Trang chủ Thiền môn xứ Huế Lễ Húy nhật cố Hòa thượng Trí Độ (1894 – 1979) tại...

Lễ Húy nhật cố Hòa thượng Trí Độ (1894 – 1979) tại Tổ đình Từ Đàm

156
0
Dâng hương tưởng niệm và cử hành buổi lễ có chư Tôn đức Giáo phẩm Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh TT. Huế; chư Tôn đức Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh; chư Tôn đức Tổ đình Từ Đàm; chư Tôn đức các tự viện, Niệm Phật đường cùng quý Đạo hữu Phật tử. 
 
Hòa thượng Trí Độ (1894-1979)
 
Thế danh của Ngài là Nguyễn Kim Ba, sinh ngày 15 tháng 12 năm 1894, nguyên quán thôn Phổ Trạch, xã Kỳ Sơn, huyện Tuy Phước (tổng An Nhơn), tỉnh Bình Định. Năm lên 09 tuổi (1904), Ngài được học chữ Nho, vừa học chữ Quốc ngữ. Năm 18 tuổi (1913), Ngài đỗ vào trường bậc Tiểu học ở huyện. Sáu năm sau (1919), ra trường này và được bổ đi dạy trường làng bậc Ấu học ở làng Vĩnh Lưu. Năm 1920 Ngài bắt đầu giảng dạy Phật pháp tại Bình Định và là một trong những bậc đống lương cho phong trào chấn hưng Phật giáo tại tỉnh nhà.
Năm 1921, có một người tên là Võ Trấp, sinh năm 1882 tại Bình Định, đậu tú tài Nho học, đến năm 37 tuổi Cư sĩ này xuất gia ở chùa Tịnh Lâm, thờ Ngài Từ Mẫn làm thầy, có Pháp danh là Như Phước, tự là Giải Tiềm, hiệu là Huyền Ý, đến làng Hưng Trị, huyện Phù Cát lập nên một ngôi chùa gọi là chùa Liên Tôn. Thầy giáo Nguyễn Kim Ba đã giao du thân hữu với nhà sư ở chùa Liên Tôn này. Do đó thầy giáo Kim Ba trở nên hiểu biết và hâm mộ đạo Phật. Nhà sư ở chùa Liên Tôn đã khuyên Thầy nên xuất gia. Lại có một nhà sư khác – có thế danh là Nguyễn Trọng Khải, sinh năm 1876; ông nguyên là một “ông tú kép” tức là đậu hai lần tú tài nho học (năm 31 và năm 34 tuổi), năm 1919 ông này xuất gia tại chùa Thạch Sơn, Quảng Ngãi, có Pháp danh là Chơn Giám, tự là Đạo Quang, hiệu là Trí Hải; năm 45 tuổi (1921) đắc Pháp với Bổn sư Hồng Thạc ở chùa Thạch Sơn. Sau khi đắc Pháp, Hòa thượng Trí Hải đã khai sơn chùa Bích Liên, ở Bình Định. Do sự khuyến khích của Hòa thượng Liên Tôn, nhà giáo Nguyễn Kim Ba đã thôi nghề dạy học, đến xin xuất gia tại chùa Bích Liên, thờ Hòa thượng Trí Hải làm thầy, nhưng sau Hòa thượng Trí Hải lại gửi nhà sư mới xuất gia này đến học với Quốc sư Phước Huệ ở Tổ đình Thập Tháp Bình Định. Nhà sư này chính là Hòa thượng Trí Độ.
Hòa thượng Huyền Ý (chùa Liên Tôn); Hòa thượng Trí Hải (chùa Bích Liên) đều chuyên về Pháp môn Tịnh Độ, các Ngài trước tác nhiều sách vở. Quốc sư Phước Huệ (chùa Thập Tháp) là một danh Tăng. Hòa thượng Trí Độ có cơ duyên gặp được các cao Tăng như thế, Ngài lại xuất thân từ không khí tân học vào đầu thế kỷ thứ XX, nên về sau cơ duyên hóa độ của Ngài rất hợp với thời đại và rất rộng. Năm 1931, Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học được thành lập và ra báo Từ Bi Âm, Hội đã mời cả ba Hòa thượng: Huyền Ý, Trí Hải và Trí Độ vào hợp tác để làm báo. Năm 1935, Hòa thượng Trí Hải và Hòa thượng Huyền Ý về lại Bình Định. Hòa thượng Trí Độ được mời làm Đốc giáo và giảng dạy tại trường An Nam Phật học tại chùa Báo Quốc-Huế. Đây là một trường được hình thành rất sớm trong giai đoạn mới chấn hưng Phật giáo, qui tụ đủ cả Tăng sinh Trung Nam Bắc, suốt mười năm trường gần như do một mình Ngài chăm sóc giảng dạy.
Năm 1940, Ngài trở vào Bình Định. theo học với Hòa thượng Phước Huệ chùa Thập Tháp, được Hòa thượng đặt pháp hiệu là Hồng Chân. Năm 1941, Ngài thọ tam đàn Cụ túc với Hòa thượng Đắc Quang chùa Quốc Ân, Huế.
Vốn là một nhà giáo, nên lối giảng dạy của Hòa thượng rất được học Tăng ưa thích và các khóa giảng của Hòa thượng rất có hiệu quả. Trong thời gian này Ngài vẫn đi, về tham học với Ngài Phước Huệ. Từ năm 1936 trở về sau, Hòa thượng Trí Độ ở luôn tại Huế và đảm nhiệm trách vụ Đốc giáo trường này. Ngài đã có công đào tạo cho xứ Huế nhiều lớp Tăng tài mà từ 1950 trở về sau, những Tăng sĩ này đủ sức làm cho Phật giáo Huế long thịnh và vượt qua nhiều cơn sóng gió. Năm 1944, Hòa thượng cùng với Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám là hai vị đã dày công trong việc chuyển trường lên Lựu Bảo để lập Tùng Lâm Kim Sơn. Nhưng không may, gặp thời khó khăn về kinh tế, trường đã tan rã. Hòa thượng tham gia phong trào Phật giáo cứu quốc (1945).
Năm 1946, Hội Bắc Kỳ Phật giáo đang trên đà phát triển, Ngài được mời ra mở trường tại chùa Quán Sứ, Hà Nội để đào tạo hàng hậu duệ cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh.
Năm 1950, Ngài được bầu làm Ủy viên Ủy Ban Liên Việt tại Thanh Hóa và năm 1953 được chỉ định làm Ủy viên Ủy ban Việt Nam Bảo vệ Hòa bình Thế giới.
Năm 1954, Hòa bình lập lại ở miền Bắc, Ngài trở về trụ bóng tùng lâm Quán Sứ. Đứng trước nhu cầu mới, Ngài đã tích cực vận động Tăng Ni Phật tử các tỉnh miền Bắc để thành lập một tổ chức Phật giáo Thống Nhất. Tháng 3 năm 1958, cơ duyên đã hội đủ, Hội Phật giáo Thống Nhất được thành lập, Ngài được tiến cử vào ban lãnh đạo Trung ương và được bầu làm Hội trưởng từ đó, trải qua các kỳ đại hội, Ngài đều được bầu làm Hội trưởng suốt hai mươi bốn năm liền cho đến cuối đời.
Sau khi Hội Phật giáo Thống Nhất được thành lập, Ngài đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo Tăng tài. Vì thấy rõ trong những năm bị người Pháp đô hộ, đất nước chiến tranh, Tăng Ni không được học hành, Phật tử không được nghe thuyết pháp giảng kinh, nên Ngài đã xin với Nhà nước mở nhiều lớp học ngắn hạn để đào tạo cấp tốc một số Giảng sư nòng cốt cho các tỉnh, thành. Những lớp ngắn hạn này từ ba đến năm tháng do Ngài trực tiếp tổ chức hướng dẫn và mời những Hòa thượng danh tiếng khác tham gia giảng dạy.
Năm 1963-1964, khi đã có những người nòng cốt ở các tỉnh và các chi hội Phật giáo các tỉnh, thành phố đã được củng cố, Ngài lại tổ chức một khóa “Tu học Phật pháp” dài hạn trong một năm để nâng cao trình độ giảng dạy giáo lý.
Năm 1968-1969, Ngài tổ chức lớp chuyên nghiên cứu Duy Thức và Bách Pháp Minh Môn luận. Đến năm 1970, Ngài mở trường “Tu học Phật pháp Trung ương” tại chùa Quảng Bá – Hà Nội. Hai năm sau, Ngài mở trường “Trung Tiểu học Phật pháp Trung ương” (1972-1974), rồi lớp chuyên về “Nhị khóa hiệp giải” (năm 1974-1975).
Sau ngày đất nước thống nhất (1975), thấy rõ tiền đồ xán lạn của Phật giáo Việt Nam, Ngài chuẩn bị ngay kế hoạch đào tạo quy mô để có những Tăng tài hoạt động đối nội cũng như đối ngoại cho Phật giáo Việt Nam. Và đến đầu năm 1977, trường “Tu học Phật pháp Trung ương” khóa học bốn năm được chính thức khai giảng, làm cơ sở cho việc mở trường “Cao cấp Phật học Việt Nam” sau này.
Cũng vào năm 1976, Ngài với tư cách Ủy viên Thường vụ Quốc Hội tham gia trong đoàn của Nhà nước vào Sài Gòn dự Hội nghị Hiệp thương Thống nhất đất nước. Sau đó, Ngài về Bình Định thăm quê, và thăm các chốn Tổ đình, nơi Ngài đã xuất gia đầu Phật, cùng những nơi Ngài đã từng khai tràng thuyết pháp năm nào.
Về trước tác, Ngài đã viết nhiều bài nghiên cứu có giá trị trong tạp chí Từ Bi Âm như: Luận về Sóng Thức (Duy thức), Pháp lạy Hồng Danh sám (Giáo lý)…
Các kinh sách và tài liệu do Ngài dịch và viết rất nhiều, song vì đất nước chiến tranh, chưa có điều kiện xuất bản như: Bách pháp minh môn luận, Nhân minh nhập chính lý luận, Phật pháp khái luận, Tốt yếu lịch sử Phật giáo Việt Nam, Bát Nhã tâm kinh, Nhân minh khái yếu, Nhân minh học giải thích.
Ngoài ra, Ngài còn trực tiếp chỉ đạo và cùng Ban Hoằng Pháp Trung Ương Hội Phật Giáo Thống Nhất biên soạn và hiệu đính nhiều kinh sách, như: Phật Tổ tam kinh, Phật học thường thức, Bát thức quy củ tụng, Đồng mông chỉ quán, Kinh Thủ Lăng Nghiêm…
Về đối ngoại, Ngài tham gia nhiều Hội nghị quốc tế, các phong trào hòa bình tại các nước và hoạt động xã hội như: Năm 1956, đi Ấn Độ dự lễ kỷ niệm 2.500 năm của đạo Phật; năm 1962, làm Trưởng đoàn Phật giáo Việt Nam đi dự Đại hội lần thứ VI của Hội Phật giáo Thế giới (WFB) tại Campuchia; năm 1964, đi Trung Quốc dự lễ kỷ niệm Ngài Trần Huyền Trang; năm 1979, dự mít tinh đấu tranh bảo vệ hòa bình của ABCP tại Mông Cổ.
Từ năm 1955-1979, Ngài luôn được bầu làm Ủy viên đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các cuộc bầu cử Quốc hội khóa 2, khóa 3, khóa 4 và khóa 5 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, Ngài được nhân dân bầu là Đại biểu Quốc hội và được Quốc hội cử giữ chức Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngài đã được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương độc lập hạng 2 và Huân chương kháng chiến hạng 3.
Trong hàng Danh Tăng Việt Nam, bao công hạnh Đạo – Đời toàn vẹn như Ngài dễ có mấy người đạt được như thế. Hòa thượng là một tinh đẩu giữa trời trong đại cuộc chấn hưng Phật giáo, góp phần rất lớn trong sự nghiệp thống nhất Phật giáo Việt Nam và ghi lại nét son đậm đà của một giai đoạn lịch sử Phật giáo nước nhà.
Những năm cuối của thập kỷ 70, tuy tuổi cao, sức khỏe giảm sút, nhưng Ngài vẫn minh mẫn và luôn luôn quan tâm đến việc hoằng pháp lợi sinh. Vào tháng 10 năm 1979, Ngài cùng quí Đại biểu của Hội Phật Giáo Miền Nam tham dự mít tinh hưởng ứng tuần lễ đấu tranh bảo vệ hòa bình của tổ chức Phật giáo Châu Á vì Hòa Bình (ABCP). Sau khóa lễ chiều ngày 24 tháng 10 năm 1979, tức ngày 4 tháng 9 năm Kỷ Mùi, Ngài gọi thị giả đưa lên chính điện chùa Quán Sứ lễ Phật và đi quanh chùa thăm các cơ sở Phật sự cùng Tăng chúng trụ xứ, rồi trở về phòng ngồi đọc sách như thường lệ. Thế rồi Hòa thượng an nhiên thị tịch ngay tại tòa đọc, hưởng thọ 85 tuổi với 47 năm hoằng dương đạo pháp. Sau khi Ngài mất, Hòa thượng Pháp chủ Thích Đức Nhuận đặt cho Giác linh Ngài hiệu là Kim Quang.
Bảo tháp xây tại Tổ đình Quảng Bá. Tháp hiệu là “Đại Nhạn Bảo Tháp”.
 
 
 
HT. Thích Huệ Ấn niệm hương tưởng niệm
 
 
 
 
HT. Thích Quang Nhuận niệm hương bạch Phật, cử hành lễ cúng Ngọ
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh TT. Huế

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here