Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Món quà cuối cùng

Món quà cuối cùng

111
0

Lưỡi dao cau chạm vào cái thớt gỗ phát ra tiếng cụp, cụp, cụp đều đặn …. chị Tâm đang ngồi ngay ngắn trên một chiếc đòn, khuôn mặt thanh thản, tay vừa xắt lá sen, miệng vừa lâm râm tiếng niệm Phật, nghe xa xa như tiếng gõ mõ tụng kinh. Bình vừa rửa xong bao lá sen cuối cùng, anh nghỉ tay ngồi nhìn vẻ cần mẫn của vợ . Mặt trời mới lên mà đã bốc hơi nóng, chỉ cần năm ba nắng thôi thì đống lá sen này sẽ khô rang. Ánh nắng chiếu qua cây vải ở hiên đông rọi xuống sân thềm thành những đồng tiền vàng nhảy nhót. Bất chợt anh nhớ đến những ngày thơ ấu thường quẩn quanh bên mẹ. Vào những buổi sáng mùa hè, mặt trời vừa ló dạng anh đã theo mẹ ra sân quét rác. Phía sân sau nhà có một cây mít rất lớn bị bão xô nghiêng. Anh trèo lên gốc mít nhìn mẹ lom khom đưa những lát chổi này đến lát chổi khác, để lại trên nền một lớp đất mới mịn màng có mùi hăng hăng. Cái mùi hăng hăng ấy cùng những cái hoa nắng lên xuống trên lưng mẹ như đi mãi vào trong ký ức….Giờ đây hai vợ chồng anh đang làm một món quà tặng mẹ, anh thấy nhớ da diết về những kỷ niệm và bỗng dưng mủi lòng thương lấy mẹ già.

Năm nay mẹ anh đã ngoài tuổi 90 nhưng vẫn còn khỏe mạnh. Chuyện ba anh ra đi vội vàng đã làm anh ân hận, day dứt bao năm qua. Điều này đã khiến anh rất lo lắng và muốn mình chuẩn bị thật chu đáo cho ngày mẹ đi xa. Cái áo quan được đặt ở phòng phía đông của nhà thờ một cách trang trọng, vợ chồng anh thường xuyên lau chùi sạch sẽ như những vật gia dụng trong gia đình. Vải vóc, đồ đạc để tẩm liệm đã chuẩn bị đầy đủ nhưng anh vẫn cảm thấy chưa yên tâm, hình như đang thiếu một cái gì đó. Anh băn khoăn không biết khi tẩm liệm nên dùng trà, hoa lài hay thứ gì khác. Sau nhiều lần đi hỏi thăm, anh được một vị thầy ở hồ Tịnh Tâm hướng dẫn cho cách vừa niệm Phật vừa thái nhỏ lá sen rồi phơi khô cất dành để tẩm liệm. Thật ngạc nhiên vì chưa thấy ai làm thế bao giờ, anh về bàn với vợ, chị thấy hay và đồng ý ngay.

– Chà! Làm việc ni* phải mất vài tuần mới xong, làm răng mà dấu mạ được. Sợ mạ biết, lo lắng sinh bệnh thì tai hại quá. Chị Tâm tỏ vẻ lo lắng.

– Để anh nhờ chú thím mời mạ qua chơi vài tuần thì được thôi.

– Phải theo dõi thời tiết để phơi liên tục trong một tuần mới khô dòn, nếu phơi gặp mưa giông thì coi như hỏng hết.

– Em yên tâm, chuyện đi mua lá sen, phơi sen thì anh lo. Việc vừa xắt vừa niệm Phật là của em, anh chỉ ngồi bên hộ niệm thôi. Phải mua sáu bao lớn mới đủ, nhiều lắm đó, em cố gắng.

– Bữa ni đang mùa an cư lại sắp đến lễ Vu Lan, mình làm được việc ni thì quí lắm. Đây cũng là cái duyên của mạ. Anh phải ở nhà ăn chay, niệm Phật cầu nguyện cho mạ rồi giúp em một tay, chớ một mình em làm không nổi mô.

Anh Bình thu xếp cho mẹ đến ở lại nhà chú em xong thì vào hồ Tịnh Tâm hợp đồng mua lá sen. Phải dặn người hái chọn lá tốt, không lấy lá khô, lá rách. Mang được lá sen về đến nhà, vợ chồng anh vui lắm. Mùi sen thơm phảng phất lan tỏa khắp đã tạo một cảm giác lâng lâng dễ chịu.

– Hèn chi họ nói trong sen có chất chi đó làm an thần, mùi thơm của nó làm tinh thần sảng khoái, bao nhiêu mệt nhọc tan hết mà còn cảm thấy vui vui nữa.

– Anh lo bắt thang trèo lên mái nhà quét thiệt sạch rồi em xắt được chừng mô thì đem lên phơi liền, phải giữ cho tinh khiết cả tội. Vợ chồng mình canh chừng giông buổi chiều để hốt cho kịp.

Lưỡi dao sắc bén vừa chạm vào cuộn lá sen thì chị Tâm bắt đầu niệm Phật, lưỡi dao vừa chạm vào thớt thì cũng vừa dứt một câu. Cứ đều đặn như thế trong một ngày thì vừa xong đống lá. Những sợi lá sen từ màu xanh lục biến thành màu lam cong queo rồi những ngày cuối khô cứng thành những cọng lá màu nâu sẩm. Hương sen có giảm đi nhưng vẫn còn phảng phất mùi thơm nhẹ nhàng dễ chịu. Anh nghĩ nếu nấu một ấm nước lá ni mà uống thì ngon tuyệt, nhưng cứ sợ mang tội nên lại thôi. Những cọng sen khô bây giờ mang một giá trị khác, trông nó thiêng liêng cao quí một cách lạ kỳ. Cả hai vợ chồng cho vào hai bao ni-lông đầy rồi khằng kín đem thu trong quan tài.

Nhiều khi anh lén nhìn mẹ rồi thầm nghĩ một ngày nào mẹ anh nằm trong hai bao lá sen đó thì sẽ là ngày anh mất mẹ vĩnh viễn. Nhưng dẫu sao bên cạnh mẹ cũng có những sợi sen thay vợ chồng anh để an ủi, chăm sóc và làm nhịp cầu đưa mẹ đến một thế giới an lành. Khi nóng, những lá sen sẽ làm mẹ mát, khi lạnh những lá sen như những nệm bông làm cho mẹ ấm và hàng hàng lớp lớp lời cầu nguyện được ấp ủ quanh mẹ giúp tấm thân phàm trần được thanh thoát để tiêu diêu miền cực lạc. Nghĩ quanh quẫn rồi bỗng dưng anh cảm thấy buồn, rồi tủi thân nhưng lại nhen nhóm một chút hạnh phúc nho nhỏ trong lòng vì nghĩ đã chuẩn bị cho mẹ một món quà cuối cùng thật cần thiết.

Minh họa của Trần Văn Duy (Văn hóa Phật giáo Việt Nam-ấn phẩm mùa Hạ 2010)

Mùa mưa ở đây kéo dài cả nửa năm, không khí ẩm ướt phủ lên mọi vật. Mưa tầm tã, mưa rả rích suốt ngày đêm rồi lụt bão liên miên. Trong nhà chỉ có vợ chồng anh với mẹ già chống chọi với bão lụt hàng năm đã là nỗi kinh hoàng, nói chi đến việc làm sao cho hai bao lá sen không bị ẩm mốc. 

Thu qua, đông lại, xuân về, rồi những ngày hè nắng nóng của một mùa sen mới lại bắt đầu. Vợ chồng anh thu xếp đưa mẹ đến ở lại nhà chú em chơi trong mươi ngày để có thời gian phơi sen. Mới sớm tinh mơ, hai vợ chồng đã leo lên mái nhà xuốt* quét sạch sẽ. Vườn nhà rộng thoáng, cây xanh phủ kín. Ngồi trên mái nhà nhìn chung quanh như một góc rừng nhỏ, mấy chú ve đầu mùa đã thức dậy từ khi bốn giờ sáng, còn bây giờ đang ngủ vùi đâu đó nhường khu vườn lại cho mấy chị em vành khuyên đùa giỡn, hót líu lo. Anh cùng chị Tâm không vội vàng chi, phải đợi nắng lên hết hơi sương ẩm mới bắt đầu phơi được. Hai vợ chồng ngồi ngó trời đất mông lung rồi cùng nói chuyện bâng quơ. Chị Tâm không phải gái quê nhưng từ ngày theo chồng bỗng bị “nông thôn hóa thành thị”, rứa là lận đận theo cục đất luống rau , chị còn vất vả hơn nhiều những chị em trong làng. Cái thời ngoài chợ bàn tán xôn xao việc anh Bình cưới vợ nhà giàu đã qua lâu lắm rồi, bây giờ họ có chuyện để tán gẫu vì không biết trong vườn trồng cây trái chi mà sáng mô* cũng thấy chị Tâm mang ra chợ bán. Hình ảnh bà Tú Xương trong văn học đã được chị làm sống lại một cách hiện đại.

– Hôm trước em bán trứng gà khiến cả chợ ai cũng ngạc nhiên, không biết nuôi khi mô mà bán trứng nhiều rứa. Họ nói trong nhà mình cái chi cũng có.

– Để năm nay anh nuôi cá với thả rau muống thì em càng nổi tiếng. Anh Bình bông đùa giả lả.

– Em không ngại công việc, cũng không ngại ai chê mình nhà quê, em chỉ thỉnh thoảng suy nghĩ tại sao người ta thường tự cho mình chí hiếu còn người khác thì không ra chi.

– Sống hiếu mới khó chứ nói hiếu thì dễ, em suy nghĩ làm chi cho mệt.

Nắng vừa lên hong nóng mái tôn, vợ chồng anh cũng vừa bắt đầu công việc. Lo sợ sen bị hư mốc làm anh Bình mất tự tin nên vừa mở bao vừa niệm Phật. Chao ơi! Sen vẫn thơm và rất đẹp, không bị ẩm mốc. Những sợi lá nâu cong queo mới dể thương làm sao, nó hơi mềm yểu nhưng chỉ cần một tuần nắng thì lại cứng dòn thôi.

Đã qua ba mùa Phật Đản mà mẹ anh vẫn không biết trong nhà có hai bao lá sen. Tình cờ một hôm mẹ anh vào phòng kiểm tra xem thử cái áo quan có bị mối mọt chi không nên bắt vợ chồng anh mở nắp đậy. Hôm đó anh phải khai thiệt với mẹ mọi chuyện. Bà cầm mấy cọng sen trên tay vừa đưa ra ánh sáng xem cho rõ vừa ngửi mùi hương bay thoang thoảng. Bà không nói gì nhưng nhìn ánh mắt sáng quắc, vừa ngạc nhiên vừa rạng rỡ, anh hiểu mẹ đang rất vui.

Mùa đông năm đó mẹ anh đã ra đi nhẹ nhàng sau hai hôm bị bệnh. Tiếng tụng kinh hòa lẫn với tiếng niệm Phật nghẹn ngào trong giờ tẩm liệm làm mọi hình ảnh như đang giao động. Không phải mẹ anh đang nằm trong chiếc quan tài đầy lá sen mà chính anh như đang được mẹ ôm trong vòng tay vừa ru vừa lắc, rồi trong mờ ảo anh lại cảm nhận chiếc quan tài như một chiếc nôi mà mẹ vừa đong đưa vừa mỉm cười với anh. Tất cả các tiếng vọng đan xen với những hình ảnh thực thực ảo ảo đã đưa anh sống trong một thế giới khác, một thế giới có cả ký ức đầy tình cảm triều mến của tình mẹ con. Bỗng anh cảm nhận thoang thoảng một mùi hương và thấy miệng mẹ mỉm cười như một đóa hoa đang nở, bất chợt anh cảm nhận đó là món quà của mẹ gửi lại cho mọi người trong gia đình với lời dặn dò: “ Mẹ cảm ơn các con. Mẹ ra đi trong hạnh phúc và các con cũng sẽ được hạnh phúc nếu các con biết sống thanh tịnh để nhận được hương hoa từ lòng mẹ.”

Anh sực tỉnh nhận ra món quà cuối cùng là của mẹ gửi lại. Từ đó cứ mỗi khi đau ốm, bệnh tật hay gặp khó khăn trong cuộc sống thì hai vợ chồng anh lại cầu nguyện mẹ gia hộ và thật thiêng liêng, chuyện gì cũng được linh ứng. Đúng như lời mẹ dặn, cứ sống với tâm thanh tịnh mà cầu thì được gia hộ. Hằng đêm cứ mỗi lần thắp hương trên bàn thờ, anh niêm hương xong chưa vội thỉnh chuông mà đứng yên trước bàn Phật một lúc cho ổn định tinh thần, khi niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm thì hình ảnh mẹ hiện ra. Mỗi khi lỡ làm điều gì sai trái anh rất sợ, vì hình như mẹ đang nhìn anh, ánh mắt nhân từ mà nghiêm khắc của mẹ cứ dõi theo suốt cả cuộc đời, đó là ánh sáng giúp anh điều chỉnh mọi hành vi. Thời gian trôi qua với bao nỗi thăng trầm trong cuộc sống đã mách bảo với anh rằng “món quà cuối cùng của mẹ để lại là sống mãi với thời gian”.

   N.V.T

Ghi chú:
Ni*  : này
Xuốt* quét : quét
Sáng mô* : sáng nào

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here