Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Hình ảnh Đức Phật

Hình ảnh Đức Phật

96
0

Chiều nay, như mọi lần chúng tôi lại lên chùa để chuẩn bị cho thời “tịnh niệm vào lúc 5 giờ”. Đây là thời khoá mà thầy trò chùa tôi tu tập trong mùa hạ ngoài các thời kinh chính.

Sau các nghi thức cần thiết, chúng tôi ai nấy ngồi xuống trong tư thế tọa thiền. Tôi ngồi đó, bất chợt ngẩng đầu lên nhìn hình ảnh đức Từ phụ đang ngự tọa trên đài sen, vầng hào quang rực rỡ, lòng chợt dâng lên bao cảm xúc khôn tả.

Khi Đức Phật còn tại thế, chúng con còn lặn hụp trong biển khổ trầm luân. Nay chúng con được làm người thì Ngài đã vào vô dư Niết bàn, thời gian cách nhau quá xa, chúng con không còn được phước duyên để chiêm ngưỡng tôn nhan Từ phụ. Thật là:

“Áo não thử thân đa nghiệp chướng
Bất kiến Như Lai kim sắc thân.”

Ứng thân Như Lai ba mươi hai tướng tốt, đầy đủ phước đức và trí tuệ, giàu lòng từ bi với vạn loại chúng sinh. Ngài đã hy sinh tất cả để tìm ra con đường cứu khổ, đưa nhân loại đến bến bờ giác ngộ và giải thoát, an vui. Còn chúng con mãi suy nghĩ bâng khuâng, với thân ngũ uẩn mang đầy nghiệp chướng, làm sao áp dụng những pháp âm vi diệu của Ngài vào cuộc sống để đạt được phần nào những đức tính cao cả của Như Lai?

Nhớ khi còn nhỏ, theo Nội đến chùa trong các dịp lễ, trong tôi chưa có ý niệm gì về Tam Bảo, mà thuần tuý là sự yêu thích cảnh chùa trong không khí im lặng, thánh thiện trang nghiêm, giữa cảnh sắc thật đẹp của cỏ hoa và cả nơi hình ảnh những nhà sư từ hòa mà tôi được trông thấy hoặc nghe Bà kể lại. Giờ đây, trước toà sen Ngài đang ngự trên cao, chiêm ngưỡng hình tượng ấy với lòng tôn kính vô biên, tôi chợt nhớ lại lời nhận xét của một học giả: “Hình ảnh Đức Phật mà ta nhìn thấy là biểu tượng tượng trưng cho những đức tính cao quý. Tôn vinh và kính trọng biểu tượng ấy chính là tôn thờ cái vĩ đại và hạnh phúc tìm thấy trong giáo lý của Ngài.” Tôi cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.

Trong bài văn Cảnh Sách, Tổ Quy Sơn dạy: “Tuy bất thấp y thời thời hữu nhuận.” Hình ảnh thâm trầm, thanh thản đầy trí tuệ của Ngài đã là quan niệm chung về vẻ đẹp lý tưởng. Hình ảnh ấy là tài sản quý báu không những của nền văn hoá Á Châu mà là của cả nhân loại. Pandit Nedru, cựu thủ tướng Ấn Độ, nhận xét như sau về hình ảnh đức Phật: “Mắt Ngài nhắm, nhưng sức mạnh tinh thần toát ra và năng lượng sống động tràn ngập chung quanh. Thời đại của Ngài đã trôi qua, nhưng dường như Đức Phật không cách xa chúng ta lắm. Giọng nói của Ngài vẫn thì thầm bên tai và nói với chúng ta, hãy đừng chạy khỏi cuộc tranh đấu, mà hãy đương đầu với nó bằng con mắt bình tĩnh và tìm thấy những cơ hội lớn trong cuộc sống để phát triển và tiến bộ.” Ông cũng nói: “Khi tôi còn ở trong tù, tôi thường nghĩ đến bức tượng của Ngài, bức tượng này là nguồn suối cảm hứng to lớn đối với tôi.”

Và hôm nay, huynh đệ chúng tôi ngồi đây, ít ra cũng có chung lý tưởng như vậy. Bởi lẽ, tôn thờ Đức Phật không gì khác hơn là tôn thờ công hạnh vĩ đại, mà trải qua vô lượng kiếp Ngài hành Bồ-tát đạo để cuối cùng thành bậc Vô thượng giác. Ngài đã đem đạo của tình thương và sự hiểu biết để tuyên bày cho tất cả chúng sanh. Với đặc trưng vô ngã vị tha, Đạo Phật đã tồn tại trong hàng triệu trái tim con người. Giáo lý của đức Phật là một giáo lý thực nghiệm, bởi sự tự thân tu chứng của Thái tử thành Ca-tỳ-la-vệ, một nền giáo lý hướng con người quay về với chính mình, dùng Chánh kiến để hiểu rõ sự thật của cuộc đời. Chúng ta tôn kính, đảnh lễ hình tượng Ngài, rồi dần dần tu tập để chuyển tải vào trong tâm hồn mình cái nhân cách vĩ đại, cái hạnh nguyện cao cả hiếm thấy trong lịch sử nhân loại. Như vậy, chúng ta cần phải gạn bỏ những phiền não tập khí, bao vọng tưởng đảo điên, tức là phải tẩy sạch tâm hồn mình cho đến khi tâm ta hiển lộ được chân ảnh Ngài.

Ứng thân Như Lai ba mươi hai tướng tốt, đầy đủ phước đức và trí tuệ, giàu lòng từ bi với vạn loại chúng sinh

Người thế gian còn biết tạo dựng tượng đài kỷ niệm những vị hữu công với đất nước, những vòng hoa được dâng hiến lên những huyệt mộ, những phút mặc niệm trang nghiêm.v.v… Thế thì tại sao chúng ta không phát nguyện lạy Ngài với trọn tâm tư thuần khiết thanh tịnh, để bày tỏ lòng tôn kính với vị Đại đạo sư đã phục vụ nhân loại và không hề tổn hại một loài nào ! Ngài đã chinh phục toàn thế giới bằng lòng từ bi và trí tuệ. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng nên ghi nhớ rằng, Đức Phật đã từng nói: “Các con không thể thấy Ta bằng thân năm uẩn. Khi nào các con thấy Pháp của Ta thì mới thật sự thấy Ta.”

Thế mới biết, điều quan trọng nhất trong Phật giáo là thực hành, tức là biết tiêu hoá và áp dụng giáo lý Phật dạy vào trong đời sống tu tập để đạt được lợi ích an lạc cho chính mình và mọi người mọi loài xung quanh. Điều đó cũng có nghĩa là thấy pháp như thật. Các pháp do nhân duyên sinh, nương nhau tồn tại, không có một pháp nào tồn tại độc lập. Đó là định lý Duyên Khởi tánh mà Đức Phật đã chứng ngộ:

“Chư pháp tùng duyên sinh
Diệc phục tùng duyên diệt
Ngã Phật đại Sa-môn
Thường tác như thị thuyết.”

Hình ảnh đức Phật là hình ảnh của một tình thương trong sáng bao la. Trái tim của đấng Từ phụ là trái tim của một nhân cách trong sáng tuyệt vời. Ánh mắt của Như lai là ánh mắt của một trí tuệ Bát-nhã giác ngộ sâu xa. Cuộc đời toàn bích của Ngài thật đáng cho chúng ta cúi đầu đảnh lễ đến vô lượng hằng-hà-sa kiếp. Ngài là bậc toàn giác, là đoá hoa thơm ngát cho cả chư thiên và loài người cùng trọn hưởng một làn hương Đại giác:

“Đây hoa nở trên cây nhân loại
Đã bừng nở qua nhiều vạn kỷ
Làm thế giới chan hoà hương thơm trí tuệ
Và mật ngọt tình thương.”
(trích thi phẩm “Ánh sáng Á châu”)

Chuông điểm, thời tịnh niệm chấm dứt, tôi đứng dậy đi kinh hành và lại chuẩn bị cho thời Tịnh độ. Một ngày sắp hết, cuộc đời người tu sĩ trẻ cũng qua nhanh như bóng câu qua cửa sổ. Nếu không biết hướng tâm niệm đến mục đích giải thoát, không biết dành tất cả cho sự tu tập để tiến bộ tâm linh thì thật luống uổng biết bao!

Kính lạy Ngài! Chúng con nguyện đời đời sinh ra trong ngôi nhà Chánh pháp, nguyện cùng thiện hữu tri thức tập trau dồi tình thương yêu và sự hiểu biết, để cùng nhau tiến đến bến bờ giải thoát an vui.

B.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here