Trang chủ Phật học Năm Dần nói về chúa sơn lâm

Năm Dần nói về chúa sơn lâm

111
0

Trong 12 con giáp, Hổ được xuất hiện ở vị trí thứ 3, sau con Chuột và Trâu (Tý, Sửu, Dần). Cứ mỗi một vòng quay của 60 hoa giáp con hổ được xuất hiện 5 lần với 5 vị trí khác nhau, bao gồm các năm: Giáp Dần, Bính Dần, Canh Dần, Nhâm Dần, Mậu Dần.

Hổ là một loại động vật quý hiếm được sắp xếp vào danh sách đỏ của Thế giới cần phải được bảo tồn. Bởi giá trị của hổ là rất lớn, nên có người cũng vì lợi ích cá nhân mà mưu tâm sát hại để chúng ngày càng rơi vào nạn tiệt chủng.

Hổ và sư tử là chúa tể sơn lâm, là con vật có sức mạnh lớn, oai hùng làm khiếp sợ những loài vật khác.  Hổ vốn là con vật tượng trưng của quyền lực, là vương – tướng trên mặt đất. Kinh Đại Bát Niết Bàn nói về 11 ý nghĩa sư tử hống như sau: “Như sư tử chúa tự biết sức lực răng nanh bén nhọn, bốn chân chống đất đứng trong hang vẫy đuôi gầm ra tiếng. Nếu có người nào đủ những tướng như vậy phải biết rằng có thể rống như sư tử, thiệt là sư tử chúa sáng sớm ra khỏi hang vươn vai ngáp, nhìn ngó bốn phương, cất tiếng rống to. Làm như thế là vì mười một điều: Một là vì muốn phá dẹp những loài chẳng phải thiệt sư tử mà dối làm sư tử; hai là vì muốn thử sức mình; ba là vì muốn khiến chỗ ở thanh tịnh; bốn là vì muốn bầy sư tử con biết chỗ nơi; năm là vì muốn đàn sư tử không tâm kinh sợ; sáu là vì  muốn kẻ ngủ được thức tỉnh; bảy là vì muốn tất cả những thú phóng dật được siêng năng chẳng phóng dật; tám là vì muốn những thú khác đến chầu hầu; chín là vì muốn điều phục đại hương tượng; mười là vì muốn dạy bảo các con cái; mười một là vì muốn trang nghiêm quyến thuộc của mình”(1).

Phải nói rằng hình tượng sư tử trong Phật giáo xuất hiện nhiều và đặc sắc hơn các con vật khác. Trong đó phải nói đến bản kinh Đại Sư Tử Hống, chỉ cho Như Lai Thế Tôn chánh đẳng chánh giác xuất hiện giữa đời gióng lên tiếng gióng sư tử làm cho mọi tà thuyết phải khiếp sợ.

Sư tử hống, Phạn ngữ Simhanada, là tiếng gầm của loài sư tử, vua của các loài thú. Kinh Phật dùng ảnh dụ này để chỉ âm thanh thuyết pháp của đức Phật như tiếng gầm rống của sư tử chúa, không những không sợ hãi bất cứ loài thú nào mà còn làm cho các loài khác phải khiếp sợ, bị nhiếp phục. Khi Phật thuyết pháp, hàng Bồ tát, Thanh văn đều phát tâm cầu đạo Bồ đề, còn ngoại đạo và ác ma thì sanh tâm kính phục, sợ hãi.

“Này thiện nam tử! Như Lai Chánh Đẳng Giác, Trí huệ là nanh vuốt, Bốn như ý túc là chân, đầy đủ Sáu môn Ba la mật là thân, Thập trí lực hùng mãnh là sức lực, Đại từ bi là đuôi an trụ, Tứ thiền là hang thanh tịnh, vì chúng sanh mà rống như sư tử, dẹp phá quân ma, hiện bày mười trí lực, mở mang chỗ đi của Phật, làm chỗ nương về cho bọn tà kiến, vỗ về những chúng sợ sệt sanh tử, giác ngộ chúng sanh vô minh ngủ nghỉ, làm cho người tạo ác sanh tâm ăn năn, khai thị tà kiến cho tất cả chúng sanh, làm cho họ biết hàng Lục sư chẳng phải là tiếng rống của sư tử, để phá lòng kiêu mạn của ngoại đạo v.v… Làm cho hàng Nhị thừa sanh lòng hối hận, dạy bảo các Bồ tát bực ngũ trụ cho họ sanh tâm đại lực, làm cho bốn bộ chúng chánh kiến chẳng sợ sệt những đồ chúng tà kiến, nên từ nơi thánh hạnh, phạm hạnh, thiện hạnh, vươn vai mà ra. Muốn khiến các chúng sanh phá lòng kiêu mạn nên há ngáp. Vì khiến chúng sanh thêm lớn pháp lành nên đoái ngó bốn phương. Vì khiến chúng sanh đặng Tứ vô ngại biện nên bốn chân chấm đất. Vì khiến chúng sanh đầy đủ Thi la Ba la mật nên rống như sư tử” (2)

Ngoài ra, còn nhiều kinh luận khác nói về ảnh dụ sư tử hống như kinh Hoa Nghiêm, Thắng Man, luận Đại trí độ… Trong kinh điển Phật giáo Bắc truyền, sư tử hống thường được dùng cho tiếng nói của các bậc đại trí, có thể chuyển mê, khai ngộ.

Hình ảnh sư tử cũng còn xuất hiện nhiều trong kinh Bản sanh, Bản sự kể về tiền thân của đức Phật Thích Ca làm Sư tử Kiên Thệ rất mến mộ Phật pháp. Một hôm sư tử Kiên Thệ gặp một vị Sa môn Bích Chi Phật oai nghi thanh tịnh, tâm sanh hoan hỷ, nên thường ngày đến thân cận nghe tụng kinh và thuyết pháp. Lúc bấy giờ có một người thợ săn giả dạng sa môn để mưu tâm sát hại sư tử lấy da dâng vua. Người thợ săn dùng tên độc nhắm bắn. Con sư tử bị trúng tên đau quá rống ngược lên, muốn nhảy tới vồ giết vị Sa môn giả kia, nhưng lại nghĩ rằng: “Người này đã mặc áo cà sa là thứ biểu hiện của các Ðức Phật Hiền Thánh trong ba đời, nay ta sát hại thời không khó gì, nhưng tức là ta sát hại biểu tượng của các Ðức Phật”. Nghĩ vậy bèn nuốt giận chịu đau.

Sư tử một lòng kính mộ Phật pháp chịu chết chứ không sát hại người thợ săn giả dạng  sa môn.

Bồ tát Văn Thù, vị bồ tát biểu trưng sức mạnh của trí tuệ chặt đứt vô minh phiền não, Bồ Tát cưỡi trên mình con sư tử lớn trông thật siêu nhiên, vĩ đại. Sức mạnh của trí tuệ chỉ có thể chuyên chở bằng oai lực của sư tử mới có thể dẹp trừ được ma chướng, và phiền não.

Trong quốc hiệu của nước Ấn Độ cũng lấy hình tượng bốn con sư tử quay đầu về bốn hướng biểu hiện cho sức mạnh vô địch. Quốc hiệu này có từ thời vua  A Dục (Asoka), mà chứng tích vẫn còn ghi lại trên trụ đá A Dục được chôn tại Tứ động tâm (Vườn Lâm-tỳ-ni nơi đức Phật đản sinh, Bồ đề đạo tràng nơi đức Phật thành đạo, vườn Lộc Uyển nơi đức Phật thuyết pháp và rừng Câu- thy-la nơi đức Phật nhập diệt).

Sư tử là đề tài được sử dụng rộng rãi trong điêu khắc và tạc tượng để tạo ra cảm giác cao quý hay hùng dũng, đặc biệt là ở những công trình xây dựng công cộng. Tượng sư tử đáng chú ý bao gồm những bức quanh tượng đô đốc Nelson ở quảng trường Trafalgar ở London. Các nhóm tượng khác là bốn con sư tử bảo vệ lối vào của cầu Britannia vượt qua eo biển Menai ở Wales. (3)

Hình tượng con hổ và sư tử trong Phật giáo đã khắc ghi một dấu ấn đậm đà trong tâm thức của người con Phật. Hình ảnh sư tử gợi nhắc cho chúng ta về nhiều niềm tin và hy vọng cho một tương lai tưới sáng cho đạo pháp, dân tộc và xã hội. Tuy nhiên, sư tử vô địch thiên hạ về sức mạnh oai lực, nó chỉ chịu thua sư tử trùng mà thôi. Chỉ có sư tử trùng mới có thể đục khoét, quấy phá được con sư tử. Cũng vậy, chánh pháp không bao giờ khuất phục trước tà pháp, chánh pháp không bao giờ bị khu diệt bởi không gian và thời gian, không bao giờ bị suy vong bởi ngoại đạo tà giáo, chỉ có những người tu hành giả dạng mới có thể phá hoại đạo pháp này là mối hiểm nguy nhất. “Không thiên ma ngoại đạo nào có thể phá hoại đạo ta được, duy chỉ người mặc áo của ta, mới phá hoại đạo ta được mà thôi.”

T.Đ

Chú Thích:
1. Sư tử hống, http://www.chuyenphapluan.com.
2. Kinh Đại Bát Niết Bàn, tập II, HT.Thích Trí Tịnh dịch, NXB Tôn Giáo, 2003, tr.196.
2. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here