Lên kế vị làm chúa ở Thuận Hóa, lúc ấy Minh vương Nguyễn Phúc Chu mới 16 tuổi. Năm Quý Dậu (1693), ông đã xuất binh chinh phạt Chămpa, thâu phục đất đai nước ấy để mở rộng xứ sở. Nhưng, công việc lớn lao của ông là việc phái hai tên chuyên sứ Trần Thiêm Quan và Ngô Tư Quan, tức những vị thuyền trưởng lớn buôn bán giữa Quảng Đông – Quảng Nam, làm sứ giả đem các lễ vật, kèm một phong thư của Hưng Liên Quả Hoằng Quốc sư, đệ tử của Thạch Liêm Hòa thượng, một phong thư của Minh Vương, qua tận am Trường Thọ thỉnh mời vị Thiền sư trú trì ở đây. Chính Thạch Liêm Hòa thượng đã nói: “Kể từ Tiên Vương có thư mời, đến nay nữa là ba lần, mời đến ba lần cũng đã thành tâm lắm vậy.” (Thích Đại Sán, Hải Ngoại Kỷ sự, tr.35)
Sứ đoàn đến am Trường Thọ vào ngày 4 tháng 8 năm Giáp Tuất (1694). Đến đêm treo đèn thượng nguyên, tức đêm rằm tháng giêng năm Ất Hợi (27-2-1695), Hòa thượng Thạch Liêm cùng 50 Tăng chúng, với đầy đủ hành lý; chia làm hai đoàn. Đến trưa ngày 16-1-Ất Hợi kéo buồm. Thuyền đi ngang qua Đông Quản, Hổ Môn, Lỗ Hán Sơn, 11 ngày sau đến đảo Tiêm Bút La tức Cù Lao Chàm, ngoài cửa Hội An. Từ đây có hai chiến hạm của nhà chúa sai Quốc Cậu đem ra đón, “vài mươi thủy quân võng ta xuống, nổi trống đồng hò hét chèo đi. Thuyền sơn son láng bóng soi mặt được, tả hữu đều 25 tay chèo, thủy quân rất mạnh mẽ; cửa khoang thuyền chạm long vân, sơn đỏ, trên che đệm có đẳng văn, dưới trải chiếu lát mịn màu xanh lục, lò đốt kỳ-nam hương, hộp vàng bày cau trầu, có đủ các thứ gối tựa, ống nhổ.”
Đến cửa Tư Dung, đoàn thuyền Tăng được chuyển qua bốn chiếc thuyền nhỏ để chèo lên sông Hương, rẽ về sông An Cựu, lên chùa Thiền Lâm. “Lúc ấy quan dân, trai gái tụ họp chen lấn nhau đứng xem, võng không đi tới được. Đi quanh hai ba lớp núi, nghe trong rừng tre có tiếng trống chuông; Quốc sư rước vào trong một ngôi đền, ngồi chừng nửa giờ, những người đến lễ liên tiếp. Thông ngôn giới thiệu, ông này ông kia, làm quan chức nầy nọ… Phần đông chẳng phân biệt được, ta chỉ ngúc đầu mà thôi.” (Sđd, tr.35)
Khi chúa Minh Vương rước Hòa thượng sang Vương phủ, thật đúng quy cách một Phật tử đón vị Bổn sư. "Vua đứng đón ở thềm phía đông; thoạt mới gặp nhau, như quen biết sẵn từ trước; dắt vào trong cung, có bài trí tượng Phật, phướn, tàn, chuông, mõ chẳng khác cảnh chùa. Ta bảo rằng: Chúa thực khá gọi chẳng quên nghiệp cũ vậy". Vương ngó ta mà cười. Ta lễ Phật, vương tự tay đánh khánh đốt hương. Kế khiến bày bàn hương án, lấy bậc thầy đãi ta vào ngồi giữa, Quốc sư ngồi phía tả, rồi Ngài ngồi phía hữu" (Sđd. tr.33). Sau lễ thỉnh sư xong, Minh Vương bắt đầu cầu Pháp: “Đệ tử hâm mộ đạo phong Lão Hòa thượng đã mấy năm nay,[…] cầu xin rủ lòng, bảo cho đệ tử biết Chánh Pháp để noi theo”.
Sau một thời Pháp ngắn, thì trong Vương phủ dọn cơm chay, nhiều món ăn Thạch Hòa thượng không làm sao biết tên được, có điểm đặc biệt mà ngày nay ta cũng không thể hiểu, là vào thế kỷ thứ XVII tl., đồ chay Huế “quá nửa dùng mật mía trộn đồ ăn nguội”.
Khi Thạch Liêm Hòa thượng về lại chùa Thiền Lâm, trống vừa điểm canh ba. Nhà chúa đem sang cúng dường từ tiền gạo, yến sào, cho đến dầu , muối, giấm, tương, vừng, sáp và các thứ rau quả đầy đủ.
Bình bát chu sa của Thiền sư Thạch Liêm do Minh vương Nguyễn Phúc Chu hiến tặng hiện được giữ tại chùa Trúc Lâm – Huế |
Khi về lại chùa Thiền Lâm, Thiền sư Thạch Liêm nghĩ chắc phải một vài tháng sau mới được ổn định và mở giới đàn. Không ngờ, chỉ qua ngày hôm sau, chừng canh ba, Thiền sư nghe ngoài chùa có tiếng ồn ào. Thì ra Minh Vương đã lo sự ngoại hộ chu đáo. Vương sai: “một viên nội giám, hai viên bộ công, dẫn đến vừa lính vừa thợ chừng nghìn người để xây dựng nhà cửa. Mờ sáng, người vác tre, kẻ vác gỗ, kẻ đánh tranh, người vót mây, có người lại cuốc đất đắp nền, hoặc leo lên mái nhà gọi nhau, hoặc đào hầm đất đi xuống. Từ sáng đến tối, cất xong một tòa phương trượng năm gian ba mươi hai cột, bốn phía có hành lang, vách tường, rầm thượng, rầm hạ đều bằng ván, và một nhà hậu liêu năm gian, hai mươi cột, cũng đồng thời làm xong.” (Sđd. tr.42-43).
Minh Vương gặp Thiền sư Thạch Liêm, hoạch định chương trình rõ ràng: phần Thiền sư thì ra thông bạch, thống suất Tăng chúng tổ chức cả ba giới đàn sao cho từ mồng 1 đến mồng 8 tháng 4 là hoàn mãn. Phần Vương, ông sẽ phát lệnh bài đi khắp các phủ sứ cho Tăng đồ về thụ giới, để được cấp giới điệp, miễn xâu thuế. Vương lại thống suất hoàng gia, quan lại văn võ, mở đàn riêng tại Vương phủ để quy y, xin đặt Pháp danh, đạo hiệu. Ngoài ra, ông sẽ ngoại hộ đầy đủ về mọi mặt vật chất.
Lúc đầu, đơn xin thọ giới của Tăng chúng thập phương chỉ có 600 người, sau mấy ngày số Tăng chúng xin thọ giới lên đến hàng nghìn. Thiền sư Thạch Liêm thấy số người xin thọ giới thì càng đông dần, mà mọi sự, mọi vật cần thiết cho giới đàn đều chưa có. Bỗng, có công chúa – tức là bà chị của Minh Vương đến, Hòa thượng liền trình bày. Bà nói với Hòa thượng Thạch Liêm hãy kê các món cần dùng và vẽ đồ hình trình bày giới đàn, bà sẽ trình Quốc Vương là mọi việc có ngay. Điều này, nói lên tinh thần Phật giáo của Hoàng gia rất đỗi tín thành, nồng nhiệt. Y như lời bà công chúa đã hứa với Hòa thượng, ngay ngày hôm sau, Vương mời chư Tăng vừa đến, vào dự tiệc chay ở Nội phủ, hỏi han sức khỏe từng người. Công chúa đưa trình tờ "khải" của Hòa thượng, Vương “tức thì phê lệnh; truyền quan quân các dinh chia nhau dựng cất liêu xá, hạn trong ba ngày lạc thành, bàn ghế khí mãnh hạn mười ngày phải đầy đủ.” (Sđd. tr.72)
Qua đó, ta thấy sự ngoại hộ của chúa Nguyễn thực quá sức nhiệt thành. Đến nỗi Hòa thượng Thạch Liêm cũng phải thán phục. Ta hãy nghe ông ghi lại: “Rồi thì, Vân trù (nhà bếp), Thiền đường, Vân thủy đường dựng lên ở phía tả; Thị Liêu, Trai đường, Độc luật đường, Am chủ liêu dựng lên ở phía hữu. Ở giữa làm một giới đàn. Suốt sáng thâu đêm, chỉ trong ba bốn ngày là xong. Ngoài ra khuân vác khí cụ, hàng ngày trên đường đông như kiến cỏ, hơn 2000 vân thủy giới tử, ai lo phần việc nấy. Quốc sư dọn cơm trưa, xin treo chuông mõ làm hiệu lệnh…” (Sđd. tr.73).
Những công việc nầy không phải tầm thường, mới nhìn qua thì tưởng đâu người dân bị áp bức đi làm xâu dịch; nhưng, trong số người “đông như kiến cỏ” đi lại, khuân vác thâu đêm suốt sáng trên đường; đào hào, đắp đất, xây dựng nhà cửa; cưa, bào, đục gỗ chan chát để đâu bàn ghế; rồi trần thiết, sắp xếp; công việc túi bụi thế mà nào thấy bóng người cai quản, nào có tiếng thét nạt, roi vút? Bởi vì đây chính là lòng sùng mộ Phật giáo của người dân Thuận Hóa ở thế kỷ thứ XVII tl., kể từ chúa thượng, quốc mẫu cho đến thần dân; thể hiện ra bằng hành động tự giác, xây dựng, vui vẻ, hoan hỷ vì Đạo pháp. Cho nên công việc tuy nhiều, nhưng thực hiện rất nhanh và đầy đủ. Từ lúc khởi sự đến lúc hoàn thành theo đồ họa của Thiền sư Thạch Liêm, thời gian chỉ có 4 ngày. Thiền sư làm rất nhiều câu đối, viết lên giấy đem dán để vừa trang trí vừa nói lên ý nghĩa của giáo Pháp. Chúng tôi chỉ lục ra một câu dán trước cửa chùa để minh họa không khí Phật giáo Thuận Hóa ở thế kỷ thứ XVII:
An Nam quốc độ bất nhị môn, mạc thác quá khứ,
Thuận Hóa thiền lâm đệ nhất bộ, hướng giả lý lai?
Có nghĩa là:
Đất nước An Nam chỉ một cửa, chớ lầm bỏ qua,
Rừng thiền Thuận Hóa bước đầu tiên, tiến vào trong ấy.
Tất cả xong xuôi, đầy đủ. Ngày 24 tháng 3 tất cả đệ tử tiến vào giới đường, oai nghi trang nghiêm, thuần thục. Khắp cả nước – đây là mấy phủ của Nam Hà – dân kéo đến xem, hoan hỷ cho rằng thật là một đại hội chưa từng có ở Thuận Hóa.
Đúng ngày mồng 1 tháng 4 năm Ất Hợi (1695) Pháp hội long trọng khai mạc, Minh Vương Nguyễn Phúc Chu đi kiệu “luy điền” từ phủ chúa sang dự lễ khai mạc. Tăng nhân cầu giới phủ phục đón rước Hòa thương Thạch Liêm và Minh Vương. Các Thiền sư trong giới đàn sắp hai hàng để đón Minh Vương ngay tại cửa chùa Thiền Lâm, còn Thạch Liêm Đàn Đầu Hòa thượng ở phương trượng. Khi gặp nhau, nhà chùa dâng trà, quả, cơm chay nhưng chúa đều không dùng, vì có nội giám đem theo trà để ngự dụng. Trong một hành vi cỏn con này, ta thấy chúa Nguyễn Phúc Chu thật quả là một Phật tử thuần thành. Cho nên trong câu chuyện ngắn giữa chúa thượng và Hòa thượng đều nói về Phật sự.
Chúa Minh Vương mở đàn chay, tự mình đốt hương lễ Phật. Trong giới đàn, người rất đông; bên ngoài quân lính hơn hai ba nghìn, thế mà không khí vẫn “lặng thinh, chỉ nghe tiếng chim kêu lá rụng mà thôi.” Tự mình thắp hương đèn lễ Phật xong, Vương liền thỉnh Hòa thượng Đàn Đầu đăng đàn thuyết Pháp truyền Sa-di giới.
Ta cần nhớ lại, trong số cả ngàn giới tử thọ Sa-di giới lúc này, có cả vị Bồ-tát nhục thân, về sau thị hiện làm Tổ sư khai phái Thiền rất lớn ở Nam Hà: đó là chú điệu Liễu Quán, vốn là học trò của Giác Phong Lão tổ ở Hàm Long sơn cả chục năm về trước; chú lại đang có trọng tang thân phụ chỉ vài tháng trước đó. Thế nhưng, chú điệu Liễu Quán đã phát tâm Bồ-đề dũng mãnh xuất gia trong giới đàn đầu tiên ở cõi Thuận Hóa này. Đây, có lẽ là cơ duyên lớn nhất để cho Phật giáo Thuận Hóa phát triển rực rỡ về sau vậy.
Ngày mồng 6 tháng 4 ấy, mở giới đàn Tỳ-kheo giới, có Quốc mẫu và Vương huynh đặt tiệc chay mời, lại đóng sách sẵn để ghi chép Pháp ngữ của Thiền sư Thạch Liêm; tuy Quốc mẫu và Vương huynh chưa được thọ giới trong giới đàn nầy, chỉ được mời dự.
Ngày mồng 8 tháng 4, nhằm ngày Đại lễ Phật đản (trước năm 1956 ngày Đại lễ Phật đản cử hành vào mồng 8 tháng 4). Phật viện trong vương phủ làm lễ khánh thành, Hòa thư?ng Thạch Liêm đặt cho bức hoành đề bốn chữ “Giác Vương Nội Viện” và nhiều câu đối để khắc ở các nơi. Theo sau đó, Minh Vương cho khai đàn ở Nội Viện có quốc mẫu, công chúa, hậu cung, quyến thuộc, tất cả hoàng gia trong phủ chúa đều đến thọ Bồ-tát giới. Riêng chúa thượng, đặt làm một đàn.
Ngày đó nắng rất gắt. Người Vương mập mạp, quỳ lâu, mồ hôi ướt thấm cả mấy lớp áo. Vị dẫn thỉnh sư mời Vương nghỉ một chút, lúc dâng lễ sẽ quỳ trở lại. Vương bảo: “Ta ít tuổi, vui lòng thọ giới Pháp, chẳng lấy việc quỳ lâu làm mệt.” Quỳ thọ giới quy y xong, đứng dậy, làm lễ cầu Pháp. Trong lễ này, Minh Vương được Thạch Liêm đặt Pháp danh cho là Hưng Long… Chiều hôm ấy, tại chùa Thiền Lâm tiếp tục khai đàn truyền Bồ-tát giới cho các Vương huynh (Lệ Truyền Hầu, Thiều Dương Hầu) và cai bá bách quan. Đặc biệt trong giới đàn truyền Bồ tát giới này có cả Tứ Triều Nguyên Lão Đông Triều Hầu Trần Đnh Ân và tất cả các con trai của ông hiện giữ chức rất lớn trong triều Minh Vương, đều đến xin quy y với Hòa thương Thạch Liêm.
Ngày hôm sau, mồng 9 tháng 4, cả hoàng gia và bách quan đã thọ Bồ tát giới cùng làm một bữa tiệc chay tạ ơn Thập sư. Minh Vương ra lệnh cho Nguyên Lão Trần Đnh Ân thay mặt hàng trăm giới tử thọ Bồ-tát giới thỉnh Hòa thượng đăng đàn thuyết Pháp.
Vào ngày 12 tháng 4, tức sau khi giới đàn viên mãn 3 ngày, chính Hòa thuợng Thạch Liêm "suất lãnh Quốc sư hai dãy, đưa các tân giới tử làm phép cổ Phật khất thực" và tạ công đức thành tựu của Quốc Vương. Vương mặc áo tía, hai Tăng nhân cầm bình bát, tích trượng hầu hai bên, chực đón tại điện môn phía Tây. Tràng phan dẫn đường, hai dãy Tăng nhân và hơn một nghìn bốn trăm tân giới tử, đều mang y cầm bình bát sắp hàng đứng tề chỉnh, đồng thanh xưng tạ.
"Vương mỉm cười, vui mừng an ủi, rước Tăng nhân vào dùng cơm chay và đãi trà các tân giới tử, tặng thêm 300 quan tiền và 100 thạch gạo, khiến quân gánh đến chùa Thiền Lâm. Giới điệp để cấp phát cho các giới tử, đều đóng kiềm Vương ấn" (Sđd. tr.90).
Như vậy, đại giới đàn Thiền Lâm tại Thuận Hóa vào năm Ất Hợi (1695) đã viên mãn tốt đẹp. Tuy nhiên, Phật sự của Thiền sư Thạch Liêm vẫn còn tiếp tục.
Vào ngày 24 tháng 4, Minh Vương tổ chức một kỳ sám tụng Đại bi Đà-la-ni ở Giác Vương Nội Viện. Tất cả Tăng nhân và Thạch Liêm Hòa thượng đều dự lễ nầy. Ngày ấy, cắm phan, treo cờ, thiết bày châu báu la liệt, hoa quả đầy các bàn, khói trầm hương thơm nức khắp nơi. Chúng Tăng trai giới tiến đàn, từ đầu đến gót chân, y phục áo mão giày tất cả đều được chúa cúng dướng mới tinh. Người đi xem cảnh tiến đàn lặng thinh, tỏ lòng cung kính. Minh Vương đứng ngồi xen lẫn với Tăng chúng, Hòa thượng Thạch Liêm ở tại Giác Vương Nội Viện để chứng minh; mỗi lúc tiến đàn, Minh Vương đứng ngoài đàn sửa lễ, chẳng chút giãi đãi.
Chiều hôm đó làm đàn “hỏa diệm”, nghi lễ đàn Bộ Châu được trình bày để Hòa thượng chứng minh làm lễ chẩn thực. Lúc đó thì Phật sự đàn sám mới thực sự viên mãn.
Sau Phật sự này, đoàn của Thiền sư Thạch Liêm lo chuẩn bị ngày về. Tháng 6 năm Ất Hợi, sau khi Minh Vương cúng dường cho Thạch Liêm Hòa thượng một bình bát, một tích trượng bằng vàng, cùng với y hậu bằng gấm vóc, trầm hương, hoàng lạp thì vào ngày 29 tháng 6 ấy thuyền nhổ neo. Vào đến Hội An, bị trở gió không đi được, Thiền sư Thạch Liêm ở lại tại chùa Di Đà, mở đàn truyền Bồ-tát giới cho 300 giới tử tại đây , những người không kịp ra Thuận Hóa thọ đại giới ở giới đàn Thiền Lâm vào tháng 4 vừa qua. Truyền giới xong, Thiền sư đã khiến Quốc sư và Hậu Đường cấp phát điệp văn cho họ, một mặt Thiền sư gởi giấy trình Quốc Vương Thuận Hóa xin dùng ấn dấu kiềm điệp văn cho 300 giới tử này.
N.A