Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Mai Huế "ăn Tết sớm"

Mai Huế "ăn Tết sớm"

95
0

Thời tiết thay đổi đột ngột vào những ngày cuối năm làm cho hàng ngàn chậu mai ở các làng hoa xứ Huế nở sớm. Hiện tượng bất thường này khiến nhiều chủ vườn rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười”.

Mai nở sớm, người chơi mai tiếc ngẩn ngơ còn những gia đình khó khăn đang nỗ lực chăm sóc từng gốc mai để kiếm chút tiền sắm Tết thì buồn nẫu ruột.

Một thời vựa mai Ngũ Điền

Về Ngũ Điền những ngày giáp Tết, hẳn bạn sẽ ngỡ ngàng khi ngắm những chậu mai được người dân chăm sóc, tỉa tót rất kỳ công. Không hiều vì sao mà hoa mai vùng Ngũ Điền bên phá Tam Giang, đặc biệt là hoa mai Điền Hòa lại có cánh hoa đẹp và hương thơm đặc biệt không giống với hoa mai ở các làng ven đô xứ Huế. Hoa mai ở vùng Ngũ Điền có nhiều chủng loại khác nhau, như Hoàng diệp mai, Diệp cúc mai, trong đó Hoàng trúc mai là giống mai quý được xem là “báu vật độc nhất vô nhị” chỉ trồng được ở vùng đất Điền Hòa. Mai này có hoa màu vàng óng, có từ 5 cánh trở lên, lâu tàn. Nghệ nhân Nguyễn Văn Bé, một người chơi mai lâu năm ở đây cho biết: “Người chơi mai ở Điền Hòa thường tự hào với “dân chơi mai sành điệu” là quê mình đã ươm trồng và giữ gìn được giống mai quý như Hoàng trúc mai nhưng năm nay chịu thua chú ơi, hoa nở sớm hơn mọi năm, nhà nào may mắn lắm mới có một đến hai chậu kịp chơi Tết ”.

Năm nay nhiều hộ dân trồng mai ở thành phố Huế lao đao vì mai nở sớm

Dân chơi mai ở Điền Hòa thường tạo thế cho cây mai mang phong thái, dáng vóc đặc trưng của một làng quê giàu truyền thống lễ hội với 2 thế chính: Đó là thế Long Vân và Long Giáng. Mai phải được trồng trong chậu và uốn theo các thế của con rồng. Trong lúc người chơi mai ở các vùng miền khác thường chọn mai thế trực hoặc thác đổ, lân, phụng. Chính vì cách chơi kỳ công mà vùng đất Điền Hòa, Điền Hải đã sản sinh ra nhiều bậc thấy chơi mai nổi tiếng xứ Thần Kinh.

“Nẫu ruột” vì mai nở truớc Tết

Mùa mai Tết Quý Tỵ đang đến khắp các làng ven đô thành phố Huế nhưng người dân phải “dở khóc dở cười” trước tình trạng hoa nở trước Tết. Anh Nguyễn Phúc, ở xóm 4, làng Lại Thế, xã Phú Thượng cho biết: “Mọi năm đến dịp này hoa mai chỉ mới ra búp, bơm nhẹ thuốc trừ sâu hại lá là nở kịp tết, riêng năm nay chỉ còn 20% trong tổng số 200 chậu mai nở đúng Tết. Năm ngoái mấy anh em hùn vốn đầu tư 400 triệu đồng để mua mai, năm nay đành mất trắng”. Cùng tâm trạng với anh Phúc là hàng trăm hộ dân trồng mai chuyên nghiệp ở Kim Long, Thuỷ Vân, Vỹ Dạ, An Đông, Dạ Lê, cũng “lao đao” vì mai Tết. Ông Tuấn Mai, người đang sở hữu hơn 100 gốc hoàng mai trên 50 tuổi tâm sự: “Nghề mô cũng có cái khó. Riêng thú chơi mai kỳ công hơn nhiều, chấp nhận lấy ngắn nuôi dài thôi. Những năm trước hoa nở rất đều, năm nay mưa nhiều, giáp Tết trời nắng to vì vậy gần 200 gốc mai của tôi đã nở hết. Nhiều năm rồi nhờ trồng mai mà tôi đã sửa sang nhà cửa, có chút ít vốn để dành, năm ni thì chịu thua ông trời”.

Lão mai ở vùng Ngũ Điền, có giá 150 triệu đồng

Lý giải vì sao mai Huế năm nay “đòi ăn tết sớm”, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Quý Hai, Khoa Sinh, Trường Đại học Khoa học Huế cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu là do thay đổi khí hậu, vì nhiệt độ năm nay tăng lên so với các năm trước. Tại địa bàn Thừa Thiên – Huế năm nay, thời tiết thay đổi thất thường, nắng đến sớm và nhiệt độ cao hơn mọi năm. Ngoài ra, mùa đông năm nay thường có những ngày nắng nóng. Những nguyên nhân trên đã làm thay đổi chu kỳ thực vật và xuất hiện hiện tượng mai nở trái mùa”.

Nếu có dịp về thăm các làng mai ven đô xứ Huế, bạn dễ dàng nhận ra người “chơi mai” bây giời phần lớn để bán – mua, suy biến ít nhiều ý nghĩa chơi mai đích thực. Ngày xưa người chơi mai Huế tận tụy có thể rất nghèo hoặc lắm lúc túng quẩn – không bao giờ bán, mua hay định giá mai theo tiền bạc. Anh Hùng – chủ Tịnh Tâm Viên, một đại gia chơi mai có tiếng ở Huế thổ lộ: “Người chơi mai nghiêm túc, hay nói cách khác một cây mai thật sự có giá trị ngoài thân, thế, bộ rể và dòng mai, nó còn gắn liền với lịch sử ra đời của dòng tộc. Một cây mai đôi khi có đến 3 thế hệ cùng chơi”.

(Theo PNO)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here