Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Chùa Thầy – một tâm điểm văn hóa…

Chùa Thầy – một tâm điểm văn hóa…

103
0

Từ Đạo Hạnh là một nhân vật lịch sử, hành trạng của ông được ghi lại từ rất sớm trong nhiều văn bản (như Việt điện u linh (1329), An Nam chí lược (1333), Thiền uyển tập anh (1337), Đại Việt sử ký toàn thư và những bia ký khác như văn khắc trên chuông chùa Thiên Phúc…). Cuộc đời Từ Đạo Hạnh cũng được thêu dệt thành nhiều huyền thoại, thành cổ tích. Từ Đạo Hạnh được dân gian thừa nhận là người có pháp thuật cao cường, được vua Lý Nhân Tông rất tín nhiệm và thường mời vào cung cầu đảo, dùng pháp thuật để hoá giải tai ương, điềm gở, là tiền thân của vua Lý Thần Tông…

Nhân vật Từ Đạo Hạnh là một hiện tượng lịch sử – văn hóa, gắn liền với một địa danh lịch sử (chùa Thầy – Thiên Phúc tự), cùng chuỗi truyền thuyết (huyền sử) trong văn hóa Việt Nam. Ở hiện tượng lịch sử – văn hóa này hội tụ các yếu tố văn hóa Phật giáo – Đạo giáo – tín ngưỡng thờ cúng tiền nhân, được mở đầu từ thời Lý và kéo dài cho đến ngày nay. Đây là điểm nhấn đặc sắc, phản ánh một truyền thống văn hóa mở, làm nên bản sắc văn hóa dân tộc.

Thánh tổ Từ Đạo Hạnh gắn liền với lịch sử chùa Thầy – Thiên Phúc tự, cùng chuỗi truyền thuyết (huyền sử) trong văn hóa Việt Nam

Nằm trong vùng văn hóa xứ Đoài, chùa Thầy có thể coi là một “bảo tàng” mỹ thuật, điêu khắc Phật giáo thời trung đại cho những nhà nghiên cứu chuyên ngành. Chùa Thầy là ngôi chùa tiêu biểu cho kiến trúc tiền Phật hậu Thánh ở Bắc bộ. Kiến trúc tiền Phật hậu Thánh là một sáng tạo độc đáo khi Phật giáo đưa những anh hùng dân tộc, những nhân vật thiêng liêng khác của tín ngưỡng Việt Nam vào phối thờ tại chùa. Có thể coi qua lối kiến trúc độc đáo này, Phật giáo đã tìm ra được mối “lối đi”, một phương cách hòa hợp hơn nữa với văn hóa dân tộc Việt Nam. Ngoài hệ thống tượng thờ khá phong phú và đặc sắc, tại chùa Thầy còn lưu giữ được một số lượng lớn các di vật có giá trị như những bệ tượng, nhang án, khám thờ, ngai thờ, đồ tế khí, khánh, chuông, bia đá, sắc phong với những tư liệu lịch sử quý, có niên đại trải dài từ thời kỳ khởi dựng chùa cho đến ngày nay.

“Nhất vui là hội chùa Thầy”. Điểm nhấn ở lễ hội chùa Thầy (ngày 7 tháng 3 âm lịch, tương truyền là ngày thánh hóa) là trò múa rối nước đặc sắc cùng với nhà thủy đình độc đáo. Cũng theo tương truyền, sinh thời Từ Đạo Hạnh đã bày cho nhân dân trò rối nước và được các phường rối nước quanh vùng suy tôn là tổ nghề. Không chỉ thế, Từ Đạo Hạnh còn làm thuốc giúp dân chữa bệnh, dạy dân nhiều trò vui chơi. Và dân gian gọi chùa nơi ông tu là chùa Thầy, núi nơi ông hóa là núi Thầy… Qua bao năm vật đổi sao dời, hội chùa Thầy, thánh Từ vẫn thiêng trong tâm thức. Trong kho tàng ngạn ngữ dân gian vẫn truyền miệng câu“nắng ông Từ, mưa ông Gióng” – khi nào mở hội Gióng trời sẽ có mưa, khi nào mở hội thánh Từ (Đạo Hạnh) – hội chùa Thầy – trời sẽ có nắng.

Chùa Thầy với ngót ngàn năm lịch sử vẫn luôn là điểm di tích hấp dẫn du khách và các nhà khoa học. Trải qua bao cuộc bể dâu, những dấu tích văn hóa xưa vẫn được trao truyền gìn giữ. Nơi đất Phật, chùa thiêng còn là mảnh đất danh hương, tiêu biểu là dòng họ Phan Huy với nhà sử học, nhà bách khoa văn hóa Phan Huy Chú và con cháu ông nối tiếp sau này. Truyền thống đó cũng là vốn quý cho các thế hệ trẻ ở núi Thầy, chùa Thầy hôm nay phát huy để phát triển

 N.T

Theo Nhân Dân

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here