Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Một định hướng phát triển đạo Phật trong thế kỷ 21

Một định hướng phát triển đạo Phật trong thế kỷ 21

176
0

 (LQ) Giáo lý của đạo Phật không phải là những khuôn khổ giáo điều mà giáo lý của đạo Phật có trên 2556 năm hoằng truyền luôn luôn phát triển với thời gian, hòa hợp chặt chẽ với cuộc sống cộng đồng con người trong nhiều sắc thái của xã hội trên nhiều quốc gia.

Nhựa sống của đạo Phật tràn đầy và phong phú bất tuyệt vì đạo Phật là chân lý, là nguồn sống của tất cả mọi sự sống. Thế cho nên, đạo Phật được nhân loại tôn sùng mãi mãi trong cuộc sống, với nguyên tắc đồng hành tùy thời tùy cơ và có khả năng đồng hóa hết sức mầu nhiệm.
 
Do đó, việc lưu truyền mạng mạch giáo lý đạo Phật suốt khoảng dài của thời gian trên hai ngàn năm trăm năm lịch sử đến nay đều do Tăng già nắm giữ hoằng truyền đi khắp các nước trên toàn cầu và năm hai ngàn Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được hội đồng Liên Hiệp Quốc vinh danh là một danh nhân Hòa bình của nhân loại. Tại Việt Nam ngày nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang hoạt động và phát triển, Ban ngành mọi mặt trong một hệ thống tổ chức có qui củ từ trung ương đến cơ sở tự viện tại các địa bàn dân cư khắp trong cả nước, có một khí thế sâu rộng hơn bao giờ hết. Trong đó ngành giáo dục Tăng Ni đã đào tạo được một đội ngũ Tăng Ni trẻ đầy kiến thức đạo hạnh nghiêm minh, mỗi người ra trường ở hậu Học viện Phật giáo với một con số đáng trân trọng. 
 
Để tạo điều kiện nuôi giữ nhân tài phục vụ cho Giáo hội, cho việc hoằng truyền mạng mạch đạo Phật tại Việt Nam, Trung ương Giáo hội cần phải có một định hướng, một quy trình nuôi dưỡng nhân tài; chúng ta phải nhận thấy rằng trong mọi tổ chức nhân tài bao giờ cũng đóng vai trò quyết định, thiếu nhân tài những chương trình kế hoạch dù hay đến đâu cũng đình trệ hoặc thi hành một cách lệch lạc. Nhân tài luôn luôn là định hướng tích cực, tập trung được trí tuệ, để phục vụ cho chương trình hoằng dương Phật pháp, đưa đạo vào đời thắp sáng ngọn đèn chánh pháp của Như Lai đi vào nhân thế đưa đạo Phật vào những khu dân cư, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Có như vậy, mới thể hiện được hết cái tâm nguyện của người xuất gia là “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự” báo Phật ân đức, lợi lạc quần sanh.
 
Như vậy, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần phải kiến lập những Trung tâm an trú cho Tăng Ni khi tốt nghiệp hậu Học viện ra trường về cư trú có đầy đủ tiện nghi, có kinh phí tài trợ cho sự sống sinh hoạt; phải là nơi môi trường sinh thái xanh đẹp; có sự tổ chức nề nếp khép mình trong khuôn khổ quy luật nội viện. Đồng thời, phân loại chuyên ngành sở trường của mỗi người: Trước tác, Dịch thuật, Diễn giảng, Hành chánh, Nghi lễ, Sinh ngữ, Từ thiện, Trụ trì… mỗi Tăng Ni đều ở trong chuyên ngành và phát huy liên tục. Khi nào Giáo hội cần nhân sự để đưa về địa phương trong thời gian Phật sự đều có sẵn những mẫu người đủ tài đủ đức. Có như vậy, thì việc phát huy đạo Phật chắc chắn sẽ được bền vững và đi rộng trong nhân gian, ánh từ bi sẽ đi vào khắp các vùng trên quê hương đất nước thanh bình thịnh vượng, hầu mới mong xóa đi được những tệ nạn xã hội đang còn tồn đọng trong cộng đồng đời sống của thế hệ ngày nay.
 
Nếu không có một định hướng như vậy khi tốt nghiệp hậu Học viện ra trường Tăng Ni đều tự tung tự tác, tự xách gói đi tìm môi trường sinh hoạt riêng biệt. Khi Giáo hội cần đến nhân sự đầy đủ tiêu chuẩn một sứ giả của Giáo hội để ra làm Phật sự thì không biết đâu mà điều động. Như vậy sự giáo dục đào tạo Tăng Ni tài đức thì có, mà ứng dụng đi ra làm Phật sự thì không đáp ứng được sở cầu khi Giáo hội cần.
 
HT.T.N.T
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here