Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Lung linh muôn sắc lồng đèn Huế

Lung linh muôn sắc lồng đèn Huế

104
0

 Lồng đèn ngày nay rất phong phú, đa dạng sắc màu và kiểu mẫu. Ngoài những loại lồng đèn truyền thống như: lồng đèn ấu khung tre dán giấy có tám mặt, bốn tua, một mặt chừa trống để bỏ đèn dầu vào, trên các mặt có dán hình chữ vạn và hình hoa sen; lồng đèn hoa sen tám cánh, lồng đèn hình ngôi sao năm cánh cũng được làm bằng khung tre dán giấy mỏng có viền màu xanh hay màu đỏ. Trên các cánh sen hay cánh ngôi sao có trang điểm thêm hình Phật đản sanh, hình chữ vạn hoặc hình bánh xe luân hồi…Ngoài ra, còn có loại lồng đèn kéo quân hình lục giác có trục quay chính giữa nhờ sức gió từ lửa thổi lên tạo ra vòng quay đều đặn. Khi làm lồng đèn này, quan trọng nhất là phải biết gấp dán chong chóng để sao cho chiếc đèn có thể quay khi đèn cầy được đốt cháy bên trong. Ngoài ra còn có loại lồng đèn hình tổ ong, lồng đèn hình trái ấu và các loại lồng đèn hình các con vật khác cũng được thấy trong mùa Phật đản.

 

Các năm gần đây, nhiều mẫu lồng đèn mới được trình làng như: lồng đèn giấy xếp ô vuông, lồng đèn nhựa cánh mỏng màu hồng, màu xanh, màu trắng, đủ loại được cắt thành miếng nhỏ ghép thành hình tròn, hình thoi, hình hoa sen đài nhọn…càng điểm tô thêm phong phú thể loại lồng đèn Huế. Mỗi kiểu lồng đèn làm ra với nhiều hình dáng và sắc màu là sự kết dệt từ tâm hồn thành kính, hân hoan dâng lên cúng dường đức Phật trong mùa Phật đản. Ai cũng muốn biểu hiện một chút tài nghệ của mình để làm một cái gì đó trong mùa Phật đản, nên nhiều sản phẩm lồng đèn mới được ra lò. Cuộc sống trở nên tươi sáng khởi sắc hơn vì đời sống văn hóa tinh thần của người Huế vẫn luôn được duy trì và phát triển.

 Trên các đường phố từ Đông Ba, Gia Hội, Trường Tiền, Bến Ngự… những người gánh lồng đèn dạo bán với đủ các kiểu mẫu và sắc màu. Lồng đèn năm nay vẫn giữ thuần túy tính truyền thống của Huế, bằng chất liệu chính là tre nứa và giấy màu thủ công, nên mỗi chiếc lồng đèn đều mang một sự thành tâm rất cao của người làm để cúng dường mùa Phật đản. Chủ nhân chính của những chiếc lồng đèn này là những người thợ từ làng Thần Tiên, Bao Vinh,  họ làm rất nhanh và rất khéo tay. Có thể nói đây là một thế giới lồng đèn riêng mà người ta quen gọi là lồng đèn đường phố. Một cách kiếm tiền, nhưng đây cũng là một phương thức truyền thông tin mùa Phật đản đến với mọi nhà rất nhanh và hiệu quả. Thành ra Phật đản năm nào cũng có lồng đèn đường phố bày bán, một nét rất riêng của Huế mà ít nơi nào có.

 

Một số Phật tử dù rất bận bịu với trăm công nghìn việc của nghiệp bán buôn, nhưng khi tan chợ vẫn không quên tạt qua chỗ bán lồng đèn mua dăm ba cái về treo trong nhà để đón mừng Phật đản. Nhà nào cũng thế, nếu không rảnh thời gian để làm thì lồng đèn đường phố sẽ cung cấp cho họ. Nhà nào cũng muốn mua vài kiểu lồng đèn thật đẹp để về treo và đó cũng thể hiện sự thành tâm của người con Phật. Không khí đó đã gợi cho quần chúng Phật tử Huế bừng tỉnh liên nghỉ về một mùa Phật đản đang về trên quê hương cố đô Huế yêu dấu mà thành tâm sắp đặt công việc để đón mừng ngày Đản sanh của đức Thích Ca Từ Phụ.

T.Đ
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here