Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Lão nông tăng trong ngôi cổ tự

Lão nông tăng trong ngôi cổ tự

142
0

Từ Hà Nội xuôi quốc lộ 1A về phía nam chừng 35 cây số là đến thị trấn Phú Xuyên, đất Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội. Rẽ trái theo con đường nhựa 10 cây số, qua ủy ban xã Quang Lãng một đoạn, hướng về phía sông Hồng, giữa cánh đồng vừa qua vụ gặt còn thơm mùi rơm, hiển hiện một ngôi cổ tự với mái ngói cong cong xếp chồng lên nhau, trông xa xa như một đóa sen khổng lồ giữa xanh ngắt một vùng bờ bãi. Ấy là Chùa Giáng.

Không như những gì tôi tưởng tượng về nơi trụ trì của một bậc cao tăng đang ở ngôi cao nhất của Giáo hội, Chùa Giáng, tên dân dã của Viên Minh cổ tự tọa lạc trong một không gian vắng vẻ đến lạ thường. Ngoài 4 cây nhãn cổ thụ trên trăm tuổi xùi xì, gân guốc, oằn mình qua sương gió, tất cả đều là cây trái vườn nhà do chính thầy trò vị sư trụ trì vun trồng. Mấy cây bưởi mọng quả, mấy cây ngọc lan bắt đầu ra hoa tỏa hương thơm ngát, này là vườn ngô vừa mẩy hạt, ruộng khoai đang phủ xanh vồng, những luống cải bẹ, rau muống, su hào đang bén lá xanh non… gợi cho tôi hình ảnh đầu tiên về cuộc sống thanh bạch của bậc chân tu. Trừ Bảo Điện, Tổ đường, Bảo tháp là uy nghi nhờ vừa được trùng tu, nhà khách, khu Tăng chúng, bếp ăn, trai đường, lối đi..chỉ là những mái nhà đơn sơ như cảnh chợ quê Bắc bộ mấy mươi năm trước.  

Vị sư già mảnh khảnh ra chào khách. Tôi cúi đầu đảnh lễ và theo cụ vào trai phòng. Nếu không xem sách báo, thật khó nhận ra đây là đức Pháp chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong chiếc áo nâu sồng giản dị, trông vị sư già như một lão nông thứ thiệt. Khô gầy, khắc khổ. Chỉ có đôi mắt lộ rõ vẻ tinh anh và nụ cười hiền hậu, thanh thoát, bước đi nhàn nhã khoan thai, một phong thái mà không dễ ai, ngót trăm tuổi còn giữ được.  

Bên cây nhãn trăm tuổi

Sinh ra trong một gia đình thuần thành theo đạo Phật tại làng Phùng Thiện, xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. 5 tuổi, cậu bé Bùi Đình Quý đã bén duyên cửa Phật. Trên đường tu học, dấu chân của vị sư trẻ trải khắp các Tổ đình vùng châu thổ sông Hồng. Năm 1936, Tỳ kheo Thích Phổ Tuệ chính thức là Pháp tử của Tổ đình Viên Minh, trở thành người truyền thừa chính thống của sơn môn Đa Bảo- một trong 3 sơn môn lớn nhất miền Bắc lúc ấy (nhất Đọi, nhì Đa, thứ ba Khê Hồi) và là người kế thừa duy nhất di sản của Viên Minh Pháp hội Đạo tràng –một học viện Phật giáo nổi tiếng, tồn tại suốt 12 năm, do Đại Pháp sư Nguyên Uẩn sáng lập và chủ trì. Từ đó đến nay, đã 65 năm, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ an trụ ở chùa Giáng nên còn được phật tử mọi miền gọi là Tổ Giáng.

Cả đời gắn bó với vùng ruộng đồng quê kiểng, lúc tự trào, Hòa thượng nhận mình là một Lão Nông Tăng, tức là nhà sư nông dân. Bởi nói như Pháp chủ: Tôi trụ thế đã 95 năm, nghiệp là tu hành, nhưng nuôi thân thể chủ yếu bằng nghề làm ruộng". Thật vậy, ngoài giờ hành lễ hay đi hoằng pháp, Cụ cùng môn đệ xắn tay cày cấy nuôi thân, đến 80 tuổi mới thôi. Trong mắt người dân  vùng này thì Hòa thượng Thích Phổ Tuệ không chỉ là một vị cao tăng uyên thâm Phật pháp, đức hạnh vẹn toàn mà còn là một nông dân thực thụ với đức tính hay lam hay làm, cần cù và giản dị. Ngẫm lại thấy hạnh phúc trên đời của người thường, trong một chừng mực nào đó, cũng giống như sự đạt Đạo của bậc chân tu.  Đó là không phụ thuộc quá nhiều, nếu không muốn nói cực đoan là hoàn toàn độc lập với hoàn cảnh, với phương tiện sống. Có lẽ vì thế nên các bậc vĩ nhân xưa nay đều sống trong một điều kiện vật chất rất tối thiểu và rất mực thành thực, nhiều khi như mê hoặc, mộ sùng.  

Ngẫm lại, nếu đầu những năm 50 của thế kỷ trước, giữa những ngày quê hương bị giặc Pháp chiếm đóng, làng mạc điêu tàn, chùa chiền sụp đổ, nếu Tỳ kheo Thích Phổ Tuệ cùng các tăng sinh đồng hương như Thanh Kiểm, Tâm Giác…xuất dương du học, thì có lẽ bây giờ, trên cương vị Pháp Chủ,  Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ cũng có học vị nọ kia trong lĩnh vực khoa học tôn giáo. Thế nhưng ông  vẫn một lòng son sắt với cửa Phật, với thiện tín quê nhà, nguyện làm sáng rỡ sự nghiệp của Đệ nhị Tổ Thích Quảng Tốn, duy trì mạng mạch, giữ gìn nền nếp Thiền gia, truyền thừa sơn môn Đa Bảo – Viên Minh Pháp hội. Thế nên tuy không qua một trường lớp chính quy nào, nhưng nhờ  kiên trì tự học, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã trở thành vị lão tăng có vốn kiến thức uyên thâm về Phật học và Hán học. Nhiều công trình nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật về Phật học như Đại Luật, Đại tạng kinh Việt Nam, Đại từ điển Phật học, Đề cương Kinh Pháp Hoa, Kinh Bách Dụ, Phật Tổ Tam kinh, Phật học là tuệ học… có sự đóng góp không nhỏ của Hòa thượng .

Tuy đạo cao đức cả, làu thông kinh kệ, nhưng vị Sư già Thích Phổ Tuệ vẫn khiêm tốn, giản dị và luôn ẩn mình. Ngày được Đại hội suy tôn lên ngôi Đệ tam Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng nói rằng: “Ngôi vị Pháp chủ theo nghĩa cứu cánh tuyệt đối thì chỉ có một vị có đầy đủ phúc đức, trí tuệ để gìn giữ, đó là đức Thích Ca Mâu Ni. Còn tôi, vì tập thể chư Tăng ủy thác nên phải gắng gượng giữ gìn. Điều này, đối với phép tương đối của thế gian có thể coi là sở đắc, còn với phép tuyệt đối xuất thế thì vô sở đắc mới là bản nguyện. Tôi không dám lấy việc lạm giữ ngôi vị cao quý này làm vinh hạnh” .

Cuộc đời là một chuyến đi dài, học là cách để đạt đến sự thông tuệ. Nhắc đến sự học, vị tăng già quan niệm: “ Sự học đâu cần chùa to cảnh lớn; Giảng đường đẹp, phòng ốc sang trọng cũng chỉ là phương tiện. Linh hồn của nó là Thầy và Trò trong quan hệ tu tập, hành trì”. Thầy thì kiến thức phải sâu, thuyết giảng bằng sự chiêm nghiệm của mình, dạy học trò phải nhiệt thành, gương mẫu để có thể “dĩ thân vi giáo”; coi việc giúp đỡ học trò là nuôi dưỡng hậu thân của mình; cần tâm niệm “học không biết chán, dạy không biết mỏi”.  Người học cần phải nhiệt tình tu học, rèn luyện lý tưởng của người xuất gia”. Nói đến đây, giọng Hòa thượng như chùng xuống, Cụ bảo: “Lo nhất vẫn là những người không chịu tu tập hoặc giả vờ tu tập, để rồi cái tâm quyến luyến việc thế gian, ganh đua với thế gian về tri thức, bằng cấp, hưởng thụ”. Từng là Hiệu trưởng Trường Phật học, đảm nhận việc đào tạo tăng chúng, nay lại ở ngôi đứng đầu Giáo luật, nỗi lo của Hòa thượng đâu phải không có nguyên do.

Về những việc chưa vui của Giáo hội, giọng Cụ trầm buồn: “Cũng tại cái ngã còn lớn đó thôi”. Rồi như thấy mình lỡ lời, Cụ bảo: “tôi sai rồi, không nên nói về người khác như thế”. Là Pháp chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, gần 100 tuổi đời, 90 năm nương tựa Bồ Đề, Hòa thượng hoàn toàn có đủ tư cách để nói về một sự đổ vỡ nào đó. Thế mà không. Cụ lại nhận mình sai khi nói về người khác. Thật là một bài học thấm thía về đức tính khiêm nhường của bậc Phương trượng nơi  Viên Minh cổ tự. 

Cùng Cụ dạo bước ra vườn, chiếc bóng liêu xiêu trên nền gạch đỏ, trông tấm áo nâu sồng giản dị Cụ khoác tên mình, không biết 2.500 năm trước,  Phật Thích Ca ăn mặc thế nào, và không biết trên thế giới này có vị Pháp chủ nào lại giản dị mà uyên bác đến thế không.  

Tiễn tôi ra cổng Tam quan trong buổi chiều nhạt nắng, sương thu quyện với khói đồng mùa gặt giăng kín cả một vùng bờ bãi ven sông Hồng. Lên xe mà vẫn còn nghe văng vẳng bên tai lời tâm sự như trút cạn cõi lòng của Đức Pháp chủ: "Sống được bao nhiêu năm, không phải là thước đo giá trị của đời người. Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho Đời, cho Đạo. Ngài Trần Nhân Tông chỉ ở đời có 51 năm, Ngài Pháp Loa có 47 năm mà công nghiệm thì bất khả tư nghì. Tôi trụ thế đến gần trăm năm, ở chùa 90 năm, thụ đại giới 75 năm, nghiệp là tu hành, nuôi thân chủ yếu bằng nghề làm ruộng, chưa từng dám lạm dụng một bát gạo, một đồng tiền của tín thí thập phương, khi nào chư Phật, chư Tổ cho gọi thì về thôi”.

Mặt trời đã khuất hẳn sau rặng tre già, ngôi cổ tự cũng ảo mờ trong sương khói. Tiếng chuông chiều ngân nga trên Bảo điện cứ xa dần, xa dần…

Viên Minh cổ tự

 N.V.T

(VOV)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here