dụng, như đạo lý: “Ăn uống đúng đạo dưỡng sinh, thói quen sinh hoạt tốt, giữ gìn tâm bình yên an lạc, vận động đều đặn hợp lý… con người hoàn toàn có thể viết lại bản đồ gien di truyền cho bản thân một cách tích cực!”. Tất nhiên, ngược lại bản đồ gien di truyền cũng có thể viết lại xấu đi một cách dễ dàng hơn thông qua sự buông thả trong ăn uống, bừa bãi trong sinh hoạt, ì ạch trong vận động, không biết tiết chế tham dục… Và, nếu gặp một cái duyên như virus thì chúng ta có thể hiểu những nguy cơ nào có thể xảy đến!
Qua những điều đã phân tích trên, chúng tôi hy vọng rằng Phật tử có thể có cái nhìn đúng đạo lý hơn khi đứng trước dịch bệnh; và hơn thế, mỗi chúng ta đều có thể tự kiểm điểm, tự soát xét bản thân, tự đánh giá công phu tu tập, và có thể tự hình dung cũng như nhận định không sai lạc mấy về bản thân: trong trường hợp nếu không may nhiễm phải những loài virus như vậy (có cái duyên virus), thì với tất cả cái nhân mình đã gieo, sẽ phải nhận một cái quả mức độ nào, đó là điều có thể! Đó cũng là sự thiết thực của giáo pháp Thích Ca trong chính cuộc sống đời thường của chúng ta: ngay bây giờ và ở đây! P.Đ.T.D
Tài liệu tham khảo
-Narada Thera, Đức Phật và Phật Pháp, Bản dịch của Phạm Kim Khánh, Thành hội Phật giáo Tp.Hồ Chí Minh ấn hành, 1991.
-Đại học Huế-Trường Đại học Y Dược Huế-Bộ môn Vi sinh, Giáo trình Vi sinh vật học Y học, Huế 2014.
-Đại học Huế-Trường Đại học Y Dược Huế-Bộ môn Miễn dịch- Sinh lý bệnh học, Huế 2014.
https://tapchimoi.info/he-thong-mien-dich-tieu-diet-virus-xam-nhap-co-the-nhu-the-nao.html
https://yhocvn.net/he-mien-dich-chien-dau-voi-sars-cov-2-nhu-the-nao.html