Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo trong nước Lễ rước ngọc xá lợi Phật lớn nhất Việt Nam

Lễ rước ngọc xá lợi Phật lớn nhất Việt Nam

165
0

Thượng tọa Thích Nguyên Ngọc (Minh Trí) là cố vấn kiêm phó trụ trì của Tổ đình cho biết: "Xá lợi là phần còn lại sau lễ trà tỳ tức là lễ hỏa thiêu kim thân của đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau khi ngài qua đời tại thành Câu Thi Na ở Ấn Độ cách đây hơn 2.500 năm. Từ đó, ngọc xá lợi Phật thâu được đã đem phân chia khắp nơi để thờ trong các bảo tháp ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Tổ đình Giác Quang là một trong các điểm có phước duyên lưu giữ xá lợi Phật từ hơn nửa thế kỷ qua. Đến nay, nhìn lại cơ duyên lưu giữ từ trước và hiến cúng ngọc xá lợi Phật cho hai ngôi chùa lớn ở phía Bắc sắp tới, đều thấy liên quan đến bước đường hoằng pháp của hai vị cao tăng Việt Nam là sư tổ Giác Quang đã viên tịch năm 1967 và hòa thượng pháp sư Tịnh Giác hiện vẫn đang tiếp tục các Phật sự tại hoàng cung Thái Lan".

Vị thứ nhất (Giác Quang) là người trực tiếp được một Thánh tăng ban 6 viên xá lợi Phật trong kỳ Đại hội kết lập kinh điển Pâli năm 1956 tại thủ đô Yangoon của Miến Điện (Myanmar) để đem về Việt Nam. Ngài sinh năm 1895 tại Sài Gòn, đã cùng với các ngài Bửu Chơn, Hộ Tông, Thiệu Luật, Tối Thắng, Giới Nghiêm, đứng ra hợp sức vận động thành lập Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam và chính ngài lập chùa Giác Quang ở Bình Đông (Chợ Lớn) vào giữa thập niên 1940 (tức Tổ đình Giác Quang ngày nay).

Chính ở Tổ đình này, hòa thượng pháp sư Tịnh Giác (viện chủ của Tổ đình) đã ra đi tu học và hoằng pháp ở nước ngoài từ năm 1960, đến nay ngài là Cố vấn tối cao của Phật giáo Hoàng gia Thái Lan và là vị cao tăng trong Hội đồng chứng minh của Học viện Phật giáo Watt Samphraya tại thủ đô Bangkok. Gần đây trong chuyến về Việt Nam, ngài Tịnh Giác đến thăm chùa Bái Đính ở Ninh Bình và rất hoan hỷ khi tận mắt nhìn thấy những công trình sớm được ghi vào kỷ lục Việt Nam như: 3 tượng Tam thế Phật bằng đồng nguyên chất lớn nhất (mỗi tượng nặng 50 tấn), tượng Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất (100 tấn), quả chuông đồng nặng nhất (36 tấn), hành lang La hán lớn nhất (đặt 500 tượng La hán, mỗi tượng cao từ 2m đến 2,5m và nặng từ 2 tấn trở lên), trồng nhiều cây bồ đề nhất (100 cây), giếng Ngọc lớn nhất…

Trước khung cảnh trang nghiêm đồ sộ như thế, ngài Tịnh Giác phát tâm hiến cúng 3 viên xá lợi Phật. Một vị hòa thượng khác cũng phát tâm hiến cúng thêm 3 viên xá lợi Phật nữa đưa từ Thái Lan về. Vậy chùa Bái Đính sẽ cung nghinh 6 ngọc xá lợi Phật và 3 xá lợi Thánh tăng (tức xá lợi của các vị đệ tử của đức Thích Ca Mâu Ni). Đồng thời đại lễ này, chùa Quán Sứ cũng sẽ cung nghinh 4 ngọc xá lợi Phật và 3 xá lợi Thánh tăng.

TT. Thích Nguyên Ngọc – Phó trụ trì tổ đình Giác Quang phát biểu

Như thế, tổng cộng số ngọc xá lợi Phật và xá lợi Thánh tăng sẽ chuyển ra phía Bắc trong đợt này là 16 viên (tính thêm các xá lợi do chùa Nguyên Thủy ở quận 2, TP.HCM, hiến cúng). Tất cả sẽ đựng trong tám bảo tháp lưu ly từ Thái Lan gửi sang, trong đó có hai tháp lớn thếp vàng và nạm đá quý bên ngoài, mỗi tháp cao 50 cm, để tôn trí hai phần xá lợi Phật rước về hai chùa Quán Sứ và Bái Đính (bên trong tháp lớn có một tháp nhỏ cao 20 cm; trong tháp nhỏ lại có một bình bát mạ vàng cao 5 cm đựng ngọc xá lợi).

Còn lại 6 tháp kia, mỗi tháp cao 20 cm, dùng tôn trí xá lợi các vị Thánh tăng. Các bảo tháp ấy (chuyển từ TP.HCM ra sân bay Nội Bài trên một chuyên cơ) sẽ được mở ra tại chùa Quán Sứ trưa ngày 6.6 để hòa thượng Thích Thanh Tứ – là viện chủ của hai chùa Quán Sứ và Bái Đính – tiếp nhận xá lợi với sự chứng kiến của đông đảo chư tôn đức Tăng ni cũng như đại diện Đại sứ quán và Phật giáo Hoàng gia Thái Lan. Tiếp đến phật tử sẽ chiêm bái và nhiễu quanh ngọc xá lợi ba vòng trước khi đại lễ tiếp tục cung nghinh về chùa Bái Đính ngay chiều hôm đó. 

(theo thanhnien.com.vn)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here