Trang chủ Thiền môn xứ Huế Ngày an cư tập trung cuối cùng của năm Nhâm Thìn (29.6.Nhâm...

Ngày an cư tập trung cuối cùng của năm Nhâm Thìn (29.6.Nhâm Thìn) tại trú xứ Diệu Đức

133
0

Bầu trời sáng nay cũng vậy, thật trong xanh, những làn gió nhè nhẹ thổi. Màu nắng vàng tươi rọi qua kẻ lá, rơi xuống con đường đá sỏi trước sân Chùa, lướt nhẹ trên những chiếc Y vàng của chư Ni thuộc các Tự, Viện, Tinh Thất đã lần lượt tề tựu xung quanh sân vườn chùa. Là ngày Bố tát, là ngày An Cư tập trung lần thứ năm cũng là lần cuối cùng của Trú Xứ Diệu Đức cũng như 3 trú xứ Hồng Ân, Diệu Viên và Diệu Hỷ. Từ các dãy liêu, chư Ni đang tiến về chánh điện, từng chiếc y vàng thanh thoát, từng ánh mắt rạng ngời, từng nụ cười chào nhau an lạc dưới mái hiên chùa hay đã tự lập trang nghiêm trong chánh điện để chuẩn bị tụng kinh Di Giáo, một thời khóa bắt đầu của Ngày An Cư Tập Trung cuối cùng cũng như những lần trước. Thời gian trôi đi quá nhanh, ai cũng cảm thấy tiếc nuối như là sắp xa đi cái gì thân thương nhất, không tiếc nuối sao được khi biết đây là lần cuối cùng gặp nhau trong mùa Hạ Nhâm Thìn này.

Sau thời tụng Di Giáo, chư Ni tiếp tục thảo luận đề tài: “TÌM HIỂU VỀ BÁT KỈNH PHÁP” do Sư Cô Thích Nữ Thoại Mẫn và Sư Cô Thích Nữ Minh Thái trình bày.

SC.TN. Thoại Mẫn và SC.TN Minh Thái trình bày đề tài

Nội dung buổi thảo luận trong tinh thần dân chủ như Đức Phật đã dạy trong Kinh Kàlàma cho dân chúng Kàlàma rằng: “Chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến… Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau: Các pháp này là bất thiện; Các pháp này là đáng chê; Các pháp này bị các người có trí chỉ trích; Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau", thời này Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng!” (Tăng Chi Bộ III.65)

NS.TN. Diệu Trì phát biểu

Khác với các giáo chủ các tôn giáo khác, Đức Phật hết sức phóng khoáng, cởi mở, dân chủ, răn nhắc mọi người được tự do suy tư, cứu xét, thẩm sát và quyết định với sự tế nhị tối đa và chính xác, thẩm định mọi điều để tự quyết định cho mình là có nên tin và hành trì theo hay không? Qua những lời dạy này, chúng ta nên thử tìm hiểu thêm và nghiên cứu lại mỗi điều luật trong Bát Kính Pháp để hiểu rõ Bát Kính Pháp có phải được chế định để phù hợp với bối cảnh lịch sử xã hội hay không? Ở đây, chúng ta có thể đi ngược dòng lịch sử để xét lý do vì sao đức Phật đã chế ra Bát Kỉnh Pháp này.

Chúng ta biết rằng, trong đoàn thể xuất gia đầu tiên của Phật không có hàng nữ lưu, mãi đến năm năm sau khi thành lập Tăng đoàn, di mẫu đức Phật, Maha Pajapatì, cùng với năm trăm nữ nhân dòng Thích Ca mới đến ngỏ lời cầu xin Phật cho phép được thế phát xuất gia “Đức Phật từ chối ba lần”. Về phương diện lịch sử, chúng ta sẽ thấy vấn đề này rõ hơn, Đức Phật lưỡng lự, từ chối đến ba lần mới cho nữ giới xuất gia, đâu phải Ngài trọng nam khinh nữ, đó là Ngài đang tìm giải pháp thích hợp cho hàng nữ giới sau khi xuất gia sống đời Phạm hạnh trong Tăng đoàn. Chúng ta cũng biết, vào thời ấy, xã hội Ấn Độ đang ở trong thời kỳ bán khai, người xuất gia rời bỏ gia đình, sống không gia đình trong rừng rú. Người nam tu sĩ có thể tự vệ chống bọn cướp, thú dữ, rắn rết …, nhưng người tu nữ hoàn toàn không thể tự bảo vệ được mình. Và một lý do sâu xa khác của việc chế Bát kỉnh pháp là đức Phật muốn có sự cách biệt trong hòa khí giữa Tăng bộ và Ni bộ. Chúng ta được biết thêm, cũng chính trong kinh Bộ Tăng Chi này đức Thế Tôn đã giải thích lý do tại sao Ngài ban hành Bát kỉnh pháp:

“Ví như, này Ànanda, một người vì nghĩ đến tương lai xây dựng bờ đê cho một hồ nước lớn để nước không thể chảy qua, cũng vậy, này Ànanda, vì nghĩ đến tương lai, Ta mới ban hành tám kính pháp này cho các Tỳ kheo ni cho đến trọn đời, không được vượt qua”

NS.TN Như Thiện phát biểu

Buổi thảo luận diễn ra sôi nổi quanh vấn đề SC. Minh Thái đưa ra sau khi đã trình bày với hội chúng và đưa đến kết luận rằng, nội dung của các điều luật trong Bát Kính Pháp giống với các giới trong tụ Ba-dật-đề của Giới Bổn tỳ kheo Ni như:

    Điều luật thứ 1 của Bát Kỉnh Pháp giống với giới điều 175 Khinh tân tỳ kheo trong Ba dật đề.
    Điều luật thứ 2 của Bát Kỉnh Pháp giống với giới điều 145 Mắng tỳ kheo tăng trong Ba dật đề.
    Điều luật thứ 4  của Bát Kỉnh Pháp giống với giới điều 119 Độ người có thai và giới 123 không học sáu pháp trong Ba dật đề.
    Điều luật thứ 6 của Bát Kỉnh Pháp giống với giới điều 141 không cầu giáo thọ trong Ba dật đề.
    Điều luật thứ 7 của Bát Kỉnh Pháp giống với giới điều 143 An cư không Tăng trong Ba dật đề.
    Điều luật thứ 8 của Bát Kỉnh Pháp giống với giới điều 142 Không cầu tự tứ trong Ba dật đề.

Qua nghiên cứu về “Sự Tích Giới Luật”, chúng ta đều thấy, Giới Luật Đức Phật chế ra trên tinh thần “tùy phạm tùy chế” và các giới này đều nằm trong Tụ “Ba dật đề”, vậy nên, nội dung Bát Kính Pháp được hành trì này có giống với nội dung Bát Kính Pháp mà Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề đã thọ nhận hay không hay có Bát Kỉnh Pháp khác đặc biệt? Và Bát Kỉnh Pháp có phải là điều kiện tiên quyết và thiết yếu để cho phép Ni giới được gia nhập Tăng đoàn hay không?

NS.TN. Huệ Mãn phát biểu

Nếu Bát Kính Pháp giống với nội dung của các giới trong tu Ba dật đề mà chư Ni đã tuân giữ rồi thì tại sao đức Phật lại chế ra các giới trong tụ Ba-dật-đề giống như nội dung của các điều luật trong Bát Kính Pháp, tại sao điều luật này lại được lập lại như vậy?

Buổi thảo luận như không muốn kết thúc nhưng thời gian có hạn, chuông báo giờ Quá Đường đã đến, mọi người giải tán sau sự đúc kết của người trình bày, rằng, Đức Phật đã vĩ đại như thế nào khi Người chấp thuận thành lập Giáo đoàn Tỳ Kheo Ni cho Nữ giới. Đức Phật đã đi trước thời đại 25 thế kỷ, đã giải phóng người phụ nữ ra khỏi sự phân biệt khinh miệt trong tinh thần trọng nam khinh nữ trong xã hội bấy giờ, đem lại sự bình đẳng tuyệt đối. Vấn đề kỳ thị Nữ giới, coi Nữ giới thấp kém hơn Nam giới là một vấn đề có thể nói là phổ quát trên khắp thế giới, còn kéo dài cho tới tận ngày nay ở nhiều nơi, nhất là trong các tôn giáo thờ thần như Hồi Giáo, Công Giáo, Do Thái Giáo và cả trong những xã hội văn minh tân tiến nhất như Mỹ, Nhật Bản, Nam Hàn vv…Một lần nữa, chúng ta, những người con gái dòng họ Thích (Sakyadhita) khẳng định rằng, Ni giới trong Phật giáo thật sự được tôn trọng, được kính nể, được đề cao như một vị Phật tương lai. Chỉ có tự chúng ta làm cho chúng ta thanh cao hay hèn hạ, không ai khác có thể nâng cao hay hạ thấp phẩm giá của ta, sự thật hiển nhiên là thế, khi mình không tự hạ giá bằng cách biến mình thành một thứ công cụ để người khác sai khiến. Tự cao tự đại chỉ là tự chuốc lấy sự ganh ghét và xa lánh của những người xung quanh, tự ti mặc cảm thì không bao giờ đạt được những thành quả cao trong mọi lãnh vực, đặc biệt là giải thoát tự thân, cả hai điều đó thật sự không có lợi ích cho mình và người. Điều quan trong là chúng ta luôn luôn tự tin, tự tinh làm được những gì Nam giới làm, tự tin mình sẽ thành Phật vì “bỉ ký trượng phu ngã diệc nhĩ”. Không nên tự tôn hay tự ti, mà tự tin sống đúng với vai trò Thích nữ, đấy là địa vị thuận lợi mở ra cho muôn ngàn khả năng đạt đến giải thoát, Niết bàn.

SC. Hiền Thuận phát biểu

SC. Tịnh Như phát biểu

Buổi sinh hoạt buổi chiều diễn ra sau khi kết thúc buổi tụng Giới, dưới sự chủ trì của HT. Thích Quán Chơn, TT. Thích Giác Đạo và Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Tấn cùng với sự tham dự gần 200 chư Ni với đề tài “Trách nhiệm của vị Trú trì đối với Tăng chúng và ngược lại”. Trong tinh thần “kiến hòa đồng giải”, mọi người cùng chia sẻ những kinh nghiệm thuận lợi cũng như khó khăn trong vai trò là vị Thầy hướng dẫn đệ tử, khó khăn hơn là trong thời đại văn minh kỷ thuật này, các vị Thầy phần nhiều là thế hệ trước không cập nhập các phương tiện truyền thông hay sử dụng internet nên khó kiểm soát được những đệ tử sa đà trong các trang web xã hội hơn là lo công phu tu tập. Các ý kiến của những người đệ tử thì phần nhiều mong các vị Thầy bao dung hơn và bình đẳng trong cách đối xử với các đệ tử của mình.

Kết thúc buối thảo luận cũng là giây phút khép lại ngày “An cư tập trung” cuối cùng PL. 2556 của chư Ni trú xứ Diệu Đức. Năm kỳ “An cư tập trung” thật có ý nghĩa và nhiều lợi lạc cho tự thân, đoàn thể cũng như bồi đắp thêm niềm tin yêu vào đạo pháp cho quần chúng Phật tử. An lạc, hoan hỷ là điều mà ai cũng cảm nhận được khi hồi quy bổn tự và hứa hẹn sẽ gặp lại nhau vào năm sau.

Bhikkhuni Minh

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here